TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 27/12/2024

Tôn giáo với những vấn đề đặt ra trong quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam

00:16 30/10/2020
Logo header Sau gần 35 năm đổi mới ở nước ta hiện nay, quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và giai đoạn Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đi vào ổn định. Nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa được xây dựng theo hướng bền vững đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại. Trong gần ba thập kỷ trở lại đây, cùng với tốc độ phát triển không ngừng về mọi mặt của đời sống xã hội, đô thị hóa và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

VnEconomy thống kê, tính đến hết tháng 9 năm 2019 Việt Nam có 327 khu công nghiệp được thành lập, với 256 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, gần 3,7 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%. Các khu công nghiệp được hình thành có nhiều đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Tuy nhiên, tình trạng này cũng gây ra không ít những khó khăn và tiêu cực, bất cập, tác động ngoài mong muốn đến cộng đồng, môi trường sống, nạn ô nhiễm môi trường và thiếu tính bền vững cùng với các tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng… Đặc biệt hơn nữa, vấn đề nổi lên vô cùng phức tạp và nhạy cảm liên quan đến đời sống văn hóa tâm linh tôn giáo là quản lý xã hội tại các địa phương trong những khu công nghiệp đó. Bài viết sẽ cung cấp một cái nhìn sâu, rộng và toàn diện về sự tác động của tôn giáo trong quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở việt Nam hiện nay.

Giải quyết vấn đề
Điểm qua tình hình và hành lang pháp lý tôn giáo Việt Nam 

Việt Nam là quốc gia đa dạng về tôn giáo và tổ chức tôn giáo, theo thống kê của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến ngày 01 tháng 11 năm 2018, nước ta có 42 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Với tổng dân số nước ta hiện nay khoảng hơn 96.2 triệu người, trong đó tín đồ các tôn giáo chiếm khoảng 26.4% dân số và ước tính hơn 95% dân số chịu ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống. Sự phân bố tín đồ các tôn giáo trong tổng dân số cụ thể là: tín đồ Phật giáo chiếm 14.91% (Bắc tông chiếm đa số còn lại chỉ có 1,2% là tín đồ Nam tông Khmer và một phần nhỏ Nam tông Kinh và tín đồ Phật giáo hệ phái Khất sĩ), tín đồ Công giáo La Mã chiếm 7.35%, tín đồ Tin Lành chiếm 1.09%, tín đồ Cao Đài chiếm 1.16% và 1.47% là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Các nhóm tôn giáo nhỏ hơn cộng lại chỉ chiếm dưới 0.16% dân số, trong đó có khoảng 70.000 người dân tộc Chăm thực hành dòng đạo Hindu riêng biệt ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ; khoảng 80.000 tín đồ Hồi giáo sống rải rác trên cả nước (trong đó khoảng 40% theo dòng Sunni; 60% còn lại theo dòng Bani Islam); khoảng 3.000 người theo đạo Baha’i; và xấp xỉ 1.000 người là tín đồ thuộc Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ki tô (hay còn gọi là Giáo phái Mặc môn). Các nhóm tôn giáo bản địa (đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội, Phật Giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn) chiếm tổng cộng 0.34%. Một nhóm nhỏ, phần lớn là người nước ngoài, theo đạo Do Thái cư trú ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Sự biểu hiện của đời sống tôn giáo Việt Nam cùng với những biến đổi theo xu hướng thế tục gắn với sự phát triển và tiến bộ xã hội, các tôn giáo tích cực tham gia vào mọi hoạt động thực tiễn từ xã hội đến đạo đức, văn hóa, giáo dục, y tế… góp phần hướng đến một xã hội bình đẳng, công bằng, tiến bộ và văn minh. Hơn nữa, những quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta ngày càng thêm cởi mở, thông thoáng, tạo hành lang pháp lý cho các tôn giáo hoạt động. Từ Nghị quyết 24 NQ/TƯ (1990) của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, đến Nghị quyết số 25 NQ/TƯ (2003) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, cho đến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (2004) đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng ta: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Đến điều 24, Hiến Pháp năm 2013 và tiến tới hoàn thiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo (2016) với nội dung 9 chương và 68 điều, làm “văn bản pháp quy (lập pháp) cao nhất mang tính lâu dài và ổn định, giải quyết hài hòa hai yếu tố: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và sự quản lý, điều chỉnh của Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó, thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, chính là đảm bảo thật tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người”. Đây chính là cơ sở pháp lý cho tôn giáo, cá nhân và các tổ chức tôn giáo trong nước cũng như nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể: được sinh hoạt tôn giáo, tham gia các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; được sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung; được mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành Việt Nam, người nước ngoài thực hiện các nghi lễ tôn giáo, giảng đạo; được vào tu tại các cơ sở tôn giáo, học tại các cơ sở đào tạo tôn giáo, các lớp bồi dưỡng về tôn giáo của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; được mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo, thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam. Mặt khác, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đảm bảo nguyên tắc: “bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường”. 

