TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 25/04/2024

Bất cập trong quản lý đường đấu nối nút giao với đường bộ

21:09 19/11/2020
Logo header Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư khá đồng bộ, có những bước phát triển mạnh theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng vận tải đường bộ ngày một nâng cao, bước đầu góp phần thực hiện mục tiêu giao thông vận tải (GTVT) đi trước một bước trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, tốc độ “đô thị hóa” đường Quốc lộ lại đang là vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn giao thông bởi nhiều nhà hàng, đơn vị kinh doanh trên dọc các tuyến đường không có biển báo đấu nối lối ra vào gây nguy hiểm cho giao thông đường bộ.

Trạm xăng dầu Hàm Tân không có đường nối tại Quốc lộ 1

Tính đến cuối năm 2019, hệ thống đường bộ bao phủ khắp lãnh thổ và đóng vai trò trục chính kết nối mạng lưới giữa các vùng, miền. Theo số liệu của Tổng cục đường bộ Việt Nam, hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài gần 600.000 km, trong đó quốc lộ là khoảng 25.000 km. Hệ thống quốc lộ hình thành nên các tuyến Bắc - Nam, vùng Duyên hải và cao nguyên, các tuyến đường Đông - Tây dọc theo miền Trung. Ở phía Bắc, các tuyến quốc lộ tạo thành hình mạng lưới nan quạt với tâm là Thủ đô Hà Nội. Ở phía Nam, các tuyến quốc lộ tạo nên hình lưới… Nhờ việc đầu tư đồng bộ, trọng tâm trọng điểm mà sản lượng vận tải do đường bộ luôn tăng cao. Tính đến hết tháng 11/2019, sản lượng vận tải cả nước đạt hơn 1,4 tỷ tấn hàng, tăng 8,8%; đạt hơn 4,34 tỷ lượt hành khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 5.849 vụ, làm chết 4.770 người, bị thương 3.106 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 695 vụ, giảm 756 người chết, giảm 479 người bị thương. Số lượng thiệt hại do tai nạn giao thông đã được giảm qua từng năm. Những thành tựu đó  thể hiện việc các ngành chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt quy định, bảo đảm TTATGT. Người dân đã hưởng ứng rất tốt phong trào xây dựng văn hóa trong cộng đồng, ý thức tham gia giao thông đang được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên với số lượng các vụ tai nạn nêu trên có rất nhiều nguyên nhân như về cơ sở hạ tầng chưa thực sự được đồng bộ; nhiều nơi được quy hoạch chưa thực sự hợp lý gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông;  tình trạng người dân và chính quyền một số địa phương đã đấu nối đường nhánh vào các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ mà chưa được cơ quan chức năng cho phép, dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông. Do chưa hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật, quy định về điều kiện đấu nối từ đường dân sinh với quốc lộ khi thực hiện kiên cố đường giao thông nông thôn, nên nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh khi tổ chức thi công công trình đã tiến hành san gạt mặt bằng và tổ chức đấu nối khớp với mặt bằng tuyến quốc lộ. Hàng nhiều phương tiện ra vào trên những đoạn đường không được đấu nối gây nguy hiểm cho những phương tiện khác khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn quốc lộ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. 

Nhà nước đã có những quy định về việc quy hoạch điểm đấu nối đường nhánh vào quốc lộ. Ngày 16/8/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 751/2019, theo đó, các quy hoạch nêu tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định trước ngày 1/1/2019, trong quá trình thực hiện được điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt. Khoản 2, Điều 39 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ hướng dẫn về đấu nối vào quốc lộ quy định đường nhánh được đấu nối vào quốc lộ phải thông qua điểm đấu nối thuộc Quy hoạch các điểm đấu nối đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ giao thông Vận tải. Cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thống kê các đường đã đấu nối và lập kế hoạch xử lý phù hợp với quy hoạch các điểm đấu nối đã được phê duyệt. QCVN 41:2016/BGTVT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ  được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT ngày 08/04/2016 đã quy định Vạch liền nét, màu trắng, bề rộng vạch là 45cm cho đường ôtô cao tốc và 30cm cho các đường khác. Xe không được phép chuyển làn qua vạch liền trừ các trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, phóng viên đã ghi nhận được trên tuyến đường Quốc lộ 1 đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện rất nghiêm chỉnh quy định về đường đầu nối giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp đơn vị kinh doanh không hiểu vì lý do gì nhưng vẫn ngang nhiên kinh doanh trên mặt đường quốc lộ mà không có đường đầu nối. Như tại trạm xăng dầu Hàm Tân có địa chỉ 282 Hùng Vương, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (trên Quốc lộ 1) là một trạm xăng thường xuyên có xe ra vào nhưng không có điểm đấu nối với Quốc lộ. Những phương tiện muốn đi vào đổ xăng tại đây buộc phải đi đè lên vạch liền là nơi theo quy định không được phép đi vào (?). Một số quán ăn ven đường cũng xuất hiện những tình trạng tương tự. Cùng ở địa bàn tỉnh Bình Thuận, tại km 1805 Quốc lộ 1, các quán cơm bình dân ở đây cũng không hề có đường đấu nối với đường Quốc lộ. Cũng có thể nhận thấy tình trạng các phương tiện giao thông đi và đỗ xe tại phần đường dành cho xe hai bánh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. 

Tình trạng xe tải lớn đỗ không đúng làn đường gây nguy hiểm cho ATGT

Tình trạng này đã diễn ra từ lâu, có thể do việc quy hoạch hạ tầng giao thông đang gặp những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với mục đích mang lại sự an toàn về người và tài sản của các phương tiện tham gia giao thông cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa từ Bộ Giao thông Vận tải, UBND các cấp và lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những hành động hỗ trợ thiết thực tạo điều kiện giúp cho những đơn vị kinh doanh làm đúng theo quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đồng thời cũng cần xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm để người dân yên tâm hơn mỗi khi ra đường.

Thu Trung và nhóm PVCĐ

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 37-20

Bình luận: 0