Trường tiểu học Trung Văn: Hãy nâng niu tâm hồn trẻ và có trách nhiệm bảo vệ nhà trường cùng đội ngũ giáo viên để đảm bảo môi trường giáo dục với đúng nghĩa Trường đạt chuẩn Quốc gia (Tiếp theo kỳ trước)
Đây được coi là một sự hỗ trợ từ phía Nhà trường đối với giáo viên của mình, nhưng nếu không có kết quả làm rõ sự việc thì áp lực của cả Nhà trường lẫn giáo viên sẽ còn kéo dài đến bao giờ?
Hãy nâng niu tâm hồn trẻ và có trách nhiệm bảo vệ Nhà trường cùng đội ngũ giáo viên để đảm bảo môi trường giáo dục với đúng nghĩa Trường đạt Chuẩn Quốc gia
Khi đạo đức nghề giáo bị ảnh hưởng bởi thông tin “xấu, độc”
Cũng theo cô Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Văn thì khi Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường tiếp nhận Đơn tố cáo của một nhóm gồm 17 phụ huynh học sinh lớp 2B về việc cô chủ nhiệm bạo hành học sinh, thì ngay sau đó 01 ngày, trên mạng xã hội (MXH) đã tràn ngập những hình ảnh được cho là có liên quan đến nội dung tố cáo được nêu trong đơn. Khi ấy, với trách nhiệm của Nhà trường, BGH đã đồng ý theo đề nghị của nhóm phụ huynh học sinh này là đổi giáo viên Chủ nhiệm lớp. Thế nhưng nhóm phụ huynh học sinh này vẫn không hài lòng trước sự giải quyết của Nhà trường và tiếp tục gửi Đơn tố cáo đi các nơi khác. Cũng vì đạo đức nghề giáo mà BGH Nhà trường vừa làm công tác vận động tư tưởng giáo viên, vừa cố gắng “chiều” lòng các phụ huynh học sinh có Đơn, nhưng quả thật phụ huynh thật là khó chiều lòng. Bản thân Nhà trường cũng muốn yên ổn để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, nhưng liệu có thực sự yên ổn được không khi mà giáo viên của mình vẫn đang bị mang tiếng xấu trong suốt nhiều tháng qua mà chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng?. Cô Thủy cũng cho biết: “Theo thông tin Nhà trường nhận được thì vì dịch bệnh Covid-19 cho nên việc điều tra theo Đơn tố cáo cô giáo H đang bị tạm đình chỉ, chắc sẽ khôi phục điều tra lại trong thời gian tới”, còn theo tìm hiểu của phóng viên thì ngày 29/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liên đã ban hành Thông báo số 1396 về Kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với nội dung tố giác cô giáo H như sau: “Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với tố giác về tội phạm của 17 phụ huynh học sinh lớp 2B” mà không có lý do vì sao tạm đình chỉ khiến dư luận thì hoang mang, còn cô giáo (người bị tố giác) thì hàng ngày leo lắt vì không được “đứng lớp” một cách chính thức, chưa kể đến việc thường xuyên bị đe dọa, bôi nhọ trên MXH.
Việc ghi âm, quay phim lén rồi công bố lên mạng xã hội liệu có được luật pháp cho phép?
Khi phóng viên hỏi cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Văn rằng: “Nhà trường nghĩ sao khi có người vào lớp 2B lén gắn máy quay phim để rồi tung lên mạng xã hội như vậy? Công tác bảo vệ của nhà trường ra sao?” thì cô Thủy cho rằng: “Không ai cổ xúy cho hành động này, tuy nhiên Nhà trường không muốn đào xới lại vấn đề này, cũng như vì đạo đức nghề giáo nên Nhà trường cũng không làm rõ việc này”. Phải chăng vì biết những được yếu điểm của những cán bộ, giáo viên Nhà trường là luôn đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu mà một số phụ huynh học sinh quá khích đã có những hành vi thiếu nhân văn và liệu việc dùng MXH để truyền tải nội dung như vậy phù hợp quy định pháp luật hay không?
Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì hành vi lén ghi âm, ghi hình rồi sau đó tung lên mạng xã hội (ngoại trừ các cơ quan báo chí được phép tác nghiệp) thì dù mục đích tốt hay xấu cũng có thể vi phạm pháp luật. Điều 32 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý…; Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”. Hành vi quay lén rồi sau đó đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, uy tín của tổ chức là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 2 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Pháp luật hiện hành có một số quy định về tội phạm như: xâm phạm bí mật điện thoại, xâm phạm quyền tác giả, sử dụng trái phép thông tin trên mạng… Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà người thực hiện có thể bị xử lý tương ứng và phải bồi thường thiệt hại cho người bị xâm phạm. Với những người có hành vi đưa thông tin lên mạng xã hội nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, uy tín của tổ chức: nếu hành vi chưa nghiêm trọng đến mức xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng (theo Khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP), ngoài ra, người gây thiệt hại có thể bị kiện đòi bồi thường thiệt hại, bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Như vậy, nội dung băng ghi âm, ghi hình có giá trị tố cáo cũng như giá trị pháp lý như thế nào? Cho đến hiện nay, chưa có quy định cụ thể nào về các chỉ dấu và giá trị của băng ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng. Điều 86 Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Theo quy định này thì một thông tin, tài liệu được coi là chứng cứ của vụ án khi đáp ứng đủ 03 điều kiện sau: Những thông tin, tài liệu phải có thật, phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án; Là cơ sở để cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án; Những thông tin, tài liệu phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật hình sự quy định. Chứng cứ được xác định bằng các nguồn sau: vật chứng, lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, kết luận giám định, biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác (Điều 87 BLTTHS).
Chiểu theo các quy định nêu trên, thiết nghĩ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm nên sớm có kết luận về nội dung Đơn tố cáo hoặc ban hành quyết định đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm nếu thấy rằng không đủ cơ sở để kết luận về nội dung tố giác cô giáo H, đồng thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của cá nhân giáo viên và tập thể Trường Tiểu học Trung Văn, đem lại sự bình yên chốn học đường nơi đây.
Đức Đông
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 18 - 20
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)