TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 24/11/2024

Huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh: Một mô hình điển hình tiên tiến ở xã Kỳ Văn đang kêu cứu (Kỳ 2)

19:19 27/08/2020
Logo header Sau khi Tri thức Xanh đăng tải bài “Một mô hình Điển hình tiên tiến ở xã Kỳ Văn đang kêu cứu – Kỳ 1” phản ánh việc HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Trọng Nghĩa do ông Dương Văn Tùng làm Chủ nhiệm đang rơi vào tình thế phải “Thu hoạch” để giao lại cho một cá nhân khác thuê chồng lấn, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi và ý kiến trái chiều. Tuy nhiên dựa vào các hồ sơ phóng viên thu thập, theo phân tích của một số luật sư, hội viên Hội luật gia thì thấy sự việc cần được UBND xã Kỳ Văn và Công Ty TNHH MTV thủy lợi Nam cần có sự thống nhất để HTX Trọng Nghĩa thực hiện hết hợp đồng và được ưu tiên thuê tiếp mới đúng quy định của pháp luật và hướng tới sự phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững trên quê hương Hà Tĩnh.

Hồ sơ lên tiếng

Bắt đầu từ những quả đồi trên thượng nguồn, các dòng nước hội tụ về khe Đá Hàn, đổ xuống Vực Ràn rồi theo khe Cây Sung (xã Kỳ Văn) chảy về khe Ruột Chó (xã Kỳ Thọ) đổ ra biển cả mênh mông… Năm 1966 hạn hán kéo dài, ruộng đồng khô cạn, cỏ cây chết đứng trụi cả lá, bằng tầm nhìn chiến lược, UBND xã Kỳ Văn đề nghị lên UBND huyện Kỳ Anh cùng về khảo sát và đưa ra một quyết định táo bạo là “Ngăn dòng giữ nước”. Trong 3 năm ròng rã từ năm 1966 đến năm 1969, bằng đôi chân đất, đôi vai đồng với mo cơm, quả cà và tấm lòng yêu nước, nhân dân Kỳ Văn, các đội dân công 202, các tổ chức đoàn thể, bộ đội địa phương huyện Kỳ Anh đã lập nên một chiến tích oai hùng là công sức gánh đất, đắp đập để ngăn dòng giữ nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Để ghi nhận thành quả của quân và dân xã Kỳ Văn, huyện ủy Kỳ Anh đổi tên “Vực Ràn” thành “hồ Văn Võ”.

Phía ông Huyên tổ chức đánh bắt cá mà ông đã thả lẫn vào hồ Văn Võ khi ông Tùng vẫn đang đầu tư nuôi cá tại đây.

Trong khi sự việc hồ Văn Võ nêu trên đã gắn liền với công sức, mồ hôi của quân và dân thời kỳ thập kỷ sáu mươi của thế kỷ 20 đó thì Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam mới được thành lập tại quyết định số 2584 ngày 05/09/2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh trên cơ sở hợp nhất 3 Công ty TNHH MTV thủy lợi là Kẻ Gỗ, Sông Rác và Hương Khê (gọi tắt là Công ty TL Nam) với chức năng nhiệm vụ: Cung cấp dịch vụ công ích phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh trong vùng bao gồm các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê và TP Hà Tĩnh với tổng DT 42.732.31 ha/năm cấp nước phục vụ dân sinh, cải tạo môi trường sinh thái, chống ngập úng xói mòn cho vùng hạ du và các hồ chứa về mùa mưa. 

