TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 24/04/2024

Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

11:44 06/06/2022
Logo header Hiện nay, Đảng ta đang hướng đến tinh giản hệ thống chính trị nhằm hoạt động có hiệu quả, trách nhiệm. Việc tập hợp ba lực lượng Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã thành một Lực lượng là phù hợp với quan điểm của Đảng, gắn chức danh với nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Để thực hiện được điều này, cần có sự thống nhất vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ chính sách của ba lực lượng này bằng việc xây dựng quy định trong Luật cụ thể.

Hội Thảo Khoa Học: Luận Cứ Khoa Học và Thực Tiễn Của Việc Xây Dựng Dự Án Luật Lực Lượng Tham Gia Bảo vệ an Ninh, Trật Tự ở Cơ Sở (Nguồn:CAND)

1. Quan điểm của Đảng về việc phát triển Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Nghị quyết số 51 – NQ/TW ngày 05/09/2019 của bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia là cơ sở để xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nghị quyết xác định nhiệm vụ xây dựng, củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và giao trách nhiệm đối với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương trong việc duy trì lực lượng trị an cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý (Bộ Công an, Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học: Luận Cứ Khoa Học và Thực Tiễn Của Việc Xây Dựng Dự Án Luật Lực Lượng Tham Gia Bảo vệ an Ninh, Trật Tự ở Cơ Sở).

Trong Kết luận số 64 – KL/TW ngày 28/05/2013 của Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, đưa ra nhiệm vụ giải pháp về biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể là đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hoá dịch vụ công, từng bước giảm chi lương viên chức từ ngân sách nhà nước; thống nhất quản lý chặt chẽ việc thành lập mới các đơn vị và tăng cường kiêm nhiệm công việc, khoán quỹ phụ cấp để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách gắn với việc tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã. Mỗi thôn, tổ dân phố và tương đương có một số chức danh (không quá 3 người) được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; tăng cường quyền làm chủ của nhân dân gắn với đẩy mạnh thực hiện các hình thức tự quản và xã hội hoá ở cộng đồng dân cư. Nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức hoạt động Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương căn cứ Kết luận này xây dựng đề án cụ thể thực hiện; rà soát về cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm để tiến hành đổi mới tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động ở địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập và số lượng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ những văn bản trên, quan điểm của Đảng về phát triển Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có thể được khái quát như sau: Củng cố Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở. Ngoài ra việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ, chịu trách nhiệm trong đơn vị sự nghiệp công lập, gắn chức danh với vị trí làm việc và tinh giảm, nâng cao chất lượng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập cũng được Đảng ta hướng đến. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập và nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì vậy phương hướng phát triển cần phải đi theo quan điểm của Đảng.

2. Những quy định pháp lý hiện hành về quản lý Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Hiện nay đã có những văn bản pháp lý khác nhau do các cơ quan khác nhau ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các lực lượng được xếp vào Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (bảo vệ dân số, công an xã, dân phòng). Dưới đây là một số văn bản pháp lý hiện hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các lực lượng trên:

Nghị định số 38/2006/NĐ – CP về Bảo vệ dân phố quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng Bảo vệ dân phố. Theo đó, Nghị định có những quy định rất rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện để trở thành Bảo vệ dân phố. Trong đó Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện có vai trò nòng cốt trong giữ gìn trật tự xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia tại các xã, phường, thị trấn.

Pháp lệnh Công an xã năm 2008 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của Công an xã; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách đối với Công an xã. Cụ thể là Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Công an xã có chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, Uỷ ban nhân dân cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

Luật số 40/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã sửa đổi, bổ sung Điều 44 về thành lập, quản lý đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành mà cụ thể tại Khoản 1: Tại thôn phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập, quản lý và Khoản 4: Quyết định thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành phải được cơ quan ban hành gửi tới cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn đó. Như vậy đội dân phòng thuộc về lực lương phòng cháy chữa cháy ở cơ sở hoạt động trên địa bàn thôn có nhiệm vụ tham gia phòng cháy chữa cháy và cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chịu sự điều động của cấp có thẩm quyền để tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

  Những văn bản trên có sự quy định về vị trí, chức năng, quyền hạn, tổ chức, cơ cấu của các lực lượng được xếp vào Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng), tuy nhiên những điều này chưa được thống nhất trong một văn bản hoàn chỉnh và do một cơ quan ban hành. Theo Hiến pháp 2013, nhiệm vụ được quy định tại các văn bản luật, quyền hạn do luật quy định, hiện nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã có quyền hạn nhưng chưa được quy định trong luật cụ thể. Như vậy cần xây dựng luật để định nghĩa, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức vận hành Lực lượng từ đó có nhưng văn bản hướng dẫn cụ thể để tạo sự đồng nhất trong quá trình tổ chức, thực hiện và hoạt động. Ngoài ra, việc có ba lực lượng thuộc Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là chưa tinh gọn và chưa phù hợp với phương hướng Đảng đã đề ra.

