Xây dựng khung khổ pháp luật về đấu thầu "gỗ hợp pháp" (kỳ 1)
Kỳ 1: Những vấn đề chung về khung khổ pháp luật
Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (viết tắt là VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ 01/06/2019. Mục tiêu cốt lõi của Hiệp định là thực hiện chuỗi cung gỗ hợp pháp và quản trị rừng bền vững ở Việt Nam, qua đó bảo đảm các mục tiêu môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam cũng như của EU trong quan hệ thương mại về gỗ với Việt Nam
Một trong các nghĩa vụ của Việt Nam theo Hiệp định là bảo đảm tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ được tiêu thụ tại thị trường trong nước, trong đó có sản phẩm gỗ mua sắm theo thủ tục đấu thầu. Pháp luật đấu thầu của Việt Nam hiện chưa có quy định nào để bảo đảm gỗ hợp pháp theo yêu cầu của VPA-FLEGT. Do đó, về mặt pháp lý, cần thiết phải ban hành quy định hướng dẫn về đấu thầu để bảo đảm gỗ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ. Đồng thời, điều này cũng là cần thiết để thực thi các mục tiêu môi trường của Việt Nam, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội liên quan khác ở trong nước cũng như trong công tác đối ngoại.
1. Về sự cần thiết của việc xây dựng khung khổ pháp luật về gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ
Sau khi Hiệp định VPA-FLEGT có hiệu lực, pháp luật đấu thầu là một trong những hệ thống phải được rà soát để đánh giá mức độ tương thích với Hiệp định và điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để thực thi Hiệp định, nếu cần. Kết quả rà soát pháp luật về đấu thầu cùng với thực tiễn hoạt động đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ ở Việt Nam với cam kết VPA-FLEGT cho thấy cần thiết phải xây dựng một khung khổ pháp lý mới về gỗ hợp pháp trong đấu thầu.
Sự cần thiết từ góc độ chính sách
Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định VPA-FLEGT ban hành kèm theo Quyết định số 1624/QĐ-TTg ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đã nêu rõ nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về mua sắm công liên quan tới gỗ và sản phẩm gỗ. Nói cách khác, trong định hướng tổng thể về các hoạt động xây dựng pháp luật trong thực thi VPA-FLEGT, Chính phủ Việt Nam đã tính tới khả năng về việc phải xây dựng các quy định pháp luật mới về đấu thầu gỗ, sản phẩm gỗ bảo đảm yêu cầu cốt lõi của VPA-FLEGT về gỗ hợp pháp.
Mục tiêu này được nhận diện một cách rõ ràng hơn với Công văn số 713/VPCP-CN ngày 01/02/2020 nêu ý kiến của Lãnh đạo Chính phủ về giải pháp kiểm soát tính hợp pháp của gỗ trong đấu thầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan “khẩn trương quy định cụ thể tiêu chí xác định tính hợp pháp của gỗ trong đấu thầu mua sắm gỗ để thực thi Hiệp định VPA-FLEGT”.
Như vậy, từ góc độ định hướng chính sách cho vấn đề này, Chính phủ có yêu cầu rõ ràng về việc phải ban hành các quy định pháp lý để kiểm soát và bảo đảm gỗ và các sản phẩm gỗ trong đấu thầu là gỗ hợp pháp theo đúng yêu cầu của VPA-FLEGT.
Sự cần thiết từ góc độ hiện trạng pháp luật đấu thầu
Theo VPA-FLEGT, “gỗ hợp pháp” là gỗ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan của nơi khai thác gỗ và nơi sản xuất, chế biến gỗ, bao gồm, nhưng không giới hạn ở, pháp luật đất đai, lâm nghiệp, đầu tư kinh doanh, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, thuế, phí, xuất nhập khẩu…. Trong khi đó, kết quả rà soát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cho thấy hệ thống pháp luật đấu thầu hiện chưa có cơ chế pháp lý nào cho phép bảo đảm hàng hóa mua sắm là “hợp pháp” (theo nghĩa thông thường).
