Cần một khung pháp lý đủ mạnh để phát triển kinh tế số (Kỳ 1)
Kỳ 1: Đầu tư và xin giấy phép cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng
Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số là sự chuyển dịch tích cực cho kinh tế và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, một số vấn đề nảy sinh và cần có sự can thiệp của Nhà nước để nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn và giảm các tác động tiêu cực đến xã hội. Vai trò của Nhà nước lúc này trong việc xây dựng và bảo đảm thực thi có hiệu quả các hành lang pháp lý cho kinh tế số là vô cùng quan trọng.
Các quy định pháp luật hợp lý, khả thi và công bằng sẽ giúp tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển nhanh, bền vững và lành mạnh. Ngược lại, nếu các quy định được thiết kế một cách bất hợp lý, không khả thi hoặc không công bằng có thể sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam không bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN và thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trẻ và tài năng đang gia tăng hiện nay của Việt Nam cần có môi trường để thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo và phát triển sản phẩm tại thị trường trong nước, từ đó dần mở rộng ra thị trường khu vực và toàn cầu.
Hiện nay, nhiều quy định pháp lý về kinh tế số còn chứa đựng nhiều hạn chế như: Quy định quản lý thông qua điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép cho một số hoạt động trên môi trường mạng vẫn còn nhiều bất cập; vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các loại tài sản trong kinh tế số vẫn chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả; các mô hình kinh doanh dịch vụ trên kinh tế số phát triển khá nhanh nhưng chưa có biện pháp phù hợp để quản lý…
1. Điều kiện kinh doanh và xin giấy phép cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng
Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định một số loại dịch vụ buộc phải xin phép khi cung cấp qua môi trường mạng. Các dịch vụ sau sẽ thuộc diện kinh doanh có điều kiện (ở đây chỉ đề cập một số dịch vụ phổ biến, còn các dịch vụ không phổ biến sẽ không được liệt kê).
- Dịch vụ trung gian thanh toán (Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đang được đề xuất sửa đổi)
- Hoạt động thương mại điện tử (Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đang được đề xuất sửa đổi)
- Dịch vụ mạng xã hội (Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đang được đề xuất sửa đổi)
- Dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến ( Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đang được đề xuất sửa đổi)
- Dịch vụ trang thông tin điện tử tổng hợp (Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đang được đề xuất sửa đổi)
- Hoạt động báo chí (Luật Báo chí)
Ngoài các dịch vụ dựa trên nền tảng internet trên, còn rất nhiều dịch vụ khác vốn được cung cấp một cách ngoại tuyến, nay được chuyển lên môi trường mạng và cũng đặt ra câu hỏi về việc cấp phép sẽ như thế nào? Đặc biệt là khi mà các biện pháp quản lý đối với hình thức dịch vụ ngoại tuyến không còn phù hợp để quản lý dịch vụ trực tuyến:
- Dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình đang được đề xuất sửa đổi)
- Dịch vụ phát hành xuất bản phẩm (Luật Xuất bản)
- Dịch vụ phổ biến phim (Luật Điện ảnh đang được đề xuất sửa đổi)
- Dịch vụ quảng cáo (Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đang được đề xuất sửa đổi)
Thêm vào đó, một số loại dịch vụ mới phát sinh dựa trên tính ưu việt của Internet cũng đặt ra vấn đề pháp lý.
