TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 20/04/2024

Câu chuyện buồn từ một phiên tòa

21:10 29/10/2020
Logo header Chiều ngày 16 tháng 10 năm 2020, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản” tuyên sửa án sơ thẩm và nhận được sự đồng tình của dư luận khi thể hiện tính vị tha, khoan hồng của pháp luật nhưng cũng đủ sức giáo dục răn đe. Tuy nhiên, phía sau bản án là một câu chuyện buồn và là bài học không chỉ của riêng ai.

Ông Th bế cụ T đến tòa.

Phạm tội vì thương mẹ và sự cố chấp của người con dâu

Đứng trước bàn bị cáo là một người đàn ông ăn mặc nhếch nhác, khuôn mặt khắc khổ (SN 1963) nhưng nhìn giống như ông lão 70 tuổi, đó là Nguyễn T.h ở xã Thanh A, huyện Thanh Chương, cạnh bị cáo là cụ bà Nguyễn Thị T nhỏ thó 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Bị hại là cô giáo Nguyễn Thị Hồng H (Sn 1973) cùng địa chỉ và chính là em dâu của bị cáo. Theo nội dung bản án của TAND huyện Thanh Chương: Cụ T có một mảnh đất hơn 6.000m2 đã được cấp Giấy CNQSD đất, cụ chia một phần đất cho con trai thứ 2 là Nguyễn Doãn L (SN 1967 - Chồng cô Tuyết), năm 2008 anh L xuống ao kích cá bị điện giật chết. Từ đó cụ T bị ám ảnh không sao ngủ được. Tháng 3/2018 cụ T bảo ông T.h: “Con thuê người lấp ao đi, mẹ nhắm mắt lại là thấy em nó kêu cứu dưới ao, thương lắm” rồi đưa tiền cho ông T.h thuê máy xúc phá bỏ một đoạn bức tường rào táp lô cho ô tô chở đất vào lấp ao. Đang làm thì cô H về ngăn lại nên ông T.h bỏ về mách mẹ. Cụ T bảo : “Ao mẹ  thì mẹ lấp, việc gì đến nó”. Ngày 27/3/2018, do mẹ thúc giục, ông T.h lại thuê ô tô chở đất đến lấp ao. Cháu Huyền Ng (con cô Tuyết) ngăn cản nên việc đổ đất dừng lại. Cô H làm đơn tố cáo, kết luận điều tra cho thấy: Cụ T chỉ đạo và đưa tiền để ông T.h thuê máy xúc phá dỡ một đoạn tường trị giá 2.179.000 đồng, 19 cây chuối giá 190.000 đồng, đổ 264m3 đất xuống ao gây thiệt hại 4.326.000 đồng. Tổng thiệt hại 6.688.000 đồng. Ngoài ra, giữa T.h và cô H xảy ra xô xát gây thiệt hại cho cô H 0,4% sức khỏe phải đền 3.932.523 đồng. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo T.h phạm tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”,  phạt 3 tháng tù, buộc bồi thường hơn 8.000.000 đồng. Trước đó, khi nhận ra sai lầm, ông T.h ra sức xin cô H cho được khắc phục hậu quả trả lại nguyên trạng, đền bù thiệt hại, các cán bộ cũng khuyên cô H rút đơn nhưng cô vẫn kiên quyết “Làm cho ra nhẽ”.

Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, ông T.h kháng cáo, cụ T cũng có đơn khẩn cầu gửi đến Chánh tòa tỉnh trình bày: “Trước tôi mua mảnh đất 10,234m2 tại vùng Triều cho vợ chồng H ra ở riêng, lấy đất xong nó bảo xa quá xin dựng nhà ở tạm trên đất tôi để con đi học. Tôi ốm đau triền miên sống chết chưa biết lúc nào. Chồng tôi là Đảng viên lão thành cách mạng được kết nạp đảng từ năm 1949 mất năm 1982. T.h bị tuyên 3 tháng tù, trình độ lớp 7 không hiểu gì về pháp luật quanh năm chỉ biết đến góc ruộng, bờ ao, ăn ở hiền lành ốm đau bao vây nhưng là chỗ dựa độc nhất của tôi hiện nay. T.h bị đẩy vào tù không những tôi chịu một cú sốc tâm lí có thể uất ức chết bất đắc kì tử mà tương lai của các con T.h sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng người trong một gia đình, sự thiệt hại của cô H chỉ là rất nhỏ so với hậu quả khủng khiếp khi anh trai chồng phải vào tù đẩy tương lai mờ mịt của chính những đứa cháu ruột thịt của cô và sự hận thù từ đời này qua đời khác  và một lúc nào đó sẽ lại thành tai họa. Tổn thất đó gấp 10 lần so với tổn thất của cô H. Cái nặng cái nhẹ này do sự cang cường hiếu thắng quyết đạt được mục đích của mình mà cô H không nhìn thấy. Sự thiệt hại không lớn việc tháo dở hoặc lấp một phần ao có thể trả lại hiện trạng được nhưng cô H đã không tạo bất cứ một cơ hội nào cho việc hòa giải ở xã, ở huyện. Nếu T.h không làm theo chỉ đạo của mẹ thì can tội đại bất hiếu. Việc nó giúp tôi thuê người lấp ao là hoàn toàn theo sự chỉ đạo của tôi. Tiền tôi trả cho người được thuê. Không thể vì hành động của một đứa con có hiếu mà đẩy nó vào vòng lao lí. Hơn thế nữa tôi ra lệnh cho con tôi tháo bờ tường của tôi, lấp cái ao của tôi, nằm trên diện tích đất do tôi là chủ sở hữu (Giấy CNQSD đất mang tên tôi, sở tư pháp có văn bản công nhận đất thuộc quyền sở hữu của tôi. Năm 2020 cấp lại bìa đất vẫn tên tôi)…. Đây là tiếng kêu cứu, là lời van xin của một người mẹ đã đến tuổi gần đất xa trời cần một nơi nương tựa, cúi xin Quý Tòa như sau: Thằng T.h có tội hay vô tội, cố ý hay vô ý, oan hay không oan người cổ hủ như tôi không sao hiểu hết, chỉ xin Quý Viện, Quý Tòa cho nó được chuyển thành đền bù dân sự hoặc phạt tiền, cải tạo để tôi có nơi nương tựa. Đó cũng là cách trả công cho một cán bộ lão thành cách mạng, cách cứu tương lai của một lớp con cháu và cứu cuộc đời của một người thật thà chất phác trong phạm vi khoan hồng, nhân đạo của pháp luật”.

