TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 27/07/2024

Thúc đẩy chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần của trẻ em cần làm ngay

15:21 13/04/2022
Logo header Đại dịch COVID-19 đã và đang gây nên những mối lo ngại rất lớn đối với sức khỏe tâm thần của toàn bộ thế hệ trẻ em, thanh thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc. Thế nhưng, đại dịch mới chỉ là bề nổi của tảng băng vấn đề sức khỏe tâm thần, một vấn đề mà chúng ta đã phớt lờ bấy lâu nay.

Những vấn đề đáng báo động về sức khỏe tâm thần của trẻ

 

Trên khắp thế giới, rối loạn tâm thần là nguyên nhân đáng kể của khổ đau và thường bị phớt lờ, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của trẻ em và thanh thiếu niên cũng như khả năng phát huy hết tiềm năng của các em.

Theo ước tính, hơn 13% trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần được chẩn đoán theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong số này, 86 triệu em trong thuộc nhóm 15-19 tuổi và 80 triệu em thuộc nhóm 10-14 tuổi. 89 triệu trẻ em trai vị thành niên từ 10-19 tuổi và 77 triệu trẻ em gái vị thành niên từ 10-19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần.

Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần được chẩn đoán cao nhất ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Bắc Mỹ, và Tây Âu. Lo âu và trầm cảm chiếm khoảng 40% các rối loạn tâm thần được chẩn đoán, bên cạnh giảm chú ý/ rối loạn tăng động, rối loạn cư xử, thiểu năng trí tuệ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ăn uống, tự kỷ, tâm thần phân liệt và một nhóm các rối loạn nhân cách.

Ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng ghi nhận căng thẳng tâm lý xã hội dưới mức độ rối loạn dịch tễ học nhưng làm gián đoạn cuộc sống, sức khỏe và triển vọng tương lai của các em.

 Theo nghiên cứu được Gallup tiến hành cho báo cáo Changing Childhood (Tuổi thơ đang thay đổi) tới đây của UNICEF, trong nửa đầu năm 2021, khoảng 19% số người trong độ tuổi từ 15-24 ở 21 quốc gia báo cáo rằng họ thường cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì.

Cái giá phải trả cho sự thờ ơ là rất lớn – xét về tác động đối với đời sống con người, gia đình, cộng đồng và tài chính.

 Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 45.800 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử. Như vậy, cứ mỗi 11 phút lại có hơn 1 em qua đời vì nguyên nhân này.

 Tự tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ năm đối với trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi. Đối với trẻ em trai và trẻ em gái vị thành niên từ 15-19 tuổi, đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ tư, chỉ sau tai nạn thương tích giao thông đường bộ, bệnh lao và bạo lực giữa các cá nhân. Đối với trẻ em gái trong độ tuổi từ 15-19, tự tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ ba và đối với trẻ em trai trong cùng nhóm tuổi, đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ tư.

Phân tích mới cho báo cáo này chỉ ra rằng mức thâm hụt nguồn vốn con người hằng năm xuất phát các tình trạng sức khỏe tâm thần ở trẻ em từ 0-19 tuổi là 387,2 tỷ đô la Mỹ (giá trị đồng đô la ngang giá sức mua). Trong đó, các rối loạn bao gồm lo âu và trầm cảm gây ra khoản thâm hụt trị giá 340,2 tỷ đô la Mỹ, và tự tử gây ra khoản thâm hụt trị giá 47 tỷ đô la Mỹ.

Trong khoản thâm hụt trị giá 340,2 tỷ đô la Mỹ, rối loạn lo âu chiếm 26,93%; rối loạn hành vi 22,63% và trầm cảm 21,87%. Bất chấp yêu cầu rộng rãi về các biện pháp thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em, đầu tư vào vấn đề này vẫn còn hạn chế.

Nghiên cứu được Gallup tiến hành cho báo cáo Tuổi thơ đang thay đổi tới đây của UNICEF đã chỉ ra yêu cầu hành động mạnh mẽ. Trung bình 83% số người từ 15-24 tuổi ở 21 quốc gia tin rằng việc giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần bằng cách chia sẻ với những người khác và tìm kiếm sự hỗ trợ sẽ tốt hơn là vượt qua một mình.

Bất chấp nhu cầu hỗ trợ, chi tiêu trung bình của chính phủ cho sức khỏe tâm thần trên toàn cầu chỉ bằng 2,1% so với chi tiêu cho y tế nói chung.

Ở một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới, chính phủ chi không tới 1 đô la Mỹ cho mỗi người điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần.

