TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 14/10/2024

Tiến tới một nền giáo dục hiện đại, đáp ứng nguồn nhân lực tốt cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

23:49 29/10/2020
Logo header Trước sự xu thế mới của thế giới và đất nước, trong những năm qua, ngành giáo dục Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình tích cực trong công tác dạy và học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác giáo dục ở nước ta ngày càng được chú trọng. Nhiều mô hình giáo dục thông minh (GDTM) đang được phát triển và thí điểm trên cả nước nhằm hỗ trợ quản lý giáo dục, giảng dạy và học tập thông minh, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển công nghệ của thế kỷ 21.

Giáo dục thông minh khiến các bài học cũng trở nên dễ hiểu hơn nhờ có các ví dụ trực quan sinh động, cùng với việc được thực hành trực tiếp trên lớp giúp học sinh có thể hiểu bài sâu hơn.

Bắt kịp với xu thế mới khi áp dụng CNTT cho dạy và học là một trong những việc mà ngành Giáo dục cần phải thúc đẩy sớm để đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao trong các công tác của mình. Công tác phát triển CNTT trong giáo dục cũng nhận được sự sự quan tâm, chú ý của Đảng, Nhà nước, điều đó thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách trong nhiều năm qua. Đặc biệt, Nghị quyết 36-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 01/7/2014 đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng trong việc đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo ở Trung ương và các địa phương; đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học và công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó định hướng đến năm 2025, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công nghệ thông tin trở thành động lực đổi mới quản lý, nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá trong giáo dục và đào tạo. Các chính sách trên thật sự là cơ sở vững chắc để tiến tới một môi trường GDTM, nâng cao khả năng dạy và học của toàn ngành Giáo dục. 

Trong những năm qua, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang triển khai rất nhiều những mô hình GDTM cho việc dạy và học đặc biệt là bậc tiểu học và trung học (đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,…) và đã thu được một số kết quả khá tích cực. Gần đây, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hợp tác với NTT Việt Nam (là một công ty con của Công ty NTT e-Asia của Nhật Bản) tạo ra hệ thống giáo dục thông minh Smart Education. Đây là một trong những hệ thống được đánh giá cao và đang được rất nhiều trường học tại Nhật Bản áp dụng để phục vụ công tác giảng dạy. Về việc triển khai phương pháp học tập Smartedu ông Trần Mai đại diện VNPT chia sẻ: “Hiện nay, phương pháp giáo dục thông minh Smartedu đã được triển khai thí điểm trên khắp ba miền. Các trường khi được triển khai đã đánh giá hiệu quả rất tốt, thay đổi hỗ trợ giáo viên việc giảng dạy. Hiện tại VNPT cũng rất muốn mở rộng đến các tỉnh thành phố khác tuy nhiên để triển khai được hay không cũng phụ thuộc rất nhiều về năng lực tài chính, định hướng sở giáo dục của từng địa phương. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới VNPT sẵn sàng đồng hành cùng với các trường giải quyết khó khăn để có thể triển khai lớp học thông minh trên diện rộng với 63 tỉnh thành.”. Ông Shunichi Kondo, đại diện về phía Công ty NTT e-Asia chia sẻ: “Từ tháng 01/2018 Smartedu đã được đưa vào thử nghiệm và đưa vào thương mại hóa chính thức từ 9/2019 đến nay. Smartedu là một nền tảng giáo viên sẽ là người đưa nội dung bài giảng đưa lên. Khi học với phương pháp này, trí tưởng tượng của học sinh sẽ được phát triển rất nhiều khi sử dụng thiết bị tương tác thông qua máy tính bảng. Học sinh được tiếp cận với thiết bị công nghệ quen thuộc, những hình ảnh được tô màu, trực tiếp thực hành, bài tập cô giáo đưa ra và nộp bài ngay trên lớp làm tăng sự hứng thú của học sinh lên rất nhiều. Thông qua phần mềm này khi làm bài tập với các môn như toán, khoa học cần trí tưởng tượng và những môn rất cần sự tương tác và trực quan đặc biệt những môn như lịch sử, ngoại ngữ sẽ giúp các em tiếp thu tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra học sinh làm bài tập ở nhà có thể gửi trực tiếp cho giáo viên. Chúng tôi luôn có đội ngũ hỗ trợ từ ban đầu, thu thập ý kiến của giáo viên và không ngừng cải tiến. Ngoài việc tiếp cận các trường tư thục, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu phương pháp học tập thông minh này đến các trường công lập để thầy cô có thể tiếp cận và triển khai được mô hình này.”. Chương trình hiện nay đã được thí điểm tại một số trường phổ thông tại một số địa phương như Hà Nội, Huế. TP Hồ Chí Minh. Sau một thời gian thí điểm triển khai chương trình, đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ phía giáo viên và học sinh. “Sau hơn hai năm sử dụng, bước đầu cũng có những bỡ ngỡ nhưng được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của VNPT về công nghệ, đến nay Các bài học cũng trở nên dễ hiểu hơn, nhờ có các ví dụ trực quan sinh động; việc được thực hành trực tiếp trên lớp đã giúp các em hiểu bài sâu hơn, từ đó phát huy được tính sáng tạo, năng lực tư duy, cách làm việc nhóm và các kỹ năng cần thiết khác. Các em học sinh rất thích và luôn mong chờ để đến với những tiết học này” - đó là một ý kiến của giáo viên tại trường tiểu học Archimedes Academy, quận Cầu Giấy, Hà Nội sau 02 năm triển khai chương trình. Theo đánh giá chung, song song với nhiều phương pháp giáo dục mới, các môn học được áp dụng chương trình này như: Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ,… đều thu được hiệu quả tốt thông qua thành tích học tập tiến bộ của học sinh. 

