TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 04/05/2024

Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội: Cần lắm một cách giải quyết có tâm, có tầm (Kỳ 2)

16:14 22/10/2020
Logo header Trong bản tự khai của mình ngày 20/7/2020 và các văn bản tố tụng khác tại Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội, ông Ngô Minh Quang, thường trú tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đưa ra các căn cứ cho rằng phần diện tích của mình đang ở trong Biệt thự số 10 Hàng Chuối là phần diện tích được phép xây dựng.

Diện tích đất nhà ông Quang tại số 10 phố Hàng Chuối

Những căn cứ này được Tòa án đồng tình, vì thế dư luận và chính những người trong cuộc lại đặt ra câu hỏi: “Tại sao UBND quận Hai Bà Trưng lại không xem xét và cấp phép xây dựng cho cho gia đình ông Quang mà lại áp dụng những văn bản hướng dẫn cải tạo trên phần diện tích đất có nhu cầu xây dựng này, để dẫn đến tình trạng người dân phải khiếu kiện vượt cấp như hiện nay?”.

Trong phần nhận định của Hội đồng xét xử tại Bản án số 260/2020/HCST ngày 28/9/2020 của TAND thành phố Hà Nội có đồng ý với các căn cứ của ông Quang đưa ra như sau: “Ông Quang cho rằng biệt thự số 10 Hàng Chuối được xếp lại biệt thự nhóm 3 theo danh mục nhà Biệt thự thuộc đối tượng quản lý sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND thành phố Hà Nội và phải tuân thủ Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội được ban hành kèm theo Quyết định 52/2013/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND thành phố Hà Nội. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 của Quy chế thì: Trường hợp nhà ở riêng lẻ nằm trong khuôn viên đất nằm ở hai bên (trừ nhà biệt thự có hai mặt tiền) và phía sau nhà biệt thự thuộc nhóm 3, ít có giá trị về kiến trúc có thể được xem xét cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) phù hợp với quy hoạch, hình dáng, kiến trúc, cảnh quan với ngôi biệt thự chính nhưng phải đảm bảo khoảng cách với nhà biệt thự theo quy định”. Theo hiện trạng thực tế, sơ đồ trong Giấy chứng nhận QSD đất và sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất cũng như bản đồ chính, phần diện tích đất sử dụng riêng của gia đình ông Quang nằm phía bên hông phải của biệt thự, không che khuất tầm nhìn của nhà chính và biệt thự số 10 Hàng Chuối không phải là biệt thự hai mặt tiền. Với các căn cứ như vậy, thì việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình nhà ở trên phần diện tích nhà đất nêu trên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để xin cấp Giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, ông Quang lại cho biết: “Ông đã lập hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng và nhiều lần xin phép nhưng các cấp chính quyền chỉ cho gia đình ông sửa chữa, cải tạo theo hiện trạng nhà cũ (nhà tầng 01 + mái che với chiều cao tổng cộng tối đa 5,58 m)”.

Theo khoản 1 Điều 95 Luật Xây dựng năm 2014 quy định về Hồ sơ đề nghị cấp GPXD mới như sau: 1. Đối với nhà ở riêng lẻ thì hồ sơ bao gồm: a) Đơn đề nghị cấp GPXD; b) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh QSD đất theo quy định của pháp luật về đất đai; c) Bản vẽ thiết kế xây dựng; d) Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có cam kết đảm bảo an toàn đối với công trình liền kề. Thủ tục xin GPXD bao gồm 03 bước: Bước 1: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, nơi có nhà ở riêng lẻ được xây dựng; Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ (UBND cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp GPXD; Kiểm tra hồ sơ; Ghi biên nhận (hay còn gọi là Giấy hẹn) và trao cho người nộp đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định; Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng quy định thì hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ; Bước 3: Xử lý yêu cầu; Bước 4: Trả kết quả. Thời hạn giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (Theo Quyết định 838 /QĐ-BXD ngày 29/8/2016); Lệ phí cấp GPXD theo Thông tư 250/2016/TT-BTC. Với những dẫn chứng nêu trên thì việc UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Văn bản số 08/UBND-QLĐT ngày 4/01/2018 đồng ý để UBND phường Phạm Đình Hổ hướng dẫn gia đình ông Quang được cải tạo trên phần diện tích sử dụng riêng dường như là không phù hợp và có phần gây bất lợi cho chủ nhà?

Trong phần trình bày của mình, đại diện UBND quận Hai Bà Trưng lại cho rằng: “Thực hiện văn bản số 5571/VP-ĐT ngày 16/6/2017 của UBND thành phố Hà Nội và trên cơ sở đề xuất của UBND phường Phạm Đình Hổ, để tạo điều kiện cho gia đình ông Quang ổn định sinh hoạt, UBND quận Hai Bà Trưng đã có văn bản số 08/UBND-QLĐT ngày 04/01/2018 đồng ý để UBND phường Phạm Đình Hổ hướng dẫn gia đình ông Quang được cải tạo trên phần diện tích đất sử dụng riêng 25,5 m2 có chiều cao tối đa đến đỉnh mái là 5,85m theo nội dung văn bản số 113/UBND-QLĐT ngày 05/02/2015 của UBND quận Hai Bà Trưng”. Với phần trình bày này thì có thể hiểu UBND quận Hai Bà Trưng đang hướng dẫn cho hộ gia đình ông Quang cải tạo lại phần diện tích ở để tránh dột nát, tuy nhiên đây không phải là mong muốn của chủ nhà bởi lẽ theo ông Quang thì: “nhu cầu mở rộng diện tích ở của gia đình ông là cần thiết, cho nên ông muốn xây dựng lại chứ không phải là sửa chữa và cải tạo. Ông cũng đã trình bày mong muốn này với cấp có thẩm quyền, thậm chí còn ghi chú vào biên bản làm việc với UBND phường Phạm Đình Hổ”. Như vậy, sự việc sẽ đi đến đâu nếu chính quyền sở tại không đưa ra những giải pháp thật sự hữu ích và hợp lý cho người dân? Tri thức Xanh sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những số tiếp theo.

Hiền Anh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 33 - 20

Bình luận: 0