Cần hiểu đúng về “bảo hiểm bắt buộc” và trách nhiệm của đơn vị bán bảo hiểm
Bảo hiểm bắt buộc là gì?
Bảo hiểm bắt buộc là loại hình bảo hiểm mà người được bảo hiểm và người bảo hiểm có nghĩa vụ phải thực hiện bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm thuộc diện pháp luật quy định phải bảo hiểm, hai bên không được tự ý thay đổi. Theo hình thức bảo hiểm này, người ta không chú ý đến khả năng tài chính của người được bảo hiểm, không tính đến đặc điểm cụ thể của tài sản được bảo hiểm, mức các nguy cơ tổn thất có thể xảy ra và thường áp dụng một mức bảo hiểm cố định, coi đó là mức bảo hiểm tối thiểu, ít khi đánh giá từng tài sản được bảo hiểm. Đối tượng bảo hiểm thuộc diện pháp luật quy định phải bảo hiểm là tài sản, trách nhiệm dân sự của tổ chức, cá nhân khi bị rủi ro xâm hại thì làm phát sinh hậu quả liên quan đến lợi ích của cộng đồng xã hội. Theo chế độ bảo hiểm bắt buộc, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm và điều kiện bảo hiểm do pháp luật quy định. Thông thường, pháp luật quy định các mức phí bảo hiểm để người tham gia bảo hiểm lựa chọn từ mức tối thiểu trở lên. Như vậy, căn cứ theo Nghị định 103/2008/NĐ-CP thì bảo hiểm bắt buộc được quy định cho xe cơ giới nói chung, bao gồm cả ô tô, xe máy…khi tham gia giao thông chứ không riêng một loại xe nào cả.
Từ ngày 15/5/2020, Cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước ra quân kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông, theo đó lực lượng này được quyền dừng các phương tiện, kiểm tra giấy tờ cần thiết đối với người điều khiển phương tiện, khám người, khám xe và kiểm tra nồng độ cồn mà không cần lý do. Đây là đợt ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội. CSGT toàn quốc sẽ kiểm tra đủ 04 loại giấy tờ đối với người đi xe máy và 05 loại đối với tài xế ô tô trong đó có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc. Việc làm này vô tình giúp sản phẩm bảo hiểm bắt buộc từ sản phẩm bị ngó lơ trở nên đắt khách vì tại mục 4 Điều 18 Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16/09/2008 quy định: “Chủ xe cơ giới phải luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực khi tham gia giao thông, xuất trình giấy tờ này khi có yêu cầu của lực lượng CSGT và cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.
Từ việc mua bảo hiểm đến thực tiễn sử dụng ra sao?
Theo khảo sát thực tế của nhóm phóng viên Tri Thức Xanh, đa phần chủ phương tiện tham gia giao thông đều có suy nghĩ: “mua bảo hiểm bắt buộc là để đối phó với CSGT và lực lượng chức năng” hay “phí mua không cao nên mua cho xong, cho đủ”. Cũng chính vì lẽ ấy mà không mấy ai để ý đến các nội dung được ghi trên mỗi Giấy bảo hiểm bắt buộc, cũng như quyền lợi được hưởng khi sử dụng sản phẩm này. Cụ thể như đối với trường hợp của anh D.T.C trú tại Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: “xuất phát từ việc CSGT toàn quốc gia quân, anh C đã phải tìm mua bảo hiểm bắt buộc cho chiếc mô tô 2 bánh của mình. Một người bạn cùng cơ quan đã giới thiệu cho anh một người bán bảo hiểm của Tổng Công ty bảo hiểm PVI và anh đã mua sản phẩm với giá 66.000 đồng/ 01 năm sử dụng”. Tuy nhiên, khi hỏi anh C là: “Ai đã bán bảo hiểm cho anh? Bảo hiểm anh mua liệu có hợp lệ để được hưởng quyền lợi từ phía công ty bảo hiểm hay không?”. Thì anh C hoàn toàn không biết. Thực tế cho thấy, các nội dung được ghi trong sản phẩm bảo hiểm bắt buộc tuy đầy đủ nhưng lại không được người bán bảo hiểm điền đầy đủ thông tin, cụ thể như số khung, số máy, thông tin phần người cấp bảo hiểm (mục 4) đều để trống. Khi anh C hỏi thì người bán cho nói rằng: “chỉ cần điền những thông tin chính thôi, các mục khác không quan trọng”. Như vậy nếu xảy ra rủi ro, thì với một sản phẩm Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc thiếu dữ liệu thông tin như vậy có được Công ty bảo hiểm chấp nhận?
