TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 27/04/2024

Xây dựng khung khổ pháp luật về đấu thầu "Gỗ hợp pháp" (Kỳ 2)

12:20 03/03/2022
Logo header Hiện nay pháp luật trong nước, các quy định về đấu thầu sản phẩm y tế (thuốc, trang thiết bị y tế) hiện là thông lệ pháp lý duy nhất và có giá trị tham khảo cao cho việc xây dựng các quy định pháp luật về đấu thầu riêng với sản phẩm gỗ. Do đó cần có khung pháp lý cụ thể, khoa học hơn.

Kỳ 2: Khuyến nghị khung khổ pháp luật thực hiện gỗ hợp pháp trong đấu thầu

Hiệp định VPA-FLEGT yêu cầu Việt Nam phải bảo đảm gỗ được tiêu thụ trong nước, trong đó có gỗ mua sắm qua thủ tục đấu thầu, là gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, Việt Nam có toàn quyền chủ động trong việc lựa chọn giải pháp pháp lý để thực hiện cam kết này. Các Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định VPA-FLEGT của Chính phủ hay phân công nhiệm vụ soạn thảo các quy định pháp luật về tiêu chí gỗ hợp pháp trong đấu thầu của lãnh đạo Chính phủ không có chỉ dẫn nào về khung khổ pháp lý cần có để thực hiện việc này. Một số khuyến nghị cho việc xây dựng khung pháp lý về đấu thầu gỗ hợp pháp như sau:

1. Về hình thức văn bản, cơ quan ban hành

Như đã phân tích khung khổ pháp luật về gỗ hợp pháp trong thủ tục đấu thầu gói thầu mua sắm có sản phẩm gỗ cần được quy định dưới hình thức một Thông tư (văn bản quy phạm pháp luật), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo và ban hành.

Các vấn đề liên quan tới việc soạn thảo và ban hành Thông tư này cần thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi năm 2019).

2. Về Tên gọi

Với dự kiến quy định về các yêu cầu nhằm bảo đảm “gỗ hợp pháp” trong thủ tục đấu thầu các gói thầu mua sắm có đối tượng mua sắm là gỗ, sản phẩm gỗ, Tên thích hợp cho Thông tư này được đề xuất là “Thông tư quy định về một số nội dung trong đấu thầu sản phẩm gỗ”.

Tên gọi này được xây dựng trên cơ sở tham khảo thông lệ tại các Thông tư tương tự trong lĩnh vực đấu thầu sản phẩm y tế (“Thông tư quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập”, “Thông tư quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập”) với điều chỉnh thích hợp, cụ thể:

► Thông tư này không quy định về tất cả thủ tục đấu thầu mà chỉ quy định “một số nội dung” trong thủ tục đấu thầu cần thiết để bảo đảm “gỗ hợp pháp”;

► Do đối tượng áp dụng của Thông tư là các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ nhất định, không phải toàn bộ các gói thầu có gỗ, sản phẩm gỗ, trong Tên gọi của Thông tư, nên quy định gọn thành “sản phẩm gỗ” – thuật ngữ “sản phẩm gỗ” sẽ được làm rõ tại Điều khoản về Giải thích từ ngữ trong Thông tư (trong đó dẫn chiếu tới Phụ lục liệt kê các nhóm gỗ, sản phẩm gỗ cụ thể thuộc đối tượng phải tuân thủ “gỗ hợp pháp”);

► Khác với các Thông tư về đấu thầu sản phẩm y tế, Tên gọi của Thông tư này không cần thiết phải nêu rõ các chủ thể là đối tượng áp dụng của Thông tư bởi với yêu cầu từ VPA-FLEGT thì tất cả các đơn vị mua sắm/bên mời thầu khi mua sắm sản phẩm thuộc diện phải tuân thủ “gỗ hợp pháp” đều sẽ phải tuân thủ quy định tại Thông tư này, không có ngoại lệ nào.

