Nâng cao nhận thức pháp luật, hạn chế các hành vi phạm tội trong tương lai
Những buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật như tại Phân trại 3 - Trại giam Xuân Nguyên - Hải Phòng vừa qua được lồng ghép khéo léo các hoạt động văn hóa - văn nghệ nâng cao nhận thức về pháp luật của phạm nhân.
Thật vậy, theo thống kê của Bộ Công an, tỷ lệ thanh niên vi phạm pháp luật hình sự đã có chiều hướng giảm dần, nhưng mức độ tinh vi, nguy hiểm lại cao. Vào năm 2015, số vụ phạm pháp hình sự có liên quan đến thanh niên vi phạm pháp luật là 31.458 vụ và giảm khoảng 1/3 vào năm 2017 với 10.937 vụ, trong 6 tháng đầu năm 2018 giảm chỉ còn 2.744 vụ. Tuy nhiên, tỷ lệ thành phần, đối tượng tội phạm có xu hướng trẻ hóa đang có chiều hướng gia tăng, người phạm tội từ 18 đến 30 tuổi chiếm khoảng 70%, dưới 18 tuổi chiếm 8%. Đáng chú ý, đa số người phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, chiếm tới 82%. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng theo một số đánh giá thì nguyên nhân chính là do sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật của người dân, đặc biệt là trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhiều chính sách đúng đắn đã được đề ra nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, với quan điểm phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt nhằm khuyến khích, tạo điều kiện và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia giúp đề cao trách nhiệm và từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Bên cạnh đó cũng gắn kết chặt chẽ với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giúp chú trọng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021. Đồng thời cùng năm đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2045/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án: “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021”. Đề án được triển khai thực hiện tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở trợ giúp xã hội, các xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước từ năm 2018 đến năm 2021. Với mục tiêu cụ thể là duy trì, đảm bảo 100% đối tượng là người đang chấp hành hình phạt tù, người bị tạm giữ, tạm giam, người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội thường xuyên được phổ biến và nắm được các quy định pháp luật cơ bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân nói chung, của đối tượng nói riêng, các hành vi bị nghiêm cấm, tác hại, trách nhiệm pháp lý khi vi phạm pháp luật và các quy định khác liên quan đến từng cá nhân đối tượng. Đảm bảo 100% trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện, cơ sở trợ giúp xã hội lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào chương trình học pháp luật, giáo dục công dân, chương trình học văn hóa, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng của Đề án. Cùng với đó đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng nêu trên đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác do thiếu hiểu biết về pháp luật, hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi của Đề án tái hòa nhập cộng đồng dựa trên tinh thần thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia.
Những món quà nhỏ cũng góp phần ổn định tư tưởng của các phạm nhân, tránh mặc cảm và tự tin trong tái hòa nhập cộng đồng.
Đây là chủ trương đúng đắn, hiệu quả khi mà không chỉ các cơ quan chức năng, các địa phương quan tâm thực hiện mà còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ các tổ chức xã hội. Điển hình như vừa qua, vào 26/9/2020, Câu lạc bộ Luật sư Long Biên đã phối hợp cùng Khoa Luật các Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Lao động - Xã hội tổ chức chương trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí cho các phạm nhân tại Phân trại số 3 - Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) - nơi chấp hành án phạt tù của hơn 2.000 phạm nhân, trong đó hơn 50% phạm các tội có liên quan tới ma túy. Đây là một hoạt động rất có ích với mong muốn nâng cao nhận thức pháp luật, đặc biệt là Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá và bộ Luật Hình sự cho các phạm nhân tại Trại. Theo đó, các phạm nhân được giải đáp thắc mắc về pháp luật, xoay quanh nhiều vấn đề như việc giảm thời gian chấp hành án, quyền kết hôn và các quyền nhân thân và quyền tài sản khác trong quá trình chấp hành hình phạt tù, vấn đề tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành hình phạt tù... Theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: “Hoạt động tuyên truyền này rất có ý nghĩa. Một là tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các phạm nhân. Cái thứ hai là chúng ta thể hiện sự quan tâm đối với những người yếu thế trong xã hội, qua đó chúng ta có thể góp sức trong việc hướng thiện cho họ, để sau này họ mãn hạn có thể quay trở về cuộc sống bình thường và tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.”. Những chương trình cụ thể như trên cùng với hàng ngày, tại đây, phạm nhân cũng đã thường xuyên được các cán bộ quản giáo, giám thị giáo dục về nội quy, quy định chấp hành án phạt đồng thời tuyên truyền về pháp luật và các chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước để tạo tiền đề tiến tới tái hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn đã có nhiều tác dụng tích cực. Sau buổi tuyên truyền pháp luật tại Phân trại 3 - Trại giam Xuân Nguyên, nhiều người đang chấp hành án tù tại đây cũng đã nhận thức được rõ hơn về pháp luật, về các hành vi sai trái mà mình đã phạm phải. Phạm nhân Lê Văn Duyên, đã tâm sự: “Qua buổi tuyên truyền này, bản thân tôi cũng đã được hiểu rộng thêm về pháp luật và có cơ hội sớm về làm người lương thiện bên gia đình và xã hội”. Trong khi đó, Trung tá Phạm Quang Việt - Đội trưởng Đội Giám thị Phân trại 3 - Trại giam Xuân Nguyên cũng cho biết thêm: “Phạm nhân tại trại được hưởng các chính sách khoan hồng của Nhà nước. Hàng năm, ngoài các đợt giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện thì các phạm nhân còn được xét giảm án 3 đợt trong năm. Các phạm nhân cảm thấy hoàn toàn tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước.”.
Có thể nói, các chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua cùng với các biện pháp kiên quyết, thiết thực được sự ủng hộ, chung tay của toàn xã hội mà điển hình như những chương trình tuyên truyền pháp luật nêu trên không những góp phần giúp phạm nhân ổn định tư tưởng, yên tâm lao động, tránh mặc cảm và tự tin trong tái hòa nhập với cộng đồng. Điều này có tác dụng lớn trong việc thực hiện công tác phòng ngừa, hạn chế tái phạm tội, vi phạm pháp luật trong xã hội và đặc biệt là trong giới trẻ.
Tiến Thành
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)