TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 24/11/2024

Nỗi buồn nghề "Thầy cãi"

17:05 03/09/2020
Logo header Chẳng biết từ bao giờ nghề luật sư lại được nhiều người gọi là nghề “thầy cãi”, đây là nghề có thể “cãi” cho nhiều người bị oan sai được trắng tội và những người có tội, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trở thành vô tội trong các vụ xét xử tại tòa án. Nhưng thật ra, nghề này cũng lắm nỗi buồn mà ít người ngoài cuộc có thể hiểu được.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Có thể nói, nghề luật sư ở nhiều nước trên thế giới rất được coi trọng, họ là những người có thể giúp được rất nhiều cho thân chủ của mình. Nhưng tại Việt Nam thực tế tại rất nhiều phiên tòa. Nhất là những phiên tòa ở cấp sơ thẩm tại các địa phương. Những luận chứng mà luật sư đưa ra rất khoa học, xác đáng và hợp lý nhưng với kiểu làm án “bỏ túi” những luận chứng đó hầu như không có giá trị. Án đã làm thế nào cứ vậy mà tuyên, những gì diễn ra tại phiên tòa chỉ như mang tính hình thức mà không có giá trị thực tế. Nhiều luật sư phàn nàn, mình “thua” do trình độ, do không đủ tài “cãi” đã thấy buồn, nhưng buồn hơn nhiều là có những vụ khi đọc hồ sơ thấy thân chủ của mình phạm tội nhẹ hoặc hồ sơ không đủ yếu tố để truy tố… nhưng khi xét xử tòa vẫn tuyên có tội hoặc tội nặng hơn so với hành vi phạm tội của họ...     
                           
Quả thật khi đi dự xét xử tại các phiên tòa tình trạng này xảy ra không phải là không có. Tôi đã từng có mặt ở nhiều phiên tòa với tư cách tìm hiểu thông tin để “nói lên sự thật”, nhưng thực sự thì luật sư bảo vệ bị cáo chỉ như “bông hoa nở rộ” trong các phần xét xử… thân chủ của họ thì vững tin vào những dẫn cứ, tài hùng biện, đề nghị, yêu cầu… người nhà thân chủ và những người tham dự thì trầm trồ với lý lẽ phản biện của “thầy cãi” v.v... 

Ví dụ như một vụ án xử vụ “cố ý gây thương tích” mà bị cáo là Nguyễn Văn Quý trú tại Long Vỹ, Yên Mỹ, Hưng Yên mà tôi đã tìm hiểu, điều tra thông tin và tiếp cận các bên liên quan là một trong những vụ đáng nhớ (Vụ án từ năm 2006). Sau khi nghiên cứu hồ sơ và tham dự phiên tòa có thể thấy đây là một vụ án chưa đủ yếu tố, cơ sở để truy tố bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” xong tại tòa bị cáo Quý bị tuyên tới 9 tháng tù giam. Ông Đàm Quốc Cường - luật sư bào chữa thuộc Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Thuỷ ở Hà Nội nói: “Có thể không buồn không khi mà hồ sơ khẳng định thân chủ của mình không đủ cơ sở truy tố về tội cố ý gây thương tích vẫn bị xử tới 9 tháng tù giam”. Nghiên cứu hồ sơ vụ án cho thấy, ngay từ việc xác minh lý lịch của bị cáo cũng không chính xác. Tính đến thời điểm bị bắt Quý đã từng học qua trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật rồi làm việc tại công ty Lilama và công ty Tân Nguyên Hào vậy mà trong bản cáo trạng lại cho thấy một “Quý khác” là làm ruộng… Điều quan trọng hơn là vụ án được mang ra xét xử trong khi cơ sở để truy tố Quý theo cáo trạng số 39/KSĐT ngày 29/11/2005 hoàn toàn chưa đủ. Bởi căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ từ bút lục số 01 đến bút lục 235 không có hồ sơ nào thể hiện Cơ quan điều tra lập sơ đồ hiện trường nơi xảy ra vụ án, không có biên bản hiện trường và các hình ảnh hiện trường theo như quy định tại Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự; Cơ quan điều tra cũng không xem xét dấu vết trên thân thể của bị hại, không vẽ sơ đồ hiện trường, không khám nghiệm hiện trường, không thu thập vật chứng, đánh giá vật chứng theo khoa học hình sự; những lời khai của nhân chứng tại phiên tòa cũng có những mâu thuẫn không khách quan… Ngay cả vợ anh Lâm (bị hại) là chị Nguyễn Thị Nhung, anh Nguyễn Đăng Nam (bạn của Lâm) cũng có những lời khai mâu thuẫn: Tại các biên bản lấy lời khai chị Nhung và anh Nam đều cho rằng Lâm bị rách môi bên phải nhưng trong cáo trạng và bản tuyên án của tòa án thì Lâm lại bị rách môi bên trái… Như vậy, dựa vào đâu mà tòa án nhân dân huyện Yên Mỹ có thể tuyên Quý 9 tháng tù giam? Vậy mà, thực tế tưởng chừng như không thể có đã xảy ra, bài bào chữa của luật sư Cường tại phiên tòa rất hợp lý, mọi vấn đề đều được chứng minh dựa trên cơ khoa học lại không được Hội đồng xét xử lưu tâm… 

