Trường Tiểu học Trung Văn: Hãy nâng niu tâm hồn trẻ và có sự tôn trọng, tinh thần trách nhiệm bảo vệ nhà trường cùng đội ngũ giáo viên để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh
Hãy nêu cao tinh thần, trách nhiệm bảo vệ Nhà trường cùng đội ngũ giáo viên để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Hiện nay sự yêu chiều, lo lắng một cách thái quá của nhiều vị phụ huynh đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới vai trò giáo dục của người thầy. Sự quan tâm quá mức của các bậc phụ huynh không chỉ là thành tích học tập mà còn là mọi hoạt động của trẻ. Chính sự quan tâm “thái quá” này không những tạo ra áp lực lớn cho trẻ, cho giáo viên – người thầy trực tiếp giảng dạy, mà còn cho chính bản thân phụ huynh học sinh. Bằng ý chí, tư duy chủ quan của mình, nhiều phụ huynh áp đặt cách nghĩ tiêu cực lên đầu giáo viên và nhà trường với lý do vô cùng chính đáng là bảo vệ con trẻ, mà quên mất rằng những “người lái đò” này cũng cần được cảm thông và bảo vệ, bởi trách nhiệm của họ đối với mỗi đứa trẻ, với xã hội là quá lớn. Đáng buồn thay khi nghề giáo xưa vẫn được coi là một nghề cao quý nhất trong xã hội, nay lại đang dần trở thành một nghề nguy hiểm nhất trong tất cả các nghề, giáo viên ngày nay phải è dè trong từng câu chữ, hành động của mình đối với trẻ, chỉ để làm vừa lòng các bậc phụ huynh, vậy thì tâm trạng đâu mà thỏa chí sáng tạo với nghề? Đơn cử như sự việc bạo hành xâm, phạm thân thể, nhân phẩm giáo viên tại một trường tiểu học ở Long An gây xôn xao dư luận hồi đầu năm 2018, cao trào đến mức phụ huynh đã dùng lời nói ép cô giáo trẻ phải quỳ gối sau khi biết được cô giáo phạt con mình có chút nặng nề; hay như một cô giáo tại của trường mầm non trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bị phụ huynh xông vào trường ép quỳ xin lỗi và bị hành hung trong khi đang mang thai...
Sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, khi một cô giáo trẻ bị 17 phụ huynh trong lớp do mình đứng chủ nhiệm gửi Đơn tố giác với cấp có thẩm quyền cũng là một đơn cử điển hình khiến cả nhà trường lẫn giáo viên điêu đứng, trong khi những tố giác lại “không đủ căn cứ” để kết luận thành tội danh; cả nhà trường và Cơ quan Cảnh sát điều tra cùng tích cực xem xét, làm rõ sự việc, đưa ra những định hướng giải quyết hài hòa, thế nhưng một nhóm người nào đó, với mục đích thiếu nhân văn đã đưa thông tin chủ quan, thiếu căn cứ lên mạng xã hội (MXH), kích động cộng đồng mạng, dẫn dắt dư luận chỉ trích giáo viên, gây ảnh hưởng rất xấu. Bản thân nhà trường, vì không muốn sự việc bị đẩy ra thực tế, đã phải cử một giáo viên chủ nhiệm khác thay cô giáo bị tố giác, vừa là để cô giáo có điều kiện tĩnh tâm trong giai đoạn “bão” dư luận, vừa không làm gián đoạn và ảnh hưởng tới tâm lý cũng như kết quả học tập của học sinh. Vậy nhưng sự việc vẫn chưa thể dừng ở đó khi Cô giáo này chưa bị sa thải nên chính vì thế mà cho đến hiện nay, cô giáo trẻ, đầy nhiệt huyết vẫn đang phải tạm dừng công tác giáo viên Chủ nhiệm lớp để phục vụ điều tra, như thế liệu có đau xót hay không?
