TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 24/11/2024

Chương Mỹ - Hà Nội: Việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương - Phải chăng chỉ vì “đất” và rồi “đất” vẫn hoang trong khi người nông dân có nguy cơ trắng tay (?) (Kỳ 3)

14:05 17/09/2020
Logo header Trong thời gian vừa qua dư luận xã hội đã bất bình và bức xúc trước sự việc mà UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, tiến hành cưỡng chế và trang trại gà của gia đình bà Nguyễn Thị Tâm và ông Vũ Huy Cường. Đã rất nhiều cơ quan báo chí cũng như các mạng xã hội đều ngán ngẩm về cách làm của chính quyền địa phương khi thực hiện cưỡng chế mà bỏ qua các quy trình của pháp luật. Dẫn đến hậu quả là thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân, làm cho sự việc khiếu nại kéo dài và vẫn chưa có hồi kết.

Khó khăn của gia đình bà Tâm vẫn chưa tìm được cách giải quyết, nhiều người không khỏi xót xa cho trang trại gà đẻ đang vào lúc thu hoạch  trứng và công trình mà gia đình bà Tâm đã vay mượn để dựng nên trang trại gà nay tan biến. Từ những khung sắt, mái tôn, quạt gió, hệ thống chiếu sáng và dụng cụ, thực phẩm chăn nuôi bị mất trắng… Bà Tâm đã có đơn tố cáo cách xử lý chưa đúng quy định của pháp luật của chính quyền địa phương cũng như cách xử lý thiếu tính nhân văn của những con người gọi là công bộc của dân. Thay vì việc tháo dỡ, cưỡng chế và di chuyển những khung sắt cốt thép của trang trại thì họ đã dùng máy xúc để kéo sập những công trình và gần như phá hủy toàn bộ sự đầu tư của gia đình bà mà không hề kê biên, kiểm đếm những đối tượng không thuộc diện cưỡng chế. (?)

Những bộ vì kèo bằng sắt và tôn lợp mái của gia đình bà Tâm nằm trên đất bị cưỡng chế nhưng sau khi UBND xã tiến hành cưỡng chế lại đang ở trong một gia đình khác. 

Có thể nói trong vụ việc cưỡng chế trại gà của gia đình bà Tâm, ông Cường có những bước trong quy trình xử lý vi phạm dẫn đến buộc phải cưỡng chế còn thiếu cơ sở pháp lý của các bên. Ở góc độ bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề chính quyền địa phương khi thực hiện quyền hạn của mình theo quy định pháp luật như thế nào? Và sự thiếu hiểu biết của người dân ra sao?. Đối với trại gà của gia đình bà Nguyễn Thị Tâm và ông Nguyễn Huy Cường do thiếu hiểu biết về pháp luật một phần khi mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nên họ chỉ quan niệm rằng Nhà nước luôn tạo điều kiện cho người dân muốn chuyển đổi từ sản xuất sang mô hình khác hiệu quả hơn, lâu dài hơn. Cũng chính vì sự hiểu biết mơ hồ đó mà gia đình bà Tâm ông Cường đã xây dựng trang trại gà khi mà mới chỉ được thuê đất với thời hạn ngắn. Sau khi có nhiều bất cập từ phía UBND xã, bà Tâm đã khiếu nại nhiều lần và đã được Thanh tra vào cuộc, chưa có kết luận thì chính quyền địa phương lại cương quyết cưỡng chế trại gà của gia đình bà Tâm, ông Cường vào ngày 24 và 25 /10/2019. Đây có thể là một việc làm vội vàng và thiếu trình tự theo quy định của pháp luật bởi những điểm sau: Thứ nhất: Việc thực hiện cưỡng chế trại gà trong thời điểm đang giải quyết tố cáo có liên quan trong khi trước thời điểm cưỡng chế thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 3456/SNN-TTr  ngày 13/11/2018 cũng nêu theo quy định tại điểm B khoản 2 điều 11, điều 35, 39 của luật tố cáo năm 2011; điều 15 Nghị định số 76/2012/NĐ - CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật tố cáo; điều 16, 17 Quyết định số 79/2014/QĐ - UBND của UBND Thành phố Hà Nội ban hành quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo thuộc Thành phố Hà Nội. Trong đó điều 16 quyết định số 79/2014/QĐ - UBND  có nêu. “Người tố cáo có quyền yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, vị trí công tác, việc làm và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo theo quy định tại Chương V Luật Tố cáo và các Điều 14, 15, 16, 17, 18 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP. Yêu cầu bảo vệ của người tố cáo phải bằng văn bản. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể yêu cầu trực tiếp bằng miệng hoặc thông qua các phương tiện thông tin khác, nhưng sau đó phải thể hiện ngay bằng văn bản. Cơ quan tiếp nhận yêu cầu bảo vệ của người tố cáo có trách nhiệm lập hồ sơ vụ việc để theo dõi và xử lý, giải quyết theo quy định”. Như vậy, rõ ràng sự việc đơn tố cáo của công dân gửi lên đang được UBND Thành phố Hà Nội thực hiện giải quyết theo đúng luật định. Trong trường hợp này thì UBND huyện Chương Mỹ , UBND xã Tiên Phương nên kiên nhẫn hơn để chờ kết luận giải quyết đơn tố cáo của công dân có liên quan đến vụ việc nêu ở trên, để cho khách quan hơn, đúng với quy định của pháp luật.