Theo số điện thoại thông báo tai nạn của Tổng Công ty bảo hiểm PVI, chúng tôi thiết lập cuộc gọi để tìm hiểu về vấn đề nêu trên, tại đây, tổng đài viên cho biết: “Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc chỉ cần có chữ ký và con dấu của Tổng Công ty là được. Còn nếu lo sợ về việc những mục bị bỏ trống thông tin thì có thể gọi cho người bán và yêu cầu họ bổ sung đầy đủ” (?). Trong khi đó tại mục 5b Điều 6 Chương II Nghị định 22/2016/TT-BTC do Bộ Tài Chính ban hành ngày 16/02/2016 quy định cụ thể như sau: “Doanh nghiệp bảo hiểm phải ghi đầy đủ các thông tin quy định trên giấy chứng nhận bảo hiểm và phải trùng khớp với các thông tin trong các liên lưu tại doanh nghiệp bảo hiểm”. Giả thiết đặt ra, nếu trên Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc chỉ ghi thông tin biển kiểm soát và thiếu số khung và số máy, thì làm sao có thể xác định được đúng phương tiện gây ra tai nạn để hoàn tất các thủ tục bảo hiểm cho người được quyền hưởng? Cũng chính vì lẽ đó mà số đông người tham gia giao thông khi phải mua bảo hiểm bắt buộc này đều có tâm lý “mua để đối phó” chứ không hiểu rằng mua bảo hiểm bắt buộc là để bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân khi gặp tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, đồng thời giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe trước những rủi ro bất ngờ.
Một yếu tố nữa góp phần làm nản chí những chủ phương tiện tham gia giao thông khi đi đòi quyền lợi bảo hiểm khi xảy ra va chạm, anh C cho biết: “Tôi đã từng nhiều lần nộp hồ sơ cho Công ty bảo hiểm để yêu cầu được bồi thường theo quy định của bảo hiểm trong lần xe máy của tôi quyệt phải một xe khác khi đang lưu thông trên đường. Công ty bảo hiểm yêu cầu giấy tờ như biên bản hiện trường, giám định tỷ lệ thương tật, tình trạng hư hỏng của xe, xác nhận của CSGT rằng người điều khiển phương tiện không uống rượu bia, không vi phạm giao thông… rồi thêm phải yêu cầu có sự chứng kiến của các bên cùng lúc gồm: CSGT, nhân viên bảo hiểm, những người liên quan đến vụ tai nạn… Tôi cũng đã chầu chực ở đồn CSGT nguyên một đêm để đề nghị họ chứng nhận cho vụ việc va chạm của mình nhưng họ cũng đưa ra rất nhiều yêu cầu, trong đó có cả việc xác nhận việc tham gia giao thông của phương tiện đúng quy định hay không, cho nên cuối cùng tôi cũng vẫn không thể có được phần chứng nhận của họ. Vậy với những thủ tục rườm rà như vậy thì bao giờ hồ sơ bảo hiểm của tôi mới được chi trả, hay nói thẳng ra là với những thủ tục phức tạp như vậy, người mua làm sao đủ điều kiện để được hưởng bảo hiểm?”. Điều 11, Nghị định 22/2016/NĐ-CP quy định về việc giám định thiệt hại như sau: “1. Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan. Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về chi phí giám định; 2. Trường hợp chủ xe cơ giới không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, hai bên có thể thỏa thuận chọn cơ quan giám định độc lập thực hiện việc giám định. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được việc trưng cầu giám định độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của chủ xe cơ giới chỉ định giám định độc lập. Kết luận bằng văn bản của giám định độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên; 3. Trường hợp kết luận của giám định độc lập khác với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả chi phí giám định độc lập. Trường hợp kết luận của giám định độc lập trùng với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải trả chi phí giám định độc lập; 4. Trong trường hợp đặc biệt không thể thực hiện được việc giám định, thì doanh nghiệp bảo hiểm được căn cứ vào các biên bản, kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền và các tài liệu liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại”.
Như vậy, với các quy định được nêu trong Nghị định 22/2016/NĐ-CP thì điều quan trong để được bồi thường từ phía công ty bảo hiểm là việc lập hồ sơ giám định thiệt hại. Một chuyên gia nghiên cứu pháp lý cho rằng: “Cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục quy trình bồi thường cho khách hàng khi mua bảo hiểm; đồng thời các doanh nghiệp bảo hiểm nên thay đổi hình thức triển khai loại hình bảo hiểm này bằng các trạm tư vấn, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, trong đó nên chú trọng vào việc phổ cập trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm bắt buộc, chứ không nên để tình trạng người người bán bảo hiểm, nhà nhà bán bảo hiểm trong khi họ chưa hiểu hết về sản phẩm này như hiện nay. Các cơ quan chức năng cũng cần quy định rõ công tác xử phạt nếu doanh nghiệp bảo hiểm làm khó người dân trong khâu giải quyết bồi thường và có đường dây nóng để phản ánh vấn đề này”. Có như thế thì sản phẩm bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới mới thực sự hữu dụng.
Hiền Anh
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 12 - 20
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)