TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 04/12/2024

Nhìn lại chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020

23:16 02/09/2021
Logo header Kỳ 2: Đánh giá kết quả thực hiện các nội dung theo chương trình tổng thể (tiếp) Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020 còn có những thay đổi nội tại căn bản của bộ máy hành chính như tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức…

1. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Kết quả đạt được

Thời gian qua, một loạt chủ trương của Đảng và chính sách của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh hơn nữa cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đó là: Rà soát chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức; phân cấp mạnh, giao quyền chủ động cho chính quyền địa phương; tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Cũng trong giai đoạn này, Quốc hội đã thực hiện công tác giám sát tối cao, với chủ đề là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW) đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống các văn bản chỉ đạo, triển khai đã được ban hành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã giảm được nhiều đầu mối và giảm đáng kể biên chế của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và bộ máy hành chính nhà nước. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, so sánh thời điểm 31/12/2019 với thời điểm 31/12/2017, các bộ, cơ quan ngang bộ (không tính Bộ Quốc phòng và Bộ Công an: Giảm 12 vụ và tương đương; giảm 10 ĐVSNCL. Về tổ chức hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (so sánh thời điểm 30/6/2019 với thời điểm 30/6/2017): Giảm 05 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; ở cấp huyện: Giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Ngày 12/3/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, có 45 tỉnh, thành phố xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và ban hành các nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến tháng 12 năm 2020, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Ở cấp huyện, đã tiến hành sắp xếp đối với 21 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó: có 09 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 03 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 09 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp), kết quả số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giảm là 08 đơn vị.

Đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp đối với 1.047 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó: có 541 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 113 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 393 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp), kết quả giảm 557 đơn vị.

Về biên chế công chức (tính đến 31/3/2020): Các bộ ngành Trung ương giảm 10.284 người so với số giao năm 2015; các địa phương giảm 13.612 người so với số giao năm 2015.

Cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, Chính phủ tăng cường giải quyết các vấn đề có tính chiến lược, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhiệm vụ đã phân cấp cho địa phương. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao kèm theo Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014. Để đôn đốc việc thực hiện Quyết định nêu trên, ngày 19/8/2016 Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1642/QĐ-TTg). Các bộ, ngành và địa phương cũng thường xuyên thành lập đoàn tiến hành kiểm tra phân cấp hoặc lồng ghép với các nội dung kiểm tra chung về công tác tổ chức bộ máy.

Cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.  Số lượng các ĐVSNCL được giao quyền tự chủ về tài chính bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2011 - 2015, cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ tài chính, tăng 7.609 đơn vị so với năm 2006; trong đó, 1.114 đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động, tăng 322 đơn vị so với năm 2006. Đến năm 2016, triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP, có 109 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 1.878 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 12.841 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

So sánh thời điểm 29/02/2020 với năm 2017 và năm 2015 cho thấy: Số lượng ĐVSNCL thuộc các bộ, ngành là 1.045 đơn vị, giảm 44 đơn vị so với năm 2017 và giảm 53 đơn vị so với năm 2015. Trong khi đó, số lượng ĐVSNCL thuộc các địa phương là 49.445 đơn vị, giảm 4.670 đơn vị so với năm 2017 và giảm 6.189 đơn vị so với năm 2015. Trong tổng số ĐVSNCL của cả nước, có 12.267 ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 2.494 ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và 253 ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Như vậy, tính đến 29/2/2020 kết quả sắp xếp tổ chức lại các ĐVSNCL của các bộ ngành, địa phương trong cả nước đã giảm 11% so với năm 2015, đạt được mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2021 tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, mới chỉ có các địa phương đạt mục tiêu của Nghị quyết (giảm được 11,12% ĐVSNCL so với năm 2015), còn các bộ ngành mới giảm 5,19% ĐVSNCL so với năm 2015.

Tồn tại, hạn chế

Tổ chức bộ từ 2007 đến nay vẫn giữ nguyên số lượng, mặc dù có khả năng tinh gọn hơn. Bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, làm cho tình trạng “Bộ trong Bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước càng nặng nề thêm. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất.

Nhiều vấn đề tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa được quy định, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể trong các văn bản pháp luật. Một số VBQPPL về công tác tổ chức bộ máy có nội dung không thống nhất, một số văn bản pháp luật có nội dung mâu thuẫn, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện tại địa phương. Việc ban hành không kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức bộ máy đã dẫn đến tình trạng bị động, làm giảm tính đồng bộ khi triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy ở các cơ quan, các địa phương.

Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động; chưa khắc phục được một cách triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải phối hợp, họp nhiều, quy trình xử lý công việc chậm.

Chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của chính quyền địa phương được xác định và kiện toàn theo Hiến pháp và luật, bước đầu thực hiện cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhưng chưa đồng bộ và triệt để. Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc thù của địa phương, mà cơ bản được tổ chức đồng nhất như nhau, chưa thật phù hợp với tinh thần Kết luận số 64-KL/TW.

Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và đổi mới, sắp xếp lại khu vực các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả thấp. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đẩy mạnh; số lượng người làm việc trong các ĐVSNCL vẫn tăng về số lượng, nhất là ở các địa phương.

2.  Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Kết quả đạt được

Theo Đề án đã được phê duyệt, cả nước có 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Trong tháng 4/2020, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, sau gần 3 năm thực hiện đã có 12/14 cơ quan Trung ương tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng có 10 ứng viên). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có 17/22 địa phương tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên). Bên cạnh đó, theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 3/2020, đã có 71 công chức tại bộ, ngành và 24.313 công chức tại các tỉnh đã được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển cạnh tranh.

Việc tuyển dụng công chức thường xuyên được đổi mới về phương pháp, cách thức, nội dung, theo đó, các bộ, ngành và địa phương đã ƯDCNTT để tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính; bố trí, lắp đặt máy ghi hình hỗ trợ giám sát công tác coi thi.

Giai đoạn 2011 - 2015, tổng số cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng là gần 2.900.000 lượt người, trong đó bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ là 1.870.000 lượt người, đạt tỷ lệ gần 65% tổng số lượt cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng.

Giai đoạn 2016 - 2020 (tính đến tháng 3/2020), cả nước đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 5,4 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức. Theo báo cáo của các bộ, ngành địa phương, tính đến tháng 3/2020, tổng số lượt công chức được đào tạo, bồi dưỡng trong cả giai đoạn 2016 - 2020 tại các bộ, ngành là 594.654 lượt người, trong khi đó, tại các tỉnh, thành phố, số lượng là hơn 1.151.654 triệu lượt công chức. Tổng số viên chức tại các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố được đào tạo, bồi dưỡng cũng tăng đều qua các năm. Năm 2019 có số lượng viên chức được đào tạo, bồi dưỡng tăng gấp 2,7 lần so với năm 2016, từ hơn 419 nghìn lên hơn 1,1 triệu lượt viên chức.

Năm 2015, tổng số cán bộ, công chức cấp xã có 234.061 người, bình quân 21 người/xã (trong đó: cán bộ cấp xã có 116.043 người, công chức cấp xã có 118.018 người). Đến tháng 4/2020, tổng số cán bộ, công chức cấp xã có 234.617 người, bình quân 21 người/xã (trong đó: cán bộ cấp xã có 113.672 người, công chức cấp xã có 120.945 người). Nhìn chung, trình độ, năng lực, trách nhiệm, phong cách, thái độ của công chức cấp xã đã có những cải thiện nhất định trong thời gian vừa qua. Chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ công chức cấp xã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến năm 2018, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ công chức cấp xã là: Sau đại học 3,23%; đại học 58,23%; trung cấp, cao đẳng 37,86%; sơ cấp và chưa qua đào tạo 0,89 %. Về trình độ chính trị: cử nhân 1,02%; cao cấp lý luận 3,11 %; trung cấp lý luận 48,9%; sơ cấp và chưa qua đào tạo, bồi dưỡng 28,07%.

Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã ban hành 07 nghị định quy định về các cơ chế, chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Ban Cán sự đảng Chính phủ việc xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo từng giai đoạn phát triển của đất nước tại các Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI; Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI.

Từ năm 2007, quan điểm của Đảng về chính sách bảo hiểm xã hội chính thức được luật hóa bằng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Tiếp theo đó, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012- 2020, Luật Bảo hiểm xã hội được sửa đổi toàn diện vào năm 2014 với nhiều nội dung cải cách, đổi mới.

Kết quả thực hiện chính sách người có công: Đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công với cách mạng; trong đó, số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng gần 1,4 triệu người và khoảng 300.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng/năm.

Những tồn tại, hạn chế

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kể cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở một số ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự đảm bảo so với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, một số nội dung thực hiện còn hình thức, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng và pháp luật nhà nước. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân vẫn xảy ra trong một bộ phận cán bộ, công chức. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; công tác kiểm tra, thanh tra công vụ chưa thường xuyên; việc phát hiện các vụ việc tiêu cực chưa kịp thời, còn hạn chế, công tác xử lý cán bộ, công chức vi phạm pháp luật chưa triệt để.

Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức mặc dù đã có những đổi mới nhất định, tuy nhiên, kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của các bộ, ngành, địa phương chưa phản ánh được thực tế kết quả thực nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Lê Nhung

(Tổng hợp từ Báo cáo tổng kết Chương trình Tổng thể CCHC Nhà nước giai 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 77 - 21

Bình luận: 0