TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 19/04/2024

Những điều cần chấn chỉnh trong công tác cứu trợ lũ lụt miền Trung

22:24 29/10/2020
Logo header Trong những ngày xảy ra lũ lụt tại các tỉnh miền Trung vừa qua, đã có hàng ngàn lượt tổ chức, cá nhân tại các địa phương trong cả nước đổ về đây để cứu trợ đồng bào trong cơn khó khăn hoạn nạn, bằng những nghĩa cử thật ý nghĩa, cao đẹp.

Sau khi nước rút, người dân lại lo dịch bệnh và họ chia nhau từng lọ thuốc nhỏ mắt

Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân và những tấm lòng hảo tâm khắp cả nước đã hỗ trợ rất tích cực, kịp thời và hiệu quả cho nhiều người dân đang nguy khốn trong dòng lũ dữ. Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền, mặt trận tại địa phương để hỗ trợ bà con về lương thực, nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết khác nhằm duy trì cuộc sống trong cơn lũ. Nhiều cá nhân, tổ chức còn huy động xe cộ, vận chuyển cả thuyền, xuồng vào vùng lũ để tự chở hàng cứu trợ đến tận tay người dân đang bị cô lập tại các vùng sâu vùng xa. Trong dòng lũ lớn mà mạng sống con người trở nên rất mong manh, sự chia sẻ, hỗ trợ tích cực của cộng đồng, xã hội thật vô cùng đáng quý và trân trọng, là nguồn động lực to lớn, kịp thời động viên giúp đỡ người dân nơi đây thêm ấm lòng, vững tâm chống chọi với lũ lụt, cố gắng khắc phục và vượt qua mất mát, đau thương, tiếp tục vươn lên phục hồi và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung, đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc cứu trợ, rất cần rút kinh nghiệm và có những giải pháp khắc phục, nhằm làm cho việc tổ chức cứu trợ lũ lụt, thiên tai tương tự sau này của miền Trung cũng như các vùng, miền khác trên khắp cả nước kịp thời, chính xác và hiệu quả hơn. 

Công tác dọn vệ sinh môi trường sau lũ

Trước hết, có thể thấy một thực trạng đáng suy ngẫm. Đó là trong thời gian xảy ra lũ lụt miền trung, đã xuất hiện rất nhiều lời kêu gọi quyên góp, ủng hộ đồng bào trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên nhiều trang mạng xã hội. Những lời kêu gọi này xuất phát từ các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội và cả các nhóm thiện nguyện, các cá nhân. Riêng các nhóm thiện nguyện và cá nhân này thường bao gồm những nghệ sĩ, những người nổi tiếng... Thậm chí có “người nổi tiếng” còn kêu gọi được hàng trăm tỷ đồng. Có thể thấy việc có nhiều lời kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt đã thể hiện rõ tấm lòng yêu thương lẫn nhau của động đồng, của dân tộc Việt Nam, rất cảm động và đáng trân trọng. Tuy nhiên, cũng chính vì có quá nhiều nơi kêu gọi của nhiều nơi, nhiều cấp như vậy, nên đã dẫn đến sự chồng chéo, làm cho rất nhiều người muốn ủng hộ phân tâm, không biết nên hưởng ứng, ủng hộ vào cơ quan, tổ chức hay nhóm, cá nhân nào...