Số lượng bác sĩ tâm thần chuyên điều trị cho trẻ em và trẻ vị thành niên là dưới 0,1 trên 100.000, trong khi ở các quốc gia có thu nhập cao, con số này là 5,5 trên 100.000.

Đầu tư vào việc thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe tâm thần – phân biệt với chăm sóc trẻ em đang đối mặt với những thách thức lớn nhất – là rất thấp.

Thiếu đầu tư đồng nghĩa với việc nguồn nhân lực, bao gồm cả đội ngũ tại cộng đồng không được trang bị đầy đủ để giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu, giáo dục, bảo trợ xã hội.

Sức khỏe tâm thần bị kỳ thị và hiểu lầm nghiêm trọng, trong khi trên thực tế, đây là một trạng thái sức khỏe tích cực và là nền tảng để trẻ em và thanh thiếu niên xây dựng tương lai.

Mặc dù nhận thức về tác động của các tình trạng sức khỏe tâm thần đang ngày càng được nâng cao, song sự kỳ thị vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Sự kỳ thị dù vô tình hay cố ý đều ngăn trở trẻ em và thanh thiếu niên tìm kiếm biện pháp điều trị và làm hạn chế cơ hội trưởng thành, học tập và phát triển của các em.

Tương tự như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần cần được nhìn nhận như một yếu tố tích cực: Sức khỏe tâm thần là nền tảng cho năng lực suy nghĩ, cảm nhận, học tập, làm việc, xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa, đóng góp cho cộng đồng và thế giới của con người. Đây cũng là một phần nội tại của sức khỏe cá nhân và nền tảng cho các cộng đồng và quốc gia khỏe mạnh.

Sức khỏe tâm thần tồn tại theo một chuỗi liên tục, có thể bao gồm những giai đoạn hạnh phúc và những giai đoạn đau khổ mà hầu hết sẽ không bao giờ phát triển thành một rối loạn có thể chẩn đoán được.

Sức khỏe tâm thần là một quyền cơ bản và thiết yếu trong việc đạt được các mục tiêu toàn cầu, bao gồm các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ở những thời điểm phát triển quan trọng.

 Vào những thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ em, những yếu tố dựa trên trải nghiệm và môi trường có thể trở thành nguy cơ hoặc có thể giúp bảo vệ sức khỏe tâm thần. Các phương pháp tiếp cận chính sách cần hướng đến mục tiêu giảm thiểu các yếu tố nguy cơ và tối đa hóa các yếu tố bảo vệ.

Các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ có thể được phân chia thành ba phạm vi ảnh hưởng: Thế giới của trẻ em tập trung vào môi trường tại nhà và môi trường chăm sóc; thế giới xung quanh trẻ em liên quan đến an toàn, an ninh và sự gắn bó lành mạnh trong trường mầm non, trường học và cộng đồng; và thế giới nói chung bao gồm các yếu tố tác động xã hội quy mô lớn, chẳng hạn như nghèo đói, thảm họa, xung đột và  phân biệt đối xử.

Sức khỏe tâm thần gắn liền với những thời điểm quan trọng trong sự phát triển của não bộ, có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như căng thẳng độc hại do những trải nghiệm tuổi thơ bất lợi gây ra (adverse childhood experiences ACEs), chẳng hạn như xâm hại thể chất và cảm xúc, xao nhãng kéo dài và bạo lực.

 Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ít nhất bốn trải nghiệm tuổi thơ bất lợi có mối liên hệ mật thiết tới việc đối mặt với rủi ro tình dục, các tình trạng sức khỏe tâm thần và lạm dụng rượu bia; thậm chí còn liên quan chặt chẽ hơn đến vấn đề sử dụng ma túy, bạo lực giữa các cá nhân và tự gây bạo lực.

Nuôi dạy con cái đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nền tảng vững chắc cho sức khỏe tâm thần của trẻ em, song nhiều bậc cha mẹ cần được hỗ trợ hơn nữa.

 Nuôi dạy con cái là nền tảng cho sức khỏe tâm thần của trẻ em. Tuy nhiên, nhiều người chăm sóc cần sự hỗ trợ từ các chương trình nuôi dạy, bao gồm thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ tài chính và tâm lý xã hội để hoàn thành vai trò quan trọng này. Nhiều người chăm sóc cũng cần sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cho chính bản thân họ.

