TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Một số mô hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài ứng dụng cho Việt Nam- Kỳ 1

00:32 13/08/2021
Logo header Các hoạt động đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây đã đem đến nhiều “cơ hội vàng” để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực sản xuất, giá trị của nền kinh tế. Tuy nhiên hoạt động thu hút FDI của nước ta còn nhiều hạn chế. Cùng tham khảo một số mô hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của một số nước trên thế giới.

1. Mô hình cải cách hệ thống cấp phép một cửa (OSS) của Indonesia

Indonesia đã đưa ra 15 gói chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy đầu tư. Một trong số đó là Dịch vụ một cửa (OSS) trực thuộc Ủy Ban điều phối đầu tư Indonesia (BKPM) thực hiện từ năm 1/2015.

OSS tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ tích hợp, đơn giản hơn, nhanh hơn và minh bạch hơn cho các nhà đầu tư tại Indonesia. Các nhà đầu giờ đây không cần phải chạy quanh Jakarta để xin ý kiến và xin cấp phép. Tại trung tâm dịch vụ một cửa, cán bộ cấp cao của 22 Bộ và các cơ quan chức năng ngồi tập trung tại đây để xử lý các đơn xin đầu tư. Điều này cho phép các cấp chính quyền giảm thời gian xử lý, quy trình tổng hợp, tránh sự chồng chéo và loại bỏ nhũng nhiễu.

Indonesia cũng cho phép tất cả các nhà đầu tư đã có giấy phép đầu tư có thể bắt đầu dự án xây dựng ngay trước khi có giấy phép xây dựng tại các khu công nghiệp. Giấy phép xây dựng có thể xin cấp song song với quá trình xây dựng. Đồng thời, Indonesia cũng cho phép thông quan nhanh hàng hóa đầu vào cho hoạt động xây dựng của dự án đầu tư, thời gian thông quan giảm từ 3-5 ngày xuống còn 30 phút.

Điều kiện để được ưu tiên cấp phép đầu  tư trong vòng 3-giờ bao gồm: (1) Vốn đầu tư dự kiến là 100 tỷ Rupiah (khoảng 7 triệu USD) và sử dụng ít nhất 1.000 lao động địa phương; (2) Nhà đầu tư trực tiếp đến văn phòng dịch vụ hành chính một cửa tại BKPM. Nếu người đến trực tiếp là cổ đông của công ty thì cần mang thêm giấy ủy quyền. Các ngành áp dụng: chế tạo, năng lượng, dầu, khí đốt, và du lịch.

Hình 1. Tóm tắt mô hình cấp phép đầu tư 3 giờ tại dịch vụ một cửa

2. Mô hình một cửa thông qua Trung tâm chuyển đổi đô thị (UTC) Malaysia

Hoạt động của các UTC tại Malaysia cung cấp các giải pháp như cung cấp một địa điểm cho tất cả các dịch vụ, địa điểm dễ tiếp cận, tăng cường các tiện ích phục vụ, giảm thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng phục vụ, cắt giảm thủ tục hành chính và giảm tham nhũng. Các dịch vụ được cung cấp  ở UTC rất đa dạng, và người dân chỉ cần biết đến một nơi để thực hiện tất cả các nhu cầu của mình. Tiếp đến, đó là quan điểm cung cấp dịch vụ phải từ công dân-những khách hàng của Trung tâm một cửa. Việc thiết lập danh mục dịch vụ được cung cấp tại UTC là kết quả của việc lấy ý kiến rộng rãi công chúng, dịch vụ nào công chúng cần nhiều, dịch vụ đó được đưa vào các UTC. Trên cơ sở các danh mục dịch vụ đã được xác định, các cơ quan cử người đến thực hiện. Các dịch vụ hành chính công được cung cấp tại UTC đã đáp ứng được những giao dịch hành chính phổ biến nhất của người dân như hộ tịch, làm hộ chiếu, giáo dục, việc làm, đăng ký doanh nghiệp, v.v. Trên nền tảng các cơ sở dữ liệu sẵn có, người dân có thể làm thủ tục hành chính tại bất cứ UTC nào, không phân biệt địa giới hành chính. Các thông tin về việc giải quyết thủ tục hành chính được công bố rộng rãi tại trang web, tại cổng dịch vụ công, tại hệ thống máy tính tại UTC và các bảng thông tin niêm yết tại quầy.

