TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 04/12/2024

Một số vấn đề đặt ra về minh bạch thông tin trong hoạt động đầu tư, xây dựng ở nước ta hiện nay

06:19 18/06/2021
Logo header Công khai, minh bạch là nền tảng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là công cụ để kiểm soát quyền lực nhà nước. Do vậy, việc nhận thức đúng đắn pháp luật và thực trạng thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động đầu tư, xây dựng là việc thiết yếu. Bài viết này sẽ tập trung phân tích các quy định pháp luật điều chỉnh công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư, xây dựng cũng như thực trạng thực hiện pháp luật xoay quanh vấn đề trên.

Quy định pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng:

Công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật áp dụng chung như Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2007 và năm 2012, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2014, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2016 Luật Đầu tư năm 2014 cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Cụ thể:

Một là, nội dung phải công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng bao gồm Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên; Tiến độ thực hiện, Phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; Quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã; Báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; Mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án; Quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án; Báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án; Việc lấy ý kiến cũng như giám sát của Nhân dân địa phương nơi quy hoạch đối với Dự án quy hoạch đầu tư xây dựng; HĐND xem xét, quyết định Dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương. Ngoài ra, các Thông tin về đấu thầu phải được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và được khuyến khích đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Hai là, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc công bố, công khai dự án đầu tư, xây dựng. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải niêm yết công khai và giải thích, hướng dẫn các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng. Bên cạnh đó, cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, tài nguyên và môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước khác có trách nhiệm công bố đầy đủ, công khai quy hoạch, danh mục dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thực trạng thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng:

Việc ban hành cụ thể các quy định về công khai, minh bạch trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng nói riêng thời gian qua đã trở thành công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Nhân dân đối với hoạt động quản lý đầu tư, xây dựng của các cơ quan nhà nước. Ở một mức độ nhất định, việc luật hóa các quy định này đã tác động tích cực đến nhận thức chung của toàn thể xã hội, nhất là cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Nhận thức của người dân về quyền được thông tin và trách nhiệm công khai minh bạch của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng là một trong những yếu tố chủ đạo tạo sức ép và thúc đẩy việc thực thi trách nhiệm công khai minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đánh giá mức độ đáp ứng của cơ quan nhà nước cho thấy, việc thực thi trách nhiệm công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế.

Kết quả khảo sát đề tài cấp Nhà nước “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của Viện Khoa học, Xã hội và Môi trường năm 2019 cho thấy, trong số 1810 người được hỏi, chỉ có 22% số người được hỏi cho biết cơ quan quản lý nhà nước có công khai quy trình thủ tục hành chính thực hiện xây dựng dự án; 14% cho biết cơ quan quản lý nhà nước có công khai quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án; 26% cho biết cơ quan quản lý nhà nước có công khai danh mục dự án, đề án đầu tư phát triển hàng năm; 13% cho biết cơ quan quản lý nhà nước có công khai giấy phép xây dựng; 7% cho biết cơ quan quản lý nhà nước có công khai báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án; 18% cho biết cơ quan quản lý nhà nước có công khai báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiếu nại tố cáo về xây dựng (Hình 1.1).

Hình 1.1: Mức độ công khai, minh bạch các dự án đầu tư xây dựng

Kết quả khảo sát này của đề tài cũng gần tương đồng với kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2019. Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2019, trong số 14.138 người được khảo sát, chỉ có 41,11% số người trả lời cho biết Ban Thanh tra Nhân dân hoặc Ban giám sát đầu tư cộng đồng có giám sát việc xây mới/tu sửa công trình; 61,52% người trả lời cho biết đã tham gia vào việc quyết định xây mới/tu sửa công trình công cộng ở xã/phường; nhưng chỉ 36,19% người trả lời cho biết có tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình thiết kế để xây mới/tu sửa công trình.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ những hạn chế trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, mà quan trọng nhất là chưa thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu. Cụ thể, các lĩnh vực còn nhiều hạn chế trong thời gian qua bao gồm:

Không chú trọng xin ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; việc công khai quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng còn rất thấp và mang tính hình thức.

Còn rất nhiều bất cập trong việc công khai, công bố thông tin trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sử dụng tài sản nhà nước trong liên danh liên kết, công khai kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án xử lý cơ sở nhà đất của nhà nước.

Né tránh việc thực hiện các quy định về đấu thầu, đấu giá để bưng bít thông tin. Thể hiện rõ nét nhất ở tình trạng các địa phương chỉ định nhà đầu tư các dự án chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang làm nhà ở, khu đô thị mà không thông qua đấu giá, đấu thầu; hoặc các dự án thực hiện theo hình thức BT, BOT gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Không công bố, công khai thông tin trong mua sắm công hoặc công bố trên các kênh thông tin ít người tiếp cận, không phù hợp; Luật đấu thầu đã quy định thông tin về đấu thầu phải được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu, nhưng nhiều trường hợp, cơ quan quản lý chỉ đăng tải qua bản tin ở cơ quan nên việc công khai rất hạn chế. Ngoài ra, một số chủ đầu tư/bên mời thầu cũng tìm cách gian lận thông tin bằng cách đánh tráo loại gói thầu như gói thầu xây lắp biến thành gói thầu mua sắm hàng hóa, gói thầu tư vấn thành phi tư vấn và ngược lại nhằm rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu hoặc che giấu thông tin; hoặc cung cấp sai địa chỉ phát hành hồ sơ mời thầu, không công bố hoặc công bố số điện thoại không chính xác, gây khó khăn cho nhà thầu tiếp cận hồ sơ mời thầu.

Kết quả thống kê tại Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trên môi trường internet (địa chỉ: http://muasamcong.mpi.gov.vn) cho thấy, từ đầu năm 2020 đến 31/06/2020, đã có 49.234 gói thầu (với giá trị lên đến 367.210,3 tỷ đồng) được công bố trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia; trong số 46.993 gói thầu đủ điều kiện đấu thầu qua mạng, có 81,1% số gói thầu trong số đó đã được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu qua mạng. Việc quyết liệt áp dụng đấu thầu qua mạng các gói mua sắm tập trung đã tăng cường hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, lan tỏa tinh thần công khai, minh bạch, cạnh tranh…

3. Kết luận

Các văn bản pháp luật áp dụng chung cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành đã quy định cụ thể, chi tiết về công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động đầu tư, xây dựng. Những quy định pháp luật đó đã góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Nhân dân đối với hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng của các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, mà quan trọng nhất là chưa thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu.

Nguyễn Trung Thành, Tạp chí Tri thức Xanh - Số 66 - 21

Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX 01.41/16-20, thuộc Chương trình KH&NC trọng điểm cấp Quốc gia KX.01/16-20.

Bình luận: 0