TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 26/04/2024

Khoa học công nghệ góp sức vào cuộc chiến chống dịch bệnh

17:42 27/03/2020
Logo header Dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp. Những ngày qua nước ta liên tục ghi nhận hơn 100 ca mắc bệnh Covid-19, hầu hết do xâm nhập từ nước ngoài dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương đã chủ động giám sát, áp dụng chặt chẽ các phương án phòng, chống dịch. Bên cạnh đó là sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ y tế, quân đội, lực lượng công an nhân dân, các nhà nghiên cứu khoa học và sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực của nhân dân cả nước. Cho đến hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát tốt.

Từ ngày 7/3, tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Bên cạnh việc khai báo bằng giấy, hành khách còn có thể khai báo y tế bằng hình thức điện tử.

Cùng với nhiều biện pháp khác nhau, việc sử dụng các ứng dụng khoa học công nghệ để đối phó với dịch bệnh ở nước ta cũng được chú trọng đặc biệt và cho những kết quả rất tích cực. Các nhà khoa học của Việt Nam đã và đang phát triển nhiều bộ kít thử nhằm xét nghiệm SARS-CoV-2 từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng 02/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo nuôi cấy và phân lập chủng virus corona mới thành công, tiến một bước quan trọng trong việc xét nghiệm nhanh các trường hợp bị hoặc nghi ngờ bị lây nhiễm để có phương pháp cách ly, điều trị. Và Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên chế tạo thành công Kit RT- LAMP phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2, giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm và đơn giản hóa được quy trình phân tích để có thể ứng dụng ngay tại các bệnh viện tuyến huyện. Bộ kit là thành quả của nhóm nghiên cứu do TS. Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, và Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ quốc tế Innogenex nghiên cứu chế tạo. Bộ kit thử nhanh chủng virus Corona mới dựa trên kỹ thuật RT- LAMP. Bộ Kit sử dụng kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại virus gây bệnh. Đây là kết quả nghiên cứu rất quan trọng, thời gian xét nghiệm rút ngắn còn 70 phút so với thời gian xét nghiệm cũ tại Việt Nam là từ 3 đến 5 ngày. Được biết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang tiến hành đánh giá một bộ kít đẳng nhiệt do Đại học Bách khoa phát triển. So với các bộ kít khác, bộ kít đẳng nhiệt của Đại học Bách khoa không cần đến các máy Real-time PCR, thay vào đó, sử dụng các block nhiệt đơn giản với giá thành chưa đến 2 triệu đồng. Điều này có thể hỗ trợ rất lớn về chi phí, nguồn lực, nhân lực cho công tác xét nghiệm.

Vào ngày, 3/3 Bộ kít chuẩn đoán SARS-CoV-2 được các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học đã thử nghiệm thành công. Bộ kit cũng được công nhận đạt kết quả ngoại kiểm của Viện Y học dự phòng quân đội, Bộ Quốc phòng. Viện Công nghệ sinh học được Viện Y học dự phòng quân đội kiểm nghiệm đạt kết quả có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ Kit realtime RT-PCR của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với độ đặc hiệu 100%, độ nhạy là 5 copies/phản ứng.

Ngay sau đó, tại một buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế vào 17/03/2020, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết sau thành công của đề tài nghiên cứu sản xuất bộ sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới phát triển được các bộ kít xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Ngay sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả nghiên cứu, bộ kít test virus SARS-CoV-2 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để sản xuất hàng loạt tại Việt Nam. Hiện đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt hàng Việt Nam sản xuất bộ kít xét nghiệm SARS- CoV-2. Thành phố Hà Nội đã đặt mua 200.000 test (tương đương 4.000 bộ kít) để sử dụng tại chỗ và dành tặng cho các bệnh viện ở Italy - một trong những quốc gia được cho là có ổ dịch lớn nhất châu Âu hiện nay. Với năng lực cung ứng được hàng chục nghìn bộ test/ngày với mức giá khoảng 500.000 đồng/bộ cho một lần xét nghiệm, trong đó đã bao gồm các vật tư, thiết bị đi kèm, cùng với năng lực hiện có, dù trong trường hợp xấu, Việt Nam vẫn hoàn toàn có khả năng tự chủ động trong việc chuẩn đoán và xét nghiệm.