Ngoài các dịch vụ hành chính công, các UTC còn mở rộng cung cấp nhiều dịch vụ để phục vụ đời sống của người dân, như dịch vụ về giáo dục, việc làm; các dịch vụ công ích như điện, nước; dịch vụ an ninh; dịch vụ về phúc lợi và phát triển cộng đồng; dịch vụ của các nhóm hội phi chính phủ hoạt động để tác động đến cộng đồng địa phương; các dịch vụ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, tổ chức các khóa tập huấn cho khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; dịch vụ y tế, bao gồm dịch vụ ngoại trú và dịch vụ nha khoa; dịch vụ tài chính, các kios ngân hàng để người dân có thể giao dịch; các dịch vụ phục vụ thanh niên như phòng gym, phòng chơi game...Các dịch vụ này có thể thay đổi, không được cung cấp tại UTC nữa nếu người dân có nhu cầu thấp hoặc không bảo đảm được chất lượng phục vụ.

Các cơ quan làm việc tại UTC thực hiện nhiệm vụ trong suốt thời gian từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối, không nghỉ thứ 7, chủ nhật mà chỉ nghỉ vào những ngày lễ chung của quốc gia giúp tăng tính tiếp cận cho người dân. Mặc dù thời gian làm việc như vậy nhưng các UTC vẫn phải bảo đảm chất lượng và thái độ phục vụ cho người dân. Theo đó, mỗi ngày làm việc được chia thành 2 đến 3 ca để bảo đảm chất lượng cung ứng dịch vụ hoàn hảo nhất cho người dân. Những công chức được cử đến làm việc tại UTC được đào tạo, tập huấn vài khóa trong một năm để liên tục cập nhật các kĩ năng, kiến thức và hiểu các nhu cầu của người dân - những khách hàng của UTC.

3. Mô hình cơ quan đảm bảo hiệu quả thực thi (Pemandu) của Malaysia

Mô hình tổ chức: PEMANDU là một cơ quan “đặc biệt” thuộc văn phòng thủ tướng Chính phủ, chịu trách nhiệm chính cho Chương trình chuyển đổi quốc gia (NTP). Chủ tịch PEMANDU là một người uy tín và tài giỏi đến từ khu vực tư nhân – được trao quyền tương đương một bộ trưởng, và thực hiện báo cáo trực tiếp từ thủ tướng; hai phần ba nhân sự đến từ khu vực tư nhân, và 1/3 được tuyển chọn từ khu vực công với chế độ cạnh tranh, đãi ngộ để thu hút người tài.

BƯỚC 1: ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC.

Các định hướng chiến lược này cần phải xác định và thống nhất về hiệp định “True North” với các bên liên quan chính. Đây là nền tảng bước đầu của chiến dịch thay đổi quốc gia này.

BƯỚC 2: THỬ NGHIỆM

Thử nghiệm với các môi trường được kiểm soát (controlled environments), nơi mà các bên liên quan tập trung lại và thử nghiệm những cách làm việc mới trong vòng từ 6 tới 9 tuần.

BƯỚC 3: NGÀY MỞ

Tổ chức các “Ngày mở” để báo kết quả của Thử nghiệm và tìm kiếm phản hồi, đồng thời thông báo cho công chúng về các mục tiêu, cách tiếp cận và kế hoạch thực hiện các Thử nghiệm tiếp theo.

BƯỚC 4: GTP VÀ ETP

Lộ trình cho Chương trình chuyển đổi chính phủ (GTP), và Chương trình chuyển đổi kinh tế (ETP) được dịch sang nhiều định dạng, chẳng hạn như báo cáo đầy đủ, tóm tắt điều hành hoặc video ngắn để thông báo cho công chúng và tất cả các bên liên quan về kế hoạch chuyển đổi.

