TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 26/04/2024

Góc khuất phía sau Dự án Khu dân cư Hòa Lân (Kỳ 9)

16:44 15/10/2020
Logo header Dự án Khu dân cư Hòa Lân có diện tích trên 50ha, được UBND Tỉnh Bình Dương giao cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú thực hiện. Tuy nhiên, qua nhiều năm vẫn không thể triển khai mặc dù đã thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) để có khoản vay lên đến cả nghìn tỷ đồng nên buộc phải giao lại cho Agribank Chợ Lớn để đem bán đấu giá nhằm thu hồi nợ vay. Từ đó nhiều “góc khuất” xoay quanh tại khu đất trên 50 ha dần được phơi bày.

Dự án Khu dân cư Hòa Lân hay chỉ là khu đất được tự đặt tên là Dự án Khu dân cư Hòa Lân

Theo thông tin tìm hiểu từ hồ sơ thì ngay từ năm 2002 khu đất có diện tích hơn 20 ha có vị trí tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An nay là phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận quy hoạch xây dựng Khu dân cư Hòa Lân. Đến năm 2004 UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục có văn bản đồng ý cho việc mở rộng quy hoạch các Dự án Khu dân cư của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú. Qua đó mở rộng thêm 12 ha nâng tổng diện tích theo quy hoạch của Dự án Khu dân cư Hòa Lân lên 36 ha. Không dừng lại ở đó, đến ngày 9/10/2006, UBND tỉnh Bình Dương lại tiếp tục có văn bản chấp thuận chủ trương sáp nhập Khu dân cư Hòa Lân 1 và Khu dân cư Hòa Lân 2 thành Khu dân cư Hòa Lân với tổng diện tích 56 ha. Tháng 11/2007, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 4979/QĐ-UBND quyết định về việc giao đất cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú thực hiện Dự án Khu dân cư Hòa Lân (đợt 1). Qua đó, giao diện tích đất là 441.571,7 m2 (trong đó: diện tích đất sử dụng: 388.536,5 m2; diện tích hành lang lô giới: 5.056,7 m2; diện tích hành lang bảo vệ suối: 44.552,7 m2; diện tích hành lang bảo vệ đường điện: 3.425,8 m2). Chỉ ngay sau đó 1 tháng, tức tháng 12/2007 UBND tỉnh Bình Dương lại có văn bản giao 58.252,2 m2 (trong đó: diện tích đất sử dụng: 54.060,2 m2; diện tích hành lang bảo vệ suối: 4.192 m2).

Cũng trong khoảng thời gian đó, tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) lúc bấy giờ do bà Huỳnh Thị Ngọc Bích - Giám đốc đã có quan hệ tín dụng với Agribank Chợ Lớn. Theo nhân viên của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú trước đây cho biết: “Từ trước năm 2003, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú đã có quan hệ tín dụng với Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Chợ Lớn với số khoản vay lên đến 300 tỷ đồng rồi”. Cũng theo các hợp đồng tín dụng chúng tôi thu thập được cho thấy việc vay tín dụng của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú đều được bà Bích đứng ra làm đại diện công ty để ký vay. Mức vay cao nhất trong lần vay đầu có thể vay là 60 tỷ đồng, mục đích sử dụng tiền vay cũng được cho là dùng để đầu tư dự án khu dân cư Hòa Lân xã Thuận giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Từ năm 2003 đến năm 2007, bà Huỳnh Thị Ngọc Bích đã đứng ra ký tổng cộng 04 hợp đồng tín dụng và phụ kiện hợp đồng tín dụng, 01 hợp đồng tín dụng vay 738,2kg vàng hạt, vàng 3 chữ AAA hoặc vàng SJC (tương đương 250 tỷ đồng). Điều đáng nói hơn nữa là từ năm 2003 đến năm 2007 bà Bích lúc bấy giờ là giám đốc đứng ra ký tổng cộng 05 hợp đồng và phụ kiện hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay với tài sản dự kiến hình thành từ vốn vay là đất và cơ sở hạ tầng trên đất của toàn bộ Dự án Khu dân cư Hòa Lân. Như vậy, có thể hiểu rằng Dự án Khu dân cư Hòa Lân trên địa bàn phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương đã được các cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Dương mà cao nhất là UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận quy hoạch xây dựng. Việc này cũng dẫn đến Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú để có thể tiếp tục thực hiện Dự án đã đứng ra “vay mượn” tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Chợ Lớn. Và đến 16/4/2015 do nhận thấy không thể trả được khoản vay trên, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú đã chủ động để Ngân hàng Agribank Chợ Lớn tổ chức bán đấu giá thu hồi tiền nợ vay theo đúng quy định của pháp luật. Ngay sau khi Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh thành phố Hồ Chí Minh trúng đấu giá Dự án, nhận thấy có nhiều “góc khuất” trong việc đấu giá, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú đã có đơn kiện ra tòa. Sự việc đến nay vẫn chưa có câu trả lời mặc dù ông Bùi Thế Sơn là giám đốc - đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú đã bị tạm giam để phục vụ điều tra về một lý do mà Công ty Kim Oanh cho là có biểu hiện lập danh sách tái định cư nhằm chiếm đoạt 29,8 tỷ đồng của Công ty Kim Oanh.

