TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 24/04/2024

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giúp người dân an tâm mỗi khi ra đường

14:05 24/09/2020
Logo header Giao thông đường bộ (GTĐB) có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Luật Giao thông ra đời nhằm điều chỉnh, kiểm soát giao thông và điều tiết phương tiện, được ban hành bởi Nhà nước. Luật GTĐB đã được Quốc hội sửa đổi lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4 vào năm 2008. Những sửa đổi này một lần nữa đã góp phần quan trọng hình thành ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong những năm qua. Đất nước ta hiện nay với sự phát triển nhanh chóng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, các phương tiện giao thông cả về số lượng và chất lượng đã dẫn đến một số hạn chế của Luật này cần bổ sung, sửa đổi. Cùng với sự ra đời của dự thảo sửa đổi luật giao thông đường bộ 2008 do Bộ Giao thông vận tải ban hành, ngày 01/6/2020 Bộ Công an đã chính thức ban hành dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).

Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ giúp giảm thiểu tai nạn khi tham gia giao thông

Từ khi ra đời, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Luật GTĐB đã phát huy tốt tác dụng, góp phần xây dựng mạng lưới giao thông hiện đại, tổ chức giao thông hợp lý, nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông nhằm đảm bảo GTĐB an toàn và thông suốt. Bộ Công an thống kê từ đầu năm 2009 đến nay, cả nước xảy ra trên 334.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 101.000 người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), làm bị thương trên 336.000 người, trong đó nhiều người bị thương tật suốt đời. Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều các trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn… (trong 10 năm đã xử lý gần 1,1 triệu trường hợp vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy), đây là những nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận xã hội và rất đáng báo động.  Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, qua đó cho thấy các nước đều có luật chuyên biệt về TTATGTĐB (quy định về quy tắc giao thông, quản lý phương tiện, người điều khiển tham gia giao thông, xử lý vi phạm...), tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ được quy định trong luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, luật về vận tải đường bộ...(Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga, Đức,...).
 
Thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14/5/2020 của Chính phủ, Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ngày 01/6/2020 Bộ Công an đã ban hành dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Ngày 16/9/2020 Dự thảo đã được trình bày và xin ý kiến của Quốc hội. Dự thảo Luật này được xây dựng dựa trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB tách ra từ Luật GTĐB hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGTĐB, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Mục đích của việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững, thiết lập và duy trì trật tự, an toàn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giải quyết được những nguyên nhân cơ bản, sâu xa của thực trạng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa giao thông văn minh, tiếp cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các nghị định, thông tư có liên quan, đồng thời bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới như trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường bộ…  Đáng chú ý, quy tắc giao thông đường bộ quy định từ Điều 13 đến Điều 45 có các nội dung cơ bản như: quy tắc về phía đi, phần đường, nhường đường, tránh, vượt, chuyển hướng, lùi xe, vượt xe, dừng xe, đỗ xe, tốc độ, khoảng cách… Sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông, như: sử dụng làn đường, chuyển hướng, tránh, vượt, dừng, đỗ xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau, sử dụng còi, đèn tín hiệu, mở cửa xe…; bổ sung quy định tốc độ tối đa của một số loại phương tiện có trọng tải lớn trên đường cao tốc; khoảng cách an toàn giữa các xe tương ứng với tốc độ và điều kiện mặt đường thời tiết, địa hình để đảm bảo an toàn giao thông... Luật Đảm bảo TTATGTĐB sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn và có những quy định cụ thể khi tham gia giao thông được an toàn. Một chuyên gia xã hội học cho biết: “Tôi thấy rằng luật này ra đời thì chắc chắn nó sẽ tác động tốt đến người tham gia giao thông, đến các cơ quan quản lý giao thông. Bởi vì luật này có rất nhiều chương, điều cụ thể hóa hơn, quy định rõ trách nhiệm của người tham gia giao thông, cũng như trách nhiệm của người thực thi việc bảo đảm TTATGT, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải. Tôi thấy người tham gia giao thông trước hết là phải tuân thủ các quy định. Thứ hai là người thực thi để đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì cũng phải thấy rằng là có những vấn đề an toàn giao thông xảy ra những trường hợp vi phạm hoặc không an toàn giao thông thì cũng không phải do người dân, mà có khi lại do chính cơ quan quản lý nhà nước. Vì nếu anh không đảm bảo hạ tầng giao thông tốt, anh cắm biển mà lại bị che khuất đi, rồi cứ nói đấy là do người tham gia giao thông. Những trường hợp như thế thì theo tôi là nhắc nhở hướng dẫn cho người dân hơn là phạt người ta.

Chính phủ có chỉ đạo dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT của bộ Công an không được trùng lặp, chồng chéo với dự thảo Luật GTĐB bộ Giao thông vận tải nhưng các dự thảo mới nhất của hai bộ vẫn có nhiều nội dung bị trùng lặp. GTĐB là lĩnh vực có sự ảnh hưởng, tác động lớn đến đời sống xã hội. Thiết nghĩ mỗi nội dung thay đổi đều cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động và có tầm bao quát tổng thể để phù hợp với yêu cầu của người dân. Hầu hết người dân đều mong muốn các quy định của Luật rõ ràng, phù hợp với thực tiễn, thuận lợi trong việc áp dụng và các quy định này phải được thực hiện công khai, công bằng, nghiêm túc.

Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

Bình luận: 0