TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/05/2024

Doanh nghiệp tư nhân Thành Nga có nguy cơ phá sản vì không được thuê đất để duy trì hoạt động kinh doanh

23:42 18/06/2020
Logo header Doanh nghiệp tư nhân Thành Nga chuyên cung cấp xăng dầu cho bà con 3 xã vùng bán sơn địa huyện Đô Lương, từ lâu đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và có nhiều đóng góp cho quê hương. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản do nằm trong diện phải di dời nhưng lại không được xét duyệt cho thuê đất để đảm bảo kinh doanh.

Vùng đất mới ông Minh chọn thuê chỉ trồng được cỏ cho bò ăn nhưng vẫn không được UBND huyện Đô Lương phê duyệt.

Điểm sáng Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi 

Năm 1995, anh Trương Văn Minh (SN 1971) ở xóm Rú Đèn (Nay là xóm Văn Đồng) xã Hiến Sơn huyện Đô Lương lên đường bảo vệ tổ quốc. Trước đó, năm 1990, em ruột của anh Minh cũng nhập ngũ và hiện nay là Thiếu tá trong QĐNDVN. Năm 1999 anh Minh xuất ngũ về địa phương, lúc này em ruột của anh đã mua được một mảnh đất ở 210m2 giáp mặt đường liên huyện cho vợ con ở khi xung quanh đều là đất trống. Nhận thấy miền quê Hiến Sơn đất cằn sỏi đá, nhân dân quanh năm bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, những người chắt chiu mua được xe máy phải đi hàng chục cây số mới có điểm đổ xăng, bởi cả một vùng quê kéo dài 3 xã: Hiến sơn, Trù Sơn và Đại Sơn không có lấy một cây xăng nào.

Hai anh em táo bạo bàn nhau dồn ngôi nhà của vợ con em trai ra cuối miếng đất để khu vực mặt tiền bám đường rộng chừng 10 mét để mở cây xăng. Tuy nhiên bí nhất là vốn, hai anh em chạy vay khắp nơi, khi biết anh Minh cũng là cựu chiến sỹ quân đội, bạn bè trong toàn đơn vị người em đồng loạt giúp sức mỗi người một ít. Cuối năm 2000, Doanh nghiệp Thành Nga do ông Minh làm giám đốc đã khánh thành cây xăng trên quê hương. Sự kiện này là mơ ước của người dân ở khu vực nghèo đói này, cây xăng của Doanh nghiệp Thành Nga đi vào hoạt động và được coi là điểm sáng của cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Xã hội phát triển, sau 20 năm, khu vực ngã tư ngày nào chỉ có cây xăng trơ trọi, nay thành một vùng dân cư trù phú, có chợ, có hàng, có quán ăn, tiệm tạp hóa và các dịch vụ vui chơi giải trí… dân cư đông đúc “bao vây” cây xăng ông Minh. Nhận thấy sự bất cập khi nhiều cây xăng nằm trong lòng dân gây ảnh hưởng môi sinh môi trường, công tác PCCC khó khăn nguy hiểm đến tính mạng dân cư, ngày 4/8/2016, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định 7344/QĐ - UBND về việc “Di dời các cây xăng ra khỏi khu dân cư” và cũng Chỉ thị cho các ban ngành “Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp di dời” với quy định, diện tích ít nhất phải là 300m2 ; chiều rộng ít nhất là 16 mét bám đường và xa khu dân cư. Nhận được Công văn của Tỉnh, UBND huyện Đô Lương lập tức có Công văn yêu cầu Doanh nghiệp Thành Nga khảo sát địa điểm hợp lệ để chuyển cây xăng. Năm 2017, Doanh nghiệp Thành Nga tiến hành lập 7 bộ hồ sơ gửi đi khắp tất cả các cơ quan liên quan lên phương án thuê 4.500m2 đất 5% do UBND xã Hiến Sơn quản lý tại khu vực “Đồng Chọ”- một vùng đất cằn đá sỏi, không trồng được lúa nằm bên tuyến đường N5 mới mở. Ngày 04/12/2018, Doanh nghiệp nhận được công văn số 3942 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc lập quy hoạch chi tiết, xây dựng các khu đất dọc hai bên tuyến đường N5 để thống nhất quản lý. Trong quá trình thực hiện lập quy hoạch xây dựng không xem xét chủ trương đầu tư các dự án trong phạm vi quy hoạch”.

