Cần làm rõ vụ việc tranh chấp đất tại phường Quang Trung (Kỳ 2)
Bà Tuyết đang phân trần với phóng viên trước khu đất của bà đã ở ổn định từ năm 1995
Trong văn bản số: 1433/UBND ngày 08/8/2014 của UBND thành phố Uông Bí gửi Tòa án nhân dân (TAND) thành phố về việc đề nghị phối hợp cung cấp hồ sơ liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà Bùi Thị Tuyết và bà Đỗ Thị Thúy Hưng (tên gọi khác là Đỗ Thúy Hưng), công dân phường Quang Trung, có nêu quan điểm như sau: “1. Về việc sao gửi hồ sơ mua bán, hóa giá thanh lý nhà Tập thể Lắp ghép Đá cổng (cũ) vào năm 1990 của phòng xây dựng UBND thị xã Uông Bí (trước đây) cho bà Đỗ Thúy Hưng: Do hồ sơ mua bán, hóa giá thanh lý đến nay đã hơn 20 năm, qua nhiều lần lưu chuyển hồ sơ do xây dựng, cải tạo kho lưu trữ, hiện tại UBND thành phố không còn lưu giữ hồ sơ trên; 2. Quan điểm của UBND thành phố về việc mua bán nhà trên: Hồ sơ mua bán, hóa giá thanh lý nhà, tài sản trên đất không gồm quyền sử dụng”. Như vậy, theo quan điểm này thì UBND thành phố Uông Bí không khẳng định việc bà Hưng có mua bán, hóa giá thanh lý nhà Tập thể Lắp ghép Đá cổng (cũ), mà nếu có mua bán thì cũng chỉ là hóa giá thanh lý tài sản chứ không bao gồm đất. Vậy thì căn cứ vào đâu để TAND tỉnh Quảng Ninh trong phiên xử phúc thẩm đã tuyên xử “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hưng về việc đòi lại căn hộ số 2 đối với bà Tuyết?”
Hiện nay Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đang có hiệu lực, căn cứ theo Điều 21 Nghị định 43/2014 về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013, thì việc chứng minh sử dụng đất ổn định như sau: “1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy CNQSD đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, Giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận); 2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây: a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất; b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất; c) Quyết định hoặc bản án của TAND đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất; d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện UBND cấp xã nơi có đất; đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất; e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký; g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được nhà nước giao quản lý, sử dụng đất; h) Giấy tờ mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất; chuyển nhượng QSD đất có chữ ký của các bên liên quan; i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ; k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký; 3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày, tháng, năm sử dụng đất sớm nhất; 4) Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư nơi có đất”.
Trong khi đó, với phần nhận định của TAND tỉnh Quảng Ninh tại Bản án số 31/2020/DS-PT ngày 10/9/2020 về Tranh chấp quyền sở hữu nhà, đất giữa bà Hưng và bà Tuyết thì TAND tỉnh đã căn cứ theo Thông báo số 50 TB/XD ngày 25/7/1990 của phòng xây dựng thị xã (nay là) thành phố Uông Bí “V/v bán nhà thanh lý khu tập thể Đá cổng đợt 2”. Cũng theo Thông báo này, TAND tỉnh cho rằng bà Hưng là người được UBND thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí) bán cho căn hộ số 2 và căn cứ theo Điều 17 Luật Đất đai năm 1987, nay là điểm đ Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, thì bà Hưng được quyền sử dụng đất ở có ngôi nhà đó. Về phần nhận định của TAND tỉnh ở nội dung này, một chuyên gia tư vấn và hỗ trợ pháp lý đã có ý kiến cho rằng: “Nếu TAND tỉnh chỉ dựa vào một tờ Thông báo về việc bán thanh lý khu tập thể mà nhận định rằng bà Hưng đã mua và hoàn tất các thủ tục mua, hóa giá thanh lý nhà ở đối với căn hộ số 2 là thiếu khách quan. Bởi trước đó thời điểm năm 1989, tại ô đất sát ô đất số 2 này, bà Ngô Thị Chín đã được cấp Giấy phép sử dụng đất và xây dựng nhà ở số 180/XD. Giấy này được UBND thị xã Uông Bí, phòng xây dựng và phòng Nghiên cứu quy hoạch đồng xác nhận, có đóng dấu của địa phương thể hiện được quyền sử dụng đất được nhà nước cho phép của bà Chín (ô đất này về sau được bà Chín bán cho ông Tảo, rồi ông Tảo lại bán cho bà Tuyết sử dụng đến tận bây giờ). Như vậy, việc bà Hưng có đủ điều kiện để mua nhà thanh lý theo Thông báo của phòng xây dựng là đúng, nhưng việc bà Hưng đã hoàn tất các thủ tục mua bán thanh lý, hóa giá và thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ để được sử dụng đất và nhà ở tại ô số 02 hay chưa thì hiện tại không ai chứng minh được, bởi lẽ nếu bà Hưng đã hoàn tất thủ tục mua bán, thanh lý nhà ở thì cũng phải có được Giấy phép sử dụng đất và xây dựng nhà ở giống như của bà Chín; và chính thành phố Uông Bí đã cho biết rằng hiện nay không lưu giữ hồ sơ mua bán, thanh lý nhà ở của bà Hưng, bản thân tờ Thông báo số 50 TB/XD cũng chỉ là bản photo. Hơn thế nữa, nếu trong trường hợp ghi nhận bà Hưng đã từng sống tại căn hộ số 2 đi chăng nữa thì cũng không ai biết được tình cảnh trước khi rời nơi ở này đi chấp hành án phạt tù, bà Hưng có mua bán, hoặc thanh lý cho ai hay không? Vậy sao có thể kết luận rằng bà Hưng có đủ quyền để đòi lại căn hộ số 2 đối với bà Tuyết được?”. Cũng theo vị này thì việc quản lý đất đai thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, sau bao nhiêu năm bà Tuyết đã ăn ở ổn định trên thửa đất được xác lập sơ đồ địa chính, hoàn thành đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, trong khi bà Hưng vừa không có một thứ giấy tờ gì chứng minh được quyền sử dụng đất của mình, vừa không ở đất này trong 20 năm nay, thì TAND tỉnh cũng như chính quyền sở tại cũng phải xem xét thấu đáo, khách quan để tránh người dân khiếu kiện kéo dài gây mất ổn định đời sống tại địa phương.
Mạnh Dũng
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 30 - 20
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)