XỨNG ĐÁNG LÀ ĐỘI QUÂN XUNG KÍCH TRÊN MẶT TRẬN TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân. (Nguồn: TTXVN)
Đại dịch COVID-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, nhất là giữa Nga và Mỹ, giữa Nga và EU, giữa Trung Quốc và Mỹ…; xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina ngày càng căng thẳng, chưa có dấu hiệu kết thúc. Hầu hết các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, kinh tế ở nhiều nước gặp khó khăn, phục hồi chậm; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, động đất gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Tình hình biển Đông, biển Hoa Đông, biển Đen có nhiều diễn biến phức tạp. Ở trong nước, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, đại dịch COVID-19, bên cạnh những kết quả đạt được toàn diện sáu tháng qua, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nặng nề. Song, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngành Tuyên giáo của Đảng đã đạt được những thành tựu rất đỗi tự hào là: Thứ nhất, toàn ngành đã và đang tích cực xây dựng 26 đề án sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương và các đề án tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các quy định mới. Thứ hai, tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo lớn, như: Hội nghị quán triệt các Quy định: 85-QĐ/TW, 99-QĐ/TW, 100-QĐ/TW, 101-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XIII và triển khai Kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025); Hội nghị toàn quốc đánh giá 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được tổ chức tại 4.487 điểm cầu có hơn 20.000 đại biểu tham dự với nhiều đổi mới. Thứ ba, tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền nhiều sự kiện lớn của Đảng, của đất nước, như: Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII; Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; tích cực chỉ đạo và định hướng cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chung quanh các sự kiện lớn khác. Thứ tư, tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Ngành Tuyên giáo đã tham mưu triển khai sâu rộng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nước và quốc tế tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; định hướng trong Đảng và xã hội về phương châm của Tổng Bí thư: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Thứ năm, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng các lĩnh vực của công tác tuyên giáo. Trên tinh thần đó, 6 tháng qua, toàn ngành đã tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam; đổi mới nội dung và phương thức của các lĩnh vực: Tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí - xuất bản, thông tin đối ngoại, văn hóa - văn nghệ, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các vấn đề xã hội... Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch; nắm chắc tình hình tư tưởng và dư luận trong Đảng, trong xã hội... để tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống.
Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng trong bối cảnh niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ngày càng tăng lên. Đây chính là thời cơ để ngành Tuyên giáo khẳng định vai trò định hướng tư tưởng, chính trị, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Tiết mục trong Chương trình nghệ thuật Giữ trọn niềm tin và tổng kết Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”. Ảnh minh họa. Nguồn: baovanhoa.vn |
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, công tác tuyên giáo trong thời gian tới tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp căn bản sau đây:
Một là, tiếp tục tuyên truyền khát vọng vươn lên và quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng từ hàng ngàn năm của dân tộc ta, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hai là, năm 2023 được xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII nên cần đẩy mạnh tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược do Đại hội XIII đề ra. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền nội dung các Hội nghị toàn quốc do Bộ Chính trị chủ trì về các lĩnh vực: Kinh tế, nội chính, đối ngoại, văn hóa, xây dựng Đảng, đại đoàn kết dân tộc… là các nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 6 hội nghị về phát triển các khu vực trong cả nước và để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống nhanh hơn nữa. Đây là cách làm mới, sáng tạo lần đầu tiên trong các kỳ đại hội, thể hiện sự đổi mới của Đảng trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng.
Ba là, tiếp tục tuyên truyền có hệ thống, sâu rộng hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và để toàn Đảng, toàn dân nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa và tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang tiến hành, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước những đòi hỏi của tình hình mới.
Bốn là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức và chất lượng của công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Tập trung vào những dự báo chiến lược để tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của thế giới và trong nước đang đặt ra; chú trọng giải quyết những điểm nghẽn của công tác tuyên giáo trước yêu cầu mới. Tổ chức thành công hội thảo quốc gia về chủ đề “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới” để toàn ngành Tuyên giáo hiểu thấu và nâng cao quyết tâm chính trị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và thực hiện tốt việc ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Thực hiện tốt phương châm: “Ta hiểu đúng ta cũng chính là chống lại kẻ thù” để giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ trước các cuộc “xâm lăng về văn hóa” từ bên ngoài vào.
Sáu là, thực hiện tốt phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là chính, đẩy mạnh tuyên truyền các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội theo tinh thần: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Thực hiện có hiệu quả quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trên tinh thần người có chức trách càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương.
Bảy là, công tác tuyên giáo góp phần đắc lực vào công tác xây dựng tổ chức Đảng, trong đó có một số nội dung mới gần đây, như: Công tác cán bộ thực hiện nguyên tắc: “Có vào, có ra. Có lên, có xuống”; “Tự xin thôi chức nếu thấy mình không thể hoàn thành nhiệm vụ”... Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “nếu tay mình nhúng chàm thì tự giác xin thôi” như Tổng Bí thư phát biểu.
Tám là, ngoài bốn nguy cơ: chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tụt hậu xa hơn về kinh tế, tệ nạn tham nhũng, lãng phí và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch mà Đảng ta đã xác định cho đến nay vẫn còn hiện hữu thì hiện nay có 5 bức xúc trong xã hội là: An toàn thông tin mạng; An toàn thông tin dịch bệnh; An toàn giao thông; An toàn môi trường và An toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể nói, năm vấn đề bức xúc này đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, tính mạng và sức khỏe của cán bộ, nhân dân. Do vậy, ngành Tuyên giáo góp phần đắc lực giải quyết ngăn chặn 4 nguy cơ trên và 5 bức xúc trong xã hội hiện nay thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững và góp phần khẳng định vai trò, vị thế của ngành Tuyên giáo của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
Chín là, ngành Tuyên giáo giữ vai trò tiên phong và nòng cốt trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng số, chuyển đổi số. Đây là một đòi hỏi cấp thiết cả trước mắt và lâu dài để hiện thực hóa các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng.
Kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng là dịp đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của cả nước ôn lại truyền thống vẻ vang và những thành tựu tự hào của ngành. Đồng thời, cũng thể hiện niềm tin mãnh liệt và nêu cao tinh thần cách mạng tiến công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa để tiếp tục xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng. |
TS Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương;
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
NGUỒN: TẠP CHÍ TUYÊN GIÁO
Tin tức liên quan
- Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm giải Báo chí quốc gia (03:03 18/11/2023)
- Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam với sứ mệnh phát triển khoa học nước nhà (08:02 18/07/2023)
- Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển (08:07 23/03/2023)
- Các Cơ quan báo chí khoa học Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia Hội Báo toàn quốc 2023 (06:37 13/03/2023)
- Long trọng Đại hội Hiệp hội Vệ sinh Công nghiệp Việt Nam lần thứ 3 (04:42 21/07/2022)