BƯỚC 5: MỤC TIÊU KPI

Mục tiêu KPI (Chỉ số đo lường hiệu quả công việc) được thỏa thuận và phân công cho từng Bộ trưởng. Bộ chỉ số thứ nhất là chỉ tiêu chung cho cả nhóm Nội chính; Bộ chỉ số thứ hai là riêng cho từng Bộ trưởng.

BƯỚC 6: THỰC THI

Đội PEMANDU làm việc chặt chẽ với các nhóm quản lý chương trình tương ứng. PEMANDU là ban tổ chức, hỗ trợ và người giải quyết các nút thắt, vấn đề.

BƯỚC 7: XÁC NHẬN VÀ XÁC THỰC

Xác nhận và xác thực mục tiêu và kiểm toán KPI. Các báo cáo tiến độ KPI cấp Bộ được xem xét và xác nhận bởi một công ty kiểm toán bên ngoài hàng năm. Một hội đồng quốc tế triệu tập hàng năm để đưa ra đánh giá quan trọng về tiến độ của chương trình chuyển đổi.

BƯỚC 8: PHỔ BIẾN

Báo cáo thường niên được xuất bản hàng năm ở nhiều định dạng khác nhau và phổ biến rộng rãi qua các phương tiện truyền thông và trực tuyến.

Bảng 1: Tám bước thực hiện của Pemandu

Hình 1. Tóm tắt cơ cấu tổ chức PEMANDU

4. Mô hình tăng hiệu quả của quá trình thông quan hàng hóa qua biên giới: Giải pháp bảo lãnh thông quan của Mỹ

Có một sự thật rằng tại Việt Nam, thời gian hàng hóa lưu kho để làm thủ tục hải quan trước khi được giải phóng hàng là rất lâu so với các quốc gia khác trên thế giới, và nhất là so với các quốc gia trong khu vực, cụ thể, thủ tục kiểm tra chuyên ngành là lý do lớn nhất cho việc chậm trễ này. Những thực trạng này gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng cạnh tranh và mức độ thu hút đầu tư của Việt Nam: “…nếu muốn phát triển xuất khẩu bạn phải tạo thuận lợi cho nhập khẩu”.

Mô hình bảo lãnh thông quan của Mỹ: Bảo lãnh thông quan là một thỏa thuận pháp lý đảm bảo tất cả các nhiệm vụ cần thiết, thuế, và lệ phí được trả cho Hải quan khi nhập khẩu hàng hóa thương mại, đối với các lô hàng có trị giá trên 2.500 USD. Một số tình huống nhất định cần sử dụng bảo lãnh thông quan để nhập khẩu hàng hóa , như là (i) nhập khẩu là với mục đích thương mại và (ii) nhập khẩu hàng hóa đặc thù cần tiến hành kiểm tra chuyên ngành.

Các điều kiện để áp dụng bảo lãnh thông quan: Để nhập khẩu hàng hóa sử dụng bảo lãnh thông quan, nhà đầu tư cần đáp ứng 8 điều kiện: i) Đồng ý trả các khoản thuế, các nhiệm vụ và các khoản phí khác đúng hạn, ii) Đồng ý nhập cảnh, iii) Đồng ý cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan, iv) Đồng ý gửi lại hàng hóa nếu cần, v) Đồng ý khắc phục các vấn đề chưa đúng với quy định đầu vào, vi) Đồng ý cho phép kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, vii) Đồng ý trả bất kỳ khoản phí kiểm tra, xử lý và lưu trữ cần thiết nào, viii) Đồng ý tuân thủ theo các quy tắc của lô hàng miễn thuế.