Bàn về cách ứng xử của phụ huynh học sinh trong các cơ sở giáo dục, ta nhận thấy những hành động này cũng cần được thực hiện theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn. Giả thiết đặt ra, nếu giáo viên cư xử thiếu chuẩn mực với học sinh thì phụ huynh học sinh cũng không thể vì thế mà thiếu chuẩn mực như giáo viên được, bởi như vậy thì sẽ không bao giờ có một môi trường giáo dục lành mạnh, nhân văn. Hãy đặt yếu tố sức khỏe, học tập của con trẻ lên hàng đầu, hãy “chừa chỗ” sửa sai cho giáo viên (nếu có), có như vậy thì nhà giáo mới vững tâm hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó các cấp quản lý cũng luôn có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, xem xét, đánh giá năng lực giáo viên và chất lượng giảng dạy nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho trẻ, cho nên nếu có sự việc không muốn xảy ra trong môi trường giáo dục thì các phụ huynh học sinh cần phải bình tĩnh và tôn trọng kết luận từ phía các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Không nên có hành vi tiêu cực mà có thể dẫn đến ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, đừng vì nóng vội mà đẩy bản thân đứng trước nguy cơ vi phạm pháp luật.
Nhiều người thầy, cô hạnh phúc sẽ có nhiều học trò hạnh phúc.
Trao đổi với cô H – giáo viên Trường Tiểu học Trung Văn, cô giáo bày tỏ sự lo lắng: “Sự việc xảy ra đến nay đã hơn nửa năm nhưng mọi kết luận của cơ quan chức năng vẫn chỉ dừng lại ở “Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm”, trong khi nhà trường yêu cầu “Kết quả giải quyết” thì mới khôi phục công việc Chủ nhiệm lớp cho tôi. Hàng ngày, vẫn có một vài nhóm người xới lên những thông tin cũ chưa kiểm chứng trên MXH bằng cách chia sẻ những bài viết cũ, thiếu căn cứ buộc tội tôi nhằm kích động dư luận chửi bới, mạt sát tôi, khiến tôi cảm thấy rất đau lòng và bản thân rơi vào tình trạng khủng hoảng. Cho đến hiện tại, tôi vẫn khẳng định tôi không bạo hành học sinh như phụ huynh đã tố giác, đồng thời tôi cũng rất mong “Kết quả” từ Cơ quan cảnh sát điều tra để chấm dứt câu chuyện này”. Được biết, ngày 08/7/2020 vừa qua, cô giáo H một lần nữa nộp Đơn đề nghị tới Công an Quận Nam Từ Liêm để đề nghị cấp có thẩm quyền này ban hành Kết luận giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm đối với cô. Cô H cho rằng: “Đến bây giờ nỗi đau lớn nhất trong sự nghiệp giáo dục của tôi là việc các phụ huynh chính những học sinh tôi luôn tâm huyết truyền đạt kiến thức lại hiểu sai, có hành vi vu khống và bôi nhọ danh dự của tôi. Bên cạnh đó trong khi sự việc đã qua được hơn nửa năm mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng để tôi ổn định công việc cuộc sống. Đau đớn là trong lúc mọi việc chưa rõ ràng, cụ thể nhà trường lại chưa có hành vi thiết thực giúp đỡ tôi. Tôi cũng rất mong cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc điều tra và đưa ra kết luận rõ ràng để tôi ổn định công việc và cuộc sống”. Có người từng chia sẻ: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, như vậy nhiều thầy, cô giáo hạnh phúc sẽ có nhiều học trò hạnh phúc, học trò hạnh phúc sẽ thỏa sức sáng tạo và sẽ có đóng góp rất lớn vào sự phát triển cho đất nước. Thiết nghĩ, sự tôn trọng cho những con người đang thực hiện sứ mệnh giáo dục mầm non tương lai của đất nước là rất cần thiết.
Nguyễn Hân - Đức Đông
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 23 - 20
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)