- Dịch vụ kết nối vận tải (Thực hiện theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô)
- Dịch vụ tiền ảo (Hiện đang thực hiện theo quy định về tài sản trong pháp luật dân sự)
- Dịch vụ cho vay ngang hàng (Hiện đang thực hiện theo quy định về hợp đồng của pháp luật dân sự)
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, vấn đề điều kiện đầu tư kinh doanh và cấp phép đối với các dịch vụ cung cấp trên môi trường mạng hiện nay nảy sinh nhiều bất cập. Cụ thể như sau:
Chưa phân biệt quy mô kinh doanh
Rất nhiều dịch vụ như mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp, trò chơi điện tử trực tuyến, website thương mại điện tử dạng, sàn giao dịch thương mại điện tử không có chức năng đặt hàng trực tuyến, dịch vụ phát thanh, truyền hình trực tuyến, phổ biến phim trực tuyến. Đặc điểm thị trường của các dịch vụ này là sẽ có rất nhiều sáng kiến, sản phẩm mới được đưa ra liên tục, nhưng đa số sẽ thất bại, chỉ một số rất ít sản phẩm dịch vụ phát triển được để đạt đến quy mô lớn. Đặc điểm thị trường này khiến cho việc cấp phép tất cả các dịch vụ là không phù hợp:
Thứ nhất, các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh dường như chỉ phù hợp với các doanh nghiệp quy mô lớn, mà không phù hợp với các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ hai, việc đưa thêm chi phí tuân thủ (điều kiện và giấy phép) đối với các sản phẩm dịch vụ mới được tạo ra sẽ làm tăng chi phí gia nhập thị trường, làm giảm đáng kể số lượng sản phẩm có thể được đưa ra cung cấp thử nghiệm trên thị trường. Điều này làm giảm đáng kể tốc độ phát triển của ngành dịch vụ kinh tế số này;
Thứ ba, quan trọng nhất, là các tác động tiêu cực không mong muốn của dịch vụ thường chỉ nảy sinh đáng kể ở các sản phẩm dịch vụ có quy mô lớn. Ví dụ, tin giả sẽ gây tác động lớn ở mạng xã hội lớn, và gây tác động rất nhỏ ở mạng xã hội nhỏ; các trò chơi điện tử có cảnh khiêu dâm, bạo lực cũng sẽ chỉ gây tác động lớn khi mà lượng người chơi đủ lớn hoặc là trẻ em. Do đó, các biện pháp quản lý, đặc biệt là cấp phép và điều kiện kinh doanh, sẽ phát huy hiệu quả khi được áp dụng cho các sản phẩm dịch vụ có quy mô người dùng lớn.
Phân loại dịch vụ gặp nhiều ý kiến khác nhau
Vấn đề phân loại dịch vụ để làm các thủ tục cấp phép cũng là một tranh luận chính sách lớn trong quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật liên quan. Do đây là những dịch vụ khá mới, hình thức kinh doanh chưa thực sự rõ ràng, còn nhiều biến động, nên các cơ quan nhà nước gặp khó khăn trong việc phân loại dịch vụ. Một số trường hợp cụ thể như sau:
Dịch vụ kết nối vận tải (ứng dụng gọi xe): Không chỉ tại Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng gặp lúng túng khi không rõ các ứng dụng gọi xe được xem là kinh doanh vận tải, hay chỉ là môi giới. Sự tranh luận này khiến cho quá trình ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô kéo dài nhiều năm. Hiện nay, Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã phân biệt giữa dịch vụ kết nối vận tải và dịch vụ vận tải thông qua khái niệm “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải”;
Dịch vụ nghe nhạc, xem video trực tuyến: Trong quá trình soạn thảo Nghị định số 06/2016/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, vấn đề phân loại dịch vụ này cũng được đặt ra. Một số ý kiến thì cho rằng các website, ứng dụng cho phép nghe nhạc, nghe file ghi âm, xem phim, xem video (mà do quản trị website đó cung cấp, không phải do người dùng đóng góp), thì được coi là dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet, thuộc phạm vi của 06/2016/NĐ-CP về phát thanh, truyền hình). Một số Ý kiến khác lại cho rằng, đây là dịch vụ nội dung thông tin trực tuyến (online content), thuộc phạm vi của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Cũng có ý kiến cho rằng, riêng đối với nội dung phim thì cần được coi là dịch vụ phổ biến phim theo Luật Điện ảnh;
Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội: Các sàn giao dịch thương mại điện tử đã có quy định riêng tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo khái niệm mạng xã hội tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì mạng xã hội là các website, ứng dụng cho phép người dùng chủ động đăng tải nội dung và chia sẻ cho người dùng khác, thì các sàn giao dịch thương mại điện tử có thể được coi là mạng xã hội với nội dung tập trung vào thương mại. Thêm vào đó, nhiều mạng xã hội hiện nay cũng đang lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử bằng cách mở thêm các chức năng hỗ trợ người dùng đăng tải các thông tin thương mại. Đây là vấn đề mà khi sửa đổi các Nghị định 52/2013/NĐ-CP và 72/2013/NĐ-CP cần được giải quyết rõ ràng.