Trước khi thụ thai, các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tâm thần của trẻ bao gồm cân nặng khi sinh thấp, suy dinh dưỡng ở bà mẹ, sức khỏe tâm thần của bà mẹ và làm cha mẹ ở tuổi vị thành niên. Trên toàn cầu, 15% trẻ em có cân nặng khi sinh thấp và 15% trẻ em gái phải làm mẹ trước 18 tuổi.

Trong giai đoạn tuổi thơ, các yếu tố nguy cơ bao gồm dinh dưỡng kém và kỷ luật bằng bạo lực. Trên toàn cầu, khoảng 29% trẻ em không có chế độ ăn uống đa dạng tối thiểu.

Tại những quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, 83% trẻ em từng bị người chăm sóc kỷ luật bằng bạo lực và 22% trẻ em đang tham gia một hình thức lao động trẻ em bất kỳ.

Trong giai đoạn vị thành niên, sự nuôi dưỡng và hỗ trợ của cha mẹ vẫn là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe tâm thần mạnh mẽ nhất.

Các trường học và môi trường học tập có thể mang lại cơ hội hỗ trợ sức khỏe tâm thần, song cũng có thể khiến trẻ gặp những rủi ro bao gồm bắt nạt và áp lực thi cử quá mức.

Trường học có thể là môi trường lành mạnh và hòa nhập, nơi trẻ em học các kỹ năng quan trọng để nâng cao điều kiện sống, nhưng cũng có thể là nơi trẻ em bị bắt nạt, phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, chịu áp lực từ bạn bè đồng trang lứa và căng thẳng về kết quả học tập.

Mặc dù cơ hội học tập sớm và sự phát triển của trẻ em có mối liên hệ với nhau, song khoảng 81% trẻ em ở các quốc gia kém phát triển nhất không tham gia giáo dục mầm non.

Ở những trẻ lớn hơn, việc nghỉ học hoặc bỏ ngang trước khi hoàn thành chương trình học có liên quan đến cô lập xã hội, theo đó có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe tâm thần, bao gồm tự ngược đãi bản thân, nảy sinh ý định tự tử, trầm cảm, lo âu và sử dụng chất kích thích.

Một phân tích của RTI cho báo cáo này chỉ ra rằng các can thiệp tại trường học nhằm giải quyết lo âu, trầm cảm và tự tử mang lại lợi tức đầu tư là 21,5 đô la Mỹ cho mỗi 1 đô la Mỹ được đầu tư trong 80 năm.

Các yếu tố kinh tế - xã hội và văn hóa trên thế giới cũng như những cuộc khủng hoảng nhân đạo và sự kiện như đại dịch COVID-19 đều có thể làm tổn hại sức khỏe tâm thần.

Nghèo đói và sức khỏe tâm thần có mối quan hệ song hành. Nghèo đói có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe tâm thần và ngược lại. Trên toàn cầu, gần 20% trẻ em dưới 5 tuổi phải sống trong cảnh nghèo cùng cực.

Chuẩn mực giới có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của cả trẻ em gái và trẻ em trai. Trẻ em gái có thể phải đối mặt với những định kiến hạn chế về công việc, giáo dục và gia đình cũng như nguy cơ bị bạo lực bởi bạn tình; trẻ em trai có thể gặp áp lực phải kìm nén cảm xúc và thử sử dụng chất kích thích.

Trẻ em thường xuyên phải chịu ảnh hưởng đầu tiên trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Vào năm 2018, con số này là 415 triệu trẻ em, trong đó mỗi em đều bị căng thẳng và sang chấn. Tác động của những cuộc khủng hoảng như vậy có thể khác nhau ở mỗi trẻ. Một số em sẽ thể hiện khả năng phục hồi, số khác sẽ trải qua sự đau khổ tột cùng và dai dẳng.

Có rất nhiều báo cáo về xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, trong đó, một tỷ lệ lớn các em bị khuyết tật, bao gồm cả khuyết tật về phát triển hoặc sức khỏe tâm thần. Đồng thời, cũng có nhiều bằng chứng về sự tiếp diễn của tình trạng sử dụng cùm xích đối với trẻ em và thanh thiếu niên có vấn đề sức khỏe tâm thần, cũng như việc sử dụng phương thức cưỡng ép và kìm hãm trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Có nhiều lo ngại về tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu chỉ ra những sự gia tăng về căng thẳng và lo lắng ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Sức khỏe tâm thần của những người chăm sóc, đặc biệt là các bà mẹ trẻ cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Các can thiệp trên nhiều hệ thống và lĩnh vực – bao gồm trong gia đình, cộng đồng và trường học, và thông qua bảo trợ xã hội – có thể giúp thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe tâm thần.

