Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2)
Kỳ 2: Các mục tiêu về chấm dứt nghèo đói
Mục tiêu 1.1: Đến năm 2020, xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi, sử dụng chuẩn nghèo với mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 1,25 đô la Mỹ sức mua tương đương (giá 2005)/ngày3; đến năm 2030, giảm ít nhất một nửa tỷ lệ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia
Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ nghèo đa chiều
Lộ trình: Đến 2020, duy trì mức giảm 1-1,5% hàng năm. Giai đoạn 2021-2030, duy trì mức giảm 1-1,5% và đến năm 2030, giảm ít nhất một nửa tỷ lệ nghèo đa chiều theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia.
Theo số liệu của TCTK, từ năm 2016 đến năm 2019, tỷ lệ nghèo đa chiều của cả nước có xu hướng giảm mạnh, từ mức hơn 9% năm 2016 xuống còn 5,7% vào năm 2019, tức giảm trung bình 1,17 điểm phần trăm mỗi năm trên phạm vi cả nước, tương ứng với mục tiêu lộ trình đề ra là hàng năm giảm 1,0-1,5 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, nếu như vẫn duy trì được mức giảm nghèo như vậy, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu theo lộ trình đặt ra đến năm 2020 và sẽ đạt được mục tiêu giảm ít nhất một nửa tỷ lệ nghèo đa chiều vào năm 2030. Tuy nhiên, còn tồn tại chênh lệch đáng kể tỷ lệ nghèo đa chiều giữa các vùng miền, giữa nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm dân tộc khác, giữa nhóm người khuyết tật và nhóm dân cư không khuyết tật. Chẳng hạn, Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn là những nơi có tỷ lệ nghèo rất cao (tương ứng trên 16% và hơn 12% vào năm 2019) so với mức chung của cả nước (5,7%) và cũng là nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo có người khuyết tật của cả nước là 17% năm 2016 so với mức chung cả nước là 9,2%5. Vì vậy, Việt Nam cần phải có chính sách tập trung hơn trong hỗ trợ sinh kế và giảm nghèo bền vững đối với những nhóm yếu thế này trong thời gian tới.
Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ dân số có thu nhập bình quân một ngày dưới 1,9 đô la Mỹ
Việt Nam hiện chưa tính toán số liệu cho chỉ tiêu này. Tuy nhiên, có thể thấy đây là một chỉ tiêu quan trọng, bảo đảm khả năng so sánh quốc tế về tỷ lệ nghèo giữa các quốc gia. Vì vậy, Việt Nam cần tổ chức tính toán và công bố chỉ tiêu này trong các năm tới đây. Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đã gần hoàn thành mục tiêu xóa nghèo cùng cực, với tỷ lệ nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 1,9 đô la Mỹ sức mua tương đương (PPP) theo giá so sánh 2011 chỉ còn 2% vào năm 2016. Đến 2018, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 1%
Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều
Có thể thấy, tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều của Việt Nam luôn cao hơn mức trung bình cả nước. Ví dụ, nếu như nghèo đa chiều của cả nước năm 2016 là 9,2% thì nghèo đa chiều trẻ em năm đó là 19,1%. Tương tự, tương quan này vào năm 2018 là 6,8% và 14,5%. Ngoài ra, ở Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn giữa trẻ em nghèo đa chiều ở thành thị và nông thôn, giữa trẻ em dân tộc Kinh, Hoa và trẻ em dân tộc thiểu số. Năm 2018, tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều ở nông thôn gấp 3,7 lần thành thị; tỷ lệ trẻ em nghèo người dân tộc thiểu số (không kể người Hoa) cao gấp 6,8 lần so với trẻ em nghèo người Kinh và Hoa. Các vùng có tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều cao nhất cả nước là Trung du và miền núi phía Bắc (29,3%) và Tây nguyên (25,4%).
Mục tiêu 1.2: Triển khai trên toàn quốc các hệ thống và các biện pháp an sinh xã hội thích hợp cho mọi người, bao gồm cả các chính sách sàn an sinh xã hội và đến năm 2030 đạt được diện bao phủ đáng kể cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương
Chỉ tiêu 1: Số người đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp: Năm 2020 tương ứng là 35% và 25%; Năm 2025: tương ứng là 45% và 35%. Năm 2030: tương ứng là 60% và 45%.
Việt Nam đã xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng đến bảo hiểm xã hội toàn dân; thực hiện các giải pháp mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; mở rộng các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc, hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết. Chính sách BHXH bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới trong tham gia, thụ hưởng BHXH, trong đó Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (Luật số 58/2014/QH13) có hiệu lực năm 2016, có một số quy định mới khá tiến bộ, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định về chế độ thai sản, hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Niên giám Thống kê 2019 của TCTK, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2015-2018 không ngừng tăng lên.
