Tăng cường xử lý nghiêm phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải
Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cùng với sự tham gia tích cực của đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông nên trong giai đoạn 05 năm vừa qua (2016-2020) đã đạt được những thành tựu rất đáng hoan nghênh. Đáng chú ý, tình hình trật tự ATGT đã được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, so với cùng kỳ 5 năm trước, giảm trên 42% về số vụ tai nạn, giảm 19% số người chết, giảm gần 54% về số người bị thương, trong khi điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (so với giai đoạn 2011 - 2015, mô tô tăng khoảng 50% và ô tô tăng khoảng 58%). Đặc biệt, năm 2020 đã giảm trên 10% cả số vụ, số người chết, số người bị thương. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng. Nhưng tình trạng tai nạn giao thông vẫn đang xảy ra, có diễn biến phức tạp và rất cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tối đa các vụ TNGT. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng là do hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT của lái xe, chủ xe như: Người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ; chạy sai làn đường, vi phạm nồng độ cồn, tình trạng sức khỏe không đảm bảo, xe chở quá khổ, quá tải v.v. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng chính là sự buông lỏng quản lý phương tiện, lịch trình và tiến độ vận tải hàng hóa, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra phương tiện, hàng hóa vận chuyển của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói chung và vận tải hàng hóa nói riêng. Mối nguy hại từ việc chở hàng hóa quá khổ, quá tải trong thời gian qua đã được thông tin rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như tình trạng xe chở hàng quá tải gây hỏng đường, xe chở hàng quá khổ gây mất tầm nhìn của những phương tiện cùng tham gia giao thông… đó là chưa nói đến việc những phương tiện vận tải hàng hóa chở quá khổ, quá tải trọng cho phép dẫn đến phương tiên đó không đảm bảo, thậm chí mất an toàn kỹ thuật của xe, là mối nguy hiểm cho người, phương tiện cùng tham gia giao thông. Xe chở vật liệu xây dựng quá tải còn làm rơi, vãi cát, đá trên đường gây nên bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, vừa gây hư hỏng mặt đường, vừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Hàng năm Nhà nước đã phải chi ra khoảng 50 nghìn tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng những tuyến đường quốc lộ. Đấy là chưa nói đến việc nâng cấp, cải tạo những con đường tuyến cao tốc hay các tuyến tỉnh lộ. Một số không ít các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã nhận thức được tác hại của việc chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép nhưng vẫn bất chấp các quy định vì lợi nhuận nên hầu như những con đường từ liên huyện, tỉnh lộ đến quốc lộ, thậm chí cả những đoạn đường cao tốc hay nội đô vẫn diễn ra tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông. Mặc dù theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), trong năm 2020, các Trạm kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và Thanh tra các Khu vực thuộc Cục Quản lý đường bộ đã tiến hành kiểm tra được 134.588 xe, trong đó có 14.392 xe vi phạm, tước 5.452 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 162,47 tỷ đồng.
Phương tiện chở đất đá quá thành thùng và không phủ bạt ngang nhiên chạy trong thành phố Hà Nội
Tình trạng xe chở hàng quá khổ, quá tải trọng xuất phát từ việc doanh nghiệp tìm mọi cách giảm chi phí vận chuyển. Mặt khác, nhận thức về kỹ thuật xe và ý thức bảo đảm ATGT của nhiều chủ xe, lái xe còn yếu kém, thậm chí nhiều doanh nghiệp vận tải còn tự ý hoán cải thành thùng chở hàng của xe. Ngoài ra, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông chưa triệt để, chưa nghiêm đối với hành vi chở hàng quá khổ, quá tải. Nhiều trường hợp lái xe bất hợp tác, gây khó cho việc kiểm tra tải trọng hàng hóa, lực lượng chức năng thì ít xử dụng biện pháp đo thành thùng xác định hàng hóa quá khổ đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý không nghiêm khiến nhiều chủ phương tiện và lái xe “nhờn luật”.
Hình ảnh những phương tiện vận tải chở hàng quá khổ thường xuyên xuất hiện trên các tuyến đường quốc lộ
Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Chỉ thị số 32/CT-TTg về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về tổng kết năm an toàn giao thông 2020 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021- 2025 cùng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - đường sắt cho biết, sẽ thực hiện chuyên đề tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện. Mục đích của kế hoạch nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm người điều khiển, chủ phương tiện có hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện, thay đổi kích thước thành thùng xe trên đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, đánh giá đúng thực trạng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ việc chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn. Các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề này sẽ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của chủ phương tiện và lái xe cũng như của nhân dân; đồng thời, phát hiện những tồn tại, bất cập và kiến nghị các biện pháp trong công tác quản lý, kiểm định, đăng ký kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu xe tải. Bộ Công an huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện hiệu quả các nội dung, yêu cầu đề ra. Lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ khi chỉ đạo và làm nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, quy trình chế độ công tác, Điều lệnh Công an nhân dân, văn hóa ứng xử khi tiếp xúc với Nhân dân và người vi phạm, bảo đảm an toàn khi thực thi nhiệm vụ. Kế hoạch này được thực hiện từ ngày 20/3 đến hết ngày 31/12/2021. Từ ngày 20/3 đến ngày 31/3/2021, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tổ chức tuyên truyền và phối hợp với các đơn vị chức năng yêu cầu các chủ doanh nghiệp vận tải ký cam kết không chở hàng quá tải trọng và quá khổ giới hạn cho phép. Tổ chức thực hiện kế hoạch từ ngày 1/4/2021 đến ngày 31/12/2021.
Thiết nghĩ, đây là một chủ trương đúng đắn và thực sự cấp thiết cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, cần xác định mục tiêu đảm bảo TTATGT như là một mục tiêu có tính lâu dài và cấp bách, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang triển khai đầu tư, xây dựng Dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn mét khối nguyên vật liệu sẽ cần phải di chuyển để đảm bảo tiến độ công trình. Nếu như công tác quản lý, giám sát và kiểm soát xe quá khổ, quá tải không được đảm bảo thì rất có thể sau khi hoàn thành Dự án đường này thì hàng vạn km đường khác sẽ bị băm nát, ảnh hưởng đến TTATGT cũng như gây thiệt hại lớn những cơ sở hạ tầng đường bộ. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an sinh, ô nhiễm môi trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyễn Hân - Tiến Đạt
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)