TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 04/12/2024

Không mất cảnh giác, chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch Covid-19

04:22 09/10/2020
Logo header Hiện nay, về cơ bản, dịch bệnh Covid - 19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Đây quả thật là một tin mừng, tuy nhiên, điều đáng lo là tại một số địa phương, đơn vị và người dân đã xuất hiện nhiều dấu hiệu chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch...

Ảnh minh họa

Việt Nam hiện tại là một trong những quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá là đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng chống đại dịch Covid-19, bởi có cách tiếp cận phù hợp, mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp. Nhiều chuyên gia từ các trường đại học trên thế giới đã nghiên cứu về cách thức Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19. Cho đến ngày 30/9/2020, cả nước ghi nhận 1094 ca mắc, trong đó đã chữa khỏi hơn 1000 ca. Hiện chỉ còn gần 16.000 người phải cách ly, phòng dịch. Cả nước trong 29 ngày qua không có ca nhiễm dịch Covid-19 mới, riêng tại Hà Nội, đã 45 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn hết sức phức tạp. Đến 9h ngày 30/9,  toàn thế giới có 33.832.711 người mắc; 1.011.981 người tử vong, Dịch bệnh có mặt ở 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện số ca nhiễm và tử vong trên thế giới do Covid-19 vẫn tăng mạnh. Như vậy có thể thấy, với sự đoàn kết đồng lòng, chung sức phấn đấu của Chính phủ và toàn thể nhân dân, công cuộc phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã có những kết quả tích cực, góp phần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh - xã hội cho nhân dân. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là trước tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị và nhiều người dân đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy có phần mất cảnh giác, chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Trước hết, hiện nay ta có thể bắt gặp tại rất nhiều các cơ quan, đơn vị đã không còn thực hiện các biện pháp chống dịch cơ bản như trước đây. Cụ thể trong đầu giờ làm việc buổi sáng, đã không còn bố trí nhân viên đo nhiệt độ cho người vào cơ quan. Việc nhắc nhở rửa tay sát khuẩn bằng cồn cũng không còn được chú ý. Các lọ cồn trước đây thường được bố trí tại các bàn bảo vệ để cán bộ, nhân viên và người đến liên hệ làm việc rửa tay sát khuẩn cũng không còn. Thậm chí có nhiều cán bộ, nhân viên khi đi làm cũng không đeo khẩu trang. Trong khi đó tại các điểm công cộng, như bệnh viện, trường học, cũng có nhiều người không đeo khẩu trang, song vẫn không bị ai nhắc nhở. Còn tại các địa điểm có nhiều người tham gia tập thể dục, đi bộ hàng ngày như vườn hoa, công viên, bờ hồ cũng có khá nhiều người không đeo khẩu trang. Thậm chí có cả một số người dân trong quá trình tham gia giao thông vẫn chưa thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, mà cũng không bị cơ quan chức năng nào nhắc nhở, xử lý... Nhưng điều đáng lo ngại hơn là những dấu hiệu lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19 không chỉ xuất hiện tại các cơ quan và trong người dân, mà còn xuất hiện tại ngay cả trong các đơn vị chức năng có nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Vừa qua, trong cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội tổ chức ngày 30/9/2020, đã có một số đơn vị tùy tiện không cử đại biểu tham dự cuộc họp quan trọng này. Đó là các đơn vị: Hà Đông, Gia Lâm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Đông Anh. Trước sự việc trên, Đồng chí Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo đã trực tiếp phê bình các địa phương này. Đồng chí nhấn mạnh: “Đây là dấu hiệu chủ quan, khi Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố họp một tuần một lần, mà các đơn vị trên không cử đại biểu tham gia. Điều này cho thấy các đơn vị trên đã có những biểu hiện của sự chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Ban Chỉ đạo đề nghị các đơn vị đó và phải khắc phục và rút kinh nghiệm ngay”. Thực tế cho thấy, hiện nay dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, theo chiều hướng tăng mạnh. Còn tại Việt Nam theo các cơ quan chức năng, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Trong thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay quốc tế. Thời tiết mùa đông sắp tới cũng là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển. Vì vậy nếu chúng ta mất cảnh giác, chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch là hết sức nguy hiểm, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho dịch Covid-19 bệnh bùng phát và lúc đó thì rất khó kiểm soát.

Do đó, hiện nay tất cả các địa phương, đơn vị và cộng đồng, người dân cần khắc phục ngay tình trạng trên, duy trì thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện tốt Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, dần hình thành thói quen, nếp sống phù hợp trong tình hình dịch Covid-19. Chỉ có như thế chúng ta mới phát huy được những gì đã đạt được, tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh. 

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20

Bình luận: 0