TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn

12:08 18/06/2022
Logo header Ngày 19/5/2022, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2019 - 2021) thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biển Luật Cảnh sát biển Việt Nam” giai đoạn 2019 -2023. Các kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, phổ biến giai đoạn qua đã từng bước đưa Luật đi vào thực tiễn, tạo những thay đổi rõ rệt trong các lĩnh vực, nội dung về an ninh biển và công tác quản lý an ninh biển.

Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định  số 1059/ QĐ – TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biển Luật Cảnh sát biển Việt Nam” giai đoạn 2019 -2023 (Đề án), với mục tiêu “ Mọi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân nắm được đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; nắm vững những vấn đề cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, làm chuyển biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc và trách nhiệm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới.Tuyên truyền để các quốc gia trên thế giới và trong khu vực hiểu đầy đủ, chính xác hơn về chính sách, pháp luật quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam nói chung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng; xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, có trách nhiệm, luôn tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung, hướng tới mục tiêu giữ gìn vùng biển ổn định, hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững”.

Trong đó để tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Cảnh sát biển Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp như: Biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Tập huấn cán bộ; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Làm phim tuyên truyền; Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và lồng ghép thông qua các hoạt động khác... Đề án cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, bộ ngành Trung ương cũng như nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, xây dựng quỹ ngân sách cho thực hiện Đề án cũng như chia nhỏ các giai đoạn thực hiện.

Để đánh giá kết quả đạt được sau 3 năm triển khai Đề án, ngày 19/5/2022, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm (2019 - 2021) thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, giai đoạn 2019 – 2023. Hội nghị có sự tham dự gần 1600 đại biểu các Bộ ban ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền 28 tỉnh, thành phố có biển, các cơ quan thông tấn báo chí… theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu trong toàn quân. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị, theo báo cáo từ các cơ quan, đơn vị trực tiếp triển khai Đề án cho thấy, trong thời gian qua với mục tiêu đưa Luật Cảnh sát biển ngày càng đi sâu vào đời sống thực tiễn, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - Cơ quan Thường trực thực hiện Đề án với các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan trong chủ động tham mưu, triển khai tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở đồng thời lồng ghép thông qua các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận, Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng an ninh, nhất là trong xây dựng, bảo vệ chủ quyền, trật tự an toàn biển đảo, phát triển KT – XH địa phương…Từng bước đưa pháp luật đi sâu, bám rễ vào thực tiễn.  Đề án cũng giúp khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để cảnh sát biển thực sự trở thành lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh chủ quyền, trật tự, an toàn trên biển.

Những kết quả cụ thể sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án đã đạt được như: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức biên soạn, in ấn hệ thống tài liệu tuyên truyền, giáo dục với hơn 20.000 bộ đề cương tuyên truyền, hơn 15.000 cuốn hỏi đáp về Luật Cảnh sát biển Việt Nam; 15.000 cuốn về văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam cùng cùng hàng chục nghìn cuốn Catalog, tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền…Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Luật cho cán bộ các Ban, Bộ, ngành, địa phương có biển và các đơn vị liên quan với gần 3.500 đại biểu tham gia… Tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tuyên truyền với hàng nghìn phim tài liệu, phóng sự, tin bài…Kết quả thực tiễn là các vi phạm trên biển đã giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2019, lực lượng cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ, xử lý 684 vụ/1051 đối tượng; năm 2020 là 735 vụ/1048 đối tượng; năm 2021 là 599 vụ/789 đối tượng; Quý I/2022 là 22 vụ/277 đối tượng.

Nhân dịp này, Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định khen thưởng cho 31 tập thể, 55 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án và trong Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến để đưa Luật đi vào cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị cũng đã nêu ra những tồn tại trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung cũng như phổ biến Luật Cảnh sát biển nói riêng đó là các hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, chưa có những đột phá; Nội dung tuyên truyền còn thiếu tính sáng tạo, chưa có những nội dung được biên soạn riêng cho từng đối tượng tiếp cận; một số địa phương chưa tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền thực tế; hoạt động tuyên truyền trên các cơ quan báo chí, truyền thông chưa sâu rộng, chưa được thực hiện theo các chuyên đề có tính lan tỏa cao. Do đó trong thời gian tới, các Ban, Bộ ngành Trung ương và các địa phương, các đơn vị quân đội cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thuộc quyền tiếp tục triển khai kế hoạch một cách đồng bộ hơn, hiệu quả hơn; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền chuyên sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo đó, cần tiếp tục tăng cường triển khai Đề án theo hướng tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để tăng cường nhận thức pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên vùng biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó để nâng cao hiệu quả của Đề án cần thường xuyên đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền; phát huy tối đa tác dụng của hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào việc tuyên truyền; tổ chức tốt công tác kiểm tra, sơ tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng, phổ biến những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Đề án...

Luật Cảnh sát biển Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Luật gồm 8 Chương, 41 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát Biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật là công cụ sắc bén để thực thi pháp luật trên biển; góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam.

Ngọc Toại

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161-5/2022

Bình luận: 0