So với yêu cầu gỗ hợp pháp của VPA-FLEGT thì các quy định hiện tại về pháp luật đấu thầu chưa bảo đảm được sản phẩm gỗ trong đấu thầu là gỗ hợp pháp. Như vậy, để đảm bảo gỗ trong các gói thầu mua sắm công là “hợp pháp” theo VPAFLEGT, pháp luật đấu thầu cần thiết phải bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng về gỗ hợp pháp, theo hướng:
► Bảo đảm rằng bên mời thầu đưa yêu cầu về gỗ hợp pháp vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
► Ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu trong bảo đảm cung cấp gỗ hợp pháp trong gói thầu;
► Kiểm soát việc thực hiện yêu cầu này của nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Sự cần thiết từ góc độ thực tiễn đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ
Khảo sát được thực hiện đối với 100 bộ hồ sơ mời thầu mua sắm đồ gỗ nội thất do các cơ quan Nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước đã từng thực hiện trong giai đoạn 2016- 2018 qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia VNEPS cho thấy:
► Có tới 77% hồ sơ mời thầu không có yêu cầu về bất kỳ khía cạnh nào của “tính hợp pháp” của sản phẩm gỗ ngoài các quy định chung của pháp luật đấu thầu;
► Trong số 23% hồ sơ mời thầu có yêu cầu nào đó về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ mua sắm công, phần lớn chỉ quan tâm tới một/một số khía cạnh pháp luật mà không phải là tất cả pháp luật liên quan tới sản phẩm gỗ (ví dụ yêu cầu về việc bảo đảm tuân thủ pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng, về nhãn hiệu, về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu…);
► Trong số các hồ sơ mời thầu yêu cầu gỗ tự nhiên, 11% đặt hàng loại gỗ thuộc nhóm I, II (tức là nhóm gỗ quý, rủi ro đặc biệt cao về tính bất hợp pháp).
Như vậy, có thể thấy bên mời thầu trong các gói thầu liên quan hầu như không quan tâm tới vấn đề gỗ hợp pháp, thậm chí có dấu hiệu mua sắm gỗ có rủi ro về tính hợp pháp.
Từ góc độ thực tiễn cung cấp đồ gỗ của các nhà thầu, trong cùng Nghiên cứu nói trên, điều tra 33 doanh nghiệp có nhiều hợp đồng cung cấp đồ gỗ trong giai đoạn 2016-2018 cho các đơn vị sử dụng vốn Nhà nước cũng thấy nhiều trường hợp có sử dụng gỗ rủi ro cao, và phần lớn là theo yêu cầu của bên mời thầu. Cụ thể:
► Có tới 74% doanh nghiệp cho biết đã từng sử dụng gỗ nhập khẩu nhóm I-II nhập khẩu, 50% từng sử dụng gỗ trong nước nhóm I-II, cho các hợp đồng mua sắm công đồ gỗ;
► Trong số các doanh nghiệp đã sử dụng gỗ quý nhóm I-II ở trên, 80% cho biết lý do sử dụng là do bên mời thầu yêu cầu chứ không phải do nhà thầu chủ động đề xuất hay gợi ý.
Từ các kết quả rà soát nói trên, có thể thấy trong thực tiễn đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ, một số sản phẩm gỗ cung cấp trong các gói thầu có nguy cơ không bảo đảm gỗ hợp pháp mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bên mời thầu.
Vì vậy, để bảo đảm gỗ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ, qua đó thực hiện đúng cam kết VPA-FLEGT, pháp luật đấu thầu của Việt Nam cần thiết phải quy định về gỗ hợp pháp như là tiêu chí bắt buộc trong hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ký, thực hiện và thanh lý hợp đồng.
