TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam với sứ mệnh phát triển khoa học nước nhà

20:02 18/07/2023
Logo header Sáng 24/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm ngày thành lập Hội (26/3/1983 - 26/3/2023). Đây là dịp để nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển với sứ mệnh tập hợp, đoàn kết trí thức để phát triển đất nước bằng đổi mới, phát triển khoa học của Liên Hiệp hội

Toàn cảnh lễ kỷ niệm 40 thành lập Liên Hiệp Hội 

Khoa học và công nghệ góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước, Hồ Chí Minh luôn coi trọng, đề cao vai trò của tri thức và đội ngũ trí thức. Người đã khẳng định “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng”[1]. Bên cạnh đó, Người cũng bày tỏ quan điểm về những yêu cầu đối với giới trí thức đó là “Cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức" tuy nhiên "không phải tất cả đều là trọng. Trí thức đáng trọng là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân" [2]. Đồng thời, giới trí thức phải biết hài hoà giữa lý luận với thực tiễn, giữa lao động trí óc với lao động chân tay "Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn”[3]. Với quan điểm đó, Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ nhân sĩ, trí thức nước nhà. Ngày 18/5/1963, Người đã đến tham dự, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam). Tại buổi lễ, Bác đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển khoa học công nghệ, trong đó khẳng định vai trò, ý nghĩa của khoa học công nghệ với sự phát triển của nước nhà; khẳng định giới trí thức khoa học công nghệ “Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, trí thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”. Để kỷ niệm sự kiện đặc biệt này, Quốc hội khoá XIII đã chọn ngày 18/5 hàng năm là ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhằm tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Sau khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện đã góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như nhiều hoạt động xã hội khác. Đây chính là điều kiện để hình thành các hội khoa học và công nghệ. Trong vòng hơn hai thập kỉ, gần 50 hội và tổng hội khoa học và công nghệ đã được thành lập, cùng với hơn mười hội ra đời trước đó, đưa tập hợp các hội khoa học - công nghệ lên con số 66. Để tạo sự liên kết giữa các hội, tháng 3 năm 1965, Ủy ban Liên lạc lâm thời các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam được thành lập. Đến năm 1982, các nhà khoa học tại Hà Nội đã đi tiên phong thực hiện chủ trương tập hợp đội ngũ trí thức khoa học, tiến tới thành lập Hội Liên hiệp khoa học- kĩ thuật Hà, liên hiệp hội địa phương đầu tiên trong cả nước. Cũng ở giai đoạn này, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, sự gia tăng số lượng trí thức khoa học, nhận thấy cần thành lập một tổ chức thống nhất của các hội khoa học và công nghệ, ngày 26 tháng 3 năm 1983, tại khách sạn Bờ Hồ, Thủ đô Hà Nội, đại biểu của 14 hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam và Hội Liên hiệp khoa học - kĩ thuật Hà Nội đã tổ chức đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do GS.VS. Thiếu tướng, AHLĐ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Ngày 29-7-1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 121-HĐBT cho phép Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chính thức thành lập và hoạt động với chức năng là nơi tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ cả nước, điều hòa và phối hợp hoạt động của các tổ chức thành viên.

Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ để phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; xây dựng ngành khoa học kỹ thuật nước nhà ngày càng phát triển, vững mạnh; tiếp cận gần hơn tới kiến thức khoa học, công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Những năm qua, Liên Hiệp hội luôn cố gắng nỗ lực, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao đồng thời thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển khoa học công nghệ quốc gia “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"[4]. Từ những ngày đầu thành lập chỉ có 15 hội thành viên với số lượng rất ít ỏi, nhưng đến nay, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Liên Hiệp hội đã tập hợp được trên 2,2 triệu trí thức trong số 3,7 triệu hội viên, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước, đã tập hợp được 156 hội thành viên gồm 63 Liên hiệp Hội địa phương và 93 Hội ngành toàn quốc, thành lập gần 600 tổ chức KH&CN trực thuộc

 Không chỉ đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, Liên Hiệp hội còn thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đóng góp tích cực vào xây dựng, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Trong những năm gần đây, mỗi năm Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai khoảng 500 – 600 nhiệm vụ; trong 5 năm qua đã tư vấn, phản biện được khoảng 3000 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ tập trung vào góp ý các dự thảo Báo cáo chính trị trình Đảng các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng, các dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN.

