TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 27/11/2024

Trường Tiểu học Trung Văn: Hãy nâng niu tâm hồn trẻ và có trách nhiệm bảo vệ Nhà trường cùng đội ngũ giáo viên để đảm bảo môi trường giáo dục với đúng nghĩa Trường đạt Chuẩn Quốc gia

19:12 03/07/2020
Logo header Trẻ em cần được sống và lớn lên trong môi trường lành mạnh và an toàn - Đó là mục tiêu của tất cả chúng ta!. Không chỉ vậy trẻ em cũng cần được đảm bảo rằng trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển qua quá trình nhận thức của chính mình. Bao gồm quyền được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt mà mọi người, mọi gia đình dành cho trẻ em và cả quyền được cha mẹ yêu thương, cũng như những nhu cầu căn bản như được ăn uống, được giáo dục, được chăm sóc sức khoẻ, tâm lý.

Người ta vẫn ví trẻ em như “một tờ giấy trắng”, bởi vậy mọi tác động từ hành động, ý thức đến tư tưởng xung quanh sẽ tạo cho trẻ thói quen và dễ bị ảnh hưởng. Nếu những hành động, cử chỉ và ý thức tốt thì trẻ sẽ ảnh hưởng tốt, còn nếu không thì trẻ cũng bị nhiễm những thói hư, tật xấu. Xưa hay có câu: “Trẻ em chính là tấm gương phản chiếu lại hành động, cử chỉ của người lớn”. 

Tại nhiều trường học hiện nay, do các lý do chủ quan và cả khách quan nhiều bậc phụ huynh thường phó thác sự quan tâm chăm sóc con mình cho nhà trường hoặc các cô giáo, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. Mặc dù rất nhiều cô giáo, nhà trường đã đưa vấn đề phối hợp giữa gia đình và nhà trường thành những chương trình cụ thể, nhưng gần như sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường vẫn chỉ mang tính hình thức chứ chưa thực sự chất lượng. Nhiều giáo viên phải cùng một lúc đảm nhiệm trách nhiệm đứng lớp của một giáo viên và kiêm luôn trách nhiệm của một bậc cha, mẹ khiến họ gặp phải không ít áp lực. Thế nhưng không ít những phụ huynh học sinh không biết, không hiểu được đúng nghĩa của “nhà sư phạm” để phối nuôi dạy trẻ, vậy nên nhiều nơi, nhiều giáo viên đã trở thành “tâm điểm” cho những suy nghĩ thiếu tích cực gây ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của các thầy cô, của mái trường xã hội chủ nghĩa, của nền tảng giáo dục và đặc biệt nguy hại là chính tâm lý và suy nghĩ của trẻ em. Nhất là từ khi mạng xã hội phát triển, đương nhiên những trường hợp giáo viên hoặc những người trông trẻ không có tư cách  phương pháp sư phạm nhưng làm công tác giáo dục có những hành vi sai trái thì mặt tích cực của mạng xã hội đã góp phần vào việc bảo vệ trẻ em. Nhưng cũng không ít những trường hợp thông tin mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng đã làm ảnh hưởng đến nhân cách của giáo viên, uy tín của nhà trường và gây không ít những hệ lụy cho xã hội. Những việc làm như vậy cần phải được lên án và các cơ quan phụ trách phải làm rõ và xử lý nghiêm minh, nhất là khi Nhà nước ta đang có cả một bộ Luật An ninh mạng.