Như vậy có thể hiểu rõ rằng hồ Văn Võ được hình thành từ công sức của Đảng bộ, nhân dân Kỳ Anh chứ không phải một hồ nước tự nhiên trời ban càng không phải do Công ty TL Nam tạo dựng lên, và Công ty cũng không thể hiện được chức năng “Cho thuê nuôi cá nước ngọt” như khi ký hợp đồng với ông Huyên. Trước đó, nhận thấy hồ Văn Võ có tiềm năng kinh tế cao và nếu có người dám nghĩ, dám làm kinh tế thì sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế cho địa phương, nên năm 2003 UBND xã Kỳ Văn sau khi xin ý kiến của các Sở chuyên môn, UBND cấp trên đã tìm đơn vị có năng lực và tiến hành bàn bạc, ký Hợp đồng kinh tế và dự án nuôi cá nước ngọt với Tổ hợp do ông Tùng làm đại diện với nội dung: “Thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 22 Đảng bộ huyện Kỳ Anh. Từ 1999 trở lại đây, gia đình anh Tùng nuôi cá nước ngọt thu được nhiều kết quả, có nhiều kinh nghiệm, nay được Sở Thủy sản, Phòng Thủy sản quan tâm và đầu tư vốn để nuôi cá làm mô hình điển hình trên địa bàn xã Kỳ Văn, đồng thời thí nghiệm các giống cá mới như: Cá tra, cá chim trắng, tôm càng xanh, cá chép lai, rô phi đơn tính, mè, trắm, trôi. Phòng Thủy sản yêu cầu phải ký hợp đồng 10 năm đến 20 năm mới được vay vốn nên hợp đồng này có thời hạn từ năm 2003 đến năm 2023, diện tích 40 ha hồ Văn Võ. Bên A: Chính quyền xã Kỳ Văn gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chánh Văn phòng. Bên B: Ông Tùng và 4 hộ xã viên HTX đều trú xã Kỳ Văn. Giá thuê 4 triệu đồng/năm. Cam kết: Nuôi cá giải quyết môi sinh môi trường trong nước; Đánh bắt không được sử dụng các phương tiện hủy hoại môi trường; Chủ nhà phải thế chấp nhà cửa, tài sản của mình”. Như vậy có thể khẳng định chắc chắn rằng việc ký hợp đồng giữa xã Kỳ Văn và ông Tùng là chủ trương được Sở Thủy sản chấp thuận, được cả một hệ thống từ tỉnh xuống huyện nhất trí, hướng dẫn, đầu tư vốn để xây dựng mô hình VAC tiên tiến, nâng lên Tổ hợp lên thành HTX kiểu mới đầu tiên và duy trì thành mô hình điển hình tiên tiến trong 17 năm cho đến nay và ông Tùng phải thế chấp toàn bộ gia tài của cá nhân để đầu tư, gây dựng cơ đồ trên hồ Văn Võ. Vì vậy mặc dù Hợp đồng này khi ký có lỗi vì thẩm quyền cấp xã chỉ được cho thuê với thời hạn là 5 năm, nhưng chiếu theo quy định của pháp luật, hợp đồng sinh lợi không gây hại và đã được thực hiện gần xong thì nghiễm nhiên được công nhận, không thể tuyên vô hiệu (Nếu kiện ra tòa) khớp với quy định tại khoản 1, Điều 129 BLDS năm 2015: “Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó”. Nên cái lỗi của UBND xã Kỳ Văn trong trường hợp vì mục đích phát triển kinh tế theo mô hình điển hình là vì mục đích chung của địa phương nên có thể coi đó là cái lỗi “đáng yêu”. Năm 2008, nhận thấy sự sinh lợi tuyệt vời từ hồ Văn Võ, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định nâng cấp tuyến đê, kiên cố hóa bằng bê tông do Cục Đê điều làm Chủ đầu tư.  Mãi đến năm 2011, căn cứ Thông tư số 65 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới ra Quyết định số 18 “Ban hành quy định phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” giao 52 hồ đập cho 8 công ty chia nhau quản lý. Công Ty TL Nam được giao 9 hồ trong đó có hồ Văn Võ nhưng trong Chương II của quyết định phần “Những quy định cụ thể” không có điều khoản nào cho phép Công ty này ký hợp đồng với tư nhân tư. Như vậy Công ty TL Nam chỉ được giao trên phương diện quản lý Nhà nước, không được bàn giao hồ sơ cũng như quyền sở hữu. Suốt 8 năm được giao, Công ty chỉ nhận…“trên giấy” mà hình như lãnh đạo chưa thật sự quan tâm, khảo sát hồ Văn Võ nên không biết ông Tùng đang khai thác, nuôi trồng và được UBND xã đã cho thuê. Hay có thể nói là quy trình nhận bàn giao, tiếp quản hồ Văn Võ là có vấn đề không thực tế nên mới dẫn đến tình trạng hồ Văn Võ đang bị chồng lấn hợp đồng cho thuê dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng như trường hợp của HTX  Trọng Nghĩa đang phải kêu cứu.

