TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Tòa nhà hỗn hợp GP Tower tại khu đất vàng số 9 Phạm Văn Đồng: Có hay không nguy cơ thất thoát tài sản công và chuyển mục đích sử dụng đất trái quy hoạch? (Kỳ 2)

15:00 24/12/2020
Logo header Bất chấp quy hoạch và pháp luật về quy hoạch - có hay không sự hiện diện của “nhóm lợi ích” dựa trên “quan hệ thân hữu” để phá vỡ quy hoạch và biến tướng khu đất vàng số 9 đường Phạm Văn Đồng?

Như đã thông tin tại kỳ trước, trong khuôn khổ các chuyên đề: “Pháp luật và thực hiện pháp luật về Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đầu tư, xây dựng và đất đai ở Việt Nam” và “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường”, Tạp chí Tri thức Xanh đã rà soát 50 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2020. Trong đó, Dự án Tòa nhà hỗn hợp GP Tower do Công ty cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu làm chủ đầu tư tại số 9 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu giấy, Hà Nội là một trong những dự án có nhiều dấu hiệu bất cập trong thực thi pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, quản lý sử dụng tài sản công…

Theo đó, Dự án Tòa nhà hỗn hợp GP Tower (khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê) được UBND thành phố Hà Nội Quyết định chủ trương đầu tư, giao chủ đầu tư lần đầu tại Quyết định số 1560/QĐ-UBND ngày 02/4/2018. Tại Quyết định này, UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty TNHH đầu tư kỹ thuật công trình Toàn Cầu (là pháp nhân hình thành do sự góp vốn của Công ty CP kỹ thuật công trình Việt Nam và Công ty CP đầu tư bất động sản Toàn Cầu?) làm chủ đầu tư.

Ngày 17/10/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5792/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cho 2 nhà đầu tư làm chủ đầu tư, gồm Công ty CP kỹ thuật công trình Việt Nam và Công ty CP đầu tư bất động sản Toàn Cầu. Việc hợp tác kinh doanh của 02 doanh nghiệp theo Hợp đồng liên danh hợp tác đầu tư số 06/HTLDĐT/GPI-2T ngày 24/5/2019 (tính pháp lý của Hợp đồng liên danh hợp tác đầu tư này, nhóm tác giả sẽ làm rõ trong các kỳ tiếp theo).

Theo các quyết định chủ trương đầu tư kể trên, quy mô diện tích đất Dự án khoảng 4.912,5m2 (trong đó: Diện tích đất mở đường quy hoạch khoảng 102,5m2; Diện tích đất lập Dự án khoảng 4.809,7m2). Quy mô và nội dung đầu tư: Xây dựng công trình hỗn hợp nhà ở, dịch vụ, thương mại, văn phòng cao tầng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 63.828m2, gồm 30 tầng và 03 tầng hầm, tổng số căn hộ 350 căn, quy mô dân số khoảng 950 người. Quy mô công trình tuân theo Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình được chấp thuận tại văn bản số 5910/QHKT-TMB-PAKT-P1 ngày 06/9/2017 và số 539/QHKT-PAKT(P1) ngày 28/01/2019 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc.

Theo Điều 33 Luật Đầu tư 2014 về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nội dung báo cáo thẩm định gồm: “…Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án”.

Khoản 2, Điều 14 Luật Xây dựng 2014 về nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng quy định: Việc thực hiện chương trình, hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan phải tuân thủ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và phù hợp với nguồn lực huy động; Cấp độ quy hoạch xây dựng phải bảo đảm thống nhất và phù hợp với quy hoạch có cấp độ cao hơn.

Vậy, việc phê duyệt Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình tại văn bản số 5910/QHKT-TMB-PAKT-P1 ngày 06/9/2017 và số 539/QHKT-PAKT(P1) ngày 28/01/2019 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc có phù hợp với quy định của pháp luật?