Gần đây, vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đang là một hồi chuông báo động cho nhiều người về việc đăng tải, chia sẻ video chứa nội dung thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội khiến cho một giáo viên dạy giỏi có thâm niên trong nghề hàng chục năm trời phải xấu hổ xin tạm dừng công tác chủ nhiệm lớp. Cụ thể, vào cuối năm 2019 nhiều đoạn video đồng loạt được các facebooker (trong đó có cả các phụ huynh học sinh) chia sẻ rầm rộ trên mạng về việc được cho là giáo viên có hành vi bạo hành học sinh. Đồng thời người giáo viên đó cũng bị 17 phụ huynh đồng loạt ký đơn tố cáo là có hành vi bạo hành học sinh. Tuy nhiên, theo báo cáo ban đầu của Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) quận Nam Từ Liêm, những dữ liệu phụ huynh lớp 2B thuộc Trường tiểu học Trung Văn cung cấp chưa đủ cơ sở kết luận có hay không việc giáo viên chủ nhiệm có hành vi đánh học sinh. Vụ việc không dừng lại ở đó, sau khi có thông tin ban đầu của Phòng GD&ĐT và nhiều buổi làm việc trực tiếp với các phụ huynh học sinh các đoạn video vẫn tiếp tục được các đối tượng đăng tải trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tới tâm lý và danh dự cho chính giáo viên và làm xói mòn uy tín nhà trường, nhất lại là một ngôi trường đạt Chuẩn Quốc gia. Chiều ngày 29/6/2020, phóng viên Tri thức Xanh đã đến Trường Tiểu học Trung Văn làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường thì được biết sự việc bắt nguồn từ việc các phụ huynh học sinh lớp 2B muốn nhà trường đổi giáo viên Chủ nhiệm lớp là cô giáo P.T.T H. Thế nhưng theo đánh giá về năng lực, cũng như đạo đức nghề nghiệp của cô giáo P.T.T.H, cô Giang Thanh Thủy - Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Trung Văn luôn ghi nhận sự cố gắng cao trong công tác giảng dạy và cảm thấy hết sức thất vọng khi một đồng nghiệp của mình có thâm huyết với nghề, có chuyên môn nghiệp vụ tốt lại không được một số phụ huynh coi trọng. Cô Thủy cho biết: “Ngành có đánh giá tiêu chuẩn giáo viên chuẩn nghề nghiệp về công chức, viên chức, hàng năm cô P.T.T.H luôn là một trong những giáo viên hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ... Về sự việc đã xảy ra đó là điều không mong muốn, tất cả giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh,.. đều không mong muốn điều đó” 

Sau khi trao đổi với cô Hiệu trưởng và xem lại video có nội dung đăng tải về cô Chủ nhiệm lớp 2B của Trường Tiểu học Trung Văn, chúng tôi nghĩ rằng với một người giáo viện dạy giỏi được Cơ quan và ngành ghi nhận, đánh giá cao về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp như vậy thì cớ làm sao một sự việc xảy ra bởi một đoạn video không đủ cơ sở, chưa được kiểm chứng lại khiến cho các phụ huynh phải bức xúc muốn thay đổi giáo viên đang hàng ngày chăm lo cho con cái họ, liệu rằng có sự kích động nào hay không? Hay đằng sau còn có những vấn đề khác về việc cố tình bôi nhọ danh dự của người giáo viên, của một ngôi trường đạt Chuẩn Quốc gia?. Tuy nhiên cũng không thể nói là vô cớ! Bởi vậy nên trước đó, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận thông tin sự việc và câu hỏi có hay không việc cô P.T.T.H có hành vi bạo lực với học sinh luôn làm chúng tôi - những người làm báo đặt ra. Giả thiết nếu có hiện tượng đó thì không cần phải bằng chứng là hình ảnh hay video, chúng tôi cũng quyết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm sáng tỏ sự việc để bảo vệ nền tảng, môi trường giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em. Tuy nhiên, khi bị hỏi xoáy nhiều lần, cô giáo P.T.T.H vẫn luôn khẳng định: “Tôi hoàn toàn không có hành vi bạo hành, bạo lực học sinh như đã bị vu khống. Người ta tố cáo tôi nhưng con họ không có một dấu hiệu nào bị bạo hành cả. Không chỉ vậy người ta còn đổ cho tôi bạo hành tâm lý học sinh khiến các con học sinh khóc nhưng thực chất những  hình ảnh trong video đó là hình ảnh khi các con học sinh khóc do nhớ tôi, không muốn rời xa tôi. Trong cả 3 cuộc đàm thoại với phụ huynh vào ngày 02/12, ngày 28/12/2019 và ngày 02/01/2020, mấy vị phụ huynh luôn yêu cầu tôi xin lỗi Ban Giám hiệu trước mặt họ. Để thể hiện tinh thần cầu thị, việc họ yêu cầu đó tôi cũng làm. Tuy nhiên tôi chỉ xin lỗi Ban Giám hiệu về việc trong lúc tôi chán trường tôi viết đơn xin tạm dừng công tác Chủ nhiệm làm ảnh hưởng xấu đến nhà trường chứ việc họ cho rằng tôi có hành vi bạo hành tôi không xin lỗi. Vì tôi luôn mến nghề, yêu trẻ và có trách nhiệm với các con học sinh như với chính con đẻ của mình, sao tôi có thể bạo hành được?!, mà phải xin lỗi”. 