3. Về các căn cứ pháp lý của Thông tư

Với mục tiêu hướng dẫn thực hiện “gỗ hợp pháp” trong thủ tục đấu thầu để thực thi cam kết trong VPA/FLEGT, được soạn thảo và ban hành bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư này căn cứ vào và phù hợp với các quy định tại các văn bản sau:

► Các căn cứ từ góc độ pháp luật đấu thầu: Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu;

► Các căn cứ từ góc độ pháp luật về “gỗ hợp pháp”: Luật Lâm nghiệp, Nghị định 102/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp (chú ý Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT mặc dù là một nguồn quy định quan trọng về “gỗ hợp pháp” trong thị trường nội địa nhưng không thể là căn cứ pháp lý cho Thông tư này, do một văn bản cấp thông tư không thể là căn cứ pháp lý của một thông tư khác);

► Căn cứ từ góc độ cam kết quốc tế: Hiệp định VPA-FLEGT giữa Việt Nam và EU;

► Căn cứ từ góc độ thẩm quyền ban hành Thông tư: Nghị định 15/2017/NĐ CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Về kết cấu của Thông tư

Theo thông lệ chung về kết cấu của các văn bản quy phạm pháp luật, tham khảo kết cấu các Thông tư về đấu thầu sản phẩm y tế, Thông tư này nên có kết cấu bao gồm 03 Chương, cụ thể:

► Chương I – Các vấn đề chung: quy định về các vấn đề chung như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, quy tắc áp dụng pháp luật (mối quan hệ với pháp luật đấu thầu)

► Chương II – Quy định cụ thể đối với gói thầu có sản phẩm gỗ: quy định về các nội dung cụ thể nhằm bảo đảm “gỗ hợp pháp” trong đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ

► Chương III – Điều khoản thi hành: quy định về các vấn đề thi hành (thời điểm có hiệu lực, phân công tổ chức thực hiện)

5. Về phạm vi, đối tượng áp dụng

Với mục tiêu quy định các biện pháp để bảo đảm rằng gỗ, sản phẩm gỗ cung cấp trong các gói thầu thuộc diện điều chỉnh của pháp luật đấu thầu phải là “gỗ hợp pháp”, Thông tư này có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như sau:

 Về phạm vi điều chỉnh:

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này được nhận diện như sau:

► Thông tư chỉ điều chỉnh một số vấn đề trong đấu thầu, mà không phải là tất cả các vấn đề về đấu thầu;

► Thông tư chỉ điều chỉnh về thủ tục đấu thầu của các gói thầu có sản phẩm gỗ (gói thầu có một hoặc nhiều sản phẩm, trong đó có sản phẩm gỗ thuộc diện phải tuân thủ “gỗ hợp pháp”).

Về đối tượng áp dụng:

Với yêu cầu thực hiện gỗ hợp pháp triệt để với tất cả các gói thầu liên quan thuộc diện điều chỉnh của pháp luật đấu thầu (như nêu ở phạm vi điều chỉnh của Thông tư), tất cả các chủ thể thuộc đối tượng áp dụng của pháp luật đấu thầu đều là đối tượng áp dụng của Thông tư này.

Với quy định như vậy, Thông tư này có đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến việc đấu thầu đối với các gói thầu có sản phẩm gỗ.

6. Về mối quan hệ với pháp luật đấu thầu

Với mục tiêu quy định các yêu cầu bổ sung gắn với “gỗ hợp pháp” trong thủ tục đấu thầu các gói thầu có sản phẩm gỗ, việc áp dụng pháp luật đối với các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ khi có Thông tư này thực hiện như sau:

► Ở những điểm Thông tư này có quy định thì phải tuân thủ quy định của Thông tư này;

► Đối với toàn bộ các nội dung không được quy định trong Thông tư này thì thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

7. Về các nội dung bảo đảm “gỗ hợp pháp” trong thủ tục đấu thầu

Phần cốt lõi của Thông tư này bao gồm các quy định với nội dung hướng tới mục tiêu cuối cùng là bảo đảm rằng gỗ, sản phẩm gỗ cung cấp trong các gói thầu theo thủ tục đấu thầu là “gỗ hợp pháp” và có thể xác minh, truy xuất được. Cụ thể như sau:

(i) Quy định về điều kiện “gỗ hợp pháp”

Từ yêu cầu của VPA-FLEGT, sản phẩm gỗ cung cấp trong gói thầu bắt buộc phải là “gỗ hợp pháp”. Thông tư thể hiện yêu cầu này ở ít nhất 02 góc độ:

► Quy định trong hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu về việc tất cả các sản phẩm gỗ cung cấp trong gói thầu phải là “gỗ hợp pháp”; và

► Nêu rõ định nghĩa về “gỗ hợp pháp” trong mời thầu/hồ sơ yêu cầu để nhà thầu hiểu thống nhất về yêu cầu này.