Đánh giá về các chương trình nuôi dạy con cái chỉ ra rằng những chương trình này giúp người chăm sóc và trẻ trở nên gắn bó hơn, giảm thiểu các thực hành nuôi dạy con cái khắc nghiệt và cải thiện sự phát triển nhận thức của trẻ em.

Tại trường học, các phương pháp tiếp cận học tập xã hội và cảm xúc bao gồm những can thiệp toàn trường và can thiệp đặc thù cho trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ đã được chứng minh có hiệu quả.

Các chương trình hỗ trợ tiền mặt có thể mang lại tác động gián tiếp cho sức khỏe tâm thần của trẻ em và trẻ vị thành niên thông qua việc tăng cường sự tham gia của nhà trường, thúc đẩy an ninh lương thực và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội.

Trong bối cảnh nhân đạo, việc thực hiện cẩn trọng các can thiệp nhanh gọn, có cấu trúc chặt chẽ nhằm ứng phó tức thì với chứng trầm cảm, lo âu và rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể giúp tăng cường sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên.

Các khuyến nghị

Ở một độ tuổi và giai đoạn của cuộc đời khi trẻ em và thanh thiếu niên cần đặt nền tảng vững chắc cho sức khỏe tâm thần trong suốt cuộc đời, nhưng thay vào đó, họ phải đối mặt với những rủi ro và trải nghiệm có khả năng làm suy yếu những nền tảng đó. Cái giá phải trả đối với tất cả chúng ta vô cùng khôn lường.

Biện pháp ứng phó với thách thức trong việc thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên chưa thỏa đáng. Còn thiếu vắng sự lãnh đạo và đầu tư cùng với thái độ không sẵn sàng đương đầu với thách thức và nhiều khi không muốn nhắc đến chúng.

Chúng ta có thể không có tất cả câu trả lời, nhưng chúng ta đủ hiểu biết để có thể hành động ngay bây giờ để tăng cường sức khỏe tinh thần có lợi cho mọi trẻ em, bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương và chăm sóc trẻ em đang đối mặt với những thách thức lớn nhất. Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới năm 2021 thiết lập một khuôn khổ hướng dẫn phối hợp hành động nhằm đạt được các mục tiêu này. Nó dựa trên nhu cầu cam kết, đối thoại và hành động.

CAM KẾT có nghĩa là tăng cường khả năng lãnh đạo để xác định quan điểm của nhiều đối tác và các bên liên quan về những mục tiêu rõ ràng, đồng thời đảm bảo đầu tư vào giải pháp và con người trên nhiều lĩnh vực. Cam kết liên quan đến việc tăng cường khả năng lãnh đạo và quan hệ đối tác toàn cầu cũng như đầu tư hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

ĐỐI THOẠI mcó nghĩa là giải quyết sự kỳ thị xung quanh sức khỏe tâm thần, mở ra các cuộc đối thoại và tăng cường sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần. Điều đó đồng nghĩa với việc thúc đẩy đối thoại toàn cầu về sức khỏe tâm thần để nâng cao nhận thức và huy động tất cả các bên liên quan cùng hành động và tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập; đồng thời đảm bảo trẻ em, thanh thiếu niên và những người từng trải qua những thách thức về sức khỏe tâm thần tham gia vào đối thoại và đảm bảo họ được nói lên quan điểm và tham gia một cách có ý nghĩa vào việc xây dựng các biện pháp ứng phó liên quan đến sức khỏe tâm thần.

HÀNH ĐỘNG có nghĩa là nỗ lực giảm thiểu yếu tố nguy cơ và tối đa hóa yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần trên các phương diện đời sống trọng yếu của trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là gia đình và nhà trường. Suy rộng ra, hành động cũng có nghĩa là đầu tư và phát triển đội ngũ cán bộ trên một số lĩnh vực và hệ thống then chốt, bao gồm dịch vụ sức khỏe tâm thần và bảo trợ xã hội, đồng thời xây dựng phương pháp thu thập dữ liệu và nghiên cứu hiệu quả.

  • Hỗ trợ các gia đình, các bậc cha mẹ và người chăm sóc
  • Đảm bảo trường học hỗ trợ sức khỏe tâm thần
  • Tăng cường và trang bị nhiều hệ thống cùng đội ngũ cán bộ để đáp ứng những thách thức phức tạp
  • Cải thiện nguồn dữ liệu, nghiên cứu và bằng chứng

Nguyễn Chiều

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022

 

Bình luận: 0