5. Các mô hình của Nhật Bản

Huy động sự tham gia của khối tư nhân trong cải thiện chính sách – Mô hình Keidaren của Nhật Bản

Keidanren là Liên đoàn các tổ chức kinh tế của Nhật Bản, là tổ chức của các nhà doanh nghiệp đầu tầu của nền kinh tế Nhật Bản bao gồm các công ty thương mại, các nhà bán lẻ, và các nhà sản xuất chế biến, chế tạo. Nhiệm vụ của nó như là một tổ chức kinh tế toàn diện là thu hút sức sống của các tập đoàn, cá nhân và cộng đồng địa phương để hỗ trợ các hoạt động của công ty góp phần phát triển bền vững nền kinh tế Nhật Bản và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Nhật Bản. Nhân sự chủ chốt chính là những nhà lãnh đạo của các tập đoàn tư nhân hàng đầu của Nhật Bản. Keidanren không chỉ giúp Chính phủ Nhật Bản trong việc xây dựng các dự thảo chính sách liên quan đến các vấn đề kinh tế quan trọng mà còn đưa ra các chiến lược phát triển kinh tế dài hạn và toàn diện cho Nhật Bản ở trong và ngoài nước.

Keidanren ủng hộ mô hình kinh tế mở và tự do. Keidanren có đóng góp rất lớn đến việc tháo bỏ các rào cản chính sách, cải thiện môi trường đầu tư và thuận lợi hóa thương mại của Nhật Bản những năm 1990. Keidanren đưa ra các báo cáo và các đề án cụ thể, có cơ sở khoa học liên quan đến các chính sách kinh tế, có thể là thực hiện trong năm hoặc là kế hoạch 5 năm để điều chỉnh/thay đổi các rào cản do quy chế, quy định hiện hành. Keidanren tăng cường thương thuyết với các bộ và các cơ quan có liên quan đến các chính sách cần tháo gỡ và sửa đổi.

Mô hình Chính phủ điện tử (Ứng dụng công nghệ 4.0, BIG DATA) của Nhật Bản

Trong những năm vừa qua, Nhật Bản luôn có những chính sách và kế hoạch chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số. Theo đó, việc xây dựng Chính phủ điện tử chính là các nỗ lực xây dựng hành chính điện tử, tập trung vào việc tổ chức hợp lý hóa các nghiệp vụ hành chính nội bộ, lấy cơ quan hành chính làm trung tâm; Chính phủ số chính là thực hiện việc liên kết, chia sẻ dữ liệu trên một nền tảng và tích hợp dịch vụ trên toàn bộ chính quyền trung ương và địa phương và với khu vực tư nhân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, với mục đích “hiện thực hóa Chính phủ số theo phong cách Nhật Bản đầu tiên trên thế giới” trên cơ sở chính sách xúc tiến Chính phủ số, bao gồm: (i) Cải cách dịch vụ hành chính với trọng tâm là người dùng, sử dụng triệt để công nghệ số; (ii) Hoàn thiện nền tảng thực hiện phối hợp chung giữa chính quyền và người dân; (iii) Quản trị công nghệ thông tin tạo ra giá trị.

Nhật Bản đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Chuỗi khối (Blockchain điện toán đám mây (Cloud Computing), mạng 5G, v.v., vào Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về khả năng chia sẻ, tính linh hoạt, hiệu suất, phân tích thông tin, khả năng học tập,… góp phần giải quyết vấn đề và cung cấp thông tin, dịch vụ cho người dân một cách đa dạng, nhanh chóng, thuận tiện, với chi phí thấp; đồng thời, có khả năng dự báo và đối phó với những vấn đề phát sinh trong tương lai. Điểm cốt lõi trong việc ứng dụng các công nghệ mới này là từng nội dung nghiên cứu ứng dụng cụ thể được giao cho các bộ, ngành liên quan trong các kế hoạch cơ bản thúc đẩy sử dụng dữ liệu công - tư, thực hiện Chính phủ số, trung và dài hạn của các bộ và cơ quan Chính phủ.

                  Anh Quân

(Tổng hợp từ Báo cáo GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện năm 2020)

Bình luận: 0