TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Văn Lâm - Hưng Yên: Cần làm rõ những bất cập trong việc giao khoán đất tại xã Trưng Trắc (Kỳ 2)

16:40 09/04/2020
Logo header Bằng chứng ghi nhận việc quản lý và sử dụng đất hợp pháp của ông Đào Thế Phương đối với thửa đất thuộc khu vực hành lang bên trong kênh C2 thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đó là Hợp đồng giao khoán thầu số 09/HĐGK-HLLĐ mà ông này đã ký với UBND xã Trưng Trắc từ thời đểm năm 2010 đến nay vẫn còn hiệu lực. Việc UBND xã Trưng Trắc đơn phương chấm dứt Hợp đồng nêu trên không những làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người liên quan, mà còn có biểu hiện vi phạm luật định.

Khu đất ông Đào Thế Phương đã nhận khoán của UBND xã Trưng Trắc sau khi bị cưỡng chế vi phạm

UBND xã Trưng Trắc có vi phạm Hợp đồng giao khoán thầu đã ký hay không?

Điều 483, Bộ Luật dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán, và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê”. Đối tượng của hợp đồng thuê khoán được căn cứ theo Điều 484 của Luật này, bao gồm: “Có thể là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Về việc giao tài sản thuê khoán, được quy định tại Điều 487 như sau: “Khi giao tài sản thuê khoán, các bên phải lập biên bản đánh giá tình trạng của tài sản thuê khoán và xác định giá trị tài sản thuê khoán. Trường hợp các bên không xác định được giá trị thì mời người thứ ba xác định giá trị và phải lập thành văn bản”. Trong trường hợp muốn đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán thì căn cứ theo Điều 492: “1. Trường hợp một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý; nếu thuê khoán theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác thì thời hạn báo trước phải phù hợp với thời vụ hoặc chu kỳ khai thác; 2. Trường hợp thuê khoán vi phạm nghĩa vụ mà việc khai thác đối tượng thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán và việc tiếp tục thuê khoán không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê khoán thì bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bên thuê khoán phải cam kết với bên cho thuê khoán không được tiếp tục vi phạm hợp đồng”.

Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Điều 418, Bộ Luật dân sự 2015 quy định về thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng như sau: “1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm; 2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác; 3. Các bên có thể thỏa thuận về việc vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm, vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”. Các thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng được quy định tại Điều 419 của Luật này, bao gồm: “1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ Luật này; 2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại; 3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc”.