Thể hiện những quan điểm đổi mới về công tác tôn giáo của Đảng, các quy định về đời sống, sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được cụ thể hóa thành những văn bản pháp luật chính là môi trường pháp lý mới đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước nói chung và tín đồ tôn giáo trong các khu công nghiệp nói riêng. 

Tôn giáo trong các khu công nghiệp ở Việt Nam (Qua trường hợp các điểm nhóm Tin lành). 

Đời sống tôn giáo ở nước ta, do những chính sách cởi mở và thông thoáng trong quan điểm của Đảng, đặc biệt từ Nghị Quyết 24 - NQ/TƯ (1990), đến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (2004)… và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016) đã tạo cho không gian niềm tin tâm linh trong một bộ phận không nhỏ công nhân tại nhiều địa phương của cả nước được chuyển biến, thiết lập thêm nhiều địa bàn hoạt động cũng như các cộng đồng truyền giáo trong cả người Việt Nam và người nước ngoài đang quản lý, lao động và làm việc trên địa bàn các khu công nghiệp.Tiêu biểu cho sự trỗi dậy của tôn giáo là các điểm nhóm Tin lành và một số hiện tượng tôn giáo mới được xuất hiện trong nhiều tổ chức kinh tế, nhà máy, xí nghiệp… “Đạo Tin lành ở Việt Nam bên cạnh việc duy trì địa bàn truyền thống ở phía Nam với trọng tâm là khu vực Tây Nguyên, các tổ chức Tin lành đang đẩy mạnh truyền giáo lan rộng ra cả nước với hướng chính là “Bắc tiến”. Trong từng vùng, miền, đạo Tin lành tiếp tục hướng đến các trung tâm đô thị lớn, vùng núi các tỉnh duyên hải miền Trung, vùng sâu xa của các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và những địa bàn mới nổi, chưa nhiều người biết đến Tin lành như: Nghệ An, Ninh Bình, Hưng Yên, Hòa Bình… Truyền giáo trong công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất cũng là một hướng đi mới của đạo Tin lành ở Việt Nam những năm gần đây, nhất là ở những khu công nghiệp do người Hàn Quốc, Hoa Kỳ đầu tư”. Có thể điểm qua về một số hội nhóm Tin lành được thành lập từ những năm 2000 cho đến nay đã xây dựng và phát triển thành tổ chức Hội thánh có quy mô lớn và thu hút được đông đảo công nhân tham gia, trở thành tín đồ Tin lành, lấy địa điểm sinh hoạt ngay trong chính các khu công nghiệp. Tiêu biểu ở một số vùng kinh tế trọng điểm có các khu công nghiệp thuộc cả ba miền Bắc - Trung và Nam. Vùng kinh tế trọng điểm miền Nam có các khu công nghiệp: Bình Thuận (8 khu công nghiệp), Đồng Nai (6 khu công nghiệp), Thành phố Hồ Chí Minh (22 khu công nghiệp); Bình Dương (28 khu công nghiệp); Long An (28 khu công nghiệp); Bà Rịa Vũng Tàu (13 khu công nghiệp), Tây Ninh (7 khu công nghiệp), Tiền Giang (5 khu công nghiệp), Bình Phước (12 khu công nghiệp). Trong các khu công nghiệp này đã có các điểm nhóm Tin lành sinh hoạt. Có thể kể đến như: Điểm nhóm Tin lành Thiên Bình được thành lập tháng 8 năm 2006 tại khu công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Đây là điểm nhóm do một số tín hữu từ Hội thánh Trương Minh Giảng (Thành phố Hồ Chí Minh) khởi xướng, duy trì truyền dạy Kinh Thánh cho tín hữu là công nhân tại khu công nghiệp vào mỗi chiều