Gần đây, ngày 17/10/2019, tại Tòa án nhân dân (TAND) quận Hà Đông, Hà Nội diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số 49/2018/TLST-DS ngày 19/6/2018, về việc “Tranh chấp thỏa thuận đặt cọc”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 12QĐXX-ST ngày 17/4/2019, giữa các đương sự bao gồm: Nguyên đơn là ông Phạm Trung Dũng (người mua căn hộ) và Bị đơn là Công ty TNHH Capitaland - Hoàng Thành. Theo Bản án số 38/2019/DS-ST (chưa có hiệu lực pháp luật), TAND quận Hà Đông ghi nhận sự tự nguyện của Công ty CHCL, giữ lại 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng) của ông Dũng và trả lại ông Dũng số tiền 3.662.922.651 đồng là tiền đặt cọc mà ông Dũng đã nộp cho Công ty CHCL; Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Dũng đối với Công ty CHCL; ông Dũng phải nộp án phí dân sự sơ thẩm đối với phần không được tòa chấp nhận. Một chi tiết rất quan trọng là thông báo nộp tiền của Công ty TNHH Capitaland - Hoàng Thành đưa ra trước khi xét xử đã được luật sư của ông Dũng chứng minh theo giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an là chữ ký nhận Thông báo của ông Dũng không trùng với chữ ký của ông Dũng (chữ ký không thật) nhưng vẫn được tòa chấp thuận. Nói về những luận điểm của TAND quận Hà Đông được ghi nhận trong Bản án số 38/2019/DS-ST ngày 17/10/2019, luật sư đã đưa ra một số nhận xét như sau: Việc tòa án bác bỏ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn và ghi nhận sự trả lại tiền đặt cọc cho Bị đơn trong đó có giữ lại khoản tiền 600 triệu đồng là không hợp lý. Bởi các lẽ sau: Thứ nhất: Xét theo phần tự khai của Nguyên đơn, ông Dũng cho rằng mình đã nộp đầy đủ các lần đặt cọc tiền theo yêu cầu của Bị đơn là Công ty CHCL. Trong số những lần nộp tiền đặt cọc, ông Dũng có đề cập đến việc được ký Hợp đồng mua bán nhà, nhưng Công ty CHCL lại yêu cầu ông nộp toàn bộ giấy tờ gốc liên quan đến thỏa thuận đặt cọc để làm cơ sở ký Hợp đồng mua bán. Hơn thế, ông Dũng không được phép có ý kiến hay thỏa thuận điều chỉnh nội dung các điều khoản trong Hợp đồng mua bán do Công ty CHCL soạn sẵn. Như vậy là ông ấy cho rằng sẽ bất lợi cho bản thân và quyền lợi khi mà bị áp đặt theo Nhà đầu tư. Trong khi đó tại mục 2, Điều 13 của Hợp đồng thỏa thuận đặt cọc số CHCL/0506 ký ngày 21/01/2010 có ghi rõ: “Bất cứ tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến Thỏa thuận đặt cọc này sẽ được giải quyết một cách thiện chí bằng con đường thương lượng hòa giải giữa các bên. Nếu tranh chấp không được giải quyết trong vòng 60 ngày kể từ ngày một bên gửi thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc phát sinh tranh chấp, mỗi bên có thể nộp đơn yêu cầu tòa án có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết tranh chấp này”. Vậy mà khi phát sinh tranh chấp, ông Dũng không thể thỏa hiệp, không thể thương lượng. Sự việc kéo dài không thỏa hiệp đến 04 năm thì Nguyên đơn mới buộc phải gửi đơn ra tòa án, trong khi đó, tòa án cũng lại bác đơn, bản thân Bị đơn cũng yêu cầu tòa án bác đơn của Nguyên đơn. Nếu không có cấp có thẩm quyền giải quyết thì liệu sự