TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ công chức

21:56 19/11/2020
Logo header Trước đây, các biện pháp nhằm kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở nước ta như minh bạch tài sản, thu nhập, tăng cường phương thức thanh toán không tiền mặt kết hợp với sử dụng công cụ thuế thu nhập cá nhân và thu hồi tài sản tham nhũng đã giúp hạn chế và phòng ngừa các hành vi tham nhũng nhưng chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn. Nhằm bổ sung và tăng cường hơn nữa các biện pháp trong công tác phòng chống tham nhũng, mới đây, vào ngày 30/10/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Nghị định, những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm được mở rộng với các ngạch công chức và chức danh như Chấp hành viên, Điều tra viên, Kế toán viên, Kiểm sát viên, Kiểm toán viên, Kiểm tra viên của Đảng, Kiểm tra viên thuế, Thanh tra viên, Thẩm phán,... Ngoài ra, những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng là những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước có nghĩa vụ giải trình rõ ràng, đầy đủ, chính xác nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và chứng minh việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai trước theo Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm với Nghị định này. Đồng thời, Nghị định cũng nghiêm cấm việc sử dụng không đúng mục đích thông tin, dữ liệu trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Cụ thể, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý hành vi kê khai, giải trình không trung thực phải căn cứ vào bản kê khai, việc giải trình và kết luận xác minh được thực hiện theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định này. Các tiêu chuẩn của bản kê khai cũng được quy định rõ trong Nghị định này. Cụ thể, bản kê khai với người giữ chức vụ phó tổng cục trưởng và tương đương trở lên công tác tại cơ quan Trung ương được niêm yết tại trụ sở và công khai tại các cuộc họp gồm lãnh đạo cấp cục, vụ trở lên. Từ cấp vụ trưởng và tương đương trở xuống thì Bản kê khai sẽ được niêm yết công khai tại đơn vị hoặc cuộc họp gồm lãnh đạo cấp phòng trở lên, còn của những người khác sẽ được niêm yết tại phòng ban, đơn vị và công khai tại cuộc họp gồm toàn thể công chức, viên chức phòng, ban... Đối với các chức danh như Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND thì bản kê khai được niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng HĐND, UBND. Điểm đáng chú ý là trong Nghị định này cũng đã yêu cầu công khai bản kê khai của những người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị, tại doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, hàng năm, trên cơ sở công khai, cơ quan đơn vị xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập do thanh tra hoặc đơn vị phụ trách tổ chức cán bộ thực hiện. Việc thực hiện xác minh dựa trên cơ sở lựa chọn ngẫu nhiên, đảm bảo tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm, trong đó có ít nhất một người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu.

Trong trường hợp xảy ra vi phạm về kiểm soát tài sản, thu nhập như người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật PCTN. Cụ thể, người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức. Còn đối với người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. 

Quyết định kỷ luật sẽ được niêm yết công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật thường xuyên làm việc 15 ngày. Tuy nhiên, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật cũng có thể lựa chọn thực hiện thêm hình thức thông báo tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bách Vũ

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 37-20

Bình luận: 0