TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 19/04/2024

Nhà nước với quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp

15:12 13/04/2022
Logo header Để hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát huy hết vai trò, chức năng, hiệu quả cần có một hệ thống quản lý thuần thục dựa trên các yếu tố như chính sách đào tạo quốc gia, kế hoạch phát triển chiến lược và mục tiêu quốc gia, cơ chế tài chính và tiêu chí đo lường hiệu quả tổ chức…

Kỳ 2: Cơ chế quản lý giáo dục nghề nghiệp của Nhà nước

Quản lý chiến lược hệ thống GDNN quốc gia

Các hệ thống GDNN quốc gia, giống như nhiều dịch vụ công khác, buộc phải áp dụng phương pháp quản lý chiến lược vì chúng hoạt động với nguồn tài chính công khổng lồ và nhắm vào các nhóm dân số mục tiêu rất lớn. Ngoài ra, các hoạt động GDNN thích hợp cho việc lập kế hoạch dài hạn vì giáo dục và đào tạo là một quá trình liên tục, cũng như trình độ nghề nghiệp có kỹ năng và tay nghề cao thường đòi hỏi thời gian dài. Vì các hoạt động đào tạo của chính phủ cung cấp các yếu tố đầu vào đáng kể cho sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia, nên công tác quản lý chiến lược sẽ có ảnh hưởng đến tính kinh tế theo quy mô.

Các bước thực hiện của quản lý chiến lược GDNN:

Thứ nhất: Xác định mục đích của hệ thống GDNN, xem xét trong toàn bộ khung chính sách quốc gia về giáo dục.

Thứ hai: Kiểm soát, đánh giá toàn bộ hệ thống GDNN hiện có để có những định hướng, cải tiến phù hợp.

Thứ ba: Lập các kịch bản phát triển với mục đích đánh giá nhu cầu về kỹ năng trong tương lai căn cứ trên nhiều yếu tố, bao gồm cả xu hướng phát triển kinh tế và xu hướng dân số…

Thứ tư: Trên cơ sở nhu cầu trong tương lai đã được xác định và trong khuôn khổ tuyên bố sứ mệnh đã xây dựng, các mục tiêu (cung ứng) chiến lược cần được đưa ra nhằm xác định các nhóm mục tiêu ưu tiên, cũng như các đầu ra và kết quả mà hệ thống GDNN sẽ tạo ra trong tương lai.

Thứ năm: Xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu chiến lược chỉ rõ cách thức kết hợp các yếu tố tài chính, con người và các yếu tố đầu vào khác cho hệ thống GDNN.

Ở mỗi một quốc gia, chiến lược phát triển GDNN sẽ khác nhau căn cứ vào tình hình cụ thể. Do đó phương thức quản lý hệ thống GDNN cũng sẽ có sự khác biệt. Có thể so sánh một số điểm khác nhau giữa nhận thức về quản lý Nhà nước với GDNN truyền thống và hiện đại như:

Nhận thức truyền thống

Nhận thức hiện đại

Quản trị theo các mục tiêu ngắn hạn

Quản trị theo các mục tiêu chiến lược

Gồm các cơ sở đào tạo do chính phủ sở hữu và được cơ quan ban ngành quản lý nhà nước

Gồm các cơ quan/cơ sở đào tạo do chính đảm bảo tài chính nhưng được hoạt động tự chủ

Ít sử dụng các động cơ thị trường trong việc cung ứng dịch vụ

Sử dụng các cơ chế kiểu thị trường và cạnh tranh giữa các cơ sở dạy nghề công lập và tư thục

Phân công nhiệm vụ và trách nhiệm theo hướng thứ bậc

Hợp đồng dịch vụ giữa chính phủ và các cơ quan đào tạo công lập

Phân bổ nguồn lực theo đầu tổ chức/cơ sở đào tạo

Phân bổ nguồn lực theo mỗi chỉ tiêu thực hiện cần đạt được phù hợp với các mục tiêu chiến lược

Ít đánh giá về năng lực của các cơ sở đào tạo

Đo lường đầu ra của các cơ sở đào tạo dựa trên các chỉ tiêu làm cơ sở để ra các quyết định quản lý

Tổ chức các khóa đào tạo đáp ứng nhu cầu của học viên

Tổ chức các khóa đào tạo trên cơ sở các ưu tiên quốc gia và nhóm đối tượng hưởng lợi mục tiêu đã xác định

Các cơ sở đào tạo của chính phủ chỉ là đơn vị chi sự nghiệp

Không chỉ có chi sự nghiệp, các cơ sở  đào tạo của chính phủ còn là các đơn vị thu sự nghiệp

 

Một số gợi ý để nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống GDNN như:

+ Tăng cường khả năng đáp ứng và tính linh hoạt của việc cung ứng dịch vụ đào tạo thông qua:

- Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo thông qua sự tham gia của các tổ chức và doanh nghiệp khu vực tư nhân, những chủ thể này có thể được kiểm định để cung cấp các khóa học được Nhà nước cấp phát tài chính;

- Xây dựng nhiều phương pháp cung ứng và lộ trình đào tạo đào tạo để phục vụ các nhóm có nhu cầu khác nhau;

- Phân cấp trách nhiệm xây dựng chương trình và quản lý nguồn lực cho các cơ sở đào tạo, đồng thời giữ quyền kiểm soát tập trung đối với việc xác lập các ưu tiên và mục tiêu quốc gia, tài chính và kiểm soát chất lượng; chừng nào các cơ sở đào tạo có thể đưa ra quyết định một cách độc lập, chừng đó các cơ quan chức năng của Chính phủ nên can thiệp càng ít càng tốt;

- Định kỳ đánh giá về chất lượng và hiệu quả trên thị trường lao động của sinh viên tốt nghiệp và sự hài lòng của khách hàng;

- Trao chứng chỉ nghề dựa trên việc công nhận quá trình học tập và kinh nghiệm trước đây của học viên/nhân viên;

- Thúc đẩy sự tham gia của ngành và các nhóm khách hàng khác trong việc xác định nhu cầu và ưu tiên đào tạo, lập kế hoạch tổ chức đào tạo, phân bổ nguồn lực và các quyết định về quản lý và kỹ thuật.