Theo quan sát của phóng viên thì sát chân các quả đồi có một khu đất lớn, lau sậy mọc um tùm, phía Nam giáp hồ Văn Võ được một con lạch tự nhiên chia ra làm hai, bên này 30 ha là trang trại HTX ông Tùng,  bên kia 7 ha là trang trại ông Huyên, hai người cùng làm kinh tế suốt hơn chục năm nay. Dù đã chứng kiến và biết hồ đang do ông Tùng sử dụng, nhưng ngày 17/04/2019, ông Huyên lại làm tờ trình: “Xin nuôi trồng thủy sản tại hồ Văn Võ” và Công ty TL Nam đã đồng ý ký Hợp đồng kinh tế số 02 thuê mặt nước hồ Văn Võ nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh với ông Huyên với thời hạn là 05 năm, mức giá là 125.000.000 đồng với cam kết: “Không làm ô nhiễm môi trường nước, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, quan hệ tốt với chính quyền địa phương và nhân dân ven hồ, bảo đảm an ninh trật tự, làm sai sẽ bị thanh lý hợp đồng...”

Theo hồ sơ và tìm hiểu thực tiễn sự việc hồ Văn Võ thấy nhiều biểu hiện bất cập, không đúng như các quy định của pháp luật

Vấn đề đáng lưu ý ở đây là nếu như Công ty TL Nam cho ông Huyên thuê thì phải có Biên bản bàn giao hiện trạng hồ Văn Võ của UBND xã Kỳ Văn và huyện Kỳ Anh, Công ty này phải có biên bản nhận bàn giao từ đơn vị quản lý trước đó là UBND xã Kỳ Văn và nếu công tác tiếp quản nhận bàn giao tốt thì ắt hẳn sẽ phải có trách nhiệm đưa ra phương án giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ cho HTX Trọng Nghĩa. Hơn nữa, nếu muốn nói cụ thể thì khi trên hồ đang có người thuê, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành thì: Chỉ được thu hồi để phục vụ công tác an ninh quốc phòng, còn phục vụ cho đấu thầu nuôi trồng thì người đang thầu sẽ được ưu tiên thuê lại. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự, hợp đồng ký làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích bên thứ 3 thì vô hiệu. Công ty TL Nam cho thuê mặt bằng mà không hề biết mặt bằng của mình đang có người sử dụng, đầu tư, khai thác là lỗi của cán bộ được giao quản lý hồ này. Công ty cũng không thể dựa vào việc Tỉnh giao để tuyên bố: “Của tôi, tôi có quyền, cho ai thuê thì thuê” vì Tỉnh chỉ giao quản lý tổng thể 9 hồ, và nếu Công ty TL Nam muốn cụ thể hóa tài sản được giao thì phải làm việc với những đơn vị quản lý trước đó. Theo tìm hiểu, đước biết UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chưa có một văn bản hay quyết định Thu hồi hồ Văn Võ giao cho TL Nam gửi đến UBND huyện Kỳ Anh. Công ty TL Nam cũng không có hồ sơ, không có biên bản bàn giao, không có quyết định thu hồi thì tư cách pháp nhân chỉ là người được giao quản lý không phải là chủ sở hữu hay chủ sử dụng nên không có quyền đứng tên cho thuê. Tham khảo ý kiến luật sư, phóng viên được biết: Trường hợp ông Nguyễn Hữu Huyên ký hợp đồng với Công Ty TL Nam đã nộp tiền và đến nay cũng không được sử dụng hồ vì hiện hồ đang bị cho thuê chồng lấn thì ông có quyền khởi kiện Công ty ra Tòa chứ không phải quay lại tranh chấp với ông Tùng hay HTX Trọng Nghĩa. Theo sự việc nêu trên thì cả hai bên là ông Tùng và ông Huyên đều là nạn nhân, không thể tự đổ cá giống vào tháng 4 mà tháng 6 đến thu hoạch cá đã to 6 kg, và cũng không thể những hành vi khiếm nhã, thô bạo để giải quyết tranh chấp được. Nếu việc gây mâu thuẫn với khách câu cá gây ảnh hưởng đến danh dự, sức khỏe của khách thì ai gây ra người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không liên quan đến việc tranh chấp hồ Văn Võ. Thiết nghĩ: Việc tranh chấp giữa ông Huyên và ông Tùng là không đúng bởi nếu có tranh chấp trong trường hợp này thì chính là phải từ Công ty TL Nam và chính quyền địa phương hoặc ít ra là từ ông Tùng với UBND xã hoặc ông Huyên với Công ty TL Nam. Nhưng việc đã xảy ra thì Chính quyền và Công an huyện Kỳ Anh cũng cần phải vào cuộc, điều tra, tìm hiểu kỹ ngọn ngành để có biện pháp ngăn chặn, giải quyết dứt điểm và kiên quyết xử lý những vi phạm nếu có.