Thế nhưng tại một diễn biến khác, trong quá trình làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương thì đến nay, mặc dù đã rà soát lại hồ sơ lưu trữ tại cơ quan tuy nhiên Sở Kế hoạch và Đầu tư không hề nhận được hay tiếp nhận hồ nào đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án khu dân cư Hòa Lân do Công ty TNHH sản xuất Thương mại Thiên Phú làm chủ đầu tư (?). Như vậy, phải chăng đến tận bây giờ khi Dự án Khu dân cư Hòa Lân đã được các bên đứng ra giao đất, thế chấp vay vốn ngân hàng, rồi đấu giá để thu hồi nợ bằng việc thế chấp Dự án nhưng thực chất Dự án này vẫn chưa hề có chấp thuận chủ trương đầu tư ?. Không chỉ vậy, khi làm việc với UBND phường Thuận Giao, cán bộ tại đây cho phóng viên biết thêm, việc bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn toàn là do Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú chủ động đàm phán với người dân, phường không hề được biết cũng như không hề được tham gia vào quá trình này. Nếu vậy, quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng tại đây được diễn ra như nào? Phải chăng hầu hết các nền đất, lô đất tại khu đất trên 50ha này đều chỉ là mua “tay bo” giữa Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú và cũng chính Công ty này thực hiện đăng ký sang tên, đổi chủ chứ không hề có dự án nào mang tên Dự án Khu dân cư Hòa Lân? Dự án này đã đủ điều kiện pháp lý để thế chấp vay hay chưa? Vậy căn cứ vào đâu để Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Chợ Lớn đã cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú vay vốn tín dụng với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Và câu hỏi được đặt ra là: Nếu không có dự án nào như vậy thì việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án là hoàn toàn không thể xảy ra, vậy Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh thành phố Hồ Chí Minh lấy tư cách, pháp nhân gì để đứng ra “bồi thường” các hộ theo xuất tái định cư rồi dẫn đến việc đâm đơn tố cáo ông Bùi Thế Sơn tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản giá trị lên đến gần 30 tỷ đồng của Công ty Kim Oanh?

Sự việc tại đây đang cần một sự quan tâm đúng mực từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm rõ những “góc khuất” xoay quanh khu đất trên 50 ha tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương để làm rõ việc liệu rằng có sự tiếp tay, “lợi ích nhóm” đằng sau khu đất này. Tại sao một Công ty không đủ năng lực về tài chính lại có thể là chủ nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh để rồi phải đi vay mượn để thực hiện dự án? Tại sao một ngân hàng lớn như Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam lại dễ dàng cho vay hàng nghìn tỷ đồng với thế chấp không cụ thể như vậy? Tại sao một công ty không có tư cách pháp nhân lại “ngang nhiên” đứng ra bồi thường tái định cư tại một nơi không phải của mình? Với trách nhiệm người làm báo, chúng tôi xin kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ những “góc khuất” tại khu đất có tên Dự án Khu dân cư Hòa Lân. 

Nguyễn Hân và nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20

Bình luận: 0