TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 24/04/2024

Cẩm Khê - Phú Thọ UBND xã có vượt quá thẩm quyền khi tự thỏa thuận đổi đất của người dân?(Kỳ 1)

16:42 11/03/2021
Logo header Tranh chấp đất đai hiện đang là vấn đề nóng bỏng, việc quản lý và xác minh nguồn gốc đất đai và cơ chế giải quyết tranh chấp còn nhiều bất cập đã đẩy vào tình trạng tranh chấp kéo dài với nhiều hệ lụy cho người dân. Câu chuyện bi hài của hộ nông dân Hoàng Văn Thắng, trú tại xóm Đoàn Kết, xã Cấp Dẫn, huyện Sông Thao (nay thuộc huyện Cẩm Khê), tỉnh Phú Thọ đã hơn 11 năm đội đơn đi đòi đất là một thực tiễn cần được các cấp có thẩm quyền xem xét và giải quyết sao cho đúng, thấu tình, đạt lý, nhằm góp phần duy trì sự đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân.

Đã nhiều năm nay, kể từ khi nhà văn hóa khu 3, xóm Đoàn Kết được UBND xã Tiếp Dẫn xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng thì thỉnh thoảng lại bị ông Hoàng Văn Thắng đến khóa trái cửa, chặn lối ra vào khiến bà con lối xóm thắc mắc. Cứ mỗi lần như thế, ông Thắng lại phải đi giải thích hụt hơi về hành động kỳ quặc của mình những mong mọi người thông cảm. Người trong xóm kể lại rằng: “Cứ mỗi lần ông Thắng chặn lối ra vào của nhà văn hóa, ông đều đưa cho mọi người xem một tờ giấy có nội dung là “Biên bản đổi đất” giữa gia đình ông và UBND xã, tờ giấy có triện dấu đỏ và có cả chữ ký của ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hiền vào năm 2009, có cả sự chứng kiến của Trưởng khu 3 và cán bộ địa chính thời ấy”. Theo nội dung của tờ Biên bản đổi đất làm nhà văn hóa do ông Thắng cung cấp thì “vào ngày 21/10/2009, hộ ông Thắng đã đổi cho UBND xã một phần diện tích đất là 222,7 m2 trong khu có tổng diện tích là 2.022 m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình để UBND xã xây nhà văn hóa cho xóm; Đổi lại, xã sẽ cấp cho ông Thắng một thửa đất thổ cư ở khu vực khác (cụ thể là khu vực nung vôi) với diện tích tương đương”. Vậy nhưng khi đạt được mục đích của mình, UBND xã Cấp Dẫn lại phớt lờ đi giao kèo của mình với người dân. Ông Thắng cho biết: “Đã nhiều lần ông đến UBND xã để hỏi về việc đổi đất của mình nhưng chỉ nhận được câu trả lời là khu vực nung vôi chưa được quy hoạch là đất thổ cư nên chưa thể làm thủ tục cấp trả đất cho nhà ông được. Ngày này qua tháng nọ, đến nay xã Cấp Dẫn đã qua 03 đời Chủ tịch UBND xã rồi, khu vực nung vôi cũng vẫn không được quy hoạch là đất thổ cư và gia đình ông vẫn mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng, niềm tin vào tổ chức chính quyền sở tại ngày càng mai một đi”. Khi nhiều người trong xóm có ý kiến về việc này, UBND xã lại mời ông Thắng đến họp, nhiều Biên bản làm việc giữa ông Thắng và lãnh đạo UBND xã các thời kỳ cùng ghi nhận việc ông Thắng đổi đất cho UBND xã để xây dựng nhà văn hóa; từ năm 2009 đến nay, UBND xã chưa tổ chức giao đất, cấp bù đất cho hộ ông Thắng như đã thỏa thuận. Thậm chí đến năm 2019, trong Biên bản làm việc có cùng nội dung như đã nêu, ông Nguyễn Văn Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã đã đề nghị ông Thắng tạo điều kiện cho nhân dân xóm Đoàn Kết có nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng trên phần diện tích đã thỏa thuận đổi của mình, rồi lại hứa hẹn sẽ lập tờ trình để đề nghị cơ quan cấp trên xem xét, cấp trả đất ở khu vực khác cho ông Thắng. Nhưng có vẻ những lời hứa hẹn của cấp lãnh đạo UBND xã Cấp Dẫn đối với ông Thắng chỉ là “những lời hứa hão” bởi cho đến nay, chưa một ai có trách nhiệm với lời hứa của mình khiến cho người nông dân như ông Thắng cứ hy vọng rồi lại thất vọng, không biết bấu víu niềm tin vào đâu?(!)