Lần đầu tiên thực hiện đồng tài trợ, huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Quỹ đổi mới sáng tạo Tập đoàn Vingroup (VINIF) hỗ trợ một phần kinh phí triển khai đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và virus học bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam” do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện từ tháng 02/2020 đến tháng 01/2021. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần trực tiếp vào công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị, xác định bản đồ dịch tễ học, nguồn lây truyền, nguy cơ của bệnh nhất là nội dung nghiên cứu về nuôi cấy, phân lập virus, là tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm…

Mới đây, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) kết hợp với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa thiết kế và chế tạo thành công buồng khử khuẩn toàn thân di động để phòng chống dịch bệnh. Hệ thống tích hợp các kỹ thuật khử khuẩn khác nhau, dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình sát khuẩn. Việc sát khuẩn tập trung vào nhóm vi khuẩn bám trên bề mặt như quần áo, giày dép, tóc, khuôn mặt hay đồ mang theo như túi xách nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc của vi khuẩn. Buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng nước muối ion đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Hệ thống có thể ứng dụng ở các nơi có yêu cầu sát khuẩn như bệnh viện, các khu vực cách ly, doanh nghiệp sản xuất có yêu cầu sạch như chế biến thực phẩm, dược phẩm.

Ứng dụng NCOVI và ứng dụng Hà Nội SmartCity đang trở thành 02 ứng dụng phổ biến trên các nền tảng di động

Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng sớm từ những ngày đầu chiến dịch chống dịch bệnh. Thực hiện theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các cảng hàng không quốc tế trong nước đã triển khai hệ thống khai báo y tế điện tử với toàn bộ hành khách nhập cảnh. Việc khai báo được thực hiện khá dễ dàng và nhanh chóng thông qua địa chỉ https://suckhoetoandan.vn/khaiyte hoặc https://tokhaiyte.vn, đồng thời hành khách có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR để được chuyển đến trang khai báo. Vào ngày 09/03, ứng dụng khai báo sức khoẻ toàn dân mang tên NCOVI cũng chính thức ra mắt. Sau khi cài đặt ứng dụng NCOVI trên điện thoại thông minh, người dân nhập đầy đủ thông tin cá nhân theo yêu cầu để bắt đầu sử dụng. Người dân cung cấp các thông tin cá nhân và tình hình sức khỏe của bản thân, cập nhật tình hình sức khoẻ hàng ngày. Ngoài ra, ứng dụng này còn có mục để người dân phản ánh về những trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại nơi mình sinh sống. Các dữ liệu này được cập nhật trên thời gian thực và được định vị trên nền tảng bản đồ số Việt Nam (Vmap). Ứng dụng NCOVI là kênh chính thức để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật tình hình dịch bệnh, gửi các khuyến cáo y tế, sức khoẻ tới toàn dân.

Ứng dụng NCOVI đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía người dân. Theo số liệu thống kê từ đơn vị phát triển NCOVI - ứng dụng khai báo sức khỏe tự nguyện cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế, tính đến sáng 17/03, đã có gần 400.000 bản ghi khai báo y tế tự nguyện. Ứng dụng NCOVI đang đứng đầu danh sách ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất trên nền tảng iOS. Và thứ 5 trên nền tảng Android.

Trung tâm Công báo của thành phố Hà Nội cũng đã kết hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) xây dựng phần mềm hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 có tên gọi Hà Nội Smartcity, với mục tiêu “mọi người dân cùng thành phố chung tay đẩy lùi dịch bệnh” trên các nền tảng di động. Theo Trung tâm Công báo thì ứng dụng này cho phép người dân có thể cập nhật tình hình dịch bệnh của thành phố, các thông báo mới và bản đồ dịch bệnh để tránh các khu vực có nguy cơ cao. Người dân cũng có thể phản ánh cho thành phố những thông tin về sức khỏe của mình, người xung quanh, các trường hợp nghi nhiễm một cách nhanh nhất.

Cùng với đó, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai hệ thống khai báo sức khoẻ du lịch dành cho các sân bay, cửa khẩu và 100% cơ sở lưu trú,nhà hàng trên toàn quốc, liên quan đến dịch Covid-19. Hệ thống khai báo sức khỏe du lịch này nhằm hỗ trợ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ động nắm được lịch trình của hành khách trong nước và quốc tế khi du lịch tại Việt Nam. Hệ thống sẽ được tích hợp vào ứng dụng Vietnam Health Declaration để thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh và khách du lịch sử dụng.

Với việc ứng dụng khoa học công nghệ kịp thời, công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hy vọng, ngoài sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nỗ lực của các ban, bộ, ngành, các địa phương và sự đồng lòng của toàn dân, dịch bệnh sẽ sớm được chặn đứng tại Việt Nam.

Vũ Thắng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 03 - 20

Bình luận: 0