Đồng thời để đưa khoa học vào thực tiễn, Liên Hiệp hội đã  tổ chức nhiều hoạt động khoa học với nội dung nổi bật là nghiên cứu ứng dụng, góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hội cũng đã thúc đẩy quá trình xã hội hoá các hoạt động KH&CN. Đầu tư cho KH&CN từ Liên hiệp Hội đã góp phần quan trọng trong việc thu hút nguồn lực xã hội, từ 20% cách đây 10 năm, thì nay đã lên tới 60%.

Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm

Suốt chặng đường xây dựng và phát triển, trải qua nhiều khó khăn, thử thách Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã từng bước trưởng thành, ngày càng đóng góp lớn hơn vào sự nghiệp khoa học nước nhà. Nhìn lại chặng đường 40 năm đã qua, sáng ngày 24/3, tại Thủ đô Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đến tham dự buổi lễ, về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có sự hiện diện của các đồng chí: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ….cùng với các Đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, là lãnh đạo Cơ quan của Trung ương Đảng; Chính phủ, Quốc hội; các Đồng chí Bí thư và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, tổ chức, cơ quan Trung ương; các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Tập đoàn doanh nghiệp KH&CN trong cả nước.

Buổi lễ cũng có sự tham gia các đồng chí lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam qua các thời kỳ; Đại diện các nhà khoa học, đại biểu trí thức người Việt Nam ở trong và ngoài nước; Các đại diện trí thức của 93 Hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Lao động cho tập thể và cá nhân

Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã khẳng định Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, là nguồn động viên vô cùng to lớn của Đảng và Nhà nước, của cá nhân Đồng chí Tổng Bí thư và các Đồng chí Lãnh đạo các cơ quan Ban, bộ ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương đối với đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ nước nhà, đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”. Trong diễn văn, đồng chí Phan Xuân Dũng cũng đã khẳng định quyết tâm của toàn thể đội ngũ cán bộ, đội ngũ tri thức của Liên Hiệp hội trong việc phấn đấu, thực hiện trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước đã giao phó cũng như thực hiện mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ VII của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày 03/6/2015, đó là “Liên hiệp Hội Việt Nam phải thực sự là nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam”, và phải “làm tròn bổn phận của mình đối với đất nước, dân tộc, phát huy những phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, tính đạo đức, lối sống theo truyền thống dân tộc”. 

Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những phát biểu, chỉ đạo với Liên hiệp Hội Việt Nam và đội ngũ trí thức, trong đó Tổng bí thư nhấn mạnh việc thành lập của Liên hiệp Hội Việt Nam đã đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, mong muốn có một tổ chức chung để tập hợp đoàn kết, điều hòa, phối hợp các hoạt động phong phú, đa dạng để nói tiếng nói thống nhất, đề đạt nguyện vọng và ý kiến chung của giới trí thức đối với Đảng và Nhà nước. Đồng chí cũng đánh giá cao các kết quả mà Liên Hiệp hội đã đạt được thời gian qua, và tin tưởng Hội sẽ hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, đóng góp nhiều hơn nữa với chất lượng và hiệu quả cao hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ phát triển đất nước.

Ông Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam 

Chặng đường phát triển đầy tự hào của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam 40 năm qua đã để lại nhiều dấu ấn, nhiều kỷ niệm, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tại buổi lễ các khách mời cũng đã hình dung được một cách khái quát chặng đường hình thành và phát triển của Liên Hiệp hội thông qua phóng sự VUSTA - 40 năm kết nối trí thức Việt”, cũng như qua các chia sẻ của các  đồng chí nguyên lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam như Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Phúc; Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang.

Thay mặt Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Phan Xuân Dũng một lần nữa khẳng định quyết tâm của Liên Hiệp hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức là tập hợp, đoàn kết và tạo điều kiện thuận lợi cho các hội thành viên và giới trí thức phát huy tiềm nǎng trí tuệ để phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; kế thừa truyền thống của dân tộc, của cha anh, góp phần đưa khoa học, công nghệ nước nhà trở thành động lực hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của khoa học, công nghệ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Ban tổ chức cũng đồng thời công bố Quyết định khen thưởng cấp Nhà nước gồm Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam. Bên cạnh đó, lễ kỷ niệm cũng giành các hoạt động tri ân các đồng chí nguyên là lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam qua các thời kỳ, những người đặt nền móng, cống hiến và đóng góp cho sự phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam.

BTV Lê Nhung

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr156

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7. tr.33;

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.238;

[4] Nghị quyết số 20-NQ/TWngày 01/11/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)

Bình luận: 0