Cuộc sống người dân đang phải gồng mình với ô nhiễm nước thải
Theo quy định, nước thải từ hệ thống thoát nước khu đô thị (KĐT), nhà chung cư khi xả vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này chưa được thực hiện nghiêm, nhiều chủ đầu tư (CĐT) vẫn tìm cách trì hoãn việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc đầu tư hệ thống xử lý không đủ công suất. Thực trạng này đang khiến môi trường quanh các KĐT, Chung cư cao tầng bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Tìm hiểu về công tác bảo vệ môi trường trong khu dân cư, phóng viên Tri Thức Xanh được biết khu nhà chung cư City Sông Hồng ở số 135 phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội được đưa vào khai thác, sử dụng từ khoảng năm 2019. Với mật độ gần 1000 hộ dân sinh sống trong tòa và khu nhà liền kề. Thế nhưng lượng nước thải sinh hoạt trong tòa nhà đã đã có phần xả thẳng ra mương nước của khu dân cư khiến mương nước trước nhà dân đen quánh như những dòng sông chết. Cư dân sống cạnh khu chung cư cho biết: “Thi thoảng nước thải của khu chung cư này vẫn xả thẳng ra hệ thống mương nổi, gây ô nhiễm môi trường và mùi hôi từ mương nổi này đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhất là vào những ngày nắng nóng đầu hè”. Đáng nói hơn là hệ thống mương này hiện không có chỗ thoát. Chính điều đó đã khiến cho mấy chục hộ dân sống gần con mương bị ảnh hưởng do nước thải ứ đọng, bốc mùi.
Tòa nhà xây đè lên trên con mương dân sinh (?)
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các cơ sở không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung phải có hệ thống xử lý nước thải riêng. Trong quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch và phê duyệt dự án, các CĐT đều thiết kế trạm xử lý nước thải nhưng số dự án được đưa vào vận hành trên thực tế không nhiều. Chưa kể, nhiều KĐT xây dựng trạm xử lý nhưng không đạt công suất so với thực tế sử dụng của cư dân sinh sống trong tòa nhà dẫn đến xả thải chất thải chưa qua xử lý ra môi trường là là điều không thể tránh được. Trao đổi với phóng viên ông Trần Huy Dung - một người dân ở phường Thượng Thanh, sống cạnh khu nhà chung cư City Sông Hồng cho biết:“Từ khi dự án chung cư và khu nhà ở liền kề có người về ở, thì nước thải sinh hoạt đã thải ra con mương này, không những là thải nước sinh hoạt mà còn thải trực tiếp nước từ bể phốt chưa qua xử lý xuống mương dân này. Trước đây nước nó đang trong và không mùi, nhưng hai năm trở lại đây thì lúc nào nước cũng đen ngòm ngập đến nửa mét. Hôm nay mát trời mà mùi đã khó chịu thế này huống chi mùa hè nóng bức. Những hôm trời mưa, nước thải ra càng nhiều cộng thêm nước mưa nên nó dâng lên cao nhìn bẩn vô cùng”. Không chỉ ông Dung mà hầu hết các hộ dân sống bên cạnh con mương chạy qua, người ta đặt tên cho nó là “dòng sông chết”. Sự việc này cũng đã được nhân dân kiến nghị lên tổ dân phố và UBND phường Thượng Thanh, nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm, đỉnh điểm ngày 27/4/2021, bên phía Ban quản lý vận hành tòa nhà chung cư City Sông Hồng xả nước thải sinh hoạt ra ngoài gây bức xúc cho người dân, ngay sau đó người dân đã làm việc với Ban quản lý vận hành, tiến hành lập biên bản. Trong biên bản làm việc ghi rõ đại diện các bên gồm có ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng Ban quản lý vận hành, và phía dân cư có ông Nguyễn Anh Đức và bà Tạ Thế Lực đại diện cho cư dân, nội dung biên bản nêu rõ: “Sự việc bể tách mỡ tại tòa nhà đầy tắc đêm ngày 27/4/2021, Ban QLVH tiến hành hút, sau khi hút xong, lượng nước tồn dư gây hôi thối chảy ra hố ga phía sau dự án (khu nghĩa trang) có đường rãnh mương đi qua khu dân cư tổ 1, phường Thượng Thanh đại diện các căn hộ cư dân khu dân cư vào BQL kiến nghị và yêu cầu có biện pháp khắc phục tình trạng nước thải trong khu nhà chung cư chảy ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, hôi thối gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân”.
Nước ở con mương nơi cư dân tổ 1 phường Thượng Thanh nước đen, đặc quánh và luôn bốc mùi
Theo quan sát của phóng viên, hệ thống mương chạy qua tổ 1 phường Thượng Thanh bắt nguồn từ dưới móng tòa nhà, không rõ là nguồn từ đâu, chỉ thấy nguồn nước từ một cống dưới tòa nhà chảy ra con mương, chiều rộng mương nước rộng khoảng 2m, một bên là nhà dân tổ 1 sinh sống, một bên là khu nghĩa trang và ruộng trồng hoa màu, nước thải ở dưới mương có màu đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Người dân ở đây cho biết: “Trước khi dự án này xây dựng thì con mương chạy dài từ khu quân đội chạy đi qua khu dân cư và chạy ra phía ga gia lâm, nhưng từ khi dự án vào xây dựng không hiểu tại sao lại xây trên đường mương không biết là họ xây chặn con mương hay là họ xây đè lên làm cống ngầm nữa, không biết khi được phê duyệt dự án thì con mương nước đó họ tính như thế nào”.
Việc chung cư City Sông Hồng xả thải sinh hoạt ra môi trường gây ảnh hưởng cho cư dân sống xung quanh cần phải được khắc phục để đảm bảo môi trường trong lành cho người dân quanh vùng ở phường Thượng Thanh. Hơn nữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần kiểm tra, rà soát lại hệ thống, tiêu chuẩn xử lý nước, rác thải sinh hoạt để đảm bảo không phát sinh khí thải do nước thải, rác thải tạo ra. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Bởi theo khoản 1, Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường 2014 có quy định rõ: 1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau. a) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. b) Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật. c) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động. d) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. đ) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường. Còn theo điểm a, điểm b, khoản 1, và điểm a, c, I Điều 4 về hình thức phạt mức phạt như sau: 1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: a) Cảnh cáo. b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây. a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy, phục hồi sinh cảnh ban đầu cho các loài sinh vật, thu hồi nguồn gen từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật. c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Không thể đánh đổi sự phát triển kinh tế - xã hội với sự ô nhiễm môi trường vì ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Vậy nên công tác đảm bảo môi trường khi đầu tư xây dựng khu dân cư và hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt là rất quan trọng. Chính vì vậy chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm để xác minh làm rõ và có hướng khắc phục, giải quyết triệt để những vấn đề mà người dân tổ 1, phường Thượng Thanh đang phải gồng mình sống chung với ô nhiễm.
Lê Dũng
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 61 -21
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)