Chủ Nhật; Điểm nhóm Tin Lành khu công nghiệp Mỹ Phước - Bình Dương, do Mục sư Nguyễn Hồng Quang thuộc Hội thánh Mennonite khởi xướng năm 2014. Các tín hữu là những công nhân tại các công ty đang hoạt động trong khu công nghiệp như Công ty Giầy thể thao Diamond, công ty lắp ráp quạt điện công nghiệp Imani Coppola, Công ty TNHH Dae Kwang Apparel, Công ty TNHH Saehwa Bando vina co..ltd…; Điểm nhóm Tin lành khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương do Mục sư Nguyễn Tờn - Ủy viên Tổng Liên hội Hội Thánh Tin Lành Bình Dương xây dựng. Sau khi thành lập, điểm nhóm này do Mục sư Trần Văn Hiền - Trưởng Ban Đại diện kiêm nhiệm Điểm Nhóm. Hiện tại Điểm Nhóm có khoảng 60 tín hữu phần lớn là công nhân, người lao động từ khắp nơi về làm việc ở các khu công nghiệp lân cận; Điểm nhóm Hội thánh Tin lành công nhân Lê Minh Xuân được thành lập và có trụ sở xây dựng nhà thờ tại E7/17C Võ Hữu Lợi, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh do Mục sư Nguyễn Ngọc Dũng phụ trách. Đây là điểm nhóm ban đầu được thành lập chỉ bao gồm 20 tín hữu là công nhân trong khu công nghiệp này, được Mục sư Nguyễn Bá Nha - Chủ tịch Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam đỡ đầu về pháp nhân nên nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động sau bốn tháng thành lập.

Tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm các khu công nghiệp tại các tỉnh thành: Đà Nẵng (6 khu công nghiệp); Khánh Hòa (8 khu công nghiệp); Quảng Nam (13 khu công nghiệp); Quảng Ngãi (4 khu công nghiệp); Bình Định (5 khu công nghiệp); Phú Yên (9 khu công nghiệp); Gia Lai (3 khu công nghiệp); Đăk Nông (5 khu công nghiệp); Đăk Lăk (1 khu công nghiệp); Kon Tum (4 khu công nghiệp); Thanh Hóa (8 khu công nghiệp), Nghệ An (5 khu công nghiệp)… Điểm nhóm Tin lành Hoà Mỹ, thành phố Đà Nẵng do Mục sư Võ Quang Nhật phụ trách cũng truyền bá và thu hút được nhiều cơ đốc nhân đến từ các khu công nghiệp Liên Chiểu, Hòa Khánh, Hòa Cầm, Đà Nẵng. Hội thánh hàng tuần vào Chủ nhật đều duy trì truyền giảng Tin lành tại nhà thờ Tin Lành Hòa Mỹ, thành phố Đà Nẵng; Điểm nhóm Tin lành Hội An có trụ sở tọa lạc tại 114 Phan châu Trinh, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An do Mục sư Nguyễn Công Tâm Thiện phụ trách, cũng thu hút được nhiều tín đồ Tin lành là công nhân của khu công nghiệp Hội An; Điểm nhóm Tin lành Kà Long có trụ sở là nhà thờ Tin Lành Kà Long, xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, hiện có 300 cơ đốc nhân trong đó có hơn chục người là công nhân của khu công nghiệp Tịnh Phong, xã Tịnh Phong tham gia; Điểm nhóm Tin lành Dương Yên, thôn Dương Thạnh, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam do Mục sư Thái Phước Trường làm hội trưởng phụ trách. Tín hữu là một số công nhân thuộc các cụm công nghiệp Tây Nam; Điểm nhóm Tin lành Phước Thiện, trụ sở là nhà thờ Tin lành Phước Thiện, ấp Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi do Mục sư Trần Ngọc Anh phụ trách, thu hút được không ít cơ đốc nhân làm công nhân của các cụm công nghiệp trong khu vực đặc khu kinh tế Dung Quất tham gia. 

Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc có tổng số 62 khu công nghiệp, được phân bố ở nhiều tỉnh thành, trong đó Bắc Ninh (15 khu công nghiệp), thủ đô Hà Nội (14 khu công nghiệp), Hải Dương (11 khu công nghiệp), Vĩnh Phúc (5 khu công nghiệp), Hải Phòng (5 khu công nghiệp), Hà Nam (2 khu công nghiệp), Quảng Ninh (4 khu công nghiệp), Hưng Yên (5 khu công nghiệp), Bắc Giang (1 khu công nghiệp), Nam Định (2 khu công nghiệp). Hiện tại cũng xuất hiện một số điểm nhóm Tin lành tại các khu công nghiệp, tiêu biểu như: Hiện tại các Hội thánh Tin lành cũng đã có những hoạt động truyền bá trong các khu công nghiệp lớn ở miền Bắc như: Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh); Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam); Cộng Hòa (Chí Linh, Hải Dương); Tràng Duệ (Đình Vũ, Hải Phòng); Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội); Hòa Xá (Nam Định); Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội)... Sự phát triển và truyền bá rộng rãi của hai hệ phái là Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc và Hội thánh Tin Lành Lời sự sống Việt Nam đến những khu công nghiệp này, đặc biệt là trong các cụm công nghiệp có vốn đầu tư và nhân sự quản lý là người Hàn Quốc. Tại một số công ty của Hàn Quốc ở các khu công nghiệp, bên cạnh việc truyền đạo cho công nhân, họ còn mời cả các mục sư Tin lành đến tổ chức các khóa học Kinh doanh hiệu quả, thành lập các Câu lạc bộ Doanh nhân và hoạt động làm kinh tế của các tín đồ. Theo điền dã và phỏng vấn, quan sát của chúng tôi, tại một số khu công nghiệp lớn như: Thăng Long, Quang Minh (Hà Nội), Yên Phong (Bắc Ninh), Đồng Văn (Hà Nam)…tại các công ty của Hàn Quốc đầu tư có không ít công nhân theo đạo Tin Lành. Bởi, Hàn Quốc chính là một nước phần lớn người dân theo đạo Tin lành, tại nước này số lượng Cơ đốc nhân hiện nay đã chiếm hơn ¼ dân số Hàn Quốc. Ngày nay, Seoul - thủ đô Hàn Quốc - có nhiều Hội Thánh lớn hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới, 6 trong số 10 Hội thánh lớn nhất thế giới nằm ở đất nước này. “Sự tăng trưởng này khiến Cơ đốc nhân toàn cầu phải ngạc nhiên trước một Hàn Quốc vốn chống đối Tin Lành, mà nay lại là một trong những ‘nhà phân phối’ Phúc Âm lớn”. Một số công ty Hàn Quốc tại các khu công nghiệp này như: Tae Hung Sang sa Việt Nam; Seoul Metal Việt Nam; Lee sun vina; Heesung electronics Việt Nam; Hirose Korea.., Khi trao đổi với một Mục sư trực tiếp tham gia vào truyền bá văn hóa Tin lành cho công nhân tại một số công ty qua lời mời của chủ quản Hàn Quốc, chúng tôi nhận được ý kiến rằng: “Theo sự phát triển và yêu cầu