TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 22/11/2024

Nhiều dấu hiệu sai phạm về quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai tại Phú Quốc

16:34 15/07/2021
Logo header Chỉ trong vòng ba năm, hàng chục ngàn thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được phân lô, tách thửa để chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, gây khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng đất đai.

Phú Quốc, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, là một thành phố năng động, được định hướng trở thành “Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước, khu vực và thế giới”. Cùng với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội rất thuận lợi, Thành phố đã trở thành trung tâm tài chính, đầu mối giao thông vận tải và hàng không quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng cơ quan quản lý đất đai ngang nhiên đi trái quy định của pháp luật, cho phép phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích siêu nhỏ để chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy cho sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của Thành phố.

Theo thông tin mà Tri thức Xanh thu thập được, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc với diện tích nhỏ (dưới 500m2) không vì mục đích sản xuất nông nghiệp.

Điển hình là trường hợp Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đi ngược chỉ đạo của UBND Tỉnh tại Quyết định số 36/2008/QĐ-UBND để chia tách 27.979,0m2 đất nông nghiệp nguyên thửa thành nhiều lô nhỏ tại ấp Búng Gội, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Cụ thể, năm 2010, UBND huyện Phú Quốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Triệu Thọ Khánh trên diện tích 27.681,4m2 đất tại ấp Búng Gội, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo hình thức công nhận quyền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đây là khu đất nguyên thửa thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ số 28.

Tuy nhiên, đến năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho phép tách thửa đất nông nghiệp nêu trên thành 209 thửa đất nông nghiệp với diện tích mỗi thửa từ 120-177,8m2 cho chủ sử dụng là ông Trần Hên. Thửa đất số 18 nêu trên được tách thành các thửa đất số 430, 431,... 637, 638 tờ bản đồ số 28. Đồng thời, trong ngày 26/6/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cũng cấp 209 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Hên để có thể mua bán, chuyển nhượng cho các khách hàng khác. Đến nay, các thửa đất này được rao bán rầm rộ trên các trang điện tử về bất động sản dưới cái tên Khu dân cư Dương Đông New City với giá bán 17 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư cũng đã san lấp đất nông nghiệp, thi công hạ tầng giao thông, phân lô ồ ạt như là một khu đô thị thực thụ.

(Ảnh rao bán đất nền Dương Đông New City được trích từ các thông tin mua bán bất động sản trên mạng internet)

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang có được phép phân lô đất nông nghiệp với diện tích siêu nhỏ 120m2?

Khoản 2 Điều 143 Luật đất đai 2013 quy định: “Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương”.

Quyết định số 36/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang về việc quy định diện tích tối thiểu đối với từng loại đất được tách thửa và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang quy định: Diện tích đất tối thiểu được tách thửa đất đối với đất sản xuất nông nghiệp, để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp: “Đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, diện tích đất tối thiểu được tách thửa là 500m2”.

Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tiếp tục khẳng định: Đối với trường hợp thửa đất nông nghiệp (... đất trồng cây lâu năm) nằm trong khu vực quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 3000m2. Trường hợp thửa đất nông nghiệp (... đất trồng cây lâu năm) nằm trong khu vực quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 500m2.

Như vậy, hành vi phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích dưới 500m2 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bị pháp luật nghiêm cấm. Việc tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai và đặc biệt là gây khó khăn trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, tạo điều kiện cho người sử dụng đất có cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.

(Ảnh rao bán đất nền Dương Đông New City được trích từ các thông tin mua bán bất động sản trên mạng internet)

Động cơ nào từ những quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang?

Tại sao quy định của UBND Tỉnh là rất rõ ràng nhưng cơ quan quản lý về đất đai của tỉnh Kiên Giang lại cho phép tách thửa đất nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận từng thửa đất được tách với diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu? Có hay không việc các cơ quan nhà nước trên địa bàn bất chấp quy định của pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm? Có hay không các dấu hiệu tiếp tay cho các hành vi sai phạm sau này của người sử dụng đất (phân lô, san nền, thi công hạ tầng...)? Ai chịu trách nhiệm cho số tiền thất thoát từ ngân sách nhà nước khi người sử dụng đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, mua bán, chuyển nhượng như hiện nay?

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền tại tỉnh Kiên Giang cần sớm vào cuộc để làm rõ các dấu hiệu sai phạm kể trên, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật về đất đai. Trong khuôn khổ chuyên đề “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường”, Tạp chí đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang để làm sáng tỏ những dấu hiệu sai phạm kể trên. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang  cũng đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, kiểm tra theo kiến nghị của Tri thức Xanh. Trên cơ sở phản hồi của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, nhóm tác giả sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này trong các kỳ tiếp theo.

Phúc Nguyên và Nhóm PV.

Theo Tri thức Xanh Số 70-21.

Bình luận: 0