Những ví dụ trên cho thấy, việc ban hành các quy định để quản lý các dịch vụ trong nền kinh tế số cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để bảo đảm tính thống nhất, tránh tình trạng một doanh nghiệp phải đáp ứng quá nhiều các quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
Một số dịch vụ có thể không cần quản lý bằng điều kiện kinh doanh, giấy phép, đăng ký
Một số dịch vụ hiện nay đang được quản lý bằng công cụ điều kiện kinh doanh và giấy phép là chưa thực sự hợp lý.
Dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến: Nghị định 72/2013/NĐ-CP hiện nay vẫn yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trực tuyến phải đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh và phải xin giấy phép. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp thì việc cấp phép kinh doanh cho từng doanh nghiệp dường như không cần thiết. Cơ quan nhà nước chỉ cần quản lý về nội dung của trò chơi chứ không phải là chủ thể cung cấp trò chơi;
Dịch vụ website thương mại điện tử: Đối với các website thương mại điện tử hiện nay vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Rất nhiều ý kiến cho rằng thủ tục này là không cần thiết và có thể tiến tới bãi bỏ. Đối với các sàn thương mại điện tử không có chức năng đặt hàng trực tuyến thì hiện nay vẫn phải làm thủ tục xin phép theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Một số ý kiến của doanh nghiệp cũng đề nghị đơn giản hoá thủ tục này theo hướng đăng ký/thông báo.
Trong quá trình soạn thảo Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 52/2013/NĐ-CP nói trên, các cơ quan soạn thảo đã có đề xuất đơn giản hoá một số thủ tục hành chính nêu trên. Tuy nhiên, mức độ bãi bỏ, đơn giản hoá thủ tục hành chính cần được làm mạnh mẽ hơn nữa.
Một số dịch vụ cần quản lý bằng điều kiện kinh doanh
Ở chiều ngược lại, một số dịch vụ hiện nay cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu và có thể tiến tới đưa ra điều kiện kinh doanh, gồm có dịch vụ phát hành, kinh doanh tiền ảo và dịch vụ cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, do các dịch vụ này còn rất mới nên dường như các cơ quan nhà nước chưa thể ngay lập tức đưa ra các quy định quản lý phù hợp. Vì vậy, đối với các dịch vụ này, cơ chế pháp lý thử nghiệm (sandbox) là mô hình quản lý phù hợp. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xin chủ trương của Chính phủ trong việc xây dựng Nghị định về cơ chế pháp lý thử nghiệm với dịch vụ công nghệ tài chính (fintech sandbox). Nội dung này sẽ được phân tích sâu trong phần sau của báo cáo.
2. Đầu tư và hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Một số quy định pháp luật hiện hành
Hiện nay, lĩnh vực phát thanh, truyền hình trả tiền có giới hạn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn kinh doanh trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình cần có sự chấp thuận của Thủ tướng. Đối với các dịch vụ phát thanh, truyền hình cần có hạ tầng truyền dẫn riêng như cột sóng, cáp, vệ tinh thì quy định này khả thi. Tuy nhiên, đối với các dịch vụ cung cấp qua môi trường mạng thì việc hạn chế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không có tác dụng khi mà các dịch vụ xuyên biên giới vẫn có thể được cung cấp bình thường.