việc sẽ bao giờ mới chấm dứt? Thứ hai là việc Công ty CHCL đưa ra lý do vì ông Dũng không tuân thủ lịch thanh toán theo Phụ lục 2 của Thỏa thuận đặt cọc dẫn đến việc Bị đơn phải đơn phương chấm dứt Thỏa thuận đặt cọc. Vậy thì bản thân Bị đơn đã tuân thủ các điều khoản ghi trong Thỏa thuận này hay chưa? Cụ thể như tại mục 1, Điều 3 của Thỏa thuận đặt cọc có ghi: “Việc mua bán căn hộ sẽ được thực hiện theo các điều khoản và điều kiện của Thỏa thuận mua bán sẽ được ký kết giữa CHCL với tư cách là bên bán và bên mua theo mẫu quy định tại Phụ lục 3”. Trong khi đó, phần Phụ lục 3, thuộc trang 27 của Thỏa thuận đặt cọc là một trang giấy trắng và không có thông tin bất kỳ nào cả (chi tiết này cần được tòa làm rõ). Như vậy thì việc mua bán này có khách quan hay chỉ là chiêu trò chiếm dụng vốn của Nguyên đơn đối với khách hàng? Trong phần trình bày của Bị đơn tại phiên xét xử sơ thẩm, Bị đơn cho rằng việc ký kết Thỏa thuận đặt cọc nhằm mục đích hướng tới việc ký kết Hợp đồng mua bán. Tuy nhiên trong Thỏa thuận đặt cọc không hề nhắc đến việc khi ký Hợp đồng mua bán thì phải nộp trả toàn bộ bản gốc của Thỏa thuận đặt cọc khiến khách hàng lo sợ quyền lợi của mình không được đảm bảo. Vậy căn cứ vào đâu để có thể quy kết việc khách hàng không hợp tác với Nguyên đơn? Về số tiền lãi quá hạn còn thiếu tại các đợt thanh toán thứ 4,5,7 và 8 cho đến nay mà Nguyên đơn cho rằng Bị đơn nhiều lần vi phạm nghĩa vụ chuyển đầy đủ các khoản tiền quá hạn còn thiếu. Nếu xét về tổng thể, cả quá trình thanh toán gồm 8 đợt do Nguyên đơn yêu cầu, Bị đơn đã đáp ứng đầy đủ, các khoản nợ lại chỉ là tiền chậm nộp theo thỏa thuận tại Điều 6.3 Thỏa thuận đặt cọc. Những khoản tiền nhỏ nhất là 400.000 đồng và lớn nhất cũng chỉ hơn 02 triệu đồng, trong khi số tiền đã nộp lên đến 69,1% giá trị căn hộ (tương đương với 4.262.922.651 đồng, số liệu do luật sư trình bày tại tòa). Như vậy không thể cho rằng vì một khoản rất nhỏ tiền chậm nộp này để quy kết về ý thức, trách nhiệm của Bị đơn đối với Thỏa thuận đặt cọc nêu trên. Về Lịch thanh toán được ghi trong Phụ lục 2, trang 26 của Thỏa thuận đặt cọc. Mục 9 có ghi “Đợt thanh toán cuối cùng: 30% giá mua căn hộ trong vòng 14 ngày kể từ ngày CHCL gửi Thông báo Bàn giao căn hộ cho bên mua” (Ngày bàn giao căn hộ là 31/12/2014). Vậy thì Công ty CHCL đã gửi Thông báo bàn giao căn hộ cho bên mua chưa khi bên mua đã nộp số tiền đặt cọc lên đến 69,1% giá trị hợp đồng? Ông Dũng thì cho rằng: ông không nhận được bất kỳ bản Thông báo bàn giao căn hộ nào cả. Thậm chí một số văn bản được Công ty CHCL gửi đến tòa mà ông không được biết còn có dấu hiệu ngụy tạo tài liệu và được xác minh và kết luận bởi Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an…

Không lẽ cứ để những nỗi buồn của nghề “thầy cãi” tồn tại mãi, bao giờ thì nghề luật sư tại Việt Nam thực sự có giá trị mà không phải chỉ dừng lại ở việc tư vấn như hiện nay? Để trả lời câu hỏi này đòi hỏi rất cao sự công tâm của những người “cầm cân nảy mực” trong mỗi phiên tòa.

Nhật Thăng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 26 - 20

Bình luận: 0