Về mặt kỹ thuật, để bảo đảm tính thống nhất trong quy định về gỗ hợp pháp, Thông tư tốt nhất nên quy định một cụm yêu cầu theo mẫu cố định, người đấu thầu chỉ cần đưa toàn bộ cụm này vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu mà không phải tự biên soạn quy định.

Cụ thể, về yêu cầu này, Thông tư có thể quy định theo hướng yêu cầu bên mời thầu khi quy định về tính hợp lệ của hàng hóa, dịch vụ liên quan, cần nêu rõ yêu cầu sau:

“Tất cả các sản phẩm gỗ trong gói thầu này phải là gỗ hợp pháp. Gỗ hợp pháp là gỗ, sản phẩm gỗ được khai thác, nhập khẩu, xử lý tịch thu, vận chuyển, mua bán, chế biến, xuất khẩu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, các quy định liên quan của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật có liên quan của quốc gia nơi khai thác gỗ xuất khẩu vào Việt Nam.”

(ii) Quy định về cam kết của nhà thầu bảo đảm “gỗ hợp pháp”

Theo cam kết VPA-FLEGT, “gỗ hợp pháp” phải xác minh, truy xuất nguồn gốc được thông qua các tài liệu chứng minh cụ thể. Tuy nhiên, từ góc độ thực tiễn, trong quy trình đấu thầu, vào thời điểm dự thầu, suy đoán là sản phẩm gỗ được đặt hàng có thể chưa tồn tại. Sản phẩm có thể chỉ được nhà thầu triển khai thực hiện (chế biến, mua sẵn theo đúng yêu cầu kỹ thuật chi tiết đối với sản phẩm đặt ra trong hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu) sau khi trúng thầu.

Do đó, việc yêu cầu tất cả các nhà thầu phải có các tài liệu chứng minh “gỗ hợp pháp”của các sản phẩm gỗ cụ thể sẽ cung ứng cho gói thầu là phi logic (đối với trường ợp sản phẩm đặt hàng theo các yêu cầu kỹ thuật riêng biệt, hoàn toàn không có sẵn trên thị trường) và/hoặc không công bằng (do quy định này đã đặt ưu tiên cho các nhà thầu đã có sẵn sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu).

Vì vậy, tại thời điểm dự thầu, thay vì yêu cầu xuất trình các tài liệu chứng minh gỗ hợp pháp, cần thiết phải sử dụng một hình thức khác để bảo đảm việc này, ví dụ camkết của nhà thầu về việc sẽ cung cấp các tài liệu chứng minh này khi có thể (ví dụ khihoàn thành, bàn giao sản phẩm). Đây là thực tế chung không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới. Rà soát kinh nghiệm quốc tế cho thấy ở tất cả các nước được nghiên cứu, tại thời điểm đấu thầu, yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh “gỗ hợp pháp” đều được thay thế bằng yêu cầu về cam kết (bằng văn bản) của nhà thầu về việc sẽ bảo đảm “gỗ hợp pháp” nếu được lựa chọn.

Về cách thức quy định, theo pháp luật đấu thầu Việt Nam, liên quan tới các yêu cầu về giấy tờ mà nhà thầu phải cung cấp, hiện các quy định dạng này chỉ xuất hiện trong yêu cầu về “thành phần hồ sơ dự thầu”. Do đó, quy định về bản cam kết bảo đảm “gỗ hợp pháp” của nhà thầu cần được đưa vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu như là một thành phần của hồ sơ dự thầu.

Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất và ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của nhà  thầu trong vấn đề này, từ góc độ kỹ thuật, nên có một bản cam kết mẫu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để nhà thầu có thể thực hiện thuận lợi, thống nhất và công bằng.

