TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 20/04/2024

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để người dân được sử dụng thực phẩm an toàn

16:44 29/04/2021
Logo header Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, trong đó hằng năm các Bộ, ngành, địa phương tổ chức “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.

Thời gian qua, có khá nhiều vụ việc liên quan đến mất an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, quán cóc, hàng rong bán ở ngoài cổng trường học khiến dư luận lo lắng, bức xúc. Tuy nhiên, dường như các phụ huynh chưa chú ý đến những nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ chính những quán hàng rong ngoài cổng trường nơi con em mình đang học. Thực phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, quy trình chế biến, công đoạn thực hành hoàn toàn bằng tay trần… đó là điều dễ nhận thấy ở những quán ăn xung quanh khu vực cổng các trường học. Dù đã được đề cập đến rất nhiều nhưng hiện nay, vấn đề đáng lo ngại này vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là các em học sinh. Tình trạng học sinh ăn quà vặt trước cổng trường diễn ra ở nhiều trường học. Bánh kẹo, đồ khô tẩm sấy, bánh tráng trộn, nước uống nhiều màu, trà sữa... bày bán tràn lan xung quanh khu vực trường học. Theo quan sát, dụng cụ hành nghề của các cửa hàng, xe hàng rong khá đơn giản, gồm những mẹt, xô đá, cốc nhựa, hoặc xe đẩy nhỏ để dễ dàng tránh lực lượng chức năng. Thậm chí, nhiều hàng quán còn vô tư bày bán đồ ăn gần nơi tập kết rác thải, rất mất vệ sinh. Nhiều loại bánh kẹo, thạch rau câu, nước giải khát không có nguồn gốc rõ ràng cũng được bày lẫn với các loại thức ăn khác. 

Hàng quán bán ngay trước cộng trường không có tủ kính bảo quản

Để hạn chế học sinh sử dụng hàng rong, hầu hết các trường học đều đóng cổng trường giờ ra chơi, không cho học sinh ra ngoài mua hàng rong nhưng sau giờ học các em ra ngoài thì không có ai cấm. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những gánh hàng rong này thì nhiều hiệu trưởng ở một số trường cho biết bên ngoài cổng trường không thuộc trách nhiệm quản lý của trường, nên chỉ có thể thực hiện biện pháp tuyên truyền. Việc quản lý, chấn chỉnh buôn bán hàng rong thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, cũng có một phần thiếu giám sát chặt chẽ những hoạt động buôn bán đồ ăn vặt này. Tuy đã tổ chức thực hiện các đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng rong, nhưng khi thấy cơ quan chức năng tuần tra thì các hàng quán thu vào nhà, người bán hàng rong thì di chuyển liên tục, nên việc kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó khăn. Việc dẹp bỏ chỉ mang tính chất tạm thời. Tại một số địa bàn, chính quyền đã có nhiều đợt ra quân dẹp các xe đẩy bán hàng rong trước cổng trường và xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, nhưng vẫn theo dẹp xong mai lại có. 

Những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, được chế biến thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời, như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…Thế nhưng, về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì… Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư. Theo các chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm thì, phương pháp để giải quyết vấn nạn thực phẩm không rõ nguồn gốc bủa vây tại các trường học như hiện nay điều cần nhất là cắt nguồn cầu để ngưng nguồn cung cấp những thực phẩm này. Mỗi người hãy là một người tiêu dùng thông thái và có ý thức hơn nữa trong việc lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm. Đặc biệt, các bà nội trợ cũng nên hướng dẫn con em mình chỉ nên chọn những cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không nên ham rẻ sử dụng những thực phẩm trôi nổi, bày bán tràn lan, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trách nhiệm quản lý thuộc về ai

Tại Chương 2, Điều 4, Khoản 1, Điểm D, Thông tư 48/2015/TT-BYT ban hành ngày 01/12/2015, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), Trạm Y tế xã chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn xã. Như vậy các hàng quán bày bán tại cổng trường học là những loại thức ăn nhanh, thuộc trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân xã, phường sở tại. Do đó, cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn người kinh doanh, chính quyền các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện cửa hàng, hàng rong vi phạm an toàn thực phẩm, những thức ăn đóng gói không rõ nguồn gốc xuất xứ, phải lập tức xử lý. Mặt khác, các phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các món ăn vặt không bảo đảm vệ sinh tại khu vực cổng trường học với con em mình, đồng thời các bậc phụ huynh cũng nên hướng dẫn các con em tránh những đồ ăn có nhiều màu và những loại thức uống tự pha chế, nên uống loại đồ uống được sản xuất, đóng gói bởi các công ty đã đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các bậc cha mẹ cũng nên kiểm soát tiền tiêu vặt của con, từ đó giúp trẻ hình thành thói quen tiêu dùng thông minh, biết nói không với thực phẩm không an toàn. Được biết, từ tháng 10/2018, Nghị định 115 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã tăng mức xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... Đây được xem là một trong những chế tài mạnh tay nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát thực phẩm bẩn, đặc biệt trong tình trạng hàng rong, thức ăn chế biến sẵn trên đường phố, tại các khu công cộng và cổng trường đang tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, nhiều người bán hàng, nhất là những người bán hàng rong nơi cổng trường vẫn chưa biết hoặc biết nhưng chưa thực hiện đúng theo quy định. Còn các ngành chức năng liên quan chủ yếu mới dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở hoặc tịch thu tang vật... 

Đeo găng tay để chế biến thức ăn như người bán hàng luôn đeo găng tay để làm cả việc khác thì liệu có đảm bảo vệ sinh?

Trước thực trạng trên, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã gửi công văn tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cảnh báo nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến trường học. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã từng đưa ra biện pháp kiểm soát tối ưu nhất là thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Bất kỳ một người bán rong nào cũng cần phải có nơi cư trú, nơi đăng ký lấy thực phẩm làm sẵn hoặc nơi nấu nướng, chế biến thực phẩm. Tại đó người bán rong phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường (nếu được Ủy ban nhân dân cấp xã quận, huyện ủy quyền) để được cấp giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sau khi được cơ quan y tế thẩm định nếu có đủ điều kiện. Nếu những ai không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không được hành nghề. Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thực phẩm khác với tất cả các loại hình quản lý khác, vì nó liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng... Song, vì thực phẩm là một loại hàng hóa đặc biệt, do đó cần có biện pháp quản lý đặc biệt để bảo đảm cho sức khỏe hôm nay và giống nòi ngày mai. Không thể để thả nổi việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vì một vi phạm nhỏ nhưng sẽ làm tổn hại tới hàng trăm người bị ngộ độc thực phẩm, thậm chí chết (tổn thất có thể tính hàng tỷ đồng). 

Theo Quyết định số 41/2005/QĐ-BYT ngày 8/12/2005 của Bộ Y tế, những điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của loại hình kinh doanh thực phẩm bán rong có nguy cơ cao cũng đã được chỉ rõ như chỉ được bán rong các loại thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn, phương tiện bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thức ăn... phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn bán rong phải được chọn lọc, có nguồn gốc an toàn, không mốc và không ô nhiễm. Quy trình chế biến thức ăn... tuyệt đối không sử dụng công nghệ chế biến không an toàn và sử dụng các phụ gia, chất bảo quản độc hại. Người bán hàng phải được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần. Ngoài ra cũng phải có Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hành tốt vệ sinh cá nhân...

Chính Phong

Bình luận: 0