Xu thế giáo dục thông minh ngày càng đáp ứng yêu cầu mới của xã hội khi cùng song hành với sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ

Theo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, GDTM là một mô hình giáo dục sử dụng CNTT để thay đổi cách thức giáo dục cho tương lai. Với ưu điểm của các giải pháp này là giáo viên có thể biên soạn và phân phát tài liệu số trực tiếp đến lớp học, có thể kiểm tra quá trình học tập của các em học sinh bất cứ lúc nào và câu trả lời của học sinh được lưu trên “đám mây”, dễ dàng soi chiếu kết quả khi các em hoàn thiện bài kiểm tra. Các bài học cũng trở nên dễ hiểu hơn nhờ có các ví dụ trực quan sinh động, cùng với việc được thực hành trực tiếp trên lớp đã giúp các em hiểu bài sâu hơn, từ đó phát huy tính sáng tạo, năng lực tư duy, cách làm việc nhóm. Thực tế việc triển khai các chương trình GDTM đã được các nước trên thế giới thực hiện từ rất sớm và đã có nhiều thành công như Mỹ, Nhật Bản, Singapore,.. Điển hình như tại Nhật Bản - một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới hiện nay (đứng thứ 3 thế giới năm 2016 - đánh giá của Unicef) công nghệ thông tin được coi là công cụ hữu hiệu để hiện thực hóa các mục tiêu trong giáo dục. Tại đây, GDTM đã được đưa vào các nhà trường từ những cấp học thấp nhất và kết quả kiểm tra của Bộ Giáo dục nước này cho thấy thực sự đã đem lại hiệu quả rất cao. Hơn 91% học sinh bắt kịp nội dung buổi học, trên 90% nhớ nội dung đã học, trên 86% học sinh đào sâu suy nghĩ, hiểu sâu hơn nội dung bài học…

Có thể thấy rằng, xu thế GDTM là sự đòi hỏi cần thiết của một không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Các giải pháp, chương trình GDTM có thể đáp ứng nhu cầu trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong tương lai, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa trong xu thế đất nước đang hội nhập và phát triển ngày một sâu rộng.

Tiến Đạt
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20

Bình luận: 0