Một thực tế khác, trong phong trào cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung, có rất nhiều nhóm, cá nhân tự tổ chức kêu gọi, quyên góp, thậm chí tự bỏ tiền của ra đi cứu trợ. Đây là việc làm rất đáng quý. Tuy nhiên, do tự tổ chức, không có mối liên hệ phối hợp với các cơ quan, địa phương nên nhiều đoàn thiện nguyện của các nhóm, các cá nhân thiếu chỉ dẫn, thông tin, không hiểu tình hình địa bàn và dân cư nơi lũ lụt, do đó đã xảy ra tình trạng cứu trợ chưa đúng đối tượng, có nơi trao quà bị thất thoát, lãng phí... Thậm chí có địa điểm trao quà, do có quá nhiều đoàn cứu trợ cùng đến, không thể cùng lúc tiếp cận được với người dân, làm cho một số thành viên của các đoàn thiện nguyện thể hiện sự bức xúc với địa phương. Cũng có trường hợp, do không đăng ký kế hoạch và phối hợp với địa phương, nhiều đoàn từ thiện đã đi vào sâu khu vực ngập lũ, phương tiện bị hỏng hóc, Cơ quan chức năng địa phương phải dùng thuyền, ca nô ứng cứu.

Công việc ổn định đời sống của bà con Hương Khê, Hà Tĩnh sau lũ lụt

Về phía các địa phương, do nhiều nơi chưa thật sự chủ động trong việc nắm bắt thông tin, số liệu về các đoàn đến cứu trợ, nên không xây dựng được kế hoạch, phương án để hỗ trợ, dẫn đến lúng túng trong việc điều phối, phân phát hàng cứu trợ... Theo nhiều địa phương cho biết, chính quyền cơ sở và các tổ chức nơi đây biết rõ về tình hình ngập lụt, thiệt hại của người dân, nên sẽ có cách điều phối cứu trợ hợp lý. Do đó, nếu các đoàn cứu trợ có liên hệ, thông báo từ trước, địa phương sẽ kịp thời chia sẻ thông tin, định hướng tài trợ những hàng hóa phù hợp và  địa chỉ của các hộ vùng lũ. Khi các đoàn thiện nguyện đến địa phương sẽ được phối hợp, hướng dẫn đến các điểm cần cứu trợ một cách nhanh nhất, trao quà tận tay cho người dân được chu đáo, an toàn.

Qua đó cho thấy, để làm tốt công tác cứu trợ lũ lụt, thiên tai trong thời gian tới rất cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả  giữa địa phương, các đoàn thể và những  tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ. Trong đó chính quyền, Mặt trận và cơ quan chức năng của địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình, nhu cầu của người dân vùng lũ để định hướng cho các tổ chức, đoàn thể, trong việc lựa chọn phương án cứu trợ, tính toán số lượng hàng, phân chia nguồn quỹ hợp lý. Còn đối với các đoàn thiện nguyện, phải có liên hệ, xây dựng kế hoạch phối kết hợp chặt chẽ với cơ sở để việc cứu trợ đạt kết quả cao, nhằm hỗ trợ giúp đỡ người dân một cách thiết thực nhất. Đối với cấp vĩ mô, nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước khuyến khích động viên, tôn vinh cá nhân, tập thể tham gia cứu trợ đồng bào khi có thiên tai, thảm họa. Những cơ quan được ra lời kêu gọi hỗ trợ lại chỉ bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các cơ quan báo chí truyền thông. Trong khi đó các nhóm, cá nhân thiện nguyện lại có khả năng huy động nguồn lực xã hội rất nhanh, rất lớn cho cứu trợ. Vì vậy cần tạo hành lang pháp lý cho các nhóm, cá nhân thiện nguyện trong lĩnh vực này để họ thực hiện quy củ, bài bản hơn, trên tinh thần phối hợp với các tổ chức được Nhà nước giao. 

Tuy nhiên, khi các tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi, nên hưởng ứng lời kêu gọi qua một tổ chức chính thống. Các cá nhân, tổ chức có thể tự tay trao tiền huy động được cho người dân nhưng phải theo sự điều phối của các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ.  Các cơ quan này cũng có trách nhiệm giám sát, tôn vinh, khen thưởng các cá nhân điển hình trong công tác thiện nguyện. Về vấn đề này, vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2020, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng Nghị định nêu trên để thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng giữa các đối tượng hưởng cứu trợ.

Nguyên Lan - Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20

Bình luận: 0