TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 25/04/2024

Tri ân anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên

17:25 15/07/2021
Logo header Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Vị Xuyên - Hà Giang là một trong những mặt trận khốc liệt nhất. Ngày 12/7/1984 là ngày diễn ra trận chiến khốc liệt nhất tại mặt trận biên giới Hà Giang. Cũng từ đó, ngày 12/7 trở thành ngày giỗ trận của Sư đoàn 356, khi chỉ trong 1 ngày có 600 chiến sĩ hy sinh.

Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại không gì có thể bù lấp được. Tháng Bảy hàng năm, đồng bào cả nước lại nhớ đến những người lính đã quên mình vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho quê hương đất nước. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người vợ khắc khoải chờ chồng, những người mẹ mòn mỏi chờ mong những đứa con ra đi không hẹn ngày về.

Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (Ảnh Phạm Văn Đức)

Thắng lợi trong cuộc chiến biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc thêm một lần nữa khẳng định ý chí và sức mạnh của Việt Nam triệu người như một chống giặc ngoại xâm. Vị Xuyên là huyện lớn nằm ở vùng lõm miền biên giới Bắc - Tây Bắc tỉnh Hà Giang. Diện tích rộng gần 1600 km2, rừng núi dày đặc ở biên cương Vị Xuyên tạo thành hệ thống phòng thủ tự nhiên khá lợi hại tuy nhiên không vì thế mà tránh khỏi xâm lăng. Từ xa xưa, Vị Xuyên thường trở thành tuyến đầu cản những đạo quân hùng mạnh từ phía Bắc tràn sang và cũng ngay chính tại nơi đây đã nhiều lần chứng kiến quân thù kinh hồn bạt vía thất trận, tháo chạy trở về. Năm 1979, do vị trí địa - quân sự hiểm hóc, Vị Xuyên làm mũi nhọn giữ vững mặt trận Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập từ 1976 - 1991). Những năm 1984 - 1989, Vị Xuyên tiếp tục vị trí chiến lược địa - quân sự, trở thành trận tuyến nóng bỏng, ác liệt kéo dài duy nhất trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Trong tháng 4 và tháng 5 năm 1984, Địch đã mở nhiều chiến dịch, đợt pháo kích lớn, bắn hàng chục ngàn quả đạn pháo, đạn cối vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, gồm: Hà Tuyên (nay là Hà Giang, Tuyên Quang), Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai, Yên Bái) và Lai Châu. Sau đó, quân địch tiếp tục đánh chiếm hàng chục điểm cao thuộc chủ quyền nước ta. Trước tình hình này, cuối tháng 6/1984, ta quyết định tổ chức tiến công để giành lại những điểm cao đã bị địch chiếm đóng. Ngày 12/7/1984, cùng với các sư đoàn 312, 316, 313, Sư đoàn 356 thực hiện chiến dịch MB84 tại Vị Xuyên. Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 đánh cao điểm 772; Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đánh cao điểm 233; Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 đánh cao điểm 1030. Theo tư liệu của Sư đoàn 356, trong trận đánh lịch sử chống giặc ngoại xâm ngày 12/7/1984, hơn 600 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, ngày 12 tháng 7 hàng năm được các Cựu chiến binh Sư đoàn 356 gọi là ngày “Giỗ trận”. Mặt trận Vị Xuyên từ sau ngày 12/7/1984 không lúc nào ngơi tiếng súng. Cuối năm 1984, đầu năm 1985, hai bên huy động hỏa lực lớn, giao tranh quyết liệt để giành giật từng cao điểm và bình độ 300 - 400. Tháng 10/1984, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Hoàng Đan, Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, Trung đoàn 153 đánh lấn dũi trong vòng hơn 3 tháng, tái chiếm và giữ vững được cao điểm 685. Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc từ 1984 - 1989. Gần 40 năm trôi qua, ở chiến trường Vị Xuyên xưa vẫn còn hàng nghìn quả bom, mìn chưa được rà phá, hàng nghìn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và quy tập. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - nơi an táng hơn 1.800 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đoàn công tác đã thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hiến dâng cả tuổi thanh xuân vì toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tháng 7, đồng bào ta lại hướng lòng mình về những nơi biểu trưng cho quá khứ hào hùng, cho sự hy sinh lẫm liệt vì đất nước. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị, ngã ba Đồng Lộc, hay mảnh đất Vị Xuyên đau thương trong cuộc chiến biên giới phía Bắc... tất cả đều nhắc nhở cho mỗi người chúng ta sống trong hòa bình ngày hôm nay luôn biết ơn, tự hào về những sự hi sinh của ông cha ta để Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn

Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 70 - 21

Bình luận: 0