Hàng nghìn con gà đẻ trứng của gia đình bà Tâm đã bị UBND xã bán đấu giá sau khi cưỡng chế chưa đúng quy định của pháp luật

Tránh gây bức xúc không đáng có trong nhân dân, vì thời điểm cưỡng chế trại gà của gia đình bà Tâm, ông Cường không có yêu cầu cấp bách, không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, không gây cản trở giao thông, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. Chúng tôi không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: Tại sao UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ cứ nhất quyết phải gấp rút giải quyết sự việc khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo là UBND Thành phố Hà Nội ? phớt lờ đi công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (?). Thứ hai: Chính quyền địa phương khi tổ chức thực hiện cưỡng chế ở đây đã bỏ qua những bước mà luật đã quy định. Đó là trước khi thực hiện việc cưỡng chế mà không hề lập biên bản kiểm kê tài sản, theo quy định thì trong quá trình thực hiện cưỡng chế phải tuân thủ như sau: “Việc thực hiện quyết định cưỡng chế phải bảo đảm nguyên vẹn những thiết bị đã tháo dỡ. Thiết bị đó phải được bảo quản và tiến hành các thủ tục giao nhận theo quy định của pháp luật. Trường hợp chủ sở hữu từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, đánh giá lại giá trị những tài sản cũ, hỏng...và thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện trông giữ, bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế”. Chúng tôi nêu ra viện dẫn trên để khẳng định rằng việc tổ chức thực hiện cưỡng chế, được pháp luật quy định rất chi tiết, nhưng trên thực tế lực lượng cưỡng chế trại gà gia đình bà Tâm, ông Cường tại xã Tiên Phương lại phớt lờ, bỏ qua nhiều thủ tục. Họ đã biến việc tháo dỡ công trình bị cưỡng chế thành  “phá hủy công trình”, chứ không phải là cưỡng chế khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Mong rằng UBND thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ và xã Tiên Phương có một cách nhìn thấu đáo hơn trong cách xử lý vụ việc.

Trước khi cưỡng chế 23 ngày thì Thanh tra TP. Hà Nội đã có Công văn số 4575TTTP-P2 ngày 01102019 gửi UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND huyện bố trí thành phần, chuẩn bị nội dung và làm việc liên quan đến nội dung tố cáo của công dân. Nhưng UBND xã vẫn thực hiện việc “phá hủy trang trại gà” của gia đình bà Tâm.

Đây có thể nói là một việc điển hình và cũng thường gặp ở các cấp địa phương, và cũng là một bài học cho các cấp cơ sở quản lý về mặt Nhà nước trên địa bàn, đồng thời cũng bộc lộ sự buông lỏng quản lý, đến khi giải quyết vụ việc thì nôn nóng bỏ qua các quy trình và quy định của pháp luật. Người dân cũng như công luận mong muốn Cơ quan Thanh tra có một cuộc làm việc công tâm, khách quan, minh bạch về diễn biến, nguyên nhân sự việc và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp để làm bài học chung. Đồng thời đề nghị Cơ quan điều tra, viện kiểm sát thực hiện chức năng theo quy định của pháp luật. Gia đình bà Tâm, ông Cường xây dựng trại gà chưa đúng thì bị xử lý tháo dỡ và cưỡng chế. Nhưng trước khi cưỡng chế thì UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Tiên Phương chưa có một biên bản kiểm đếm tài sản để công khai cho người bị cưỡng chế được biết. Vì vậy những pháp lý về việc cưỡng chế cần được làm rõ theo quy định của pháp luật và xử lý nghiêm những sai phạm nếu có. Với trách nhiệm của một người làm báo chúng tôi kiến nghị lên các cơ quan hữu quan làm rõ trách nhiệm đối với những chủ thể có hành vi vi phạm phá hủy tài sản. Và sớm giải quyết dứt điểm sự việc, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

Lê Dũng - Huy Thịnh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 28 - 20

Bình luận: 0