Hãy nâng niu tâm hồn trẻ và có trách nhiệm bảo vệ Nhà trường cùng đội ngũ giáo viên để đảm bảo môi trường giáo dục với đúng nghĩa Trường đạt Chuẩn Quốc gia

Theo tìm hiểu của phóng viên thì ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, nhiều phụ huynh học sinh lớp 2B Trường Tiểu học Trung Văn đã ra sức bảo vệ cô giáo P.T.T.H, họ bày tỏ thái độ không đồng tình với ý kiến của một số phụ huynh có cái nhìn thiếu khách quan, trung thực và họ cũng đã làm đơn với nội dung cụ thể như sau: “Kính mong các phòng ban chức năng trong Quận, Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện để cô giáo P.T.T.H ổn định thời gian đứng lớp dạy, thực hiện tốt công tác Chủ nhiệm cho các con lớp 2B đến hết năm học 2019-2020”. Ngoài ra những phụ huynh này cũng cho rằng: “Nhà trường cần có biện pháp ngăn chặn một số phụ huynh, không biết đúng hay sai đã vào lớp to tiếng với giáo viên. Vì nơi đây là trường học chứ không phải ngoài chợ, thích nói gì thì nói, làm ảnh hưởng đến môi trường sư phạm và rất có thể làm cho học sinh thiếu sự tôn trọng với thầy cô giáo”.

Không chỉ vậy ngay sau khi được Nhà trường “chiều” theo ý một số phụ huynh học sinh thì họ lại tiếp tục muốn đưa sự việc theo thông tin đoạn video lan truyền trên mạng xã hội mà nhân vật được cho là cô giáo P.T.T.H này ra cơ quan công an. Mặc dù được biết trước đó, báo cáo ban đầu của Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho biết những dữ liệu phụ huynh lớp 2B thuộc Trường Tiểu học Trung Văn cung cấp chưa đủ cơ sở kết luận có hay không việc giáo viên chủ nhiệm đánh học sinh. Vậy nguyên nhân nào kiến họ tiếp tục muốn đưa ra cơ quan công an. Liệu rằng đây có phải là một hành động dồn ép một giáo viên đang tâm huyết với nghề của một số đối tượng có hành vi chống phá sự yên bình của một mái trường hay không? Về phía trách nhiệm giải quyết vụ việc của Nhà trường, ban Giám hiệu cho rằng Nhà trường đã hết sức cố gắng trong việc giải quyết nhưng khi có yêu cầu để cơ quan công an giải quyết từ một số phụ huynh học sinh thì Nhà trường buộc phải chờ kết quả.
Tuy nhiên theo Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo thì trách nhiệm giải quyết khiếu nại hoặc tố cáo mà đối tượng bị khiếu nại hoặc bị tố cáo là thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mà người bị khiếu nại hoặc tố cáo trực tiếp công tác. Cụ thể, theo Điều 5 Luật Tố cáo do Quốc hội Ban hành ngày 12/6/2018 quy định: “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: a) Tổ chức việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; b) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo mà không tiếp nhận, không giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hoặc giải quyết tố cáo trái pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật”. Vậy nên trong trường hợp sự vụ của cô giáo P.T.T.H giáo viên Chủ nhiệm lớp 2B Trường Tiểu học Trung Văn bị một số phụ huynh học sinh tố cáo có hành vi bạo hành học sinh thì trách nhiệm giải quyết tố cáo đầu tiên phải thuộc về Ban Giám hiệu Nhà trường. 

Thiết nghĩ: Đã đến lúc các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc, xác minh làm rõ sự việc và có biện pháp ngăn chặn những hành vi bạo hành học sinh nếu có. Bằng không cũng phải làm rõ việc tại sao có đoạn video clip với những nội dung thông tin chưa đủ căn cứ (như Phòng GD&ĐT thông tin ban đầu) phát tán, lan truyền trên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến cô giáo P.T.T.H và Trường Tiểu học Trung Văn. Với trách nhiệm người làm báo và tinh thần thượng tôn pháp luật, trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em và truyền thống tôn vinh các thầy cô, tác giả bài viết này xin đề nghị Ngành Giáo dục Hà Nội và các cơ quan chức năng có thầm quyền - đặc biệt là Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trung Văn cần có chính kiến về sự việc và có biện pháp giải quyết sự việc một cách kiên quyết sao cho thật thấu tình, đạt lý nhằm trả lại sự công tâm cho giáo viên, cho Nhà trường và cho các phụ huynh học sinh. Ai cũng muốn các con “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thế nhưng chính những áp lực từ sự tiếp nhận thông tin lan truyền trên mạng xã hội cũng như cách giải quyết sự vụ không rõ ràng, quyết liệt đang vô hình chung tạo ra bức tranh về một môi trường giáo dục đầy căng thẳng cho chính học sinh và phụ huynh học sinh cũng như cho chính những nhà giáo và nhà trường. 

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 17 - 20

Bình luận: 0