Sự cần thiết từ góc độ ý nghĩa kinh tế - xã hội
Việc thực hiện gỗ hợp pháp trong đấu thầu nói riêng và mở rộng ra trong toàn bộ các chuỗi cung gỗ ở Việt Nam này có ý nghĩa với Việt Nam từ nhiều góc độ:
Thứ nhất, thực hiện gỗ hợp pháp theo VPA-FLEGT thực chất là việc tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật của chính Việt Nam liên quan tới khai thác, chế biến, kinh doanh gỗ (bởi định nghĩa gỗ hợp pháp trong VPA-FLEGT không yêu cầu tuân thủ thêm bất kỳ quy định nào của EU mà chỉ gồm các quy định của chính nước nơi khai thác và nơi chế biến). Trên thực tế, việc thực thi pháp luật liên quan tới gỗ, đặc biệt là khâu khai thác, trong nhiều năm qua vẫn rất nổi cộm ở Việt Nam. Thực hiện gỗ hợp pháp trong mua sắm công, do đó, góp phần vào thúc đẩy việc thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, thực thi gỗ hợp pháp theo VPA-FLEGT xét tới tận cùng là cũng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững môi trường rừng của Việt Nam. Đây là mục tiêu lớn mà Chính phủ đã đặt ra nhiều năm qua, với nhiều chính sách liên quan nhưng hiệu quả thực hiện còn khá hạn chế.
Thứ ba, xét trong thị trường sản phẩm gỗ nội địa, chính sách mua sắm công gỗ hợp pháp tạo ra vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước về gỗ hợp pháp ở cả hai góc độ:
(i) Yêu cầu của Nhà nước về gỗ hợp pháp có thể thúc đẩy cộng đồng nhà thầu đẩy mạnh việc bảo đảm gỗ hợp pháp không chỉ trong cung cấp sản phẩm gỗ cho Nhà nước mà trong toàn bộ chuỗi cung của mình; (ii) Việc khách hàng Nhà nước đi tiên phong trong sử dụng gỗ hợp pháp có thể định hướng tiêu dùng hợp pháp và bền vững đối với các khách hàng khác trên thị trường.
Thứ tư, từ góc độ pháp luật đấu thầu, yêu cầu về gỗ hợp pháp có thể là khởi đầu, thử nghiệm cho quy định về tính hợp pháp của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ được mua sắm công. Về nguyên lý, vốn Nhà nước không thể được sử dụng để mua sắm các hàng hóa, dịch vụ không hợp pháp. Đây là một nguyên tắc cốt lõi, tự nhiên và không thể bàn cãi hay thỏa hiệp.
Nhìn rộng ra, với vị trí là khách hàng lớn trên thị trường, việc các đơn vị mua sắm công có yêu cầu thống nhất hàng hóa, dịch vụ phải hợp pháp sẽ có hiệu ứng quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của một số lượng lớn các nhà thầu, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nội địa, từ đó thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Cuối cùng, gỗ hợp pháp là vấn đề không chỉ EU mà nhiều Đối tác quan trọng khác của Việt Nam quan tâm. Do đó, mặc dù chỉ cam kết với EU, nhưng việc thực thi cam kết của Việt Nam về gỗ hợp pháp trong mua sắm công dự kiến cũng sẽ là yếu tố có ý nghĩa trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhiều nước khác liên quan tới khía cạnh này.
Như vậy, từ cả góc độ chung của mua sắm công hàng hóa, dịch vụ lẫn góc độ riêng của mua sắm công đồ gỗ, việc pháp luật đấu thầu bổ sung quy định về tính hợp pháp của gỗ, sản phẩm gỗ trong các gói thầu là rất có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, pháp lý trong nước cũng như dưới góc độ đối ngoại. Vì vậy, điều này cần thiết được hiện thực hóa càng sớm càng tốt.
Phan Sáng/Tri thức Xanh số 79-21
Tin tức liên quan
- Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong xét xử vụ án hành chính ở Việt Nam (08:58 07/03/2023)
- 12 câu hỏi thường gặp về tiêu chuẩn lao động quốc tế (02:39 19/04/2022)
- Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Sách chuyên khảo) (04:10 29/03/2022)
- Việt Nam nỗ lực triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị Corp 26 (11:27 26/03/2022)
- Duy trì tiêu chí về y tế trong xây dựng nông thôn mới (05:32 24/03/2022)