Trên thực tế đã diễn ra vấn đề bất cập này. Theo đó, một doanh nghiệp Việt Nam, có một phần vốn nước ngoài, lập website cung cấp nhạc số, phim số và thu tiền từ người xem. Nếu coi đây là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình thì sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp này không được phép có vốn nước ngoài, trừ khi được Thủ tướng cho phép. Trong khi đó, các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới lại dễ dàng cung cấp vào Việt Nam mà không phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu vốn.
Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư đang được soạn thảo thì một số dịch vụ có thể cung cấp trên internet thuộc diện chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận có điều kiện gồm: hoạt động báo chí; dịch vụ thăm dò dư luận; sản xuất và phân phối sản phẩm văn hoá; sản xuất phân phối chương trình tivi, tác phẩm âm nhạc, biểu diễn, điện ảnh; ngân hàng; quảng cáo; xuất bản phẩm; đo đạc và bản đồ; giáo dục; phân phối…
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư cũng sẽ coi các ngành nghề kinh doanh mới chưa thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cũng được coi là ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là quy định mang tính chốt chặn đối với các ngành nghề sẽ phát sinh trong tương lai, đặc biệt là trong kinh tế số - lĩnh vực thường xuyên xuất hiện những ngành nghề mới.
Nhu cầu bảo hộ một số ngành kinh tế
Trong lĩnh vực thanh toán, khi sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, vấn đề hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã được đặt ra. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, đề xuất này đã bị loại bỏ;
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, khi sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP, đã xuất hiện một số đề xuất ý kiến nhằm hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sàn giao dịch thương mại điện tử;
Trong lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim, khi soạn thảo Luật Điện ảnh, cơ quan soạn thảo cũng lưỡng lự trong việc xác định tỷ lệ sở hữu của vốn ngoại trong các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng vấn đề hạn chế đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề kinh doanh thuộc kinh tế số tại Việt Nam đã được đặt ra. Cần lưu ý rằng các dịch vụ trong nền kinh tế số được thực hiện trên nền tảng Internet, vốn không có biên giới quốc gia. Do đó, các biện pháp hạn chế iếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể phát huy tác dụng đối với các dịch vụ vẫn cần dựa trên tương tác trực tiếp như thương mại điện tử, hoặc các dịch vụ gắn liền với các bên tại Việt Nam như thanh toán trực tuyến bằng tiền đồng. Còn đối với các dịch vụ khác, việc áp dụng biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ không hiệu quả khi mà các dịch vụ xuyên biên giới vẫn có thể được cung cấp bình thường.
Các cam kết quốc tế của Việt Nam
Hiện nay, trong các cam kết quốc tế, thì Việt Nam vẫn có quyền hạn chế tiếp cận thị trường đối với các lĩnh vực kinh tế số. Tuy nhiên, một số lĩnh vực thì các doanh nghiệp nước ngoài đã vào đầu tư với số vốn lớn trong các doanh nghiệp Việt Nam như thương mại điện tử, trung gian thanh toán.
Do đó, nếu Việt Nam đưa ra quy định hạn chế tỷ lệ vốn ngoại trong các lĩnh vực này sẽ giống như việc yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trên phải bán lại phần vốn của mình. Điều này sẽ kéo theo rủi ro các tranh chấp đầu tư quốc tế mà phía Chính phủ Việt Nam là bị đơn.
Trung Kiên/Tri thức Xanh số 78-21
Tin tức liên quan
- Quyết tâm loại bỏ cán bộ tha hóa, biến chất, bội ước với Đảng, với Nhân dân (03:06 18/04/2023)
- Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong xét xử vụ án hành chính ở Việt Nam (08:58 07/03/2023)
- Quan điểm Hồ Chí Minh về văn hóa năm 1943-nhìn từ hôm nay (02:12 28/02/2023)
- Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (04:16 03/02/2023)
- Ra mắt bộ sách thường thức chính trị (04:10 03/02/2023)