Nhà văn hóa xây dựng trên đất của Thắng từ năm 2009

Trước những bất bình của người dân, chúng tôi đã đến UBND xã Cấp Dẫn để tìm hiểu rõ hơn về sự việc. Tại đây, ông Trần Văn Khoa - tân Chủ tịch UBND xã có vẻ như chưa nắm rõ sự việc do mới ở vị trí lãnh đạo xã. Tuy nhiên ông Khoa cũng cho biết hiện nay khu vực nung vôi đó vẫn chưa được quy hoạch thành đất ở, do vậy, khu vực này vẫn chỉ được coi là đất do UBND xã quản lý chứ không thể phân chia cho nhân dân được. Theo quy định tại Điều 10, Luật Đất đai, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân thành 03 loại như sau: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng, trong đó nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng, bao gồm đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây (theo mục 1 Điều 58 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai); Về trách nhiệm của UBND cấp xã đối với loại đất này thì căn cứ theo mục 2 Điều 58: “Hàng năm, UBND xã có trách nhiệm báo cáo UBND cấp huyện về tình hình quản lý, khai thác quỹ đất chưa sử dụng và UBND cấp tỉnh sử dụng nguồn kinh phí thu được từ nguồn thu khi cho phép chuyển mục đích đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích khác và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để phục vụ việc khai hoang, cải tạo, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng (theo mục 2 Điều 59 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)”. Căn cứ theo những quy định trên thì UBND cấp xã chỉ có trách nhiệm báo cáo UBND cấp huyện về tình hình quản lý, khai thác quỹ đất chưa sử dụng chứ không có thẩm quyền hoán đổi đất chưa sử dụng cho người dân. Mặt khác, theo mục 2 Điều 10 Luật Đất đai, đất xây dựng cơ sở văn hóa thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, trong khi phần diện tích 222,7 m2 nhà nước giao cho ông Thắng lại là đất vườn thuộc nhóm đất nông nghiệp (mục 1 Điều 10 Luật Đất đai), trong trường hợp nếu muốn sử dụng phần diện tích này để xây dựng nhà văn hóa thì phải được UBND cấp tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất căn cứ theo quy định đã được nêu ở trên. Vì các lẽ đó, cho thấy việc UBND xã Cấp Dẫn thỏa thuận hoán đổi đất với hộ ông Thắng vào năm 2009 có nhiều dấu hiệu không phù hợp quy định pháp luật; đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải cho việc tại sao sau hơn chục năm kể từ khi thỏa thuận hoán đổi đất mà UBND xã vẫn chưa thể bố trí quỹ đất mới trả cho ông Thắng; việc cấp trả đất thế này cũng là vượt quá thẩm quyền cấp xã và trái quy định pháp luật.

Nói về thẩm quyền của cơ quan nhà nước đối với công trình văn hóa, có thể hiểu như sau: Theo Phụ lục 01, Nghị định 46/2015/NĐ-CP thì “công trình văn hóa bao gồm: Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường; công trình vui chơi, giải trí và các công trình văn hóa tập trung đông người khác; các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày, tượng đài ngoài trời và các công trình khác có chức năng tương tự của các tổ chức tôn giáo;”. Theo đó, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, UBND cấp huyện quyết định giao đất đối với cộng đồng dân cư (theo điểm b, Khoản 2 Điều 59 Luật Đất đai) và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận thực hiện dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư (theo điểm c, mục 3 Điều 62 Luật Đất đai). Như vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất cho cộng đồng dân cư phải là UBND cấp huyện nơi có đất và phải thực hiện đầy đủ 04 bước sau: Bước 1: Nộp hồ sơ. Người đại diện cho cộng đồng dân cư sử dụng đất nộp hồ sơ tại UBND cấp xã hoặc văn phòng đăng ký đất đai theo quy định để làm thủ tục xin giao đất (theo Khoản 3 Điều 7 Luật Đất đai thì người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, nhận cho cộng đồng dân cư); Bước 2: Cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ (nếu đầy đủ thì tiếp nhận; chưa đầy đủ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện); Bước 3: Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn người xin đất, thuê đất thực hiện nghĩa vụ tài chính; Trình UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất; ký hợp đồng cho thuê đất đối với trường hợp cho thuê đất; Người được giao đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất, người được thuê đất thì nộp tiền thuê đất; Trình UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Tổ chức giao đất trên thực địa và chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính; Sau khi hoàn thiện thủ tục và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ đầu tư phải tiến hành thủ tục xin cấp phép xây dựng công trình (vì căn cứ theo Điều 89 Luật Xây dựng thì công trình xây dựng nhà văn hóa không thuộc đối tượng được ưu tiên miễn cấp Giấy phép xây dựng).

Như vậy, xét theo tình hình thực tế mà chúng tôi ghi nhận được đối với sự việc nêu trên, nhận thấy có rất nhiều điểm bất minh trong thỏa thuận hoán đổi đất giữa UBND xã Cấp Dẫn và hộ nông dân Hoàng Văn Thắng dẫn đến tranh chấp hơn 10 năm không hóa giải được. Được biết hiện nay công trình nhà văn hóa khu 3 được hình thành từ phần diện tích hoán đổi này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trước đó nhiều năm cho hộ ông Thắng chưa hề bị điều chỉnh. Tri thức Xanh sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cấp có thẩm quyền làm rõ và thông tin khách quan tới bạn đọc trong những số ra tiếp theo.

Nguyễn Hân - Hiền Anh

Bình luận: 0