TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 23/11/2024

Tổng hợp các FTA của Việt Nam hiện nay

13:38 23/04/2022
Logo header Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới có hơn 200 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Đây được coi là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập của các quốc gia với khu vực và thế giới.

Việc Việt Nam đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại  song phương và đa phương đã tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế,đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trong nước. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 545 tỷ USD trong năm 2020. Chỉ trong hai quý đầu năm 2021 ghi nhận 5 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và 25 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.Ví dụ như chỉ riêng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt khoảng 40,07 tỉ USD, tăng 14% sau hơn 1 năm có hiệu lực. Hơn nữa, trong năm qua, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 201.846 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 7,8 tỉ USD đi 27 nước EU. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi EVFTA được thực thi như: Tôm, gạo, hồ tiêu…

Tính đến tháng 7-2021, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó đặc biệt là Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện ba FTA thế hệ mới(1); trong đó, Hiệp định CPTPP kết thúc đàm phán khi Việt Nam là Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và gần đây Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm trong hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA)

Là một FTA đa phương giữa các nước trong khối ASEAN. AFTA được ký năm 1992 tại Singapore. Ban đầu có 6 nước là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (gọi chung là ASEAN-6). Các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (gọi chung là CLMV) tham gia AFTA khi được kết nạp vào ASEAN. Khu vực mậu dịch tự do là một hình thức liên kết quốc tế nhằm xây dựng và hình thành thị trường thống nhất tạo nền tảng kết nối và phát triển kinh tế khu vực. Những nước thuộc khu vực mậu dịch tự do sẽ được giảm hoặc xóa bỏ những rào cản thuế quan khi muốn đưa hàng hóa vào nước bạn Theo đó, sẽ thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan xuống 0-5%, loại bỏ dần các hàng rào thuế quan đối với đa phần các nhóm hàng và hài hòa hóa thủ tục hải quan giữa các nước.

Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)

ASEAN và Trung Quốc ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện tháng 11/2002. Hai bên tiếp tục đàm phán và ký kết các Hiệp định về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 02/2010). Tháng 11/2015, ASEAN và Trung Quốc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung và các Hiệp định liên quan, trong đó có nhiều nội dung cam kết mới về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Nghị định này có hiệu lực từ tháng 5/2016. Kể từ khi ACFTA có hiệu lực, thị phần của Trung Quốc trong tổng thương mại hàng hóa của ASEAN đã tăng từ 8% vào năm 2004 lên 21% vào năm 2018. Với dân số lớn và tiềm năng tăng trưởng cao, khu vực ASEAN tiếp tục mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Hiệp đinh Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA)

ASEAN và Hàn Quốc ký kết Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện năm 2005. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục ký kết 04 Hiệp định khác về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 6/2007), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ có hiệu lực từ tháng 5/2009, Hiệp định về Đầu tư có hiệu lực từ tháng 6/2009) nhằm hình thành Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc.

ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc, với kim ngạch thương mại đạt 143,8 tỷ USD vào năm 2020, tăng hơn gấp đôi so với mức 61,8 tỷ USD của năm 2006. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang khối ASEAN đạt 89 tỷ USD vào năm ngoái, tăng mạnh so với mốc 32,1 tỷ USD vào năm 2006. Trong Hiệp định AKFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 86% tổng số dòng thuế vào năm 2018, 14% tổng số dòng thuế còn lại sẽ: giảm thuế về 5% vào thời điểm cuối lộ trình (năm 2021), và cắt giảm một phần thuế suất vào 2021 hoặc giữ nguyên thuế suất MFN

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)

Ký ngày 03/4/2008, có hiệu lực từ ngày 15/8/2008. Tính đến ngày 01/4/2015, Nhật Bản đã xóa bỏ thuế quan đối với 923 dòng các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Đến năm 2019, sẽ có thêm 338 dòng thuế nông nghiệp khác sẽ được xóa bỏ thuế. Đến cuối lộ trình vào năm 2026, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 96,45% tổng số các dòng thuế đối với hàng Việt Nam (chủ yếu nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử…).

