Nụ cười thách thức và câu nói... nổi tiếng
Nụ cười trâng tráo của các bị cáo sau khi được dẫn ra khỏi phiên Tòa
Đó là lý do khiến vụ này được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt. Nhưng còn một lý do nữa. Đó là sự việc khi các bị cáo được dẫn giải ra khỏi phiên tòa, đã vẫy tay, cười có vẻ rất…rạng rỡ với những người theo dõi ở bên ngoài. Thông thường, kẻ phạm tội khi ra trước vành móng ngựa ít nhiều thấy xấu hổ, dẫu họ có ngoan cố chối tội đến cùng. Và họ rất ngại ống lính máy ảnh, camera hướng vào mình. Đó là sỹ diện, lòng tự trọng tối thiểu mà bất cứ ai cũng phải có.Nhưng mấy bị cáo trong phiên tòa này thì không. Họ đã cười hết sức ngạo nghễ, lại còn vẫy tay mọi người. Cứ như họ đang được người ta hân hoan đón chào mình sau một thành tích, công trạng nào đó mình vừa làm được, mang vinh quang về cho đất nước. Tôi bỗng liên hệ với nụ cười, những cái vẫy tay của các cầu thủ đội tuyển bóng đá U23 đoạt ngôi Á quân châu Á năm 2018 và vô địch Đông Nam Á cuối năm đó. Tôi cũng nhớ tới những lần các em học sinh Việt Nam đi thi toán, lý quốc tế giành thắng lợi vẻ vang trở về giữa vòng tay mừng đón hân hoan của các thày, gia đình và bè bạn. Đó là những nụ cười, những cái vẫy tay rạng rỡ và ý nghĩa bởi tài năng, tâm lực của các em đã được vận hành tối đa vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Ai cũng biết ơn các em. Các em xứng đáng được đón nhận tất cả những gì nồng nhiệt, hân hoan nhất của toàn dân, của Tổ quốc.
Còn mấy bị cáo trong vụ án gian lận thi cử ở Hòa Bình thì trơ tráo, có thể nói là trơ trẽn. Nhìn nét mặt và nụ cười của họ khi công an áp giải ra khỏi phòng xử án, thấy rõ họ không có chút gì là hối hận, cắn rứt lương tâm khi phạm tội. Ngược lại, còn như là đắc ý với đầy vẻ thách thức dư luận. Người làm các công việc khác như vậy đã là khó chấp nhận. Họ lại đang là những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục (hai trong số họ là Trưởng và Phó phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT Hòa Bình). Chắc chắn, họ cũng đã từng là nhà giáo và nay đang làm công việc bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo (khảo thí). Mỉa mai thay, chỉ vì trục lợi mà họ đã phản bội lại công việc, nghề nghiệp vốn dĩ cao cả, thiêng liêng của mình. Cũng tức là phản bội lại chính họ.
Tại Tòa, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên - nguyên Phó phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT Hòa Bình còn nói rất hùng hồn: “Kỳ thi tốt nghiệp năm đó -2018- có nhiều người được nâng điểm. Bị cáo không làm theo sẽ khó vì ai cũng gù, nếu mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Quả là một câu nói… “hay” bởi người nói biết ví von và sử dụng hình ảnh khá …đắt! “Ai cũng gù” có nghĩa là bị cáo biết việc gian lận, trí trá là rất xấu (gù). Vậy mà với cương vị “sáng”, “oai” của mình - một cương vị vốn dĩ được xã hộ vì nể - đã nhắm mắt làm.
Tại Tòa, các bị cáo đều quanh co chối tội, có khuynh hướng thanh minh, đổ vấy vá cho nhẹ tội. Âu đó cũng là bản chất của kẻ phạm tội. Hành vi của đám người này không chỉ là trí trá, gian lận, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thi cử mà nặng hơn, tệ hại, trầm trọng hơn còn là sự phỉ báng vào nền giáo dục nước nhà vốn đang có nhiều non yếu, hạn chế thành hệ thống từ nhiều năm qua, cướp đi lòng tin của người dân vào bản chất ưu việt của chế độ và xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự của số đông nhà giáo chân chính đang ngày đêm tận tụy với sự nghiệp trồng người.
Chỉ nụ cười có thể nói là trâng tráo và câu nói rất kém nhận thức của một “nhà giáo dục” biến chất mà khiến cả xã hội phải đau lòng!
TS Nguyễn Đình San
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 11 - 20
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)