TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 14/12/2024

Triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử trên quy mô toàn quốc

17:38 15/07/2021
Logo header Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022

Sáng 10/7 vừa qua, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn quốc. Sự kiện do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam trong việc kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm, không chỉ đất nước chúng ta, mà cả thế giới không thể lường trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn. Trong bối cảnh đó, vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch COVID-19. Với tầm nhìn xa và giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện chiến lược vắc xin. Chiến lược vắc xin tập trung vào các nội dung chính bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vắc xin trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vắc xin cho Nhân dân. Để thực hiện được việc đó, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Thủ tướng cũng nhấn mạnh thêm, sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, chúng ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Đăng ký tiêm chủng tại cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn

Trước đó, vào ngày 08/7 Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 năm 2021 - 2022. Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội. Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại với 2,84 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm tai 214 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính đến ngày 25/6/2021). Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin qua nhiều kênh khác nhau. Khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng này được cam kết phân bổ cho Việt Nam trong đó có 38,9 triệu liều từ Chương trình COVAX Facliliy và khoảng 5 triệu liều từ các quốc gia khác, bên cạnh đó là 32 triệu liều từ việc ký hợp đồng mua từ Pfizer/BioNTech và 30 triệu liều AZ từ VNVC. Nước ta hiện đang phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Cùng với đó, để đạt mục tiêu này và trong bối cảnh vắc xin về Việt Nam với số lượng lớn trong thời gian tới, chúng ta cần tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và nhiều bộ, ngành. Chiến dịch tiêm chủng này phải được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế. Chiến dịch sẽ được triển khai từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022, tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tại tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động).

Trong kế hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ: Đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế. Cụ thể gồm 16 nhóm đối tượng, trong đó có cán bộ y tế; Người tham gia công tác phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, người làm công tác truy vết, làm việc ở khu cách ly, điều tra dịch tễ...); Lực lượng Công an; Lực lượng Quân đội; Cán bộ ngoại giao, giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước)… ; Người mắc bệnh mạn tính, Người trên 65 tuổi; Người sinh sống ở vùng có dịch; Người nghèo, các đối tượng chính sách, người bán hàng ăn, buôn bán ở chợ, xây dựng, lao động tự do; Người được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài...; Các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế...

Chiến dịch cũng được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, trong đó ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố là các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch; Các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư và các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi tiêm, Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian vừa qua cũng đã cho ra đời ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để những người có nhu cầu tiêm đăng ký online, theo dõi phản ứng và quản lý sức khỏe sau tiêm. Đây là ứng dụng di động dành cho người dân được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Được xây dựng với mục tiêu giúp người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân, ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” đã được cung cấp cho các thiết bị sử dụng hai hệ điều hành phổ biến là Android và iOS. Ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và Hệ thống quản lý và chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cùng là hai nền tảng được Trung tâm công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia khuyến nghị sử dụng để vừa hỗ trợ tiêm chủng vắc xin COVID-19 nhanh, an toàn, thuận tiện vừa tạo lập dữ liệu sức khỏe điện tử cho người dân.

Để đăng ký tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 qua phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử”, người dân sử dụng smartphone có thể tải và cài đặt app “Sổ sức khỏe điện tử” từ các kho ứng dụng Google Play và Apple Store. Sau khi đã tải và cài đặt ứng dụng, người dùng cần đăng ký tài khoản theo bốn bước: Mở ứng dụng; Nhấn vào biểu tượng “Đăng ký”; Nhập các thông tin đăng ký gồm họ và tên, số điện thoại, mật khẩu và nhấn vào biểu tượng “Tiếp theo” để lưu thông tin đăng ký tài khoản. Tại màn hình trang chủ của ứng dụng, người dùng chọn chức năng “Đăng ký tiêm” và nhập các thông tin đăng ký tiêm, sau đó nhấn “Tiếp tục” để chuyển sang giao diện “Tiền sử tiêm”. Tại giao diện “Tiền sử tiêm”, điền các thông tin và lựa chọn tiếp tục để chuyển sang giao diện “Phiếu đồng ý”. Cuối cùng hãy đọc các thông tin tại giao diện “Phiếu đồng ý”, tích chọn vào ô đồng ý tiêm chủng và nhấn “Xác nhận” để đăng ký tiêm.

Ngoài ra, để đăng ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm, người dân cũng có thể truy cập cổng thông tin tiêm chủng https://tiemchungcovid19.gov.vn và làm theo hướng dẫn. 

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 70 - 21

Bình luận: 0