Thông báo của UBND xã Kỳ Văn yêu cầu Tùng thu hoạch cá đến ngày 30/11/2020

Về phía ông Tùng, ông cũng đã nhiều lần gửi đơn đến UBND xã Kỳ Văn, nhưng không được giải quyết dứt điểm dẫn đến tình trạng đơn thư vượt cấp và tranh chấp không đáng có giữa ông Huyên và ông Tùng đã xảy ra. Lẽ ra sự việc hồ Văn Võ khi xảy ra vấn đề mâu thuẫn trong việc chồng lấn cho thuê để sử dụng thì việc đầu tiên Chủ tịch UBND xã phải ghi nhận tình hình thực tế xảy ra, có biện pháp ngăn chặn những hành vi quá khích, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo UBND huyện Kỳ Anh để ý kiến chỉ đạo để có hướng giải quyết sao cho thật thấu tình, đạt lý và tránh để mâu thuẫn leo thang. Trong biên bản làm việc, ông Cường thông báo chấm dứt hợp đồng nuôi cá với ông Tùng mà không thanh lý hợp đồng, không xét đến “Hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn” biểu hiện vi phạm hợp đồng, Thông báo số 27/TB-UBND  ngày 01/7/2020 có nội dung để ông Tùng thu hoạch trong lúc hồ này đang thuộc trách nhiệm được giao quản lý của Công Ty TL Nam cũng lại là một Thông báo không đủ dữ liệu đảm bảo tính chất pháp lý. Hơn nữa Hợp đồng kinh tế do 4 thành viên HTX ký với UBND xã từ 17 năm trước, nhưng nay UBND xã Kỳ Văn lại chỉ yêu cầu với một mình ông Tùng ký vào biên bản là một biểu vi phạm quy chế dân chủ và hoàn toàn không thể lấy đó là căn cứ để thanh lý hợp đồng hay hủy hợp đồng hay thu hồi diện tích đã cho thuê được hoặc yêu cầu gia đình ông Dương Văn Tùng tiếp tục thu hoạch đến thời hạn đến ngày 30/11/2020 được.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi  đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Cương –  Luật sư thuộc Chi nhánh Miền Trung – Công ty Luật TNHH Luật Gia Vũ. Luật sư Cương sau khi nghiên cứu sự việc cho biết: “Về mặt pháp luật: Thứ nhất Giữa ông Tùng và ông Huyên đang có tranh chấp về diện tích mặt nước mà cả hai bên đều có hợp đồng cho thuê. Nếu ông Huyên cho rằng: Mặt nước ông thuê bị người khác chiếm dụng thì ông phải làm đơn Khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Tùng trả lại diện tích mặt nước. Mặt khác, ông Huyên cũng có thể yêu cầu Công ty TL Nam bàn giao mặt nước theo các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng cho mình sử dụng chứ không phải quay ra ép buộc ông Tùng. Thứ 2: Giữa ông Tùng và xã Kỳ Văn đang có hợp đồng ký kết với nhau được pháp luật bảo vệ. UBND xã Kỳ Văn ép ông Tùng phải bàn giao hồ Văn Võ là không đúng theo các quy định của pháp luật, là đơn phương chấm dứt hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại chứ không thể “ép” ông Tùng, phá vỡ giao dịch dân sự được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Thứ 3, Công Ty TL Nam tiếp quản và được bàn giao mặt nước từ những năm 2011 nhưng lại không biết rõ hiện trạng mình quản lý, ký hợp đồng với ông Huyên khi ông Tùng đang sử dụng dẫn đến tranh chấp xảy ra. Khi phát hiện ra sự việc đáng lẽ Công ty TL Nam phải gọi ông Huyên đến để đàm phán, thanh lý hợp đồng, hoặc chấm dứt hợp đồng theo Điều 5.2 bản HĐ với ông Huyên và tiếp tục ưu tiên cho ông Tùng được sử dụng mới thấu tình, đạt lý”.

Thiết nghĩ: Đã đến lúc, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần nhanh chóng vào cuộc xem xét, chỉ đạo giải quyết sao cho bảo đảm an ninh trật tự, tránh xung đột có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, nghiêm trị các sai phạm, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho HTX Trọng Nghĩa, có chính sách, biện pháp gìn giữ và nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trên quê hương Hà Tĩnh. Có như thế mới đảm bảo được sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, mới đảm bảo được công tác an sinh xã hội và kích thích phát triển kinh tế tư nhân theo đúng Chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ.

Nguyễn Đình Lộc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 25 - 20

Bình luận: 0