của chủ quản người Hàn, Hội thánh mở một số buổi nói chuyện về Phúc Âm và mô hình lớp học quản trị kinh tế và nghệ thuật kinh doanh đã thu hút được nhiều công nhân, quản lý tham dự thuộc nhiều thành phần khác nhau như giới tính, tuổi tác, công việc, môi trường sống và cả về năng lực kinh tế. Trong số đó, còn rất nhiều người điều kiện kinh tế còn khó khăn”. Các lớp trao đổi về Tin lành và kinh tế, giảng viên không chỉ là mục sư mà còn cả những chủ quản người Hàn Quốc cũng như các các tín đồ Tin Lành người Việt Nam là chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Đó là những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh và họ có thể chia sẻ những tri thức và kinh nghiệm của mình một cách thiết thực nhất để giúp học viên có thể giải quyết những khó khăn trong quá trình làm kinh tế hay gây dựng sự nghiệp của mình. Bên cạnh đó, giảng viên của lớp học còn là các mục sư Tin Lành - những người giảng dạy cho học viên những nguyên tắc đạo đức, những giá trị của kỷ luật trong lao động từ nền tảng Kinh Thánh. Cũng thông qua một số ý kiến khác của các tín hữu Tin lành là công nhân, quản lý tại một số khu công nghiệp miền Bắc đang có sự truyền bá và phát triển của Tin lành chúng tôi được biết, không ít người đã từng làm việc và tiếp xúc với các ông chủ người Hàn Quốc, do vậy họ cũng biết đến với Tin lành và chịu ảnh hưởng từ chính ông chủ mình. Một nam quản lý 48 tuổi chia sẻ:  “Mình đang làm nhân sự công ty A của người Hàn Quốc. Giám đốc của mình là người Hàn và đồng thời là tín đồ Tin lành, mình có dịp tiếp xúc và được chính anh ấy chỉ bảo các kỹ năng quản lý trong công việc, giao tiếp và những điều từ cuộc sống bằng kinh nghiệm, ứng dụng lời Kinh Thánh. Mình thấy rất hay, ban đầu tò mò tìm hiểu, sau thấy thực sự cần thiết, mình đã ra nhập và sinh hoạt trong Hội thánh”. Còn một nữ tín hữu Tin lành, 36 tuổi là công nhân qua cuộc trò chuyện cũng chia sẻ cởi mở: “Thông qua cộng đồng các tín hữu Tin lành và Hội thánh mình được giúp đỡ rất nhiều. Các anh chị cùng làm với mình giờ đây không chỉ có mối liên hệ trong công việc mà còn tìm được tiếng nói chung trong đức tin. Mình tin vào những Phúc ân của lời Chúa, tin vào nghĩa vụ và trách nhiệm với bản thân thông qua lời Chúa, tin vào đội ngũ chủ quản là các ông chủ theo Tin lành người Hàn Quốc. Ở họ có sự ấm áp, có tinh thần làm việc, có trách nhiệm cũng như tình yêu thương đối với mọi người do Chúa ban tặng. Mình thực sự rất thích môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ công bằng, đối xử tôn trọng lẫn nhau, không có sự phân biệt nào đâu là chủ đâu là lao động làm thuê”.

