TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 27/04/2024

Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi

15:01 06/06/2022
Logo header Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 là dấu mốc quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Sau 10 năm thực hiện Luật đã đưa hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản. Tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ có những nội dung bất cập, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung.

Những hạn chế của Luật Khoáng sản 2011

Những hạn chế của Luật Khoáng sản năm 2011 được thể hiện trên hai phương diện chính đó là: Một số nội dung còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; Quá trình thực hiện luật trong thực tiễn còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Một số những nội dung bất cập, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cụ thể:

Một là: Tại Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Việc Hiến pháp 2013 đưa vào các nội dung liên quan đến "tài nguyên khoáng sản", "tài nguyên thiên nhiên" đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Khoáng sản 2010 theo hướng đảm bảo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản trên thực tế, tăng cường tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Hai là, hiện chưa có cơ chế quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất để đảm bảo tài nguyên địa chất, khoáng sản được quản lý tập trung, thống nhất. Điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản chưa đảm bảo tính toàn diện để đánh giá đầy đủ tài nguyên địa chất, khoáng sản và điều kiện địa chất khác đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Những điều này dẫn đến chưa đánh giá đúng cũng như chưa phát huy hết vai trò của ngành địa chất với sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Ba là các quy định về khai thác khoáng sản còn nhiều lỏng lẻo như chưa quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động KTKS; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, KTKS, điều này gây nên tình trạng bán lại dự án, thay đổi chủ đầu tư khó kiểm soát; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân KTKS sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế; Các quy định về trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố chưa chặt chẽ dẫn đến buống lỏng quản lý vùng giáp ranh…

Đưa vào thực thi thực tiễn còn nhiều vướng mắc, bất cập

Một là, nguồn thu ngân sách nhà nước từ khoáng sản chưa được quy định đầy đủ; một số thiệt hại liên quan đến công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chưa được lượng hóa dẫn đến việc còn gặp nhiều khó khăn.

 Hai là, khung giá tính thuế tài nguyên đối với một số loại khoáng sản được ban hành tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính còn quá cao so với thực tế, vướng mắc trong việc thu tiền cấp quyền KTKS đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 1/7/2011 đến 31/12/2013, chưa có phương án phê duyệt chính thức đối với các trường hợp được tạm thu tiền cấp quyền khai thác cũng như xử lý về tiền cấp quyền khai thác đối với trường hợp trả lại một phần diện tích cấp phép khai thác hoặc trả lại toàn bộ diện tích khai thác.

Ba là, trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà, tốn nhiều thời gian; Trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản còn phức tạp, mất nhiều thời gian để thực thiện, trong khi đó chưa có quy định riêng biệt về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đối với từng nhóm, loại khoáng sản, tổ chức, cá nhân được cấp phép cho phù hợp…

Từ  những thực tế trên cho thấy để tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản năm 2010 là cần thiết, cấp bách cần được thực hiện ngay.

Phương hướng, nội dung sửa đổi Luật Khoáng sản 2011

Định hướng xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi):

Cần thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoảng sản góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.

Mục đích:

+ Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản năm 2010 sau 10 năm thực hiện; bảo đảm tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về địa chất và khoáng sản, thúc đẩy sự phát triển bền vững..

+ Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên địa chất, khoáng sản, phân bố hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý thống nhất quản lý địa chất, khoáng sản; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Nội dung sửa đổi:

Tập trung giải quyết đối với 5 Chính sách lớn gồm: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; Chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; Chính sách khu vực khoáng sản; Chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoảng sản; Chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản.

Mỗi nhóm chính sách này sẽ bao gồm các chính sách mới (về điều tra cơ bản địa chất, tài chính về địa chất), có chính sách kế thừa (chính sách về khu vực hoạt động khoáng sản, về thăm dò, khai thác khoáng sản, tài chính về khoáng sản) để tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện quy định hiện hành và có các chính sách mới được bổ sung theo quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 10-NQ/TW.

Sau khi Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ban soạn thảo và các thành viên Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 54 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Điều 26 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tổ biên tập và các thành viên Tổ biên tập thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 27 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo danh sách Ban soạn thảo Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà là Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên là Phó Trưởng ban Thường trực; ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là thành viên kiêm thư ký và 36 thành viên khác.

Danh sách Tổ biên tập Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên là Tổ trưởng; ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là Phó Tổ trưởng thường trực; ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là Phó Tổ trưởng và nhiều thành viên khác.

Phạm Long

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161 - 06/2022

 

Bình luận: 0