Đến 2019, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 30,4% và BHTN đạt 27,5%. Như vậy, đến năm 2020, Việt Nam chỉ có thể gần đạt mục tiêu tỷ lệ bao phủ BHXH ở mức 35% và vượt mục tiêu tỷ lệ bao phủ BHTN ở mức 25% vào năm 2020. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trung bình 1,8 điểm phần trăm hàng năm trong giai đoạn vừa qua đối với tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH thì Việt Nam khó đạt mục tiêu bao phủ BHXH vào cuối năm 2025 là 45% và năm 2030 là 60%. Nhưng nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHTN như hiện nay thì Việt Nam có thể sẽ vượt mục tiêu đề ra tới năm 2025 là 35% và năm 2030 là 45%. Cũng cần phải lưu ý thêm rằng, tốc độ gia tăng như trên của các năm về sau sẽ khó đạt được như mức của các năm đầu tiên, do vậy các chính sách càng về sau càng phải tập trung và có hiệu quả hơn.
Việt Nam đang dần tiến tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân với số dân tham gia BHYT đạt cao. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng liên tục từ 71,25% năm 2014 lên 89,3% năm 2019 và ước đạt 90,7% năm 2020.
Như vậy, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt hơn 90% dân số (tương đương 85,4 triệu người) và vượt mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương số 21-NQ/TW (2012) đặt ra cho năm 202013. Đáng chú ý, tỷ lệ người nghèo và cận nghèo tham gia BHYT, một trong những chỉ tiêu thể hiện độ bao phủ của chính sách an sinh xã hội đối với người nghèo và những người dễ bị tổn thương đã được cải thiện. Theo quy định hiện hành, hộ nghèo, hộ cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Điều này có nghĩa người nghèo ở Việt Nam được bảo đảm tiếp cận dịch vụ y tế theo luật định. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT đạt 96% năm 2019. Theo Điều tra quốc gia Người khuyết tật năm 2016 của TCTK, tỷ lệ người khuyết tật có bảo hiểm y tế cũng đạt ở mức cao là 90,1%, cao hơn mức chung cả nước cùng năm đó là 81,8%.
Chỉ tiêu 2: Số người được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng cục Thống kê hàng năm công bố số liệu về số lượt người hưởng BHYT, số người hưởng BHXH, BHTN và cho thấy có xu hướng tăng tương ứng với số người tham gia BHXH, BHYT và BHTN.
Chỉ tiêu 3: Số người được hỗ trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng
Lộ trình: Đến hết năm 2020, 2025 và 2030, số người được hỗ trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng chiếm lần lượt 3%, 3,5% và 4% dân số.
Trong những năm qua, chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được mở rộng về đối tượng thụ hưởng, được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm. Hiện nay các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được quy định tại
Nghị định 136/2013/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2019, cả nước có trên 3 triệu đối tượng (gồm 1,75 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng; trên 1,098 triệu người khuyết tật; 217 ngàn trẻ em; còn lại là các đối tượng dễ bị tổn thương khác - tương đương 3,1% dân số) đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, được hỗ trợ kinh phí chăm sóc và cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Chỉ tiêu 4: Số người được hỗ trợ xã hội đột xuất.
Lộ trình: Đến hết năm 2020, 2025, 2030, 100% người gặp khó khăn được hỗ trợ xã hội đột xuất.
Theo quy định hiện hành, những trường hợp sau được nhận trợ cấp khó khăn đột xuất: i) Trợ cấp mai táng; ii) Bị thương nặng trong trường hợp bất khả kháng; iii) Hộ nghèo, cận nghèo và hộ gặp khó khăn do nhà cửa bị hỏng, sập đổ; iv) Hộ phải di dời khẩn cấp do bất khả kháng; v) Trẻ em có bố mẹ mất tích và không có nơi nương tựa. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ hết đến các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời và đạt mục tiêu mà lộ trình đề ra. Hàng năm, có hàng triệu người thiếu lương thực sau thiên tai, giáp hạt, dịp Tết nguyên đán được cứu trợ kịp thời cả gạo lẫn tiền. Năm 2019, số trường hợp được nhận hỗ trợ mai táng là 62,2 ngàn lượt người.
Chỉ tiêu 5: Số người được nuôi dưỡng tập trung trong cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, số người được nuôi dưỡng tập trung trong cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội năm 2019 là 40,1 ngàn người. Trong đó nhiều nhất là người khuyết tật (23,5 ngàn người, chiếm hơn 58%), tiếp đó là trẻ mồ côi (9,6 ngàn em, chiếm 23,9%), người cao tuổi (gần 3 ngàn người) và các đối tượng khác.
Lê Nhung
Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161 - 05/2022
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)
- Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 05/2022 (12:15 30/05/2022)