“Phá cỗ tranh” hay “Phá cỗ mùa Trăng” khởi từ những cuộc gọi, thư từ hỏi thăm nhau của các họa sĩ Nhóm 39, động viên tinh thần, hy vọng thấy chút mầu sắc lạc quan để cùng nhau, cùng mùa trăng vượt qua mùa dịch.
Vẫn vẽ nhưng không bày tranh trong phòng triển lãm được thì bày trên mạng. Mang cả phố Hàng Mã về nhà, đưa hết các cụ sư tử, tôm, cá, ông tiến sĩ giấy lên mạng.
Nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều giãn cách mãi tận làng Chùa cùng các cháu, không có chợ Trung thu để rước đèn ông sao về cho cháu, ông loay hoay tự làm đèn cho cháu.
Họa sĩ Phạm Trần Quân tận dụng mấy miếng bìa thùng hàng, cắt cắt vẽ vẽ mặt nạ cho con. Họa sĩ Hồng Phương xin cho cháu ngoại được tham gia, 2 bà cháu cùng vẽ mà. Họa sĩ Bình Nhi không làm mặt nạ cho con mà hướng dẫn con làm mặt nạ... Có không khí sum vầy nào ấm áp hơn thế? Trung thu tức là Tết, là sum vầy, mỗi họa sĩ mấy bức mới vẽ về mùa Trung thu cùng nhau “sum vầy” cho dù chỉ là trên nền internet.
Trung thu thì phải có cỗ, được phá cỗ. Tất nhiên đây là cỗ tranh, cỗ tinh thần như cỗ “câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo” của Tết Nguyên đán vậy. Trong các loại cỗ bàn của người Việt, chỉ mỗi cỗ Trung thu là phá cỗ chứ không phải ăn cỗ. Cỗ này là cỗ tranh, cỗ nghệ thuật, cỗ của cái đẹp.
Triển lãm trực tuyến với hơn 30 bức, đều là tranh mới sáng tác về đề tài Tết Trung thu bằng các chất liệu sơn dầu, acrylic, khắc thạch cao, giấy dó, bột mầu trên báo cũ.
Những người yêu cái đẹp, yêu hội họa và bạn bè, đồng nghiệp cùng vui phá cỗ tranh với các họa sĩ Nhóm 39 trên trang facebook Phòng tranh 39 và facebook của các họa sĩ có tác phẩm tham gia, từ ngày 20 đến 30/9.