3. Đề xuất những nội dung của dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Từ quan điểm của Đảng về phát triển Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và những điểm chưa phù hợp tại các văn bản quy định về các lực lượng được xếp vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh (Dân phòng, Công an xã, Bảo vệ dân phố), trật tự ở cơ sở, tác giả đề xuất một số nội dung cho dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như sau:

Xây dựng định nghĩa về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Hiện nay, đã có các văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ chính sách đối với lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã, Dân phòng mặc dù các lực lượng này được xếp vào Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tuy nhiên chưa có định nghĩa cụ thể về lực lượng này. Từ những văn văn bản pháp luật hiện hành có thể đưa ra định nghĩa về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự như sau: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng giữ nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, phòng chống, khắc phục những rủi ro do cháy nổ xảy ra tại địa bàn cơ sở, nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng và chịu sự quản lý của người đứng đầu cơ sở.

Xác định nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác của từng lực lượng thuộc Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần có nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác cụ thể, rõ ràng để hoạt động có hiệu quả. Với nhiệm vụ vụ giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, phòng chống, khắc phục những rủi ro do cháy nổ xảy ra tại địa bàn cơ sở, lực lượng này có quyền được cung cấp trang bị phục vụ cho nhiệm vụ của mình, có quyền cưỡng chế đối với đối tượng phạm tội; chịu sự quản lý từ người đứng đầu cơ sở, chịu sự điều phối từ cơ quan công an có thẩm quyền, kết hợp với bộ phận công an, cảnh sát chuyên môn thực hiện nhiệm vụ; được đào tạo nghiệp vụ bởi cơ quan công an có thẩm quyền; phối hợp với cơ quan có liên quan, vận động người dân tự nguyện tham gia nhằm đảm bảo nhiệm vụ được hoàn thành tốt nhiêm vụ.

Tổ chức Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tinh gọn, chất lượng, hoạt động có hiệu quả, chức danh gắn với vị trí làm việc

Hiện nay, Đảng ta đang hướng đến tinh gọn bộ máy tại các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương nhằm hoạt động có hiệu quả, gắn trách nhiệm với từng viên chức. Việc Thống nhất ba lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã, Dân phòng thành một Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng. Để hoạt động hiệu quả, trách nhiệm, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, đảm bảo trật tự xã hội, bảo vệ sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Và đề làm được như vậy, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tố của lực lượng này cần được quy định trong Luật cụ thể.

Về chế độ chính sách, lộ trình phát triển, có chế tuyển dụng, thi tuyển, đào tạo đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nằm trong đơn vị sự nghiệp công lập vì thế cần có chế độ chính sách về lương, quyền lợi, nghĩa vụ, tai nạn, rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lộ trình phát triển, cơ chế tuyển dụng, thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm đảm bảo duy trì lực lượng, vận động người dân tham gia lực lượng và gắn bó lâu dài với lực lượng.

Kết luận

Từ những vấn đề thực tiễn về tổ chức Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đã đến lúc cần luật hóa các lực lượng không chuyên trách hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, xác định đúng tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và có chính sách hỗ trợ đối với lực lượng này. Thêm nữa, việc ban hành và thực hiện tốt luật này chẳng những cần thiết mà còn cấp thiết, nhất là trước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy, từ bộ máy Đảng, Nhà nước đến các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, trong xã hội, tăng cường cải cách hành chính, tăng cường quyền làm chủ của Nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống. Việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện quy chế và pháp lệnh dân chủ cơ sở hướng vào phục vụ đời sống, ổn định và phát triển đời sống của người dân (Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Như vậy, có thể khẳng định một lần nữa, việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và tạo nên sự thống nhất trong quy định về chức năng, nhiệm vụ, …của lực lượng này nhằm đảm bảo tốt an ninh trật tự ở cơ sở.

Bùi Quang Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

 

Bình luận: 0