Những hy sinh thầm lặng mà vẻ vang muôn đời
Bác Hồ đã từng nói Quân đội là “trường học lớn” để lớp lớp thế hệ thanh niên phấn đấu rèn luyện, trưởng thành. Được phục vụ trong môi trường quân đội, cống hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của mỗi công dân. Môi trường quân ngũ với đặc tính thống nhất, kỷ luật nghiêm minh, tinh thần tập thể và tình đồng chí, đồng đội… là điều kiện tốt để mỗi thanh niên phấn đấu rèn luyện, không ngừng hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện. Điều này không những thuận lợi cho thanh niên trong thời gian phục vụ quân ngũ, mà còn giúp tích lũy hành trang cho tương lai sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Hơn nữa, thực hiện nghĩa vụ quân sự là tham gia, đóng góp một phần sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và toàn dân tộc, trong đó hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn đi đầu và được xem là tấm gương sáng cho mọi thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo. Vì vậy, mỗi thanh niên khi thực hiện nghĩa vụ quân sự lên đường nhập ngũ vừa là niềm vinh dự, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với Tổ Quốc.
Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân tộc, thực hiện nghĩa vụ quân sự được xem là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc, với quê hương. Đất nước ta tuy đã giành được hòa bình, nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc nhưng các thế lực thù địch vẫn luôn ngày đêm tìm cách chống phá. Do đó, để góp phần bảo vệ Tổ quốc, mỗi công dân khi tham gia nghĩa vụ quân sự, cần ra sức học tập, nâng cao nhận thức về mọi mặt, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia huấn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng rèn luyện tác phong, phong cách quân sự, trách nhiệm, khẩn trương, chuẩn xác, đoàn kết thương yêu đồng đội, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật, tự giác, có thái độ đúng mực trong giao tiếp; sống khiêm tốn giản dị, trung thực, tự trọng, cởi mở chân thành, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng và phong cách, lối sống không lành mạnh.
Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta, biển – đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, là máu thịt của đất nước Việt Nam. Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước, tạo khoảng không gian cần thiết giúp kiểm soát việc tiếp cận lãnh thổ trên đất liền. Kế thừa và phát triển ý thức chủ quyền biển, đảo của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về biển, đảo. Quản lý, khai thác đi đôi với bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. Làm cho đất nước giàu mạnh là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Những năm qua, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quân và dân ta triển khai tích cực các hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Chúng ta đã “Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Trải qua 2 cuộc chiến tranh nhằm giữ độc lập chủ quyền, bao người chiến sĩ đã quên mình ngã xuống mang theo bao hoài bão, ước mơ. Giờ đây, tuy đất nước đã thái bình, chiến tranh đã lùi xa nhưng ý thức chủ quyền biển, đảo của ông cha ta vẫn luôn được kế thừa và phát triển.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thường xuyên xem xét, bổ sung và ngày càng hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản như Pháp lệnh quy định danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cùng nhiều chính sách ưu đãi khác đối với người có công. Việc ban hành và thực hiện các chính sách đó thể hiện nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với những người đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Với việc mở rộng đối tượng và tăng chế độ ưu đãi đối với người có công đã đảm bảo sự công bằng và đồng thuận của xã hội. Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số). Trong đó, có 1.146.250 liệt sĩ; trên 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng đang còn sống; 781.021 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 1.253 Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 101.138 người có công giúp đỡ cách mạng; 300.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; khoảng hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc,…Hiện còn trên 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Hầu hết người có công và thân nhân của họ cũng được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu tiên trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm….
Tuy không một ai mong muốn nhưng vẫn còn có rất nhiều chiến sĩ lặng lẽ hy sinh trong thời bình… Đó là nỗi mất mát, trăn trở lớn nhất của mỗi chúng ta trong cuộc sống hôm nay. Trong công cuộc đó, đồng chí Lại Huy Công – Trung úy Hải đội 413 Vùng 4 Hải quân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực khó khăn đặc biệt thuộc tiền tiêu Trường Sa khi tuổi đời còn trẻ. Đồng chí sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, được nuôi dưỡng, trưởng thành trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ khi còn nhỏ đồng chí đã tích cực học tập, tham gia các hoạt động của Đội, của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở trường học và địa phương nơi cư trú. Phát huy truyền thống của quê hương Thái Thụy anh hùng, truyền thống của gia đình, đồng chí luôn tâm niệm được đóng góp phần nhỏ bé sức mình vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Sau khi đồng chí hy sinh, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên đã không thể đưa thi hài về với quê hương. Sau 8 năm yên nghỉ nơi Hải đảo xa xôi, được sự quan tâm, giúp đỡ của Lữ đoàn 146 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, của Hội Doanh nhân Cựu chiến binh Thành Phố Hà Nội, của Cấp ủy Đảng và Chính quyền thị trấn Diêm Điền,Thái Thụy,tỉnh Thái Bình cùng gia đình và thân nhân Đồng chí, hài cốt Liệt sĩ Lại Huy Công đã được trở về an nghỉ tại quê mẹ. Sự đóng góp của đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, tô đẹp thêm hình ảnh người lính - những người sẵn sàng hy sinh bản thân ngay trong thời bình để cho cả dân tộc được trường tồn.
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực các cơ quan ban ngành, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, tình nghĩa thuỷ chung của những người đồng đội đã tổ chức nên những chương trình tri ân, tập trung nhất là trong tháng bảy này với phong trào “Toàn dân chăm sóc và tri ân các thương bệnh binh,gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động cụ thể thường ngày... đã làm vơi bớt đi nỗi đau, mất mát, góp phần giúp những thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ngày một ổn định cuộc sống.
Vũ Hợi
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 20 - 20
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)