TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 24/11/2024

Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi có nhiều thay đổi tích cực

22:49 10/09/2020
Logo header Giao thông đường bộ (GTĐB) có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Luật Giao thông ra đời nhằm điều chỉnh, kiểm soát giao thông và điều tiết phương tiện, được ban hành bởi Nhà nước. Luật GTĐB được ra đời đầu tiên vào năm 2001, đây là Luật đầu tiên về GTĐB, được đúc kết sau một quá trình thực hiện các Pháp lệnh, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật về GTĐB và các lĩnh vực có liên quan.

Tham gia giao thông có văn hóa sẽ giúp mang lại an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Từ khi ra đời, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Luật GTĐB đã phát huy tốt tác dụng, góp phần xây dựng mạng lưới giao thông hiện đại, tổ chức giao thông hợp lý, nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông nhằm đảm bảo GTĐB an toàn và thông suốt. Để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển, Luật GTĐB đã được Quốc hội sửa đổi lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4 vào năm 2008. Những sửa đổi này một lần nữa đã góp phần quan trọng hình thành ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong những năm qua. Trong quá trình triển khai 12 năm vừa qua, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và bị thương, Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết từ gần 12.000 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) mỗi năm (thống kê năm 2010), đến năm 2019, mỗi năm Việt Nam còn khoảng gần 8.000 người thiệt mạng vì TNGT. Nhưng với những bước tiến thần tốc trong mọi lĩnh vực của đất nước như hiện nay, sự phát triển nhanh chóng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, các phương tiện giao thông cả về số lượng và chất lượng đã dẫn đến một số hạn chế của Luật này cần bổ sung, sửa đổi. Tại thời điểm xây dựng ban hành Luật GTĐB sửa đổi 2008, Việt Nam chưa có đường cao tốc, nhưng đến hết năm 2018 Việt Nam đã có 15 tuyến đường cao tốc có tổng chiều dài 909 km trên khắp mọi miền đất nước. Các loại hình vận tải cũng đã có nhiều thay đổi, những phương tiện tham gia giao thông công cộng như xe buýt, xe vận tải công nghệ, xe chở học sinh… ngày càng trở nên phổ biến. Đứng trước những sự thay đổi này, thực hiện Nghị quyết số 12/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2019 - 2021, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, xây dựng dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi). Bộ đã thành lập Ban soạn thảo Luật GTĐB, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể làm Trưởng ban. Nhiều nội dung được tiếp thu và sửa đổi sau khi có ý kiến đóng góp từ chuyên gia và người dân, tránh tình trạng không phù hợp với thực tế cuộc sống, giúp cho người dân thực hiện tốt đảm bảo trật tự và an toàn giao thông... Đây là một công việc thực sự khó khăn với yêu cầu việc sửa đổi Luật GTĐB vừa phải đáp ứng nhu cầu của hiện tại vừa phải phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam trong 10-20 năm tới. Những điểm quan trọng nhất của dự thảo Luật GTĐB sửa đổi bổ sung các hành vi cấm người điều khiển xe có nồng độ cồn phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; cấm dùng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, hay cấm quay đầu, lùi xe trên cao tốc, bổ sung các khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng. Dự thảo cũng sửa đổi quy định về thắt dây an toàn tại các vị trí có dây an toàn, nhường đường cho xe chở học sinh; đưa ra các quy tắc trên đường cao tốc, quy tắc cho người đi bộ; quy định cụ thể trách nhiệm của người có liên quan khi xử lý tai nạn giao thông…  

Đáng chú ý, tại Điều 9 của dự thảo về các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Quy định này đồng nghĩa với việc quy định cấm sử dụng điện thoại di động khi lái xe được áp dụng với tất cả các tài xế khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bao gồm cả tài xế xe ô tô. Theo luật hiện hành, chỉ người điều khiển xe mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, không quy định đối với người điều khiển xe ô tô.. Lãnh đạo PC08 Công an tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Tuy chưa thống kê cụ thể về số vụ tai nạn giao thông xảy ra khi người dân vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại, nhưng thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn do hành vi này. Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông gây mất an toàn giao thông và nếu có thói quen này còn tạo cơ hội cho các đối tượng cướp giật tài sản trên đường bộ”. Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt từ 600 nghìn đến 2 triệu đồng đối với người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông... Dù các mức phạt hết sức rõ ràng nhưng tình trạng sử dụng điện thoại trên đường diễn ra khá phổ biến, lực lượng chức năng mới chỉ xử phạt rất ít trường hợp, trong đó chủ yếu là các trường hợp đeo tai nghe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cuộc sống càng hiện đại, những chiếc điện thoại thông minh ra đời giúp ích rất nhiều cho cuộc sống, con người ngày nay sử dụng điện thoại thông minh phần lớn thời gian và ngay cả khi đang di chuyển. Những hãng dịch vụ vận tải công nghệ sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ cho nhu cầu hoạt động của mình, các tài xế thường xuyên phải sử dụng thiết bị này khi đang lái xe dẫn tới nhiều rủi ro khi tham gia giao thông. Đồng thời, nhiều người dân cũng có thái độ chủ quan, thường xuyên sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Việc bị mất một tay cho việc cầm điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ khiến người điều khiển phương tiện mất tập trung, đồng thời không thể phản ứng khi gặp những tình huống bất ngờ. Đã có những trường hợp vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây nguy hiểm cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn. Dù nghe, gọi hay trả lời tin nhắn… thì họ vẫn không dừng xe lại để đảm bảo an toàn cho chính mình và người khác. Chị Lê Thị Bích Hồng ở Hoàng Mai chia sẻ: “Tôi thường xuyên đi xe công nghệ, tài xế thường xuyên một tay lái xe, một tay sử dụng điện thoại làm tôi cảm thấy rất bất an. Tôi thường xuyên phải nhắc nhở để họ tập trung điều khiển xe vì rất có thể một lúc nào đó gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.”. Theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia. Dùng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển phương tiện, kiểm soát tốc độ khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng, không kịp xử lý kịp thời gây tai nạn là tất yếu. Trong trường hợp bắt buộc phải nghe điện thoại người điều khiển giao thông nên di chuyển xe vào lề đường để đảm bảo an toàn cho các phương tiện cùng tham gia giao thông. Các lực lượng chức năng cũng cần tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy tự giác bỏ thói quen nguy hiểm này để tránh những hiểm họa khôn lường có thể xảy ra.
 
Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng bổ sung các hành vi cấm như người điều khiển xe có nồng độ cồn để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; cấm dùng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, hay cấm quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc; bổ sung các khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng. Những quy định bổ sung các hành vi cấm nhận được sự ủng hộ của người dân vì nó góp phần giúp giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nghe điện thoại khi lái xe. 

Giao thông đường bộ là lĩnh vực có sự ảnh hưởng, tác động lớn đến đời sống xã hội, vì vậy mỗi nội dung thay đổi đều cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động và có tầm bao quát tổng thể để phù hợp với yêu cầu của người dân. Hầu hết người dân đều mong muốn các quy định của Luật rõ ràng, phù hợp với thực tiễn, thuận lợi trong việc áp dụng và các quy định này phải được thực hiện công khai, công bằng, nghiêm túc.

Tiến Đạt
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 27 - 20

Bình luận: 0