Căn cứ theo các Điều Luật được trích dẫn, nêu trên, đối chiếu với Hợp đồng giao khoán thầu số 09/HĐGK-HLLĐ giữa UBND xã Trưng Trắc ký với ông Đào Thế Phương thì có thể xác định rằng UBND xã Trưng Trắc đại diện của bên cho thuê khoán tài sản; ông Phương là bên thuê khoán tài sản; đối tượng của hợp đồng này là khu vực đất hành lang bên trong kênh C2 thôn Ngọc Lịch. Tuy nhiên nếu căn cứ vào các tài liệu, giấy tờ mà UBND xã Trưng Trắc cung cấp cho phóng viên thì có thể thấy tại các thời điểm ký hợp đồng vào năm 2010 và năm 2015 không có Biên bản giao tài sản thuê khoán (theo Điều 487, BLDS 2015). Như vậy đồng nghĩa với việc UBND xã Trưng Trắc còn thiếu sót trong việc hoàn tất thủ tục cho thuê khoán tài sản đối với người thuê khoán tài sản. Việc không có (không lập) biên bản giao tài sản thuê khoán đối với hợp đồng giao khoán thầu nêu trên sẽ khiến các bên có liên quan không thể xác định được tình trạng biến động của tài sản giao khoán thầu (như bài phân tích đăng trên Tri Thức Xanh số 4-20, ra ngày 02/04/2020). Cũng bởi không đủ bằng chứng xác định được tình trạng đất giao khoán thầu tại thời điểm ký hợp đồng với thời điểm hiện tại, nên việc UBND xã Trưng Trắc cho rằng ông Phương đã có hành vi tự ý xây dựng công trình trên đất được giao khoán thầu là biểu hiện của sự quy chụp, chuyên quyền; ngay cả việc sử dụng Biên bản vi phạm hành chính số 0000148/BB-VPHC, quyển số 0006 do Cục Quản lý đường bộ 1 lập ngày 10/01/2019 để làm căn cứ đưa ra mức độ xử lý vi phạm đối với ông Phương thời điểm năm 2018 cũng là hết sức vô lý, thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết pháp luật của người đại diện chính quyền xã Trưng Trắc khi ký bản hợp đồng và ra quyết định xử lý vi phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với người nhận khoán thầu là ông Phương. Với những biểu hiện thiếu tôn trọng luật pháp, cũng như đối tác đã ký hợp đồng của UBND xã Trưng Trắc, ông Phương hoàn toàn có thể tố cáo vượt cấp hoặc gửi đơn khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Một giả thiết đặt ra rằng: nếu như ông Phương có tự ý xây dựng công trình tạm trên đất được giao khoán thầu đi chăng nữa (hành vi này được cho là vi phạm các điều khoản ghi trong Hợp đồng giao khoán thầu số 09/HĐGK-HLLĐ), thì phải chiểu theo các Điều 418, 419 BLDS 2015 để xác định mức độ vi phạm nhằm đưa ra mức thiệt hại được bồi thường thì mới được coi là xử lý đúng luật pháp. Tuy nhiên trong trường hợp này, dù không đủ căn cứ pháp lý để xác định hành vi vi phạm của ông Đào Thế Phương, nhưng UBND xã Trưng Trắc đã dùng quyền của mình để hành người dân, cụ thể như: Ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thiếu căn cứ, thiếu nội dung, thông tin vi phạm (không phù hợp quy định tại các Điều 56, 57 và 58 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP), sau đó lại tiến hành cưỡng chế tài sản trong khu vực đất đã giao khoán cho người dân, và cuối cùng là đơn phương chấm dứt Hợp đồng giao khoán thầu; trong khi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không được tôn trọng dựa trên các thỏa thuận đã ký (Điều 5 của Hợp đồng giao khoán thầu số 09/HĐGK-HLLĐ) và các quy định của pháp luật; Nếu xác định mức độ thiệt hại của các bên trong sự việc này (theo Điều 419, BLDS 2015) thì có thể thấy, UBND xã Trưng Trắc không có bất cứ một thiệt hại gì cả, ngược lại ông Phương (người nhận khoán thầu) lại thiệt hại quá nặng nề. Ông Phương cho biết: “Công việc và nguồn thu chính của ông là từ việc chăm sóc và kinh doanh cây cảnh. Chính vì thế mà ông mới thuê khoán đất của UBND xã Trưng Trắc. Theo định kỳ, việc nộp tiền thuê ông vẫn thực hiện đầy đủ, cũng không có biểu hiện gì của việc vi phạm pháp luật trong suốt những năm trồng vườn, kinh doanh trên khu đất nhận khoán này”; còn tại UBND xã Trưng Trắc, người đứng đầu xã lại có quan điểm rất thiếu trách nhiệm là: Sau khi chúng tôi tiến hành cưỡng chế các vi phạm về hành chính đối với khu đất giao khoán cho ông Phương, nhận thấy ông Phương như thế là vi phạm hợp đồng giao khoán thầu nên UBND xã đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên cho đến hiện nay, xã vẫn chưa quản lý lại khu đất đó, trên đó vẫn còn tài sản là cây trồng của ông Phương.

Từ những phân tích nêu trên, với quan điểm và cách xử lý của UBND xã Trưng Trắc như vậy liệu có được cho là thấu tình, đạt lý, là thượng tôn pháp luật hay không? Ông Phương thì từ khi bất ngờ bị đối tác ký kết hợp đồng giao khoán quy chụp cho những vi phạm, việc kinh doanh của ông tại khu đất này bị ngắt quãng, ông cũng không còn đi lại để quản lý khu đất nữa mà tìm đường đi tìm công lý. Còn UBND xã Trưng Trắc, sau khi hoàn tất được chủ ý của mình, cũng bỏ ngỏ khu đất vì cho rằng quyền lực trong tay mình, tự thanh lý hợp đồng xong rồi đợi đến khi chính thức hợp đồng hết hạn thì dù muốn hay không, ông Phương cũng chẳng thể làm gì được. Hồi kết sẽ ra sao nếu cấp có thẩm quyền cao hơn không vào cuộc, không xem xét sự việc dựa trên hành lang pháp lý? Tri Thức Xanh sẽ phối hợp cùng có cơ quan liên quan nhằm làm rõ sự việc.

Huy Thịnh – Lê Dũng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 05 - 20

Bình luận: 0