Theo dữ liệu do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổng hợp, thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN đứng ở mức 214 tỷ USD vào năm 2019, với nhập khẩu (108 tỷ USD) vượt quá xuất khẩu (106 tỷ USD), giảm so với tổng số 226,5 USD tỷ USD năm 2018. ASEAN luôn là một khu vực thu hút sự quan tâm của Nhật Bản. Tính đến năm 2018, có khoảng 13.000 công ty Nhật Bản hoạt động trong khu vực này và hơn 200.000 công dân Nhật Bản sống và làm việc trong khối 10 quốc gia ASEAN

Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)

Đây là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam, ký kết ngày 25/12/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/10/2009. Việt Nam và Nhật Bản dành nhiều ưu đãi cho nhau hơn so với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP). VJEPA không thay thế AJCEP mà cả hai FTA cùng có hiệu lực, doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng FTA nào có lợi hơn. Về mức cam kết chung trong vòng 10 năm kể từ khi thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hóa đối với khoảng 87,66% kim ngạch thương mại và Nhật Bản cam kết tự do hóa đối với 94,53% kim ngạch thương mại.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản 4 tháng đầu năm 2021 tăng 2,67% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 6,6 tỷ USD. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là nông sản có mức tăng trưởng xuất khẩu cao, như hạt tiêu tăng 35,23%, hạt điều tăng 20,35%, cà phê tăng 14%

Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)

 Được ký kết ngày 08/10/2003. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục ký kết các Hiệp định về Hàng hóa, Hiệp định về Dịch vụ (có hiệu lực 01/7/2015) và Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực 01/7/2015) nhằm hình thành Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ.

Số liệu thống kê cho thấy: Giai đoạn từ năm 2008 – 2009, giá trị kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường này còn khiêm tốn, lần lượt đạt 389 triệu USD và 420 triệu USD. Sau khi hiệp định có hiệu lực, con số này đã tăng trưởng vượt bậc lên tới 992 triệu USD, tăng trên 136% so với năm 2009. Về nhập khẩu, 5 năm qua, Ấn Độ luôn là 1 trong 10 quốc gia có tổng kim ngạch NK lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 2% tổng trị giá hàng hóa NK của cả nước. 9 tháng đầu năm 2015, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt 3,84 tỷ USD. Đánh giá của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), các mặt hàng XK của Việt Nam ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành hàng cũng như tăng về trị giá XK, tạo được thương hiệu, chỗ đứng và niềm tin đối với người tiêu dùng Ấn Độ. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng ưu đãi từ cam kết giảm thuế của Chính phủ Ấn Độ trong khuôn khổ hiệp định ngày càng tăng.

Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia và New Zealand (AANZFTA)

 Ký kết ngày 27/02/2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Đây là thỏa thuận thương mại tương đối toàn diện, bao gồm rất nhiều cam kết về hàng hóa, dịch vụ (gồm cả dịch vụ tài chính và viễn thông), đầu tư, thương mại điện tử, di chuyển thể nhân, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và hợp tác kinh tế… Tổng giao dịc kinh tế giữa ASEAN và Australia tăng nhẹ ở mức 1,2%, từ 86,8 tỷ USD năm 2018 lên 87,8 tỷ USD trong năm 2019, trong khi đó thương mại hai chiều giữa ASEAN và New Zealand tăng 6,6% từ 11,4 tỷ USD năm 2018 lên 12,1 tỷ USD năm 2019 (dựa trên số liệu thống kê từ phía Australia và New Zealand). Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Australia vào ASEAN trong năm 2019 đạt 32,6 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng đầu tư nước ngoài của nước này. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài của New Zealand vào ASEAN năm 2019 đạt 560 triệu USD, chiếm 3,2% đầu tư nước ngoài của nước này.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Chi Lê (VCFTA):

 Được ký kết ngày 11/11/2011 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. FTA này chỉ bao gồm các cam kết về hàng hóa và các vấn đề liên quan đến hàng hóa, không bao gồm các cam kết về dịch vụ, đầu tư… Đây là FTA đầu tiên của Việt Nam với một quốc gia châu Mỹ.

 10 năm sau ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA), quan hệ thương mại song phương đã tăng đáng kể. VCFTA đã giúp thương mại song phương tăng trưởng trung bình 6,5%. Theo thống kê của Chile, năm 2020, bất chấp bối cảnh đại dịch do COVID-19 gây ra, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,06 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2019, trong khi thương mại của Chile với thế giới giảm năm 2020 6,4%.

Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của Chile sang Việt Nam là: Gỗ thông xẻ, đạt 60 triệu USD; tiếp theo là cá hồi Thái Bình Dương với giá trị 19 triệu USD; cá hồi vân với giá 17 triệu USD; Cá hồi Đại Tây Dương 17 triệu USD; và bột cá giá trị 17 triệu USD... Xuất khẩu trái cây của Chile sang Việt Nam đạt 13 triệu USD, giảm đáng kể -33% so với năm 2019. Tương tự như vậy, xuất khẩu rượu vang đóng chai của Chile còn 5,4 triệu USD, với mức giảm -51% so với năm 2019.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)

Được ký kết ngày 05/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. So với FTA ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), trong VKFTA Việt Nam và Hàn Quốc dành thêm nhiều thời gian ưu đãi cho nhau trong cả lĩnh vực hang hóa, dịch vụ và đầu tư. VKFTA không thay thế AKFTA mà cả hai FTA này đều cùng có hiệu lực và doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng FTA nào có lợi hơn.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) là FTA mang tính toàn diện, có mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, Hiệp định gồm 17 chương, 208 điều, 15 phụ lục và 1 thỏa thuận thực thi qui định. Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hoá, Thương mại Dịch vụ (bao gồm các Phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân), Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Qui tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kĩ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Hợp tác kinh tế, Thể chế và Pháp lí.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA)

Hiện tại bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) ký kết ngày 29/5/2015, có hiệu lực từ ngày 05/10/2016. Đây là FTA đầu tiên của EAEU nên các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu vào đây.

Theo thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam), hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu sang EAEU; trong đó, khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại...  Nếu như giai đoạn 2011 - 2015 khi chưa có FTA VN - EAEU, tăng trưởng kim ngạch thương mại trung bình hằng năm giữa hai bên chỉ đạt khoảng 5% thì kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, con số này hiện đạt gần 30%. Theo Ủy ban Kinh tế Á - Âu, từ tháng 10-2016 đến tháng 6-2017, thương mại giữa các nước EAEU và Việt Nam tăng 11,8% so với cùng kỳ các năm 2015 - 2016, trong đó, kim ngạch thương mại của Belarus với Việt Nam tăng 23,3%, Nga tăng 5,5% (5). Năm 2017, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU đạt 3,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với năm 2016 (6).

Năm 2018, tăng trưởng thương mại tiếp tục ở mức cao, đạt 13% ngay cả khi có nhiều bất ổn trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu từ các nước EAEU vào Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ; ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam vào các nước EAEU lại có dấu hiệu tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2020, trước diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch hai chiều trong 10 tháng năm 2020 đạt 10,34 tỷ USD, tăng 17,98%. Điều này cho thấy, thị trường khu vực EAEU vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Có tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên TPP (không bao gồm Mỹ). CPTPP đã được 7 nước thành viên phê chuẩn, gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Việt Nam và đã chính thức có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng 3 năm 2018, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ đô-la Mỹ lên 80 tỷ đô-la Mỹ, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động khác, CPTPP có thể tạo ra mức tăng trưởng bình quân từ 4% - 5% và mức tăng xuất khẩu có thể đạt từ 8,7% - 9,6%. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 lao động. Đối với lợi ích về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đô-la Mỹ/ngày. Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi.

Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA)

 được ký kết ngày 12/11/2017, AHKFTA chính thức có hiệu lực với Hồng Kông (Trung Quốc) và 5 nước thành viên ASEAN (bao gồm Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) kể từ ngày 11/6/2019.

Ghi nhận tổng giá trị giao dịch hàng hóa giữa ASEAN và Hong Kong đạt 111 ngàn tỉ USD trong năm 2019, tương đương 3,9% tổng lượng giá trị giao dịch thương mại của toàn khối ASEAN trong năm 2019. Năm 2019, Hong Kong xếp thứ 7 trong số các đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Trong khi đó, tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Hong Kong rót vào ASEAN đạt khoảng 11,3 ngàn tỉ USD, tương đương 7% tổng FDI của ASEAN trong cùng thời kì.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)

Là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Bắt đầu đàm phán từ tháng 6/2012; kết thúc đàm phán tháng 12/2015; đến tháng 6/2018, EVFTA được tách làm hai; Hiệp định Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) được thông qua tháng 6/2020. Sau hơn một năm đi vào triển khai, Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU  (EVFTA) đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, so với các Hiệp định FTA đã có hiệu lực, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với Hiệp định EVFTA là tương đối cao (30.19% doanh nghiệp được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết trong EVFTA so với mức trung bình 22,95% ở các FTA khác).

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào tối 29/12/2020. Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Sau một thời gian ngắn thực hiện Hiệp định, thương mại song phương đạt hơn 6 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên đều tăng ở 2 con số, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng 16,4%, ngược lại xuất khẩu của Anh sang Việt Nam tăng 23,6% so với thời gian trước khi có Hiệp định. Tính đến tháng 11 năm 2021, Vương quốc Anh có tổng cộng 447 dự án đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, chiếm 1,3% số dự án FDI của cả nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt gần 4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 05 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a và Niu-Di-lân ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Đây là Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác chính thức có hiệu lực, tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới theo quy mô kinh tế. tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Hoàng Thế Hải

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022

Bình luận: 0