Thông qua tình hình và thực trạng tôn giáo trong các khu công nghiệp hiện nay chúng ta thấy bên cạnh những tích cực mà các tôn giáo mang lại về lợi ích kinh tế cho đời sống công nhân cũng như cho đội bản thân các công ty, doanh nghiệp thì cũng không ít những vấn đề được nảy sinh gây khó khăn cho công tác quản lý các vấn đề xã hội từ phía các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. 

Đời sống tôn giáo và những vấn đề đặt ra trong quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp Việt Nam

Theo quan điểm của M.Weber “hệ quy chuẩn đạo đức - lối sống mang tính tôn giáo chi phối cuộc sống thường ngày cũng như những biến cố quan trọng trong vòng đời của cá nhân cũng như cộng đồng trên phạm vi đa quốc gia….nền đạo đức kinh tế của tôn giáo không chỉ là lý thuyết đạo đức, trích yếu thần học vốn chỉ là một phương tiện của nhận thức mà thôi, mà còn tập trung vào các xung lực, truyền động thực hiện hành vi của con người trong mối liên hệ tâm lý và thực hành của các tôn giáo”. Hay như nhận định về sự phát triển và xu hướng vận động của tôn giáo nói chung, Tin lành nói riêng đối với đời sống công nhân tại các khu công nghiệp ở Hàn Quốc, Nguyễn Đăng Bản cho rằng: “Giữa thời đại công nghiệp hóa nhanh chóng, số lượng nhân công lương thấp gia tăng, đặc biệt là những công nhân nữ thường xuyên bị cướp đi nhân quyền. Các nhà truyền giáo trong nhà máy cư xử thân mật với công nhân, cùng ăn trưa với họ, sau đó có một vài nghi lễ nhỏ. Thông qua hội mục sư công nghiệp, nhiều công nhân đã trở thành tín đồ đạo Tin lành. Tuy mang lại sự thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng hoạt động truyền giáo tại khu công nghiệp này cũng gây ra nhiều xung đột với chủ nhà máy và với chính phủ, nhiều nhà lãnh đạo giáo hội đã bị bắt và bị tống giam. Cuộc xung đột cũng tạo ra một cơ hội tốt cho các giáo sĩ Công giáo và mục sư Tin lành tiến lại gần nhau vì lời cầu nguyện và hành động chung cho những người bị đàn áp. Thuyết thần học gọi là Minjung bắt nguồn từ những nhà thần học Tin lành Hàn Quốc, nảy sinh sự trong niềm tin Phúc âm với trải nghiệm xã hội trong suốt những năm 70 và 80 của thế kỷ XX”.

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, đạo Tin Lành ở nước ta đã và đang đặt ra cho công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Trong quá trình thực hiện chính sách tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề tôn giáo nói chung và đạo Tin Lành nói riêng để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cho người dân và ổn định xã hội. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay ngoài 11 tổ chức Tin Lành đã được công nhận và đăng ký hoạt động còn có gần 80 tổ chức, nhóm phái Tin Lành chưa được công nhận. Để làm rõ những thực trạng đạo Tin Lành trong các tổ chức, nhóm phái chưa được công nhận hiện nay việc triển khai thực hiện Dự án là cần thiết và có ý nghĩa.

Thứ nhất: Trong quản lý vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp đặt ra là bất cứ sự truyền bá tôn giáo nào nói chung và Tin lành nói riêng cũng đều khiến cho các nhà quản lý tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị hay xử lý các hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Với lý do bảo vệ Tổ quốc, bảo lưu các tập tục tín ngưỡng truyền thống, cố kết dòng họ tộc người, cộng đồng và các lễ hội truyền thống, chính quyền địa phương quản lý tại các khu công nghiệp một số nơi có biện pháp bằng “mệnh lệnh, hành chính để giải quyết vấn đề tôn giáo”, đây là cơ sở để các thế lực thù địch bên ngoài đất nước có dịp tuyên truyền, kích động công nhân trong khu công nghiệp. Đỉnh điểm có thể gây nên những cuộc bạo loạn, những cuộc gây rối trật tự xã hội do tác động từ bên ngoài.