Theo Quyết định số 6632/QĐ-UBND ngày 02/12/2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000, khu đất tại số 9 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy do Công ty Cổ phần Kỹ thuật công trình Việt Nam đang quản lý, sử dụng có chức năng là đất cơ quan nghiên cứu, trường đào tạo.

Vậy, căn cứ nào để Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận bản vẽ Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình tại văn bản số 5910/QHKT-TMB-PAKT-P1 ngày 06/9/2017 và số 539/QHKT-PAKT(P1) ngày 28/01/2019, làm cơ sở để UBND Thành phố Hà Nội cho phép Công ty Cổ phần Kỹ thuật công trình Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu thực hiện Dự án nhà ở thương mại?

Tại sao Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2000 xác định chức năng sử dụng đất là đất cơ quan nghiên cứu, trường đào tạo, mà Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội lại có thể phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 với chức năng công trình là khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ thương mại, văn phòng?

Liệu Văn bản số 44/BXD-QLN ngày 07/03/2017 của Bộ Xây dựng, Văn bản số 4515/VP-ĐT ngày 13/6/2017 của Văn phòng UBND Thành phố và Văn bản số 5910/QHKT-TMB-PAKT-P1 ngày 06/9/2017 có phải là Quyết định hành chính, thay thế hoặc điều chỉnh Quyết định số 6632/QĐ-UBND ngày 02/12/2015 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội? Liệu có còn sự nghiêm minh của pháp luật và tính pháp lý của quy hoạch?

Thực tế việc chuyển đổi và phê duyệt quy hoạch như thế nào?

Tình trạng này khiến dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền Thành phố, tại sao người dân vướng quy hoạch treo hàng chục năm không thể xin cấp phép xây dựng nhà ở, thậm chí sau khi xây dựng còn bị cưỡng chế phá dỡ, mà doanh nghiệp lại có thể lập quy hoạch chi tiết, lập dự án trái quy hoạch phân khu đô thị? Nếu tình trạng này là đúng pháp luật, liệu sau bao nhiêu lâu nữa, tất cả các quy hoạch trên địa bàn Thủ đô sẽ bị “vỡ”? Tại sao dự án 8B Lê Trực thì bị cưỡng chế phá dỡ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho tất cả các bên, trong khi đó, ở một nơi khác cách đó không xa thì chính quyền Thành phố vẫn cho phép xây dựng chung cư trên đất quy hoạch cơ quan nghiên cứu, trường đào tạo? Động lực nào đã khiến thành phố Hà Nội ban hành những quyết định như vậy? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu hạ tầng xã hội, hạ tầng môi trường không đáp ứng được cho gần một nghìn người dân do “vỡ quy hoạch”?

Hàng loạt những vấn đề bất cập trong tổ chức thực hiện pháp luật tại dự án Tòa nhà hỗn hợp GP Tower cho thấy những lỗ hổng nguy hiểm trong quy trình quản lý, sử dụng tài sản công, quy trình quản lý thực hiện quy hoạch cũng như thực hiện pháp luật về đất đai, xây dựng... Trong khuôn khổ các Chuyên đề: “Pháp luật và thực hiện pháp luật về Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đầu tư, xây dựng và đất đai ở Việt Nam”, và Chuyên đề: “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường”, nhóm tác giả sẽ tiếp tục phân tích cụ thể những dấu hiệu sai phạm và bất cập tại Dự án này, đồng thời kiến nghị cụ thể với cấp có thẩm quyền, làm rõ lộ trình pháp lý để xử lý những sai phạm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý, góp phần khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật.

Đức Phúc và Nhóm phóng viên điều tra.

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 42 - 20

(*) Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ các chuyên đề: “Pháp luật và thực hiện pháp luật về Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đầu tư, xây dựng và đất đai ở Việt Nam” và “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường” (Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã chuẩn y thực hiện Chuyên đề tại Công văn số 7643/VP-ĐT ngày 15/8/2019).

Bình luận: 0