TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 26/04/2024

Chính sách phát triển Nông thôn mới góp phần thay đổi cuộc sống nhân dân

16:40 08/10/2020
Logo header Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (NTM) đang thực sự thổi luồng gió mới trên mọi miền Tổ quốc, trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng, đóng góp tài sản, công sức của người dân, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu 5 năm (2016-2020) của Chương trình sớm hơn 2 năm so với kế hoạch được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Sản xuất nông nghiệp được hiện đại hóa

Theo đó, các địa phương trên cả nước đã hưởng ứng, phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Trung ương. Nhiều địa phương đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác phát triển kinh tế - xã hội. Vừa qua, trong ngày 5/6/2020 lần lượt 05 địa phương gồm: thành phố Bến Tre và huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), thành phố Tân An (tỉnh Long An) và thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2020 và huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Có thể thấy rằng, chỉ trong 10 năm xây dựng Nông thôn mới giai đoạn từ 2011 đến 2020, thành phố Bến Tre đã huy động tổng kinh phí thực hiện lên đến gần 570 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người dân tại 6 xã đạt chuẩn NTM tính đến cuối năm 2019 đã đạt 45,91 triệu đồng/năm, tăng 27,24 triệu đồng so với năm đầu thực hiện xây dựng NTM. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 tại 6 xã là 3,29% nhưng đến cuối năm 2019 tỷ lệ này đã giảm đáng kể chỉ còn 0,78%. Còn với huyện Chợ Lách, nếu như trong giai đoạn 2011 - 2015 huyện chỉ có 01 xã duy nhất đạt chuẩn nông thôn mới, thì đến giai đoạn 2016 - 2020 huyện đã “bứt phá” xây dựng được thêm 09 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Thành quả nông thôn mới được thể hiện qua những con số hết sức ấn tượng. So với lúc khởi điểm năm 2011, đến nay thu nhập bình quân đầu người của 10 xã trong huyện đã tăng xấp xỉ 29 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm 7,71% trong khi đó tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế và tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy đều được tăng thêm lần lượt là 62% và 31%. Thành phố Tân An thuộc tỉnh Long An có 9 phường và 5 xã. Chỉ sau 9 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của thành phố ngày càng khởi sắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, thiết chế văn hóa - xã hội đều thay đổi không ngừng nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế cũng như sinh hoạt đời sống của người dân. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng được chính quyền địa phương quan tâm đổi mới không ngừng  theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ đó thu nhập bình quân đầu người của các xã hàng năm cũng vào khoảng 60 triệu đồng/người/năm.

Đối với Thị xã Cai Lậy, đến nay đã có 10/10 xã đạt chuẩn NTM với những kết quả nổi bật như: 100% đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa, hầu hết trường học các cấp trên địa bàn thị xã đã được trang bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Cả 10 xã đều đã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và đều có  Hợp tác xã. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã tính đến tháng 6/2020 là 52,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của các xã giảm chỉ còn 1,41%. Trên địa bàn huyện 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có đầy đủ hồ sơ thủ tục môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn cũng đạt trên 90%. Nhờ tập trung triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà diện mạo nông thôn ở tỉnh Tiền Giang ngày càng khởi sắc. Tại huyện Chợ Gạo hiện đã có 100% các xã đạt chuẩn NTM đã đạt đủ 9 tiêu chí của huyện nông thôn mới. Cụ thể, toàn huyện có 24 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 135 km đã được nhựa hóa 100%, hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện cũng được tập chung nâng cấp, xây dựng kiên cố đảm bảo an toàn cho người dân. Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn về cơ cấu lao động và trình độ cán bộ theo đúng quy định đạt chuẩn hạng III của Bộ Y tế. Bên cạnh đó Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện cũng được đầu tư xây dựng đạt chỉ tiêu quy định. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ 100% hoàn thành giấy phép về xả nước thải vào nguồn nước theo quy định, không chỉ vậy tất cả cơ sở nuôi trồng thủy sản và cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng đã có hồ sơ môi trường theo quy định. Như vậy, tính đến nay, tỉnh Tiền Giang đã có 2 huyện đạt chuẩn NTM là Chợ Gạo và Gò Công Đông, đồng thời có 3 thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Mỹ Tho, Gò Công và Cai Lậy việc này không chỉ giúp thành phong trào thiết thực hơn  mà cũng góp phần giúp kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Sản phẩm cây cảnh được người dân huyện Chợ Lách trồng hàng loạt

Nhằm nâng cao thu nhập người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn các địa phương đã xác định phát triển sản xuất ngành nghề phù hợp của từng vùng của mình là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc thực hiện thành công Chương trình Xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn. Việc tập trung phát triển đô thị cũng được chính quyền từng địa phương đẩy mạnh giúp nâng cao vai trò hỗ trợ trong hoạt động sản xuất tại nông thôn, công nghiệp, đồng thời hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp tăng thu nhâp cho người nông dân. Đô thị, công nghiệp, dịch vụ phát triển giúp tạo nhiều việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm lao động nông thôn, giảm nông dân thì sẽ tăng diện tích đất canh tác trên đầu người. Từ đó, người dân sẽ có cơ sở để phát triển sản xuất, cuộc sống. Đồng thời, phát triển công nghiệp sẽ giúp tăng nhanh nguồn thu, từ đó có điều kiện để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ở chiều ngược lại, phát triển nông nghiệp, các vùng sản xuất sẽ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và lao động khu vực đô thị. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Nhiều hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới. Đời sống kinh tế nông thôn, nông dân phát triển. Cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tạo động lực không chỉ phát triển tại chỗ mà còn thúc đẩy các địa phương khác, vùng, ngành khác. Đời sống văn hóa, tinh thần, trật tự an toàn xã hội, an toàn môi trường được đảm bảo. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, ngày càng vững mạnh, đây là nhân tố quyết định để thực hiện thành công việc xây dựng NTM.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20

Bình luận: 0