Thứ hai: Những vấn đề cởi mở trong tôn giáo, đặc biệt là từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016) được thực thi và đi vào thực tiễn cuộc sống, những vấn đề về mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi đối tượng, trong đó cả lao động, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng có quyền truyền bá, tổ chức sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật của Nhà nước. Chính điều này cũng gây ra những vấn đề quản lý xã hội rất phức tạp tại các khu công nghiệp, nơi tập trung không chỉ công nhân Việt Nam mà còn cả người nước ngoài, nhất là những công ty do người Hàn Quốc trực tiếp quản lý. Rất khó có thể nắm bắt được các hoạt động truyền giáo, bởi cũng không hiếm những chủ quản tại các khu công nghiệp là người nước ngoài nhưng đồng thời là nhà truyền giáo. “Theo thống kê năm 2006, Hàn Quốc là nước thứ hai trên thế giới có nhiều người ra đi truyền giáo, chỉ đứng sau Mỹ… Hơn nữa các Hội thánh Hàn Quốc luôn khích lệ tín hữu tham gia các chuyến truyền giáo ngắn hạn”. Do đó, đây chính là cơ hội cho tôn giáo nói chung và Tin Lành nói riêng phát triển và nảy sinh vô số những vấn đề xã hội phức tạp, thậm chí xuất hiện thêm nhiều tổ chức tôn giáo mới. Ví như trường hợp của Tin lành trong các khu công nghiệp sẽ xuất hiện một số hình thái mới. “Trong quá trình phát triển do đặc thù tự do giải thích Kinh thánh nên đạo Tin lành luôn có xu hướng hình thành nhiều tổ chức, hệ phái Tin lành mới. Trên thực tế, số lượng tổ chức Tin lành ở Việt Nam không phải tổ chức nào cũng có nguồn gốc hay mẫu hội ở nước ngoài. Một số tổ chức Tin lành hoàn toàn hình thành trong nước đã được thành lập như: Hội thánh Liên hữu Cơ Đốc Việt Nam, Hội thánh Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam, Hội thánh Ánh sáng thật…Đặc biệt, với phương thức “Việt đạo hóa” để phát triển tín đồ, các hệ phái Tin lành còn có sự tiếp biến với văn hóa, tín ngưỡng bản địa”. Bên cạnh đó, việc hướng đến truyền giáo trong cộng đồng đối tượng là công nhân sống tập trung ở các khu công nghiệp cũng được chú trọng.

Thứ ba: Việc truyền bá tôn giáo, như trường hợp Tin lành trong công nhân tại các khu công nghiệp cũng đặt ra những khó khăn trong quản lý các vấn đề xã hội như: Các mối quan hệ của tôn giáo (trường hợp Tin lành) ở Việt Nam ngày càng đa dạng, trong đó mối quan hệ với tôn giáo (Tin lành) thế giới nói chung và tại một số khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài (Tin lành Hàn Quốc) có xu hướng tăng lên. Từ góc độ quản lý các vấn đề xã hội cho thấy: “Các mối quan hệ của đạo Tin lành bao gồm: các quan hệ trong nước (với chính quyền, với các tôn giáo khác) và quan hệ ngoài nước (với “mẫu hội”, với tổ chức đồng đạo, với chức sắc người nước ngoài, tín hữu người nước ngoài, với cộng đồng người Việt ở nước ngoài…). Không ngoại trừ trường hợp các tổ chức Tin lành tư gia của công nhân do không đủ điều kiện đăng ký hoạt động tôn giáo đã liên kết với nhau thành lập các liên hiệp để gây sự chú ý và khẳng định thực lực của mình; đồng thời liên kết với các tổ chức đã có pháp nhân tổ chức các sự kiện tôn giáo lớn. Vì vậy, rất dễ bị lợi dụng và khó quản lý”. 