Trên bảo dưới không nghe 

Các Văn bản của Vụ 1 Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của ông Minh đến UBND tỉnh Nghệ An để chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Địa điểm trên không được phê duyệt nên Doanh nghiệp Thành Nga buộc phải tìm địa điểm mới. Vậy nhưng trong lúc ông Minh đang ra sức tìm một địa điểm khác chuyển cây xăng để bảo đảm nuôi sống các nhân viên của Doanh nghiệp, cùng mẹ già, 3 đứa con và giải quyết việc làm cho chính vợ chồng mình thì ông bàng hoàng, rụng rời chân tay khi thấy Công ty CP vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh, ào ạt đổ đất xuống xứ “Đồng Cao Sản” thâm canh hai lúa cạnh tuyến đường N5, cách khu vực đất cằn đá sỏi mà ông Minh trình dự án thuê chỉ gần 1.000 mét. Ông chạy lên huyện thắc mắc thì được cung cấp QĐ 09/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng ký ngày 08/01/2019 với nội dung: “Cho phép công ty Petrolimex quản lý, sử dụng 1.750,0m2 đất sản xuất nông nghiệp (Đất chuyên trồng lúa nước) tại xã Hiến Sơn”. Như vậy, quyết định nhất trí cho thuê này chỉ cách quyết định không cho ông Minh thuê 34 ngày và cùng trên một tuyến đường N5.(?) 

Nhân dân trong khu dân cư cạnh cây xăng ông Minh vô cùng bức xúc, họ làm đơn tập thể kiến nghị với những nội dung như: “Vì sao công ty ông Minh có nhiều đóng góp cho địa phương, giải quyết việ c làm cho lao động sở tại, lại là con em của huyện, đang rất cần di dời theo lộ trình của UBND tỉnh, thuê một mảnh đất cằn cỗi lại không được duyệt? Vì sao Công ty Petrolimex từ trên trời rơi xuống lại được thuê mà lại thuê mảnh đất giữa cánh đồng thâm canh hai lúa bờ xôi ruộng mật? phải chăng ông Minh không biết làm luật?, phải chăng an toàn của dân không được quan tâm chú trọng?”. Riêng ông Minh, mặc dù trong người đầy thắc mắc, nhưng để cứu Doanh nghiệp khỏi bị phá sản, ông không dám khiếu nại mà tiếp tục kiên trì đi tìm bằng được vùng đất tại khu đồi “Văn Đền”, nơi chỉ trồng cỏ cho bò ăn, không thể trồng lúa hay trồng màu cũng bám trục đường N5 nhưng trái tuyến với cây xăng của Công ty Petrolimex và tiếp tục gửi hồ sơ xin thuê đất. Lần này hồ sơ đã được UBND xã Hiến Sơn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Phòng CS PCCC tỉnh Nghệ An chấp nhận, UBND tỉnh Nghệ An cũng có Công văn chỉ đạo: “UBND huyện Đô Lương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuê đất, xây dựng, di dời theo lộ trình..”.

Ông Minh với đống đơn thư, công văn trả lời trong 3 năm

Nhưng kỳ lạ thay, ngày 08/01/2020, UBND huyện Đô Lương lại có công văn số 33/UBND.TCKH không chấp nhận cho ông Minh thuê với lý do: “Vị trí khu đất Doanh nghiệp Thành Nga đề xuất tại xã Hiến Sơn là không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Đô Lương…”.

Con giun xéo lắm phải quằn, không thể chịu nổi sự vô lý suốt 3 năm đằng đẵng vác hồ sơ đi các cửa, ông Minh gửi đơn kêu cứu đến UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ. Lúc này, UBND tỉnh Nghệ An đã có Chủ tịch mới là ông Nguyễn Đức Trung, ông Trung lập tức yêu cầu thanh tra vào cuộc.

Ngày 25/05/2020, ông Minh mừng đến phát khóc khi nhận được Công văn số 308/TTR.P2 của Thanh tra tỉnh yêu cầu UBND huyện Đô Lương: “Công dân đề nghị các cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư để di dời cây xăng Doanh nghiệp Thành Nga ra tuyến đường N5. Giao UBND huyện Đô Lương hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn địa đi ểm xây dựng cửa hàng xăng dầu mới, giải quyết theo đúng quy định”. Vụ 1 Văn phòng Chính phủ cũng liên tiếp có 3 Văn bản số 7737; 9206 và 13422 yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An giải quyết, xem xét đơn thư của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, UBND huyện Đô Lương vẫn “Án binh bất động”.
Họ dường như phớt lờ các chỉ đạo của cấp trên, mặc nhân dân khiếu nại và doanh nghiệp nằm bên bờ vực phá sản (?).

Để có cái nhìn khách quan, chúng tôi đã cố gắng liên hệ với ông Phùng Thành Vinh - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương nhưng ông trả lời: “Tôi vừa nhận cả chức Bí thư kiêm Chủ tịch nên rất bận, để tôi họp đã” rồi cúp máy. Thiết nghĩ: Nhà nước đang ra sức tạo cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân phát triển, việc UBND huyện Đô Lương gây khó khăn cho Doanh nghiệp Thành Nga mà không đưa ra được một lý do chính đáng nào là khó có thể chấp nhận.

Kính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nội dung sự việc nêu trên và mong UBND tỉnh sớm có phương án chỉ đạo giải quyết vụ việc có tình, có lý để tạo sự phát triển kinh tế tư nhân theo đúng chủ trương phát triển kinh tế mà Chính phủ đang nỗ lực kiến tạo. Tri thức Xanh sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Đình Lộc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 15 - 20

Bình luận: 0