+ Nâng cao hiệu hoạt động của hệ thống đào tạo nghề

- Giới thiệu các chỉ số đánh giá và cơ chế tài chính trong đó chú trọng đến đầu ra và kết quả đào tạo, thay vì hoạt động;

-  Xây dựng các cơ chế đầu tư phát triển có tính tình hình sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của các cơ sở đào tạo;

- Giới thiệu các hình thức đấu thầu cạnh tranh đối với nguồn tài chính GDNN công;

- Khuyến khích các cơ sở GDNN công lập thương mại hóa một phần dịch vụ của họ.

+ Nâng cao chất lượng đào tạo qua việc:

- Giới thiệu các tiêu chuẩn kỹ năng dựa trên năng lực cấp quốc gia, các yêu cầu kiểm tra và đánh giá, và khung chương trình;

- Thành lập các cơ quan thường trực cấp ngành tham gia vào việc xây dựng và duy trì các tiêu chuẩn kỹ năng và các yêu cầu kiểm tra, đánh giá;

- Thiết lập các mục tiêu liên quan đến chất lượng và các chỉ số thực hiện khác làm thành một phần của thỏa thuận thực hiện giữa các cơ sở đào tạo và cơ quan chính phủ;

- Khuyến khích thực hành tốt nhất và cơ chế đối sánh chuẩn trong việc cung ứng dịch vụ đào tạo.

+ Cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ đào tạo qua:

- Xác định các nhóm đối tượng hiện chưa đại diện đầy đủ trong đào tạo;

- Công nhận nhu cầu đào tạo cụ thể của họ;

- Nhắm tới các nhóm yếu thế này thông qua công tác lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, cung ứng dịch vụ và báo cáo.

Căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực GDNN

Các chỉ số và tiêu chí sau đây có thể được sử dụng để đo lường hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực GDNN:

- Tỷ lệ hoàn thành, là tỷ lệ phần trăm học viên hoàn thành trên tổng số học viên đã đăng ký vào đầu khóa học;

- Kết quả học tập của học viên, là tỷ lệ phần trăm học viên tốt nghiệp có bằng cấp/chứng chỉ/ở một trình độ nhất định trên tổng số học viên hoàn thành;

-  Tỷ lệ học viên tốt nghiệp tìm được việc làm;

- Công suất đào tạo, được đo bằng tỷ lệ thí sinh thực tế nhập học trên tổng chỉ tiêu đào tạo (tiêu chí này phản ánh năng suất của đội ngũ nhân viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị);

-  Các thước đo năng suất nhân viên, bao gồm tỷ lệ giáo viên/học viên, số giờ giảng dạy hàng năm trên mỗi giáo viên của cơ sở đào tạo và “tỷ lệ hoàn thành tải mô-đun”, một chỉ số giúp đo lường năng suất lao động bằng cách tính tỷ lệ phần trăm số giờ học hàng năm của học viên trong một chương trình đào tạo để được cấp chứng chỉ hoàn thành hoặc được đánh giá là đáp ứng cấp độ kỹ năng cần thiết.

- Các thước đo về tiếp cận công bằng các chương trình đào tạo do Nhà nước tài trợ, bao gồm tỷ lệ chỉ tiêu đào tạo công lập được giao trên 1.000 người độ tuổi 16-25 (đối với đào tạo ban đầu) hoặc trên 1.000 người trong độ tuổi lao động (đối với đào tạo gắn với TTLĐ) ở mỗi vùng, và tỷ lệ nhập học thực tế trên tổng chỉ tiêu đào tạo công lập được giao ở từng nhóm thiệt thòi (thanh niên thuộc các hộ gia đình thu nhập thấp, những người thất nghiệp dài hạn…) trên dân số của từng nhóm thiệt thòi này so với cùng một tỷ lệ được tính cho các nhóm không thiệt thòi;

- Mức độ hài lòng của các nhóm khách hàng (doanh nghiệp và người tốt nghiệp);

- Các thước đo về doanh thu phát sinh từ việc bán dịch vụ đào tạo (tỷ lệ doanh thu trên tổng tài sản);

- Chi phí đào tạo trung bình trên mỗi giờ đào tạo của người học (OECD, 1996);

- Giá trị thị trường của từng văn bằng trình độ nghề (tỷ lệ phần trăm người tốt nghiệp và hoàn thành một trình độ nghề nhất định);

- Tỷ suất sinh lợi ở cấp độ cá nhân và xã hội trên các khoản đầu tư đào tạo.

Ngoài ra có một cách khác để đo lường hiệu quả hoạt động của tổ chức là thông qua so sánh.

- So sánh sản lượng hiện tại với sản xuất trong quá khứ, vì một tổ chức có thể được kỳ vọng cải thiện năng suất và giảm chi phí đơn vị trên mỗi sản lượng theo thời gian (mặc dù những cải thiện có thể là do tiến bộ công nghệ thay vì nỗ lực quản lý);

- So sánh hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước với các tổ chức tư nhân cung cấp các chương trình tương tự;

- So sánh kết quả thực tế với kế hoạch, gồm cả mục tiêu và ngân sách;

- So sánh đầu ra thực tế với những gì đáng ra có thể đạt được một cách hợp lý trong hoàn cảnh nhất định.

 Việt Quang

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022

 

Bình luận: 0