Thứ tư: Đặc biệt hơn tôn giáo đối với các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay còn phải kể đến các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài và lực lượng giáo sĩ người nước ngoài cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trong những năm gần đây, lực lượng giáo sĩ người nước ngoài vào Việt Nam nói chung và xuất hiện ở các khu công nghiệp hoạt động và truyền bá đạo Tin lành, thậm chí một số tôn giáo mới như “Hội thánh đức Chúa trời” của Hàn Quốc, không ngừng gia tăng. “Năm 2016 chỉ có 67 người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo thông qua con đường cấp phép của Ban Tôn giáo Chính phủ, thì năm 2017 đã tăng lên 195 lượt người, trong đó Hàn Quốc có 107 trường hợp, Mỹ có 65 trường hợp, Canada có 3 trường hợp, Singapore có 3 trường hợp và Pháp có 2 trường hợp”. 

Cuối cùng, tôn giáo đối với những vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp được đặt ra còn là xu hướng biến đổi và hình thành trong đời sống công nhân những tác động tiêu cực bên cạnh những mặt tích cực góp phần hình thành nên hệ giá trị mới, chung tay cùng các công ty, doanh nghiệp bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết các vấn đề từ thiện, an sinh xã hội thì cũng bộc lộ không ít những tiêu cực cho đạo đức xã hội tại các khu đông đảo công nhân sinh sống: “Trong xu thế mới, với chủ trương dân thân, nhập thế, bản thân các tôn giáo có nhiều biến đổi trên tất cả các phương diện từ niềm tin tôn giáo đến thực hành tôn giáo, làm thay đổi nhiều giá trị tâm linh tôn giáo truyền thống, gây tác động xấu tới đạo đức xã hội. Sự hình thành “thị trường tôn giáo” cùng các “dịch vụ tôn giáo” cộng thêm vào đó là xu hướng thương mại hóa các hoạt động tôn giáo làm cho một bộ phận tín đồ là công nhân tìm đến với các sinh hoạt tâm linh mang tính thực dụng, vụ lợi. Tâm lý mua bán, mặc cả với thần linh gia tăng trong các sinh hoạt tôn giáo ở nhiều nơi… Bên cạnh đó các hiện tượng cá nhân dối trá, lừa lọc để thăng quan, tiến chức, làm ăn phát tài, sau đó mang tiền của đến công đức, cúng tiến cho các tôn giáo xem như một việc làm chuộc lỗi của mình không còn là hiếm trong xã hội nói chung và trong đời sống của công nhân, cán bộ các khu công nghiệp ở nước ta nói riêng. Thực trạng đó đã và đang làm biến dạng hệ giá trị đạo đức tôn giáo và cung phần nào tác động biến dạng hệ giá trị đạo đức xã hội theo chiều hướng đi xuống”.

Kết luận

Tôn giáo trong đời sống xã hội nói chung và trong các khu công nghiệp ở Việt Nam nói riêng hiện nay luôn đặt ra những khó khăn không nhỏ trong việc quản lý các vấn đề xã hội. Tại các công ty, công nhân hay người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây, những vấn đề nổi bật là làm sao để có cơ chế và hành lang pháp lý phù hợp với các đối tượng này góp phần tăng cường sự quản lý cũng như nâng cao nhận thức đối với luật pháp nhà nước, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đấu tranh và chống lại mọi hành vi lợi dụng tôn giáo xúi giục công nhân biểu tình, gây bất ổn và ảnh hưởng đến tình hình chính trị trong nước. Hơn nữa, vấn đề lợi dụng tôn giáo của các cá nhân và tổ chức nhằm chống phá cách mạng, thực hiện diễn biến hòa bình, bôi nhọ, nói xấu Đảng và chế độ cũng là vấn đề được đặt ra. Đòi hỏi Đảng ta phải có những biện pháp thích hợp đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững, làm tốt mối quan hệ giữa tôn giáo - chính trị - kinh tế và luật pháp. 

TS. Vũ Văn Chung 
Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20

Bình luận: 0