Từ các phân tích trên, Thông tư cần quy định theo hướng:

► Quy định “Bản cam kết bảo đảm gỗ hợp pháp” như là 01 loại giấy tờ phải có trong Hồ sơ dự thầu;

► Thiết kế một Mẫu Bản cam kết bảo đảm gỗ hợp pháp trong Hồ sơ mời thầu (HSMT)/Hồ sơ yêu cầu (HSYC).

Cần chú ý là:

► Bản cam kết này là văn bản ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu trong việc bảo đảm “gỗ hợp pháp” đối với sản phẩm gỗ mà mình cung cấp không chỉ trong quá trình thực hiện hợp đồng mà cả sau khi thanh lý hợp đồng (đối với các tranh chấp/vấn đề pháp lý liên quan tới tính hợp pháp của sản phẩm gỗ mà họ cung cấp, phát sinh sau khi sản phẩm gỗ đã bàn giao và đưa vào sử dụng);

► Bản cam kết này không thay thế cho các tài liệu chứng minh “gỗ hợp pháp” (nhà thầu vừa phải có Bản cam kết khi dự thầu, vừa phải cung cấp các tài liệu chứng minh “gỗ hợp pháp” muộn nhất trước khi thanh lý hợp đồng).

(iii) Quy định về tài liệu chứng minh gỗ hợp pháp

Tài liệu chứng minh gỗ hợp pháp là bằng chứng và là cơ sở để xác minh, truy xuất nguồn gốc về “gỗ hợp pháp”. Do đó, đây là yếu tố có tính quyết định trong thực hiện “gỗ hợp pháp” trong đấu thầu.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng và muộn nhất là trước khi thanh lý hợp đồng, nhà thầu phải xuất trình được các tài liệu này, đây là bằng chứng cho thấy nhà thầu đã đáp ứng yêu cầu về “gỗ hợp pháp” trong HSMT/HSYC.

Vì vậy, Thông tư cần quy định các tài liệu chứng minh gỗ hợp pháp là một trong những điều kiện để thanh lý hợp đồng, đồng thời quy định rõ các tài liệu chứng minh tối thiểu phải có và các tài liệu bổ sung khác.

Theo quy định của pháp luật về “gỗ hợp pháp” Việt Nam hiện hành, các tài liệu sau đây là bằng chứng tối thiểu phải có để chứng minh “gỗ hợp pháp”:

► Đối với gỗ trong nước: Hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định của Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT;

Cần chú ý là theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, yêu cầu về hồ sơ lâm sản hợp pháp đối với từng giai đoạn của chuỗi cung gỗ là khác nhau. Do đó tùy sản phẩm mua sắm (là gỗ nguyên liệu, gỗ sơ chế hay sản phẩm chế biến cuối cùng) mà Hồ sơ lâm sản hợp pháp có yêu cầu cụ thể tương ứng.;

► Đối với gỗ nhập khẩu: Hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Nghị định 102/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, để xác minh “gỗ hợp pháp” từ góc độ tuân thủ pháp luật khác liên quan tới chuỗi cung gỗ, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp bằng chứng khác, ví dụ:

► Giấy tờ chứng minh tuân thủ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (Thiết kế phòng cháy chữa cháy đã được phê duyệt, Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy…);

► Giấy tờ chứng minh tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường (Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường);

► Bằng chứng về việc tuân thủ pháp luật về thuế (Không có tên trong danh sách công khai thông tin tổ chức, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro về thuế, nợ thuế…);

► Bằng chứng về việc tuân thủ pháp luật lao động, bảo hiểm (Kế hoạch vệ sinh an toàn lao động, Hợp đồng lao động, tổ chức công đoàn/đại diện người lao động tại cơ sở, Bảng lương thể hiện số tiền đóng bảo hiểm y tế/bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng…);

► Giấy tờ về việc tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ (Văn bằng bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu thương mại, sáng chế, giải pháp hữu ích…liên quan tới sản phẩm gỗ).

Từ các phân tích trên, về nội dung này, Thông tư cần quy định theo hướng:

► Quy định rõ về yêu cầu chung về tài liệu chứng minh gỗ hợp pháp;

► Quy định các tài liệu chứng minh gỗ hợp pháp tối thiểu, bắt buộc phải có (bao gồm Hồ sơ lâm sản hợp pháp, Hồ sơ nhập khẩu gỗ, các Chứng chỉ, Giấy phép có thể sử dụng để thay thế);

► Quy định về các tài liệu chứng minh bổ sung khác

(iv) Quy định về đánh giá nhà thầu theo tiêu chí “gỗ hợp pháp”

Trong pháp luật đấu thầu, việc đánh giá nhà thầu được thực hiện ở 03 góc độ: (i) đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu; (ii) đánh giá kỹ thuật và (iii) đánh giá tài chính. Các vấn đề về “gỗ hợp pháp” thuộc về tiêu chí kỹ thuật của gói thầu, vì vậy việc đánh giá theo tiêu chí này được thực hiện trong thủ tục “đánh giá về kỹ thuật” đối với hồ sơ dự thầu.

Theo kinh nghiệm quốc tế, việc đánh giá đối với tiêu chí này có thể được thực hiện theo một hoặc các hình thức sau:

► Đánh giá tuyệt đối: Nhà thầu không đáp ứng tiêu chí về “gỗ hợp pháp” (không có Bản cam kết bảo đảm gỗ hợp pháp) sẽ bị loại khỏi thủ tục thầu;

► Đánh giá ưu tiên: Có nhiều cách thức ưu tiên khác nhau, ví dụ: khả năng đáp ứng yêu cầu gỗ, Nhà thầu có các phương án kỹ thuật thay thế bền vững hơn…

► Về tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật: Có thể sử dụng tiêu chí đạt/không đạt hoặc phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000, trong đó ưu tiên áp dụng tiêu chí đạt/không đạt.

  • Đối với phương pháp chấm điểm, điểm tối thiểu không được thấp hơn 70% tổng điểm về kỹ thuật;
  • Đối với tiêu chí đạt/không đạt, tiêu chí tổng quát được đánh giá là đạt khi tất cả các tiêu chí chi tiết cơ bản được đánh giá là đạt và các tiêu chí chi tiết không cơ bản được đánh giá là đạt hoặc chấp nhận được.

Hồ sơ dự thầu được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật khi có tất cả các tiêu chí tổng quát đều được đánh giá là đạt.

► Việc chấm thầu ưu tiên chỉ được thực hiện khi hai hoặc nhiều nhà thầu có điểm ngang nhau; và tiêu chí được chấm điểm ưu tiên (ưu đãi) chỉ bao gồm 02 trường hợp: (i) có đề xuất chi phí trong nước cao hơn; hoặc (ii) sử dụng nhiều lao động địa phương hơn (Điều 3 Nghị định 63/2014/NĐ-CP).

► Nhà thầu chỉ được đề xuất phương án thay thế tại thời điểm thương thảo hợp đồng (tức là đã được lựa chọn) (khoản 4 Điều 19 Nghị định 63/2014/NĐ-CP).

Trong bối cảnh như vậy, việc đánh giá về kỹ thuật ở tiêu chí “gỗ hợp pháp” trong Thông tư này chỉ có thể giới hạn ở việc đánh giá Có/Không có Bản cam kết (mà không thể quy định về ưu tiên theo tiêu chí này).

Cụ thể, về vấn đề này, Thông tư có thể quy định như sau:

► Bảo đảm “gỗ hợp pháp” cần được quy định như là một tiêu chí đánh giá về kỹ thuật gói thầu (bên cạnh các tiêu chí đánh giá về kỹ thuật khác);

► Quy định yêu cầu bên mời thầu khi đánh giá về kỹ thuật, với tiêu chí “gỗ hợp pháp”, nếu nhà thầu không có Bản cam kết bảo đảm gỗ hợp pháp thì phải:

  • Đánh giá nhà thầu không đạt điểm tối thiểu (nếu theo phương pháp chấm điểm); hoặc
  • Đánh giá nhà thầu không đạt (nếu sử dụng phương pháp đạt/không đạt). Và như vậy trong tổng thể hồ sơ dự thầu thiếu Bản cam kết bảo đảm “gỗ hợp pháp” sẽ bị loại.

Phan Sáng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 158 - 02/2022

 

Bình luận: 0