Hậu quả kéo dài khi người mẹ nổi giận

Tuy nhiên, sau khi tòa phúc thẩm sửa án cho ông T.h được hưởng 9 tháng cải tạo không giam giữ và cụ T thì già yếu nên miễn xét thì lập tức cụ T đệ đơn lên Tòa huyện Thanh chương bắt đầu một vụ kiện mới là đòi đất mà mẹ con cô H đang ở với lý do: “Năm 2004 tôi thắt lưng buộc bụng mua của ông Hồ Viết Cầu xóm 2 mảnh đất 10,234m2 tại vùng Triều cho vợ chồng cô H ra ở riêng. Cô H lấy đất rồi nhưng không chịu dời đi mà biện ra lý do ở xa chuyện đi lại học hành của con cái khó khăn, tôi phải tạm thời cho nó mượn một mảnh đất trong khu đất tôi đã được cấp bìa để vợ chồng nó dựng nhà ở tạm rồi đưa tiền cho thằng L sửa lại cái ao mà cái ao đó có từ khi tôi mua đất, Hơn thế nữa mảnh đất này là tài sản chung do vợ chồng tôi tạo dựng từ trước năm 1980, chồng tôi chết không để lại di chúc thì đây là tài sản chung của các đồng thừa kế gồm tôi và 4 đứa con, nếu muốn cho cô H thì phải được sự nhất trí của hàng thừa kế thứ nhất. Cũng vì lẽ đó từ năm 2007 đến nay sau 3 lần làm Giấy CNQSD đất, mảnh đất này vẫn đứng tên tôi và cô H hoàn toàn không được cấp một bìa đất nào cho riêng mình trên mảnh đất này. Vì vậy, các tài sản được nhắc trong bản án trước đều xây dựng bất hợp pháp trên đất của tôi, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các đồng thừa kế”.

Trao đổi với chúng tôi luật sư Nguyễn Trưng thuộc Văn phòng luật sư Lê Trần và cộng sự trầm tư: “Về luật: Theo quy định của luật thừa kế, Cụ ông mất đi không để lại di chúc nếu mất cách đây 30 năm thì tài sản này là của cụ bà cả, nếu chưa đến 30 năm thì mảnh đất sẽ được chia đôi, một nửa là phần cụ bà, nữa của cụ ông được chia làm 5 phần, cụ bà được thêm một phần di sản thừa kế của chồng, 4 phần còn lại chia cho ông T.h 1 phần, hai con gái cụ T 2 phần, còn các con cô H chỉ được một phần thừa kế thế vị của người bố (Anh L) đã mất. Về tình thì cụ T và các đồng thừa kế nên để lại cho cô H một mảnh đất đủ ở. Lỗi đầu tiên do ông T.h nhưng nếu cô H biết kiềm chế thì đã không xảy ra cơ sự này. Việc tranh giành trong gia đình thật đau lòng”.

 Vụ án dân sự hiện đang được tòa sơ thẩm Thanh Chương thụ lý, cụ T đang ngày một già yếu đi, các con ông T.h và các con cô H đang dần lớn lên, họ cũng đã có cháu nội cháu ngoại, vậy mà ai cũng vì cái tôi trong mình để đến nỗi “nồi da xáo thịt”, thì quả thật là đáng buồn lắm